Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Chương ba
Làm việc sâu có ý nghĩa

Ric Furrer là một thợ rèn. Ông rất giỏi các kỹ thuật luyện kim cổ đại và thời Trung cổ, những hiện vật được ông cẩn trọng tái tạo tại cửa tiệm của mình có tên là Door County Forgeworks. “Tôi làm thủ công mọi thứ và sử dụng các công cụ giúp gia tăng sức lực mà không hạn chế khả năng sáng tạo hay sự tương tác của tôi với vật liệu,” ông giải thích trong tuyên ngôn nghệ thuật[23] của mình. “Có khi tôi phải đóng đến 100 nhát búa mới hoàn thành xong một đồ vật, nhưng nếu dùng một chiếc máy rèn cỡ lớn thì chỉ một phát là xong. Đây chính là sự đối lập trong mục tiêu của tôi và toàn bộ công việc của tôi là bằng chứng cho thấy chính đôi bàn tay này đã làm nên điều đó.”

Công việc của Furrer đã được nhắc đến trong một bộ phim tài liệu năm 2012 của hãng PBS. Theo đó, ông làm việc trong một nhà kho đã được chuyển đổi công năng ở vùng nông trang Wisconsin, cách Vịnh Sturgeon ở Hồ Michigan không xa. Furrer thường để ngỏ cửa trang trại (có thể là để thoát hơi nóng từ lò rèn), những cánh đồng trang trại kéo dài tới tận chân trời chính là minh chứng cho thành quả nỗ lực của ông. Tuy có khung cảnh thơ mộng nhưng công việc của ông thoạt trông lại có vẻ dữ dội. Bộ phim tài liệu đã ghi lại cảnh Furrer đang cố gắng tái tạo một thanh gươm thời Viking. Ông bắt đầu bằng việc áp dụng một kỹ thuật nấu chảy thép trong nồi nấu kim loại xuất hiện từ 500 năm trước để rèn một khối kim loại tinh khiết hiếm có. Kết quả là một khối phôi thép cỡ ba hay bốn chiếc điện thoại thông minh xếp chồng lên nhau. Khối phôi dày và đặc này sau đó được tạo hình và đánh bóng thành một thanh kiếm dài tinh tế.

“Phần này, cú nện đầu tiên ấy, quá tồi,” Furrer nói với ống kính máy quay khi nung nóng khối thép một cách bài bản, sau đó giáng búa, lật khối thép, giáng búa, rồi đưa nó trở lại ngọn lửa để bắt đầu rèn lại từ đầu. Người dẫn chuyện tiết lộ phải mất tám tiếng để công việc đóng búa này hoàn tất quá trình tạo hình. Tuy nhiên, khi chứng kiến Furrer làm việc, bạn sẽ cảm nhận được sự biến đổi trong quá trình lao động. Rõ ràng là ông không vất vả đóng kim loại như thợ mỏ cầm cuốc: Mỗi cú giáng tuy có lực song lại được kiểm soát cẩn thận. Ông nhìn chăm chú vào khối phôi qua cặp kính gọng mảnh (có vẻ lạc lõng với bộ râu rậm và bờ vai rộng của ông), thực hiện mỗi cú giáng búa một cách gọn lẹ. Ông giải thích: “Anh phải thật nhẹ nhàng với nó, nếu không nó sẽ nứt đấy.” Sau vài cú giáng nữa, ông nói thêm: “Anh phải thúc bằng khuỷu tay; từ từ định hình nó; rồi bắt đầu tận hưởng thành quả.”

Sau một nửa quá trình đúc kiếm, khi Furrer đã rèn khối phôi thành hình dạng mong muốn, ông bắt đầu xoay cẩn thận khối kim loại trong một cái máng hẹp chứa đầy than đang cháy. Khi ông nhìn chằm chằm vào thanh gươm, có gì đó kêu lách tách như báo hiệu: “Xong rồi!” Ông nâng thanh gươm được nhuộm đỏ vì nhiệt nung, giữ nó cách xa thân mình đồng thời sải bước mau lẹ về phía đường ống dầu và nhúng ngập lưỡi gươm trong đó để làm mát. Sau khi thở phào nhẹ nhõm vì lưỡi gươm không bị gãy thành từng mảnh – hiện tượng thường gặp ở bước này – Furrer nhấc nó ra khỏi ống dầu. Sức nóng còn sót lại của thanh kim loại khiến lớp dầu bùng cháy, cả thanh gươm được bọc trong ngọn lửa màu vàng. Furrer giơ thanh gươm đang rực cháy lên cao quá đầu và nhìn chăm chú một lúc trước khi thổi tắt ngọn lửa. Trong suốt quãng dừng ngắn ngủi này, sự xúc động hiện rõ trên gương mặt đang được ngọn lửa soi sáng.

Furrer giải thích: “Thực hiện đúng các công đoạn này là điều phức tạp nhất mà tôi biết. Chính cảm giác thử thách đó đã chi phối tôi. Tôi đâu cần một thanh gươm. Nhưng tôi phải đúc ra nó.”

Ric Furrer là một thợ thủ công bậc thầy, các tác phẩm đòi hỏi ông phải dành gần như cả ngày trong trạng thái chuyên sâu – chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình tập trung cũng có thể phá hỏng hàng chục giờ nỗ lực. Ông cũng tìm ra ý nghĩa lớn lao trong công việc. Làm việc sâu và một cuộc sống tốt đẹp có mối liên hệ hết sức mật thiết và được chấp nhận rộng rãi khi người ta quan sát thế giới của những người thợ thủ công. Matthew Crawford giải thích: “Sự hài lòng khi được bộc lộ bản thân thông qua năng lực thủ công là thứ giúp con người trở nên an yên và dễ chịu”. Và chúng ta nên tin ông.

Nhưng khi chúng ta dời sự chú ý sang công việc tri thức, thì mối liên hệ này lại trở nên mơ hồ. Một phần của vấn đề nằm ở sự rõ ràng. Những người thợ thủ công như Furrer thường phải đối mặt với những thử thách trong nghề tuy dễ định nghĩa nhưng lại khó thực hiện. Còn công việc tri thức lại đổi sự rõ ràng để lấy sự mơ hồ. Chúng ta khó có thể phân định rạch ròi những người lao động trí óc làm công việc gì và nó khác biệt như thế nào so với những công việc còn lại: Vào những ngày tệ nhất, có thể tất cả công việc tri thức đều quy về mớ e-mail và PowerPoint mệt mỏi, chỉ có bảng biểu dùng trong slide là giúp chúng ta phân biệt được công việc này với những công việc khác. Chính Furrer đã nhận ra sự nhạt nhẽo này khi ông viết: “Thế giới của siêu xa lộ thông tin và không gian mạng khiến tôi thấy nguội lạnh và chán ngán.”

Một vấn đề khác cũng khiến mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa trong công việc tri thức trở nên mờ nhạt là sự không hòa hợp trong việc cố gắng thuyết phục những người lao động trí óc dành thêm thời gian cho các hoạt động hời hợt. Như đã trình bày tỉ mỉ trong chương trước, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên, nơi mọi thứ có liên quan tới mạng Internet đều mặc định được hiểu là tân tiến và cần thiết. Những hành vi phá vỡ chiều sâu như trả lời e-mail tức thì và sự hiện diện tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội lại được tán dương, trong khi tránh né những xu hướng này lại tạo ra sự ngờ vực. Sẽ chẳng ai đổ lỗi cho Ric Furrer vì không dùng Facebook, nhưng nếu một người lao động trí óc đưa ra quyết định tương tự, anh ta sẽ bị gắn mác là kẻ lập dị (theo kinh nghiệm của bản thân tôi).

Tuy mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa trong công việc tri thức không rõ ràng nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Tôi viết chương này nhằm thuyết phục bạn rằng làm việc sâu cũng có thể tạo ra sự hài lòng trong nền kinh tế thông tin giống như cách nó đã làm được trong nền kinh tế thủ công. Trong những phần tiếp theo, tôi sẽ đưa ra ba lập luận để củng cố ý kiến này. Nhìn chung, những lập luận này đều đi theo quỹ đạo từ khái niệm hẹp đến rộng: bắt đầu từ quan điểm thần kinh, chuyển sang quan điểm tâm lý và kết thúc bằng quan điểm triết học. Tôi sẽ chứng minh rằng, dù tiếp cận vấn đề về chiều sâu và công việc tri thức từ góc độ nào, bạn vẫn có thể chạm đến mạch ý nghĩa giống nhau đã chi phối những người thợ thủ công như Ric Furrer bằng cách coi trọng sự chuyên sâu hơn là hời hợt. Vì vậy, luận điểm trong chương cuối của Phần 1 chính là: Một cuộc đời có chiều sâu không chỉ có lợi về mặt kinh tế, mà còn là một cuộc đời đáng sống.

Lập luận dựa trên quan điểm thần kinh học về chiều sâu

Cây bút chuyên viết về đề tài khoa học, Winifred Gallagher, đã đề cập tới mối liên hệ giữa sự chú ý và niềm hạnh phúc sau một sự kiện bất ngờ có phần đáng sợ: Bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư – “không chỉ là ung thư, mà còn là một dạng đặc biệt khó chữa và tương đối hiếm gặp”. Bà nhắc lại trong cuốn Rapt (tạm dịch: Say mê) xuất bản năm 2009 của mình, trong lúc đi ra khỏi bệnh viện sau khi được chẩn đoán, bà đã có một linh cảm đột ngột và mạnh mẽ: “Căn bệnh này muốn độc chiếm sự chú ý của tôi, nhưng thay vì thế, tôi sẽ tập trung vào cuộc sống của mình nhiều nhất có thể.” Việc điều trị ung thư sau đó rất mệt mỏi và tồi tệ, nhưng Gallagher không thể không nhận ra trong ngóc ngách nào đó của tâm trí được hun đắp bởi sự nghiệp viết truyện phi hư cấu của bà là cam kết tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống như “phim ảnh, đi bộ và một ly martini lúc 6 giờ 30 phút tối” lại có tác dụng đáng kinh ngạc. Cuộc sống của bà trong suốt giai đoạn này có thể đã chìm trong sợ hãi và khốn khổ, nhưng không, nó thường là niềm hứng khởi, như bà đã ghi lại.

Nó khơi gợi trí tò mò của bà, Gallagher bắt đầu hiểu rõ hơn vai trò của sự chú ý, chú ý lựa chọn tập trung vào đâu và bỏ qua điều gì, trong việc định nghĩa chất lượng cuộc sống của con người. Sau năm năm thực hiện các báo cáo khoa học, bà đã đi đến kết luận rằng bản thân bà chính là nhân chứng cho “lý thuyết hợp nhất quan trọng” của tâm trí:

Giống như những ngón tay trỏ vào mặt trăng, những môn học đa dạng, từ nhân chủng học, giáo dục, kinh tế học hành vi cho tới tư vấn gia đình, đều gợi ý rằng việc khéo léo quản lý sự chú ý là điều kiện tiên quyết để có một cuộc sống tốt đẹp, và đó cũng là chìa khóa để thực sự cải thiện mọi khía cạnh trải nghiệm của bạn.

Khái niệm này đã làm đảo lộn cách hầu hết mọi người vẫn nghĩ về trải nghiệm chủ quan trong cuộc sống. Chúng ta có khuynh hướng chú trọng đến hoàn cảnh của bản thân, đặt giả thiết rằng những gì xảy ra (hoặc không xảy ra) sẽ quyết định cảm giác của chúng ta. Từ góc độ này, những chi tiết ở quy mô nhỏ về cách bạn trải qua một ngày không còn quan trọng đến thế, bởi điều quan trọng là kết quả ở quy mô lớn, chẳng hạn như việc bạn có được thăng chức hay chuyển tới một căn hộ đẹp hơn không. Theo Gallagher, hàng thập kỷ nghiên cứu trước đây đã đi ngược lại với sự hiểu biết này. Thay vào đó, não bộ của chúng ta lại xây dựng thế giới quan dựa trên những điều ta chú ý. Nếu tập trung vào kết quả chẩn đoán ung thư, bạn và cuộc sống của bạn sẽ trở nên bất hạnh và tăm tối, nhưng ngược lại, nếu tập trung vào một ly martini buổi tối sẽ khiến bạn và cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn – dù hoàn cảnh trong cả hai trường hợp là như nhau. Theo Gallagher tổng kết: “Việc bạn là ai, bạn nghĩ gì, cảm thấy gì, làm gì và yêu thích điều gì chính là tổng hòa của những gì bạn tập trung.”

Tác giả: