Cái chết của Ivan I lyich – Lev Tolstoy

Khi bà còn ở trong phòng, ông không kịp thở lấy lại hơi, khi bà bước ra ngoài, ông thở dài nặng trĩu.

– Thôi được, – ông tự nhủ. – Có lẽ đúng là chưa việc gì…

Ông bắt đầu uống thuốc, thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ, những chỉ dẫn này sẽ thay đổi sau khi xét nghiệm nước tiểu. Nhưng chính ở đây đã xảy ra một sự lầm lẫn nào đó trong việc xét nghiệm nước tiểu và cả trong những việc phải làm tiếp sau cuộc xét nghiệm đó. Không thể đến vị bác sĩ được và hóa ra mọi việc diễn ra không phải như điều bác sĩ nói với ông. Hoặc là bác sĩ quên, hoặc là ông ta nói dối hay giấu giếm Ivan I lyich điều gì đó.

Nhưng Ivan I lyich vẫn cứ thực hiện đúng những chỉ dẫn của bác sĩ và thời gian đầu việc thực hiện những chỉ dẫn đó làm ông yên lòng.

Từ khi đi khám bệnh về, công việc chủ yếu của Ivan I lyich là làm đúng theo lời chỉ dẫn của bác sĩ về vệ sinh, uống thuốc và theo dõi cơn đau của mình, cũng như toàn bộ các chức năng của cơ thể. Bệnh tật và sức khỏe của con người trở thành mối quan tâm chủ yếu của Ivan I lyich. Khi người ta nói chuyện trước mặt ông về những người có bệnh, về những người chết và những người đã khỏi bệnh, đặc biệt là khi người ta nói tới bệnh giống bệnh của ông, ông cố giấu xúc động, chăm chú lắng nghe, hỏi han và vận dụng vào bệnh của mình.

Cơn đau không giảm, nhưng Ivan I lyich đã cố gắng bắt buộc mình nghĩ rằng bệnh tình của ông khá lớn. Và ông đã lừa dối được mình khi không có gì làm cho ông xúc động. Nhưng hễ xảy ra chuyện khó chịu với vợ, thất bại trong công vụ, những ván bài tồi tệ, là ông cảm thấy ngay toàn bộ bệnh tình trầm trọng của mình. Thường thường ông vẫn gặp những thất bại này, nhưng ông hy vọng là mình sẽ chỉnh đốn được ngay tình hình tồi tệ, sẽ đấu tranh cho kỳ đến thắng lợi, ăn to[20]. Bây giờ bất kỳ sự thất bại nào cũng làm cho ông kiệt sức và đẩy ông tới tuyệt vọng. Ông tự nhủ: Chỉ cần mình bắt đầu khấm khá lên và thuốc bắt đầu có hiệu lực, thế là cái trò bất hạnh đáng nguyền rủa hoặc sự khó chịu này… Và ông bực tức đối với nỗi bất hạnh hoặc đối với những người làm ông khó chịu và phiền lòng, ông cảm thấy sự bực tức đó sẽ giết hại ông, nhưng ông không thể nào kìm mình được. Tưởng như ông phải hiểu rõ rằng sự bực tức của ông đối với cảnh ngộ và mọi người sẽ làm cho bệnh ông nặng thêm, và vì vậy ông không nên để tâm tới những chuyện tình cờ khó chịu; nhưng ông đã suy luận hoàn toàn ngược lại, ông nói rằng ông cần yên tĩnh, ông theo dõi tất cả những gì phá vỡ sự yên tĩnh đó và bất kỳ sự vi phạm nào nhỏ nhặt nhất đều làm cho ông tức giận. Ông đọc các sách về y tế và đến hỏi ý kiến nhiều bác sĩ, những việc đó càng làm cho bệnh tình của ông tồi tệ hơn. Sự tồi tệ đó diễn ra đều đều khiến cho ông có thể lừa dối mình, khi so sánh ngày này với ngày khác, ông thấy sự khác nhau ít lắm. Nhưng khi ông đi hỏi ý kiến các bác sĩ, lúc ấy ông tưởng như bệnh tình của mình ngày một xấu đi và thậm chí xấu đi rất nhanh. Và mặc dầu vậy, ông vẫn thường xuyên đi hỏi ý kiến các bác sĩ.

Trong tháng đó, ông đến nhà một vị danh y khác. Vị danh y khác này cũng nói với ông những điều gần giống như vị đầu tiên, nhưng đặt ra những câu hỏi khác đi. Những lời khuyên của vị danh y này chỉ càng làm cho Ivan I lyich thêm hoài nghi và sợ hãi. Bạn của một người bạn Ivan I lyich là một bác sĩ rất giỏi, ông này xác định bệnh của Ivan I lyich hoàn toàn khác, và mặc dầu ông ta hứa hẹn sẽ chữa khỏi, nhưng những câu hỏi và những giả định của ông ta lại càng làm cho Ivan I lyich thêm nghi ngờ và bối rối. Một thầy thuốc dùng biện pháp vi lượng đồng căn lại chẩn đoán bệnh hoàn toàn khác, và kê ra những vị thuốc mà Ivan I lyich giấu giếm mọi người, uống hàng tuần lễ. Sau tuần lễ đó, ông không cảm thấy dễ chịu, mất lòng tin vào việc chữa chạy trước đây và cả với vị thầy thuốc này nữa, ông đâm ra sầu não thêm. Có lần, một vị phu nhân quen biết đã kể cho ông nghe về việc chữa bệnh bằng ảnh thánh. Ivan I lyich chợt thấy mình chăm chú lắng nghe và tin rằng đó là việc có thật. Trường hợp đó khiến ông sợ hãi. Ông tự nhủ: “Chả lẽ đầu óc mình lại suy yếu đến thế? Chuyện vớ vẩn! Toàn là chuyện bậy bạ, không nên quá lo lắng, mà phải chọn lấy một vị bác sĩ và điều trị nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ đó. Mình sẽ làm như vậy. Bây giờ phải chấm dứt hết. Mình sẽ không nghĩ ngợi nữa và đến hè mình sẽ điều trị nghiêm chỉnh. Sau đó sẽ rõ. Bây giờ hãy chấm dứt những dao động này!…” Nói những điều đó thì dễ, nhưng không thể thực hiện được. Cơn đau ở cạnh sườn vẫn giày vò ông tựa hồ như nó ngày càng tăng thêm, trở nên thường xuyên, mùi vị trong miệng ông trở nên ngày càng kỳ quặc, ông tưởng như từ miệng ông bốc ra một mùi gì đó kinh tởm, ông ăn mất ngon, và sức lực ngày càng giảm sút. Không thể lừa dối mình được: một điều gì đó mới mẻ, nghiêm trọng, khủng khiếp chưa từng có trong cuộc đời Ivan I lyich đã xảy tới với ông. Và chỉ có một mình ông biết rõ điều đó, mọi người xung quanh không hiểu hoặc không muốn hiểu và họ nghĩ rằng mọi sự trên đời vẫn diễn ra như trước đây. Chính điều đó khiến cho Ivan I lyich đau đớn nhiều hơn cả. Ông thấy người nhà ông – chủ yếu là vợ và con gái, dạo này đi chơi nhiều nhất – không hiểu gì cả, họ bực tức khi thấy ông không vui vẻ và khó tính, tựa hồ như ông có lỗi trong chuyện đó. Tuy họ cố gắng giấu điều đó, ông vẫn thấy rằng ông là kẻ gây trở ngại cho họ. Bà vợ đã tạo ra cho mình một cách xử sự nào đó đối với bệnh tình của ông và bà cứ duy trì cái lối xử sự đó, mặc cho ông muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Cách xử sự đó như sau:

– Các vị biết không, – bà nói với những người quen, – Ivan I lyich không thể thực hiện nghiêm ngặt mọi chỉ dẫn trong điều trị như tất cả những người tử tế khác. Hôm nay ông ấy uống ít giọt thuốc và ăn ngủ đúng lúc, theo như chỉ dẫn. Ngày mai bỗng nhiên, nếu tôi không để mắt tới, ông ấy sẽ quên không uống thuốc, lại đi ăn cá chiên (là món người ta cấm ông ấy ăn) và ngồi lì chơi bài uyxtơ tới tận một giờ đêm.

– Bao giờ thế nhỉ? – Ivan I lyich bực tức nói. – Có mỗi một lần ở nhà Piốt Ivanôvích.

– Thế hôm qua với Sêbếch.

– Đằng nào tôi cũng không ngủ được vì đau cơ mà…

– Vì cái gì đi nữa thì cứ cái điệu này mình cũng chẳng bao giờ khỏi được đâu, mà chỉ làm khổ chúng tôi thôi.

Thái độ bề ngoài đối với bệnh tật của chồng mà Praskôvia Phêđôrốvna thường bày tỏ với những người khác và với chính ông là như thế này: Ivan I lyich có lỗi trong việc mắc bệnh này và tất cả bệnh tật của ông là một trò khó chịu mới mà ông gây ra cho vợ.

Ivan I lyich cảm thấy rằng thái độ này nảy sinh ở bà một cách không chủ tâm, nhưng không vì thế mà ông thấy dễ chịu hơn. Ivan I lyich đã nhận thấy hoặc đã nghĩ là mình nhận thấy rằng ở tòa án người ta cũng có một thái độ lạnh lùng như vậy đối với ông, khi thì ông tưởng như người ta nhìn ông như nhìn một con người chả bao lâu nữa sẽ bỏ trống chỗ làm, khi thì bỗng nhiên bạn bè ông xoay ra trêu chọc một cách thân ái tính cả lo của ông, tựa hồ như cái điều đáng sợ và khủng khiếp chưa từng thấy đã xảy ra với ông, không ngừng ngấm vào cơ thể ông và lôi cuốn ông đến nơi nào đó một cách không cưỡng được là đối tượng thích thú nhất để vui đùa. Đặc biệt Svátxơ vốn tính vui nhộn, linh lợi và lịch thiệp, đã gợi cho Ivan I lyich nhớ lại chính ông một chục năm về trước đó, chính là điều trêu gan chọc tức nhất đối với ông.

Bạn bè tới ngồi chơi bài với ông. Họ đưa cỗ bài mới ra, tráo bài, đặt bảy quân rô liền nhau. Một người chơi bài nói: Không có chủ bài thì đỡ bằng hai con rô. Còn gì nữa? Vui vẻ, phấn khởi thế, chắc là ăn đây. Và bỗng nhiên Ivan I lyich cảm thấy cơn đau nhoi nhói trong mình đó, cái vị lạ ở trong miệng đó, và ông thấy trong tình hình đó mà còn có thể vui sướng vì nước bài được ăn thì thật là man rợ thế nào ấy.

Ông nhìn Mikhain Mikhailôvích, một người chơi bài đập bàn tay lanh lẹ lên mặt bàn và tỏ vẻ lễ độ, cả nể, kìm mình không vớ lấy những quân bài được ăn, mà đẩy chúng về phía Ivan I lyich để cho ông được hưởng cái thú không phải khó nhọc với tay ra xa vẫn lấy được bài. “Thế ra anh ta nghĩ rằng mình yếu đến nỗi không thể với tay ra xa được”, – Ivan I lyich nghĩ, ông quên cả những con chủ bài và tung chủ bài ra một cách vô ích, nên ván đó ông bị thua. Và điều khủng khiếp hơn cả là ông thấy Mikhain Mikhailôvích đau khổ, còn ông vẫn cứ dửng dưng. Và thật đáng sợ khi nghĩ xem vì sao ông vẫn dửng dưng.

Mọi người đều thấy ông rất phiền muộn và họ nói với ông: “Nếu bác mệt, chúng ta ngừng chơi cũng được, bác đi nghỉ đi”. Đi nghỉ ư? Không, ông chẳng mệt tí nào, cứ chơi đến hết hội thì thôi. Mọi người đều rầu rĩ và lầm lì. Ivan I lyich cảm thấy rằng ông đã gieo rắc vẻ rầu rĩ đó lên họ và không thể xua tan được vẻ rầu rĩ đó. Họ ăn bữa tối, rồi ra về. Ivan I lyich ở lại một mình với ý nghĩ rằng cuộc đời ông đã bị đầu độc đối với chính ông, và nó đang đầu độc cuộc đời của những người khác, và chất độc đó không suy giảm, mà cứ càng ngày càng ngấm nhiều hơn vào toàn bộ con người ông.

Tác giả: