Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Nữ du kích. Rành mạch từng câu từ ngoài đường cái giội vào tai bà. Bà bật dậy, chạy xuống bếp đốt lửa đùng đùng cho bớt run. Bà ném bộ áo quần tanh máu vào lửa. Lửa tắt. Bà lấy cái gậy kều lửa, kều lên, ngọn lửa trội dậy, bùng to, bập bùng, bập bùng, xua đi hãi hùng, xua đi bóng tối, xua đi tiếng xôn xao, xua đi bóng ma, xua đi sợ hãi ẩn nấp trong lòng bà. Mùi thơm của nồi cám lợn hòa lẫn mùi cháy xém của đít nồi quyện vào khí quyển bay ra đường lẻn vào nhà chòm xóm. Cháy nồi cám lợn. Bà lôi nồi ba mươi treo trong chuồng trấu ra đun. Thường mỗi năm người ta chỉ dùng nồi ba mươi có một lần vào dịp tết để luộc bánh chưng, bà tôi lôi ra đun nước tắm. Bà thoăn thoắt phát lá mây, phạt cỏ mần trầu bên bờ ao ném vào nồi ba mươi nước đang sôi sùng sục. Lá bưởi, cỏ mần trầu, lá mây ngùn ngụt bốc hơi lan tỏa như sương, như khói, mùi hương dễ chịu vô cùng. Bà sợ. Sự sợ hãi khiến bà không làm chủ được hoạt động của mình. Bà xông khói, bà tắm truồng ngay trong bếp. Nước lá mây, cỏ mần trầu pha thêm nước lạnh, bà dội xối xả lên thân thể, tràn xuống nền đất bếp. Đất sủi bọt màu nâu túa ra thềm, chảy thành dòng xuống cái sân gạch, bò ra ngõ. Tắm gội xong, bà túm gọn mớ tóc ướt rối xù lên đỉnh đầu. Bà bưng nồi cám lợn ra chái bếp, mở vung cho bớt nóng. Đàn lợn thính mũi eng éc đòi ăn. Chúng đớp cám nóng tờm tợp, tờm tợp, bỏng, chúng dí cái mõm xuống sàn chuồng, eng éc kêu, tiếng kêu làm nhòe tiếng người nhốn nháo ngoài đường vọng lại.

Hình như ai đó gọi cổng:

– U cái Thắm ơi, ngủ ngày kỹ thế. Ông Hiểu, bố thằng Hạnh chết rồi đây này. Bình chân như vại. Hàng xóm láng giềng sang xem thế nào chứ.

Tiếng ai đó như phép màu điểm huyệt, bà như chết lặng, mặt vàng bệch như sáp, tim ngừng đến vài giây. Hít một hơi thật sâu, bà nắm chặt cái cột bếp để đứng được vững hơn. Lửa vẫn cháy đùng đùng trong bếp, mồ hôi vã đầm đìa, chân tay bà bủn nhủn. Bà câm lặng, ôm cột như chết đứng.

Trực cảm xuất thần trong giấc ngủ như tỉnh như mơ, Thắm bật dậy.

– Mẹ! Nhà Hạnh làm sao, Hạnh bị làm sao, mẹ?

Từ dưới bếp bà nói vọng lên nhà:

– Mẹ không biết. Chắc là ông ấy bị cảm.

– Con sang nhà Hạnh. Mẹ cho con sang nhà Hạnh!

Tiếng ngoại thất thanh:

– Không, con đừng đi.

Tiếng ngoài đường vọng lại:

– Ông ấy chết thương tâm quá. Tội nghiệp thằng bé mồ côi mẹ, giờ lại mồ côi nốt cả cha.

Rời bỏ cái cột bếp, như sợ cướp giật, bà chạy vút lên nhà, ôm chặt cô con gái:

– Mẹ xin con, con đừng đi.

Thắm gỡ tay mẹ, lao ra ngõ. Bà nhoài tay túm trượt vạt áo, mất đà, Thắm ngã sõng soài.

– Con không được sang lúc này. Trẻ con không được nhìn người chết.

– Mẹ bỏ con ra!

Tiếng khóc của Hạnh trộn trong tiếng ồn ào. Thắm lắng nghe, mắt buồn ngân ngấn nhìn bà. Bà bối rối, trốn ánh nhìn của con mà lẽ ra, lúc này, như bao người mẹ yêu thương con, sẽ ôm con vào lòng an ủi, vỗ về.

Tiếng khóc của Hạnh thảm thiết át cả tiếng ồn ào. Thật không thể tin nổi, sau một đêm ngủ dậy Hạnh thấy cha nằm bất động trong vũng máu ngoài hiên.

– Cha, cha ơi, cha làm sao? Cha làm sao thế này?

Thằng bé quỳ gối ôm bố, áp tai vào ngực bố:

– Các bác ơi cứu bố cháu với, tại sao bố cháu lại bị thế này!

– Nín đi, nín đi cháu. Khổ thân thằng bé quá.

– Các bà kéo nó ra, đừng để nước mắt nó rơi vào người ông ấy.

– Thằng bé làm gì nên tội! Chịu cảnh bố con gà trống nuôi nhau, giờ lại cảnh thương tâm thế này!

– Bố làm bố chịu, giết người ta thì cũng phải nghĩ đến con người ta chứ, nó còn bé thế này, nó làm sao sống được một mình.

Thắm sợ hãi, ôm chặt mẹ. Chuyện như ma quỷ. Thắm đứng lập cập bên ô cửa sổ mở ra đường nhìn sang bên ấy. Người run như một cái lò xo. Những câu hỏi cứ liên tiếp được đặt ra trong ý nghĩ: Tại sao, tại sao? Trọn đêm qua, cả làng không có tiếng ồn, không một tiếng súng, cớ làm sao có chuyện mẹ Thắm bị ai đó đánh bầm dập xác xơ, còn cha Hạnh bị ai đó đâm lén chết trong vũng máu giữa thềm nhà? Tại sao tại sao hai chuyện kinh hoàng lại xảy ra cùng một lúc trong một đêm? Tại sao lại xảy ra với hai đứa hai nhà đối diện, chơi thân với nhau? Tại sao? Tại sao?

Tiếng khóc của Hạnh im bặt. Tiếng mọi người trong nhà Hạnh cũng được gom lại, lặng im bên thi thể người bị hại.

Thắm bật khóc:

– Mẹ, mẹ cho con sang nhà Hạnh.

Ngoại nhìn con, ánh mắt nhìn như van xin, như hối hận:

– Con đừng buồn, mẹ con mình sẽ giúp bạn ấy.

Hai mẹ con ôm nhau nức nở như hai người đàn bà cùng chung một nỗi đau…

13

Ông Hiểu, người cha của Hạnh có thói xấu, hằng tháng vào trung tuần trăng sáng, ông thường mò mẫm đâu đó suốt đêm. Có người bảo ông là gián điệp, làm chỉ điểm cho Pháp hoạt động về đêm. Chị em phụ nữ buổi tối có chuyện gì phải ra ngoài đường, chẳng may gặp ông Hiểu, hay chỉ cần nhìn thấy bóng dáng giông giống ông Hiểu chứ chưa chắc đúng là ông Hiểu, cũng đủ sợ hãi chạy bán sống bán chết. Họ bảo ông Hiểu là giống mèo hoang động đực. Từ ngày vợ ông mất, có biết bao chuyện kể về ông. Có lẽ, người đàn ông tứ tuần không chịu nổi cô đơn, không cưỡng lại được sự khát thèm bản năng sinh học của cái cơ thể ông. Đêm, ông đi lang thang, đi vô định, đi giải sầu. Có lần, vào lúc đêm hôm khuya khoắt, có người nhìn thấy ông ôm thân cây chuối bên đường dập dìu rên xiết. Cô đơn với bao nỗi niềm, không đào được hố để chôn, không có ai để chia sẻ, cây chuối là chỗ để ông trút mọi bí bức, u sầu. Cây chuối cho ông ôm ấp, cho ông hả hê khóc hả hê cười, hả hê tâm sự.

Những chuyện như thế về ông Hiểu người ta thêm thắt cắt gọt, loan đồn, xôn xao khắp làng trên xóm dưới, sang cả xã bên cạnh. Người ta gọi ông là con quái vật.

Đêm qua, ông Hiểu đi việc ấy, làm việc ấy với một cô nàng nào ấy ở làng bên ấy, mỹ mãn và toại nguyện. Lòng dạ lâng lâng, bước chân bồng bềnh, ông trôi theo mây, ông vẽ theo trăng, ông rẽ cây, rẽ gió, trở về nhà. Sợ làm con trai thức giấc, ông rón rén trải manh chiếu giữa hè, hết ngồi lại nằm, vắt chân chữ ngũ, nhâm nhi ly rượu, ông những hát thầm: “Thế là anh đã có nơi đêm đêm anh đến, anh đền khoai em…”.

Rượu và đêm và cây và đất làm đêm thêm sẫm lại. Đêm. Ông giống như một cành cây khẳng khiu, lòng khòng cong keo dưới sàn đất hiên nhà. Mớ tóc trên đầu ông xoăn tít lông bông như tổ quạ. Khó mà nhìn thấy gương mặt ông tâm trạng ông trong đêm đông. Ông nằm, như cái quẩy đã được chiên giòn mang hình số 8. Thỉnh thoảng ông rung rung đùi, cái đùi gầy không bắp như thể cái phao câu nằm ngang trên mặt nước bị con cá nhằn nhằn đớp đớp mồi. Và khi ông ngồi dậy, trầm tư ngẫm ngợi, cái đầu gối cao quá tai, hai bên lườn, hai tảng xương sườn như cung đàn piano mòn phím, bụng ông thót lại, mỏng như chiếc lá, khiến cái lưng trơ đốt sống cột sống hình vòng cung giống như một chiếc ghế ngồi của người chơi dương cầm trải qua nhiều thể kỷ, giờ đã bị vẹt, lõm, săn sắt buồn.

Sương khuya nặng hạt đọng trên tàu lá chuối rỏ xuống lá giong lộp bộp đánh thức đàn gà cất tiếng gáy sang canh. Doi chín rụng từng quả thùm thụp xuống sân gạch. Đàn chuột no nê, hả hê, chin chít sít kẽ răng vờn nhau chạy quanh vườn. Độ ẩm của sương đêm cho ông cảm giác ướt lạnh da. Ông vê viên thuốc lào, xoè diêm lóe lửa, nghiêng đầu như chú chó phốc, ghé miệng rít một hơi thật sâu cái điếu cày. Hơi ấm thuốc lào căng đầy hai lá phổi. Ông nín, giữ thật lâu hơi ấm thuốc lào cho nó lan truyền đến từng mao mạch nhỏ. Làm thế, ông cảm thấy vô cùng dễ chịu. Và rồi, ông ngửa cổ lên trời, nhè nhẹ nhả khói. Khoan thai. Khoan thai.

– Phập!

Nhanh như mũi tên vừa bật khỏi ná, lạnh như kim chích buốt. Con dao nhọn, nhỏ như đầu ngón tay xuyên thủng yết hầu ông, máu phun trào những tia như tia nắng. Bong bóng đỏ tươi liên tiếp tuôn. Bong bóng máu bung ra từ cổ họng ông, phồng to, phồng to, phì, phì, tan, vỡ, tứa tràn trên chiếu, loang lổ như những hoa văn, lăn, lênh láng hiên nhà, đọng thành vũng.

Ông Hiểu chỉ kịp rú lên một tiếng gọi Hạnh, đứa con duy nhất của ông.

Thằng bé ngủ say trong nhà.

Không thấy tiếng trả lời. Máu và đau. Hoa mắt và hoảng sợ. Ông không thể đứng dậy được. Ông cố gắng, dồn tất cả sinh lực còn lại, ông gọi tên con.

– Con ơi!

Nhưng tất cả tuyệt vọng. Phế quản đứt. Thanh quản trồi ra lèo phèo rách bướp, không ngừng nghỉ phun những tràng bong bóng máu tan, vỡ, chảy liên hồi. Môi khô tím phập phồng không âm tiết.

Ông Hiểu chết vì mất quá nhiều máu. Hạnh, cậu bé hơn mười tuổi, con trai duy nhất của ông đang tuổi ăn tuổi ngủ.

Đám ma ông Hiểu đi qua sân đình. Hai con sấu đá mắt hiu hiu buồn. Đám xe bò cải tiến rúm rụm góc sân đình. Trong đám xe ấy, có cái xe nào từng là xe hoa rước cô dâu Thắm chú rể Hạnh, để lũ trẻ con trong làng lũ lượt chạy theo sau, chơi trò đám cưới của trẻ con? Đống rơm vàng những sợi rơm bã bời tươm nát chồng lên nhau đan trong nhau hòa vào nhau thành mảng khối. Đống rơm nào được khoét làm phòng cưới, chùm nhót đỏ treo cao thay quả cầu hồng, hoa đồng nội tết dài thành dây giăng khắp “phòng”? Đâu rồi những trò chơi hể hả, cô dâu chú rể nằm bên nhau, ngủ quên đến tận lúc tối mịt trời. Tất cả chỉ như mới hôm qua thôi mà giờ, sao buồn thế, dửng dưng như là chưa từng thế bao giờ, như là đã lùi xa hàng ngàn thế kỷ? Cô dâu Thắm trẻ con cười hơ hớ hôm qua, hôm nay đã thành bà cụ. Bà cụ trẻ đi đám ma đưa tiễn một linh hồn trở về với cát bụi. Chú rể mười hai tuổi đã thành một gã đàn ông mặc áo tang, đi sau linh cữu cha, khổ đau héo hắt như một lão già. Lão già từ nay sẽ chỉ còn một mình đơn độc trong ngôi nhà đơn độc, đơn độc với nhân gian!

14

Cái chết của ông Hiểu, nỗi đau của Hạnh như nét mực tàu đầu tiên khắc vào não bộ trinh trắng trẻ thơ. Nét khắc đầu tiên, ấn tượng đầu tiên thật khó phai mờ.

Sau này, Hạnh có thể quên, vì anh bị bệnh. Còn Thắm, Thắm muốn tẩy não, Thắm muốn quên như Hạnh đã quên nhưng không làm sao quên được.

Người đàn bà du kích từng lập nhiều chiến công tiêu diệt kẻ thù như vậy, có sá gì không lập chiến công nối tiếp chiến công trong sự nghiệp?

Ở tuổi trưởng thành, xâu chuỗi những sự vật, hiện tượng gắn với cuộc đời bà ngoại, từ đó mẹ tôi tự đúc kết, đánh giá và nhìn nhận lịch sử, số phận, kiếp người.