Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Ông giật mình trở dậy từ năm giờ sáng. Mưa vẫn lâm râm trên mái. Nhìn sang con, ông tỉnh hẳn. Nó co mình như một con tôm trên cái giường xếp. Còn ông, nhường giường cho con, nên nằm đỡ trên mấy cái vỏ thùng bia trải dưới nền gạch.

Pha một ly cà phê hòa tan loại đậm đặc, ông ngồi bệt bên thềm cửa, gắng tránh khói thuốc bay vào phòng.

Con gái càng lớn càng giống cô thuở nào. Từ khóe cười, sống mũi đến ánh mắt. Ông lặng ngắm con trong giấc ngủ, ở cái nơi hoàn toàn xa lạ này. Như một cơn ác mộng, ông bỗng hóa không nhà, giờ kéo thêm con vào vòng vô gia cư, lòng ông càng nặng trĩu, xót xa. Những chiếc va li, ba lô xếp đầy sàn nhà. Những bộ đồ nhăn nhúm, treo trên mấy hàng đinh đóng quanh tường. Bàn chải răng, dao cạo râu, lược chải đầu… cắm trong chiếc ly trên thành cửa sổ. Tất cả đều mang dấu ấn tạm bợ, dạt phiêu, buồn tủi.

Hút tàn điếu thuốc thứ ba, ông lại gần kéo vạt mền, đắp kín ngực con. Con gái ông bỗng mở mắt. Nhận ra ba, nó nhoẻn một nụ cười. Nụ cười ấy, sao giống nụ cười của nó ngày còn thơ bé, mỗi lần ông cúi xuống hôn con trong giấc tỉnh mơ, êm đềm và ngút ngái.

Mấy giờ rồi ba?

Mới sáu giờ thiếu, con ngủ tiếp đi.

Sao ba dậy sớm vậy? Đêm qua ba không uống à?

Ừ… – Ông bối rối. – Ba uống ít.

Mưa hết chưa ba?

Có vẻ bớt rồi.

Vậy hôm nay mình đi nghen ba. – Nó bật dậy, ánh mắt nheo nheo ngó ngoài cửa sổ.

Mình phải ăn sáng đã. Để ba dòm trời, nếu thấy thuận lợi sẽ lên đường.

Đi đại đi mà ba. Con chán cảnh co ro ngồi đây chờ đợi lắm rồi.

Ông biết, con đã rất sốt ruột. Trong khi nó chải răng, ông ra hẻm ngửa mặt nhìn sắc trời. Đã có những áng mây dựng phía bình minh. Không còn vẻ ảm đạm trải đều như mấy bữa qua. Chẳng lẽ hôm nay lại là ngày lên đường thật sao? Đã quen với những quyết định bị đẩy lùi, ông cứ thấy bâng khuâng, nấn ná. Nhưng quả thực, nếu kéo thêm một ngày trong phòng trọ, hai cha con ngồi nhìn nhau, nhắc chuyện cũ, chờ tới bữa đi ăn, lựa chọn lên đường vẫn hợp lý hơn. Ông quyết định khởi hành.

Chiếc xe ba băng ghế. Băng sau cùng và khoang chứa đồ dành cho hành lý của hai cha con. Đêm đến có thể xếp ghế lại thành giường ngủ. Băng hai và ghế cạnh tài thuộc về con gái ông, nó có thể lên ngồi nói chuyện cùng ông, hoặc lui xuống nằm nghỉ. Mọi thứ tuy chật chội, nhưng vẫn ổn.

Sau khi ghé trả bà chủ chìa khóa phòng, hai cha con ăn sáng trong tâm trạng bổi hổi. Gần mười giờ, ông nhắm thẳng hướng bắc.

Thành phố thân quen lùi dần sau ô kính. Biết ngày nào quay lại? Con gái ông ôm ghì cái gối trước ngực, chân co lên mặt ghế, mắt nhìn thẳng phía trước, hầu như câm lặng. Lâu lâu điện thoại đổ chuông báo tin nhắn, nó lại giật mình hí hoáy bấm.

Chờ con thả chiếc điện thoại xuống ghế, ông cười cười.

Bạn con à? Ba thấy tin nhắn suốt mấy ngày nay liên tục đổ vào máy con.

Dạ, bạn con.

Có điều này ba chưa từng hỏi, sợ con bận tâm. Nhưng bây giờ ba hỏi, vì dù sao mình cũng đã lên đường, con có bạn trai chưa, đi như vậy, về mặt tình cảm sẽ ra sao?

Con gái ông thoáng sững trong giây lát, sắc diện đanh lại.

Con ghét đám con trai. Cũng như ghét tất cả bạn bè. Tụi nó rất nhiều chuyện. Chỉ có đứa duy nhất, đã cho con ở nhờ nhà nó đó, nó nhắn cho con. Nhưng cũng chẳng mấy thân thiết.

Có thể vậy, nhưng đó là hiện tại. Còn trong quá khứ, con từng có bạn trai chưa?

Ba nói chuyện khác đi được không?

Ông gượng cười.

Thôi được rồi. Nếu con không muốn trả lời, ba cũng chẳng ép. Ba chỉ muốn hiểu thêm về con thôi mà. Ba và con có thể là bạn chứ?

Ba làm sao là bạn con được. Khó lắm.

Thật vậy sao. – Ông hơi hẫng – Ba luôn muốn con cái là bạn của mình.

Con cũng muốn vậy, nhưng chẳng hiểu sao lại không thể vậy. Nói thiệt, nhiều điều con có thể nói với bạn bè, ý con là trước đây đấy, nhưng không thể nói với ba mẹ.

Ba có khó tính lắm không con?

Ba không khó tính. Nhưng… con cũng chẳng hiểu nữa.

Lại có chuông báo tin nhắn. Ông khẽ thở ra, nhìn thẳng con đường phía trước. Cửa ngõ ra vào thành phố với những hàng xe tải nặng nối đuôi nhau. Ông chưa thực sự quen với nhiều tình huống, nhưng không đến nỗi có những pha xử lý nguy hiểm.

Nếu ba không thể hiểu về con. Vậy con có muốn hiểu về ba. Về những người thuộc thế hệ ba không?

Để làm gì ba?

Chúng ta cùng chung một hành trình mà?

Thì con vẫn hiểu về ba như xưa giờ đó.

Không hẳn vậy, còn biết bao điều con chưa thể hiểu. Thế hệ của ba nó nhiều ẩn ức lắm. Rồi từ từ ba sẽ kể. – Ông chợt thở dài – Ờ, mà cũng có nhiều điều ba không nên nói ra thiệt, bởi con còn quá trẻ. Con cần có một cái nhìn khác.

Con ghét những ai coi mình như một đứa trẻ. Con không còn trẻ nữa. Con đã lớn quá đủ rồi.

Ông điếng nhẹ, thở dài.

Đó là lỗi của ba.

Ý con không phải vậy đâu.

Ông lại thở dài.

Thôi giờ vậy. Ba có một người bạn thân, thân từ rất lâu rồi. Hiện chú ấy đang ở trên một ngọn núi, cách thành phố gần hai trăm cây. Chặng đầu tiên, ba muốn ghé thăm chú ấy. Trước ngày đi, ba đã liên lạc với ba mẹ chú ấy. Họ còn sống ở thành phố, đã cho ba địa chỉ này.

Ba cứ đi, con chỉ theo ba thôi mà.

Ừ, nhưng ba vẫn muốn nói trước để con chuẩn bị tinh thần. Chú ấy là một người rất lạ. Trước đây cũng dân thành phố, nhà cửa đàng hoàng. Nhưng chú ấy không lấy vợ. Và giờ ở núi, làm ruộng rẫy gì đó.

Giống trong phim kiếm hiệp quá ba.

Ông bật cười.

Không, chú ấy không biết võ, nhưng học rất giỏi và cực kỳ tài hoa. Khi ba thi vào đại học, chú ấy không được thi. Loanh quanh đâu vài năm, chú ấy quyết định bỏ phố lên đây. Thuở ấy, bỏ thành phố về quê làm nông là một giải pháp nhiều người chọn.

Con nghe rối quá. Ba cứ đi đi.

Vậy con chuẩn bị tinh thần, đêm nay có thể mình sẽ ngủ trên núi. Phiêu lưu một tí. Đã nhiều năm nay ba không gặp chú ấy. Giờ chẳng hiểu rõ tình cảnh ra sao. Chỉ biết loáng thoáng tí chút qua người nhà của chú ấy thôi.

Con cũng thấy tò mò rồi đó. À mà trên núi liệu có sóng kết nối mạng không ba?

Sóng điện thoại hả? Chắc có chứ.

Không, ai nói sóng điện thoại, sóng kết nối mạng kìa. Ba quê quá.

Vụ này ba chịu. Con có cần lắm không?

Nếu có sẽ vui hơn. Con quen vậy rồi. Ngày nào không có mạng, con bức bối lắm.

Quả tình ba chậm tiến hơn thế hệ con rồi đó.

Mạng sẽ giúp ích rất nhiều cho ba con mình, trong hành trình này. Ba sẽ không cần bản đồ, không cần hỏi đường mà vẫn có thể đi.

Thật vậy sao? Ba có đem theo bản đồ giấy đây này.

Ba cổ điển thiệt rồi ba ơi.

Ông gật gật.

Quả vậy đấy.

Sau vài giờ, xe tách khỏi lộ chính, nhằm hướng biển.

Hai cha con khởi hành khá muộn, ông lại lái chậm và kỹ, lòng vòng hỏi thăm một hồi, khi xe dừng nơi chân núi, trời đã ngả chiều.

Ba phải gửi xe dưới này, đường lên đó chắc hẹp lắm, mình nhìn đây đủ thấy rồi. Con có cõng nổi ba lô không, ba sợ sẽ hơi xa?

Con chỉ đem theo điện thoại với một bộ đồ thôi. Chắc không sao.

Ông mỉm cười, gật đầu. Lối đi lắt léo, quanh co, rộng chừng vài sải, chắc do sơn dân tự mở đã bao đời. Ông chẳng hiểu sao người bạn có thể chui rúc lên cái xó xỉnh heo hút này và tồn tại ở đó suốt mấy chục năm nay.

Mấy mảnh vườn nhỏ được người dân khoét ngang vách núi, trồng các loại rau màu. Sau mấy ngày mưa, cây cỏ đẫm mình trong sắc lá xanh rười rượi. Gió từ biển thổi lên mơn man da mặt. Ông ngẩn người nhìn một thiếu phụ, tay cắp ngang chiếc rổ tre, đang hái đậu bên sườn núi. Một cảm giác yên bình, xa vắng đến nao lòng. Phải chăng, đó chính là cảm giác bạn ông tìm thấy nơi đây? Trong khi ông lận đận, nát tan với những năm tháng phố phường.

Con có thấy chuyến đi này bắt đầu thú vị rồi không?

Con gái ông hào hển.

Sắp tới chưa ba?

Ba cũng chẳng biết. Để ba hỏi thăm người đàn bà này.

Sau vài chi tiết được ông đưa ra, người đàn bà đã nhoẻn cười.

Ổng ở trên đó, gần đỉnh núi lận, nhưng làm rẫy dưới kia. Chắc giờ này ổng cũng về rồi đó. Nhà có mấy cái bậc cấp bằng đá, dòm mé phải sẽ thấy.

Ông cảm ơn người đàn bà, quay lại phía con gái.

Con đã mệt chưa? Mình có thể ngồi lại nghỉ tí xíu rồi đi tiếp.

Con gái ông quăng ba lô trên một tảng đá khá bằng phẳng, mọc chìa ra mép núi, ngay lập tức ngồi bệt xuống.

Trên này không có sóng rồi ba. – Con ông quay chiếc điện thoại tứ phía.

Thì lâu lâu cũng phải sống xa công nghệ một chút chứ con.

May mà con vẫn còn game trong máy.

Trong khi con gái tiếp tục lúi húi với chiếc điện thoại, ông mồi một điếu thuốc, phóng mắt về phía chân mây. Những tia nắng hình rẻ quạt quét rực góc trời tây. Ở hướng ngược lại, một dải mù xanh bao la, trải dài bất tận. Nơi ấy là biển. Biển ôm dọc sườn đông, nhưng ông chẳng mấy khi được đối diện biển như lúc này. Dẫu có lẩn thẩn đến mấy, ông tin người bạn đã có một sự lựa chọn không tồi.

Hút tàn điếu thuốc đầy hào sảng, ông quay lại phía con.

Mình đi tiếp được rồi chứ?

Ba để con chơi nốt game này.

Ông mỉm cười, nhìn khóe miệng mím chặt, đầy căng thẳng của con. Cái âm thanh líu chíu của game, ông đã nghe đến quen thuộc suốt mấy ngày nay, nhưng để hiểu tại sao con mình mê nó, ông chịu. Hễ rời ra một chút là nó bấm game, nên ông có muốn nói chuyện đôi câu cùng con cũng chẳng dễ.

Không khó để nhận ra ngôi nhà nằm cheo leo bên sườn núi, với những bậc cấp kê bằng đá tảng. Mái tranh trầm mặc, thâm u. Một làn khói thoảng lên, dìu dịu. Qua liếp cửa sổ chống cao, bóng tối phủ kín căn nhà.

Thôi tiêu rồi ba ơi, nhà chú ấy không có điện.

Ba cũng chẳng rõ. Tánh chú ấy khó đoán lắm, có khi chẳng xài điện cũng nên.

Nếu vậy chết con rồi.

Tại sao vậy con?

Điện thoại con sắp hết cả hai cục pin. Cứ ngỡ đêm nay sẽ có điện để sạc. Giờ tính sao đây?

Thôi, vụ đó lo sau. Để ba lên trước, coi chú ấy có nhà không.

Con gái ông vò đầu, ngồi bệt xuống đám cỏ ven đường.

Cửa chính mở toang, trong nhà không một bóng người. Ông lom khom tìm xuống bếp. Trong ánh lửa bập bùng, một cái bóng lúi húi, có lẽ đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều đơn độc.