Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Sau hai tháng nhốt mình để nghiền ngẫm, Benn đã tham dự Dev Bootcamp, một khóa học cấp tốc kéo dài 100 giờ mỗi tuần về lập trình ứng dụng web. (Trong quá trình nghiên cứu chương trình, Benn phát hiện ra một thạc sĩ tốt nghiệp trường Princeton từng mô tả Dev là “điều khó khăn nhất tôi từng làm trong đời mình”.) Nhờ sự chuẩn bị và khả năng về làm việc sâu, Benn đã thể hiện rất xuất sắc. Anh nói: “Một số người đến mà chưa có sự chuẩn bị. Họ không thể tập trung và học hỏi một cách nhanh chóng.” Chỉ một nửa số học viên tham gia cùng Benn lúc đầu tốt nghiệp đúng hạn. Benn không chỉ tốt nghiệp, mà còn là học viên giỏi nhất lớp.

Làm việc sâu đã được đền đáp. Benn nhanh chóng tìm được việc, trở thành nhà phát triển tại một công ty khởi nghiệp công nghệ ở San Francisco. Nửa năm trước, khi từ bỏ công việc tư vấn tài chính, anh đang kiếm được 40.000 đô-la một năm. Còn giờ đây, công việc mới đang mang lại cho anh 100.000 đô-la – số tiền này cùng mức kỹ năng của anh vẫn có thể tiếp tục tăng, về cơ bản là không giới hạn, tại thị trường Thung lũng Silicon.

Lần cuối tôi gặp Benn là khi anh đang nỗ lực cho vị trí mới. Là một tín đồ của phong cách làm việc sâu, anh đã thuê một căn hộ cạnh văn phòng để có thể đến sớm vào mỗi sáng trước khi các nhân viên khác đến và làm việc mà không bị mất tập trung. “Vào những ngày đẹp trời, tôi có thể tập trung trong bốn tiếng trước khi có cuộc họp đầu tiên,” anh nói. “Sau đó, tôi có thể làm thêm ba đến bốn tiếng nữa vào buổi chiều. Ý tôi là ‘tập trung’” thực sự: không e-mail, không Hacker News[5], chỉ có lập trình mà thôi.” Đối với một người từng thừa nhận có lúc đã dành đến 98% thời gian trong công việc chỉ để lướt web, thì sự chuyển biến của Jason Benn quả là đáng ngạc nhiên.

Câu chuyện của Jason Benn đã nhấn mạnh một bài học quan trọng: Làm việc sâu không phải là kiểu ra vẻ hoài cổ của các nhà văn và các triết gia hồi đầu thế kỷ XX. Thay vào đó, nó là kỹ năng có giá trị lớn ngày nay.

Có hai lý do cho điều này. Lý do đầu tiên phải kể đến việc học tập. Chúng ta có một nền kinh tế thông tin phụ thuộc vào các hệ thống phức tạp đang thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, một số ngôn ngữ máy tính Benn được học không tồn tại cách đây 10 năm và có thể sẽ lỗi thời sau 10 năm nữa kể từ giờ phút này. Tương tự như vậy, một người sắp bước chân vào lĩnh vực marketing ở thập niên 1990 sẽ không thể biết được ngày nay, họ cần làm chủ kỹ năng phân tích kỹ thuật số. Do đó, để duy trì giá trị trong nền kinh tế, bạn phải nắm vững nghệ thuật học hỏi nhanh chóng những điều phức tạp. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải làm việc sâu. Nếu không tôi luyện khả năng này, bạn có thể sẽ bị tụt hậu trước những tiến bộ kỹ thuật.

Lý do thứ hai là bởi tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm giảm rất nhiều yêu cầu về các nguồn lực. Nếu bạn có thể tạo ra giá trị nào đó hữu ích, thì đối tượng có thể tiếp cận chúng (ví dụ, các nhà tuyển dụng hoặc khách hàng) về cơ bản là vô hạn – đó sẽ là phần thưởng hậu hĩnh dành cho bạn. Mặt khác, nếu những gì bạn đang tạo ra thật tầm thường, bạn sẽ gặp rắc rối, vì các đối tượng sẽ dễ dàng tiếp cận chúng để tìm ra giải pháp thay thế trực tuyến tốt hơn. Dù bạn là một lập trình viên, nhà văn, chuyên viên marketing, chuyên gia tư vấn hay doanh nhân, thì bạn cũng đang ở trong hoàn cảnh giống như Jung khi cố gắng vượt qua Freud, hoặc Jason Benn khi cố gắng tạo cho riêng mình một khởi đầu ấn tượng: Để thành công, bạn cần phải tạo ra những thứ tuyệt vời nhất có thể – một nhiệm vụ đòi hỏi sự chuyên sâu.

Tính cấp thiết của làm việc sâu là một vấn đề còn tương đối mới mẻ. Trong nền kinh tế công nghiệp, chỉ có một số ít lao động chân tay và tầng lớp có chuyên môn cao coi làm việc sâu là vấn đề quan trọng, còn đa số những người khác chỉ có thể làm tốt, họ chưa bao giờ chịu tôi luyện khả năng tập trung mà không bị phân tâm. Họ được trả lương để lắp ráp các linh kiện – và công việc của họ cũng sẽ chẳng thay đổi gì trong vài thập kỷ nếu họ vẫn giữ nguyên như vậy. Nhưng khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thông tin với ngày càng nhiều người lao động trí óc, làm việc sâu sẽ trở thành một yêu cầu then chốt – dù hầu hết mọi người đều chưa ý thức được thực tế này.

Nói cách khác, làm việc sâu không phải là một kỹ năng lỗi thời không còn được áp dụng. Thay vào đó, nó là một khả năng quan trọng đối với bất kỳ ai muốn tiến lên trong nền kinh tế thông tin cạnh tranh toàn cầu có xu hướng đào thải những người không thể duy trì được sự tập trung. Phần thưởng thực sự không dành cho những ai cảm thấy thoải mái khi lướt Facebook (một nhiệm vụ tầm phào dễ làm và dễ bắt chước), mà dành cho những người có thể xây dựng các hệ thống phân tán đổi mới triển khai dịch vụ (một nhiệm vụ phức tạp và có chiều sâu, khó sao chép). Làm việc sâu quan trọng đến nỗi chúng ta có thể dùng cách mô tả của nhà văn chuyên viết về kinh doanh Eric Barker là “sức mạnh siêu phàm của thế kỷ XXI”.

Giờ chúng ta đã thấy hai luồng tư tưởng – một là nguồn nhân lực làm việc sâu đang ngày càng khan hiếm và hai là giá trị gia tăng của nó – những gì chúng ta có thể kết hợp thành ý tưởng, cung cấp nền tảng cho mọi thứ được trình bày trong cuốn sách này:

Giả thuyết làm việc sâu: Năng lực làm việc sâu ngày càng trở nên hiếm hoi vào đúng lúc nó đang dần trở nên giá trị đối với nền kinh tế. Kết quả là, chỉ có một số ít người tôi luyện được kỹ năng này, rồi biến nó thành giá trị cốt lõi trong sự nghiệp, mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Cuốn sách này nhắm đến hai mục tiêu, được trình bày trong hai phần. Mục tiêu đầu tiên, được giải quyết trong Phần 1, nhằm thuyết phục bạn rằng giả thuyết làm việc sâu là đúng. Mục tiêu thứ hai, được giải quyết trong Phần 2, hướng dẫn bạn cách tận dụng lợi thế của sự thật này bằng cách rèn luyện bộ não và biến thói quen làm việc sâu trở thành kỹ năng. Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào chi tiết, tôi muốn dành một chút thời gian để giải thích cách tôi trở thành một tín đồ làm việc sâu.

Tôi đã dành cả thập kỷ qua để rèn luyện khả năng tập trung vào những điều khó khăn. Hiểu được nguồn gốc của sự thích thú này giúp tôi biết rằng tôi là nhà khoa học máy tính lý thuyết đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ trong nhóm Lý thuyết Điện toán danh tiếng của MIT – một môi trường chuyên nghiệp mà ở đó khả năng làm việc sâu được coi là một kỹ năng chuyên môn quan trọng.

Trong suốt những năm qua, tôi đã chia sẻ với các sinh viên về một người từng giành giải thưởng “Thiên tài” trong Chương trình nghiên cứu sinh MacArthur[6] – một giáo sư được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thuê làm việc trước khi đủ tuổi uống rượu hợp pháp[7]. Không lấy gì làm lạ khi thấy nhà học thuyết này đang ngồi tại một nơi công cộng, nhìn chằm chằm vào những ký hiệu trên bảng trắng, cùng một nhóm các học giả xung quanh ông cũng lặng lẽ ngồi nhìn chằm chằm. Điều này có thể tiếp diễn nhiều giờ liền. Tôi đi ăn trưa rồi trở lại và vẫn thấy họ ngồi ở tư thế đó. Vị giáo sư đặc biệt này rất khó tiếp cận. Ông không xuất hiện trên Twitter và nếu không biết bạn là ai, ông sẽ không bao giờ trả lời e-mail của bạn. Năm ngoái, ông đã công bố 16 bài viết.

Đây là loại hình tập trung mạnh mẽ từng được tôi áp dụng trong suốt quãng thời gian đi học. Không hề ngạc nhiên khi tôi cũng sớm trở nên gắn bó với kỹ năng làm việc sâu. Việc tôi chưa từng có tài khoản Facebook, Twitter hoặc bất kỳ tài khoản nào trên các phương tiện truyền thông xã hội ngoài blog đã từng khiến bạn bè lẫn các nhà báo mà tôi từng làm việc cùng phải thất vọng. Tôi không lướt web mà xem hầu hết tin tức trên tờ Washington Post và nghe Đài phát thanh quốc gia. Tôi cũng là người thuộc típ khó tiếp cận: Trang web tác giả của tôi không cung cấp địa chỉ e-mail cá nhân và tôi cũng không sở hữu chiếc điện thoại thông minh nào mãi đến năm 2012 (khi người vợ đang mang thai của tôi đưa ra tối hậu thư – “anh phải mang theo chiếc điện thoại di động bên mình trước khi con trai chúng ta chào đời”).

Mặt khác, cam kết làm việc sâu cũng mang lại nhiều phần thưởng cho tôi. Trong khoảng 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xuất bản bốn cuốn sách, lấy được bằng tiến sĩ, công bố các tài liệu học thuật được giới chuyên môn đánh giá cao và được thuê làm giáo sư theo nhiệm kỳ tại Đại học Georgetown. Tôi duy trì lượng bài viết đồ sộ này trong khi rất hiếm khi làm việc quá 5 hay 6 giờ chiều các ngày trong tuần.

Lịch trình tinh gọn này khá khả thi bởi tôi đã dành nhiều nỗ lực để cắt giảm những hoạt động tầm phào hời hợt trong cuộc sống của mình mà vẫn đảm bảo tận dụng tối đa thời gian thư giãn. Tôi sắp xếp ngày làm việc của mình chủ yếu xoay quanh quá trình làm việc sâu được lựa chọn kỹ lưỡng, còn với các hoạt động hời hợt bề nổi, tôi khó có thể tránh khỏi việc bị chia thành những gánh nặng nhỏ hơn bủa vây lấy lịch trình của tôi. Chúng ta có thể dành ra ba đến bốn giờ một ngày, năm ngày một tuần để tập trung cao độ và tạo ra nhiều giá trị.

Cam kết làm việc sâu cũng mang lại cho tôi những lợi ích không mang tính chuyên môn trong công việc. Trong khoảng thời gian từ lúc đi làm về cho đến sáng hôm sau khi bắt đầu ngày làm việc mới, tôi hầu như không chạm vào máy tính ngoại trừ các bài blog tôi thích viết sau khi con ngủ). Khả năng ngắt kết nối hoàn toàn này, chẳng hạn như không vội vàng kiểm tra e-mail công việc, hoặc thường xuyên lang thang trên các phương tiện truyền thông xã hội, đã tạo điều kiện cho tôi quây quần cùng vợ và hai con trai vào buổi tối cũng như đọc những cuốn sách thú vị khi là một người cha bận rộn. Nhìn chung, tránh bị sao lãng khỏi những việc hời hợt giúp làm giảm căng thẳng tinh thần – tác nhân gây nhiễu dường như đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống hằng ngày của con người. Tôi vẫn thấy thoải mái khi trong trạng thái hời hợt và đây là một kỹ năng quý đến mức đáng kinh ngạc – đặc biệt là vào một đêm hè lười biếng tại Washington khi đang lắng nghe một chương trình phát thanh.

Tác giả: