Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Công trình ESM của Csikszentmihalyi đã giúp ông củng cố lý thuyết được phát triển trước đây: “Những khoảnh khắc đẹp nhất thường xảy ra khi cơ thể hoặc tâm trí của một người bị đẩy tới giới hạn, trong nỗ lực tự nguyện nhằm đạt được những điều vừa khó khăn vừa đáng giá.” Csikszentmihalyi gọi nó là dòng chảy (flow) (một thuật ngữ được ông phổ biến trong cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1990). Vào thời điểm đó, phát hiện này đi ngược lại những hiểu biết thông thường. Hầu hết mọi người đều giả sử (và họ vẫn làm vậy) rằng sự thoải mái đó khiến họ hạnh phúc. Chúng ta muốn làm ít hưởng nhiều. Nhưng kết quả từ các nghiên cứu ESM của Csikszentmihalyi cho thấy hầu hết mọi người đều đã sai:

Trớ trêu thay, làm việc thực sự lại dễ chịu và vui vẻ hơn là ở không, bởi các hoạt động dòng chảy có mục tiêu, quy tắc phản hồi và thử thách đều khuyến khích chúng ta gắn bó với công việc, tập trung và đắm mình trong đó. Mặt khác, nhàn rỗi và ở không đều là những việc không có cấu trúc rõ ràng, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để hình thành thứ gì đó có thể đem lại niềm vui.

Khi được đo lường theo trải nghiệm, mọi người thường hạnh phúc hơn trong công việc, ngược lại, họ cảm thấy chán nản khi ở không. Theo các nghiên cứu ESM đã được xác nhận, trong một tuần, các trải nghiệm dòng chảy xảy ra càng nhiều thì sự hài lòng về cuộc sống của chủ thể càng cao. Có vẻ như, con người sẽ trở nên tốt đẹp nhất khi họ đắm mình trong thứ gì đó đầy thử thách.

Tất nhiên, vẫn có sự chồng chéo giữa lý thuyết dòng chảy và những tư tưởng của Winifred Gallagher được nêu bật trong phần cuối chương. Cả hai đều hướng tới tầm quan trọng của chiều sâu hơn là sự nông cạn, hời hợt, nhưng họ lại chỉ tập trung vào hai cách giải thích khác nhau. Bài viết của Gallagher nhấn mạnh: Nội dung của những gì chúng ta tập trung mới quan trọng. Nếu tập trung cao độ vào những điều quan trọng, những điều hời hợt tiêu cực sẽ bị bỏ qua, cùng với đó, chúng ta sẽ được trải nghiệm quá trình làm việc lạc quan và ý nghĩa hơn. Ngược lại, lý thuyết dòng chảy của Csikszentmihalyi dường như không liên quan tới nội dung của những thứ chúng ta chú ý. Dù ông có thể đồng tình với nghiên cứu được Gallagher trích dẫn, nhưng lý thuyết của ông lại cho thấy cảm giác sâu sắc đó mới chính là điều bổ ích. Bất kể thử thách đó là gì, thì tâm trí của chúng ta vẫn thích thử thách đó.

Mối liên hệ giữa làm việc sâu và dòng chảy cần phải rõ ràng: Làm việc sâu là hoạt động phù hợp để tạo ra trạng thái dòng chảy (Csikszentmihalyi mô tả những gì tạo ra dòng chảy bao gồm: các khái niệm về việc đẩy tâm trí đi tới giới hạn, tập trung và đắm mình vào hoạt động đó). Như chúng ta vừa tìm hiểu, dòng chảy tạo ra hạnh phúc. Kết hợp hai ý tưởng này, chúng ta có được một lập luận vững chắc về chiều sâu xét trên quan điểm tâm lý học. Xuất phát từ các thử nghiệm ESM ban đầu của Csikszentmihalyi, hàng thập kỷ nghiên cứu đã xác nhận rằng hành động chăm chú, tập trung cao độ sẽ ra lệnh cho ý thức theo cách có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Csikszentmihalyi thậm chí còn tranh luận rằng các công ty hiện đại nên nắm bắt thực tế này và gợi ý: “các công việc cần được thiết kế lại sao cho chúng có thể tạo ra hoạt động dòng chảy”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, thiết kế lại công việc sẽ khá khó khăn và lộn xộn (ví dụ, hãy xem lập luận của tôi trong chương trước), Csikszentmihalyi giải thích rằng điều quan trọng hơn là các cá nhân nên tìm kiếm cơ hội cho dòng chảy. Đây cũng là bài học rút ra sau quá trình đi sâu vào nghiên cứu ngành tâm lý học thực nghiệm: Xây dựng quá trình làm việc xoay quanh trải nghiệm dòng chảy được tạo ra từ làm việc sâu là phương thức đúng đắn để có được sự hài lòng sâu sắc.

Lập luận dựa trên quan điểm triết học về chiều sâu

Lập luận cuối cùng về mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa đòi hỏi chúng ta phải tạm thời bỏ qua quan điểm về khoa học thần kinh và tâm lý học, thay vào đó là áp dụng quan điểm triết học. Tôi sẽ giới thiệu hai vị học giả rất am tường về chủ đề này: Hubert Dreyfus, Giáo sư Triết học tại Berkeley trong hơn bốn thập kỷ qua và Sean Dorrance Kelly, Trưởng khoa đương nhiệm bộ môn Triết học tại Đại học Harvard. Năm 2011, Dreyfus và Kelly đã cùng xuất bản một cuốn sách mang tên All Things Shining (tạm dịch: Mọi thứ đều tỏa sáng). Cuốn sách chia sẻ về hành trình biến đổi của các khái niệm về sự thiêng liêng và ý nghĩa trong suốt lịch sử văn hóa nhân loại. Các tác giả muốn tái tạo lịch sử này bởi lo ngại khái niệm đó sẽ mãi mãi biến mất trong thời đại của chúng ta. Dreyfus và Kelly đã giải thích trong cuốn sách: “Thế giới này từng là nơi của những điều thiêng liêng và tỏa sáng dưới nhiều hình thức khác nhau. Giờ đây, những điều rực rỡ này dường như đang ngày càng lụi tàn.”

Điều gì đã xảy ra tại thời đó và bây giờ? Các tác giả cho rằng đó chính là vì Descartes[25]. Chủ nghĩa hoài nghi của Descartes đã gợi lên niềm tin sâu sắc rằng: Những cá nhân tìm kiếm sự tất định đã dựng lên câu chuyện về một vị Chúa trời hay một nhà vua tôn sùng sự thật. Tất nhiên, Thời đại Khai sáng[26] đã mang đến khái niệm về nhân quyền và giải phóng con người khỏi sự áp bức. Tuy nhiên, như Dreyfus và Kelly nhấn mạnh, do lợi ích chính trị, chính lối tư duy này đã tước đi những điều cần thiết để tạo ra ý nghĩa ở thế giới của tôn ti trật tự và sự thiêng liêng trong lĩnh vực siêu hình. Trong thế giới hậu Thời đại Khai sáng, chúng ta phải tự xác định đâu là những điều có ý nghĩa, một nhiệm vụ có vẻ tùy hứng và dần tạo ra thuyết hư vô. Dreyfus và Kelly lo lắng rằng: “Thuyết siêu hình của Thời đại Khai sáng với những cá nhân tự trị không chỉ khiến cuộc sống trở nên nhàm chán, mà chắc chắn còn dẫn đến một cuộc sống khó chịu.”

Lúc đầu, vấn đề này có vẻ không được chúng ta quan tâm, nhưng một khi đã thực hiện giải pháp của Dreyfus và Kelly, chúng ta sẽ khám phá thêm nhiều điều sâu sắc và mới mẻ về nguồn gốc của ý nghĩa. Mối liên hệ này có thể khiến bạn không quá bất ngờ khi biết rằng, phản ứng của Dreyfus và Kelly đối với chủ nghĩa hư vô hiện đại được xây dựng dựa trên chủ đề mở đầu của chương này: những thợ thủ công.

Dreyfus và Kelly đã tranh luận trong phần cuối của cuốn sách rằng: Sự khéo léo chính là chìa khóa khơi dậy cảm giác thiêng liêng theo cách có trách nhiệm. Để minh chứng cho tuyên bố này, họ lấy ví dụ về tính tổ chức thông qua việc phân tích một người thợ chuyên làm và sửa chữa bánh xe bằng gỗ khéo léo – giờ đây, nghề này đã thất truyền. “Bởi mỗi mảnh gỗ là một sự khác biệt và có tính chất riêng,” họ viết sau một đoạn văn mô tả chi tiết về nghề làm và sửa chữa bánh xe thủ công. “Người thợ mộc có mối liên hệ mật thiết với những tấm gỗ mà anh ta thao tác. Những điểm tinh tế này cần được chú ý và củng cố thêm.” Khi đề cao “những điểm tinh tế” trong cách thức làm việc của người thợ mộc, họ nhận ra anh ta đã tình cờ chạm đến một thứ rất quan trọng trong thế giới hậu Thời đại Khai sáng: nguồn ý nghĩa nằm bên ngoài mỗi cá nhân. Người thợ chuyên làm và sửa chữa bánh xe này không hề tự ý đưa ra quyết định xem điểm nào của tấm gỗ có giá trị và điểm nào không; đây là những giá trị vốn có của tấm gỗ và là công dụng của nó.

Dreyfus và Kelly giải thích rằng sự thiêng liêng là điều hay gặp trong nghề thủ công. Họ kết luận rằng nhiệm vụ của một người thợ thủ công “không phải là tạo ra ý nghĩa, mà đúng hơn là rèn luyện kỹ năng để nhận ra những ý nghĩa đã có sẵn trong con người họ”. Điều này giúp giải phóng những nghệ nhân của chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa cá nhân tự trị, mang lại một thế giới ý nghĩa có trật tự. Đồng thời, ý nghĩa này có vẻ an toàn hơn so với các nguồn ý nghĩa được trích dẫn trong các thời kỳ trước.

Quay trở lại với câu hỏi về sự hài lòng trong công việc, cách diễn giải của Dreyfus và Kelly về sự khéo léo trong lĩnh vực thủ công cũng giống như con đường dẫn đến ý nghĩa, nó mang lại hiểu biết tường tận về lý do tại sao công việc của những người như Ric Furrer lại ảnh hưởng tới rất nhiều người. Những triết gia này kết luận rằng: Vẻ hài lòng trên khuôn mặt của Furrer khi ông tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ kim loại thô là cái nhìn thể hiện sự đánh giá cao về những thứ khó nắm bắt và có giá trị trong thời hiện đại. Chúng là những ý niệm mơ hồ về sự thiêng liêng.

Một khi đã hiểu, chúng ta có thể liên kết sự thiêng liêng vốn có trong lĩnh vực thủ công truyền thống với những ngành nghề tri thức. Để làm vậy, trước tiên chúng ta phải thực hiện được hai việc quan trọng. Điều đầu tiên có thể đã rõ ràng nhưng tôi vẫn cần nhấn mạnh: Các ngành nghề thủ công không có giá trị nội hàm để tạo ra nguồn ý nghĩa đặc biệt này. Bất kỳ sự theo đuổi nghề nghiệp nào – về thể chất hay nhận thức – nhằm nâng cao kỹ năng cũng có thể tạo ra cảm giác thiêng liêng.

Để củng cố luận điểm này, chúng ta hãy xem xét từ các minh chứng xa xưa về nghề chạm khắc gỗ hay rèn kim loại tới các minh chứng hiện đại về lập trình máy tính. Dưới đây là câu nói được Santiago Gonzalez, thần đồng trong làng viết mã, dùng để mô tả công việc trong một buổi phỏng vấn:

Một đoạn mã hay phải đáp ứng được tiêu chí ngắn gọn và đầy đủ, để nếu bạn định đưa đoạn mã đó cho một lập trình viên khác, họ sẽ nói: “Ồ, đoạn mã này được viết rất tốt.” Việc này cũng giống như việc bạn viết một bài thơ vậy.

Cách Gonzalez đề cập đến lập trình máy tính cũng tương tự như cách các thợ mộc đề cập đến nghề nghiệp của họ trong các đoạn trích của Dreyfus và Kelly.

Tác giả: