Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Nói cách khác, rèn luyện trí nhớ là khả năng cải thiện năng lực tập trung của bạn. Sau đó, bạn có thể áp dụng hiệu quả khả năng này vào mọi nhiệm vụ cần làm việc sâu. Do đó, chúng ta có thể phỏng đoán, Daniel Kilov không trở thành một sinh viên ưu tú nhờ trí nhớ đã giúp anh mang về giải thưởng; thay vào đó, hành trình cải thiện trí nhớ (một cách tình cờ) đã giúp anh tăng cường kỹ năng làm việc sâu, từ đó đạt được sự tiến bộ vượt bậc trong học tập.

Chiến lược được mô tả ở đây yêu cầu bạn hãy làm theo phần trọng điểm trong quá trình rèn luyện của Kilov, từ đó đạt được những tiến bộ tương tự về khả năng tập trung. Đặc biệt, chiến lược này cũng yêu cầu bạn phải học hỏi một kỹ năng tiêu chuẩn nhưng khá ấn tượng của hầu hết các vận động viên trí lực, đó là khả năng ghi nhớ một bộ bài bị xáo trộn.

Kỹ thuật ghi nhớ các lá bài mà tôi sẽ chỉ cho bạn xuất phát từ một người chỉ biết một chút về thử thách này: Ron White, người từng giành chiến thắng trong cuộc thi Quán quân Trí nhớ của Mỹ và nắm giữ kỷ lục thế giới về khả năng ghi nhớ thẻ bài.[40] Điều đầu tiên White nhấn mạnh là các vận động viên trí nhớ chuyên nghiệp không bao giờ cố gắng nhớ vẹt, hay chỉ quan sát thông tin hết lần này đến lần khác, rồi lặp lại nó trong đầu. Dù đây là điều phổ biến với những sinh viên căng thẳng do quá tải, nhưng phương pháp ghi nhớ này đã gây ra hiểu lầm về cơ chế vận hành của não bộ. Chúng ta không được lập trình để tiếp thu nhanh chóng những thông tin trừu tượng. Tuy nhiên, chúng ta lại rất giỏi ghi nhớ bối cảnh. Hãy nhớ lại một sự kiện đáng nhớ gần đây trong cuộc sống của bạn: Ví dụ như một phiên khai mạc hội nghị hoặc gặp gỡ một người bạn đã lâu không gặp. Hãy cố gắng hình dung càng rõ bối cảnh càng tốt. Trong trường hợp này, hầu hết mọi người có thể gợi lại hồi ức vô cùng sống động về sự kiện – dù họ không đặc biệt chủ tâm ghi nhớ nó ngay lúc đó. Nếu bạn nhớ lại một cách có hệ thống các chi tiết độc nhất của hồi ức này, bạn sẽ nhận ra nó có vô vàn chi tiết. Nói cách khác, tâm trí của bạn có thể nhanh chóng lưu trữ nhiều thông tin chi tiết nếu được ghi nhớ đúng cách. Kỹ thuật ghi nhớ bộ bài của Ron White được xây dựng dựa trên tầm nhìn này.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ cần ghi nhớ khối lượng lớn, White khuyên bạn nên bắt đầu bằng cách củng cố trong tâm trí hình ảnh bạn dạo bước qua năm phòng trong nhà mình. Bạn đi vào cổng, bước vào hiên nhà, sau đó đến phòng tắm ở tầng 1, bước ra để vào phòng ngủ của khách, bước vào nhà bếp, sau đó đi xuống cầu thang vào tầng hầm. Trong mỗi phòng, hãy nhớ kỹ lại những gì bạn nhìn thấy.

Khi có thể dễ dàng nhớ lại cuộc dạo bước của bạn ở một địa điểm quen, hãy ghim trong đầu 10 chi tiết của mỗi phòng. White cho rằng bạn nên ghi nhớ những vật lớn (do đó dễ nhớ hơn), giống như bàn làm việc, thay vì một cây bút chì. Tiếp theo, thiết lập trật tự quan sát đồ vật trong phòng. Ví dụ, ở hiên nhà, bạn có thể nhìn thấy tấm thảm chùi chân ở lối vào, sau đó là những đôi giày trên sàn, cạnh thảm, tiếp sau đó là chiếc ghế sofa phía trên những đôi giày… Vậy là bạn đã ghi nhớ được 50 chi tiết, sau đó bổ sung hai chi tiết nữa ở sân sau nhà bạn chẳng hạn, để có đủ 52 chi tiết tương ứng với số lá bài của một bộ bài chuẩn.

Hãy thực hành bài tập hình dung đi bộ qua các phòng và quan sát các vật dụng trong mỗi phòng, theo thứ tự đã sắp xếp. Bạn sẽ nhận ra rằng loại ghi nhớ dựa trên hình ảnh trực quan về những địa điểm và sự vật quen thuộc sẽ dễ nhớ hơn nhiều so với việc nhớ vẹt thời đi học.

Bước thứ hai trong việc chuẩn bị ghi nhớ một bộ bài là kết hợp người hoặc vật đáng nhớ với mỗi lá bài. Để quá trình này trở nên dễ dàng hơn, hãy cố gắng duy trì mối liên kết logic nào đó giữa lá bài và hình ảnh trực quan tương ứng. White đã đưa ra ví dụ về sự kết hợp Donald Trump với quân át rô, vì quân rô có biểu tượng hình kim cương đại diện cho sự giàu có. Hãy thực hành những liên kết này cho đến khi bạn có thể rút một lá bài ngẫu nhiên từ bộ bài và ngay lập tức nhớ được hình ảnh liên quan. Việc sử dụng các hình ảnh trực quan dễ nhớ cùng những liên kết sẽ đơn giản hóa nhiệm vụ hình thành các kết nối này.

Hai bước vừa nêu là các bước nền – những việc bạn chỉ cần làm một lần, rồi có thể tận dụng nhiều lần khi ghi nhớ các bộ bài nhất định. Khi hoàn thành xong các bước này, bạn sẽ sẵn sàng cho sự kiện chính: ghi nhớ nhanh nhất có thể thứ tự của 52 lá bài trong một bộ bài bị xáo trộn. Phương pháp ở đây rất đơn giản. Hãy bắt đầu cuộc dạo chơi quanh nhà bằng tinh thần. Khi gặp từng vật dụng, hãy nhìn vào lá bài tiếp theo trong bộ bài bị xáo trộn và tưởng tượng đến người hoặc vật tương ứng đang làm gì đó gần vật này. Ví dụ, nếu vật dụng và vị trí đầu tiên là tấm thảm trước cửa ra vào và lá bài đầu tiên là át rô, bạn có thể hình dung Donald Trump đang đứng trên tấm thảm ở cửa ra vào nhà bạn và lau bùn cho đôi giày lười đắt tiền của mình.

Hãy thận trọng đi qua lần lượt các căn phòng, liên kết hình ảnh tư duy thích hợp với các đối tượng theo thứ tự thích hợp. Sau khi đi một lượt khắp phòng, bạn có thể muốn đi lại quanh đó vài lần để nhớ kỹ các hình ảnh. Khi hoàn tất việc này, bạn đã sẵn sàng đưa bộ bài cho một người bạn và khiến anh ta ngạc nhiên khi có thể đọc vanh vách bộ bài theo thứ tự mà không phải liếc nhìn. Dĩ nhiên, để làm được như vậy, bạn cần thực hiện chuyến đi trong tưởng tượng thêm một lần nữa, kết nối từng người hoặc vật đáng nhớ với lá bài tương ứng khi bạn chú ý đến nó.

Nếu thực hành kỹ thuật này, bạn sẽ khám phá ra rằng, giống như nhiều vận động viên trí lực đi trước, cuối cùng bạn cũng có thể chủ động tiếp thu cả bộ bài chỉ trong vài phút. Tất nhiên, quan trọng hơn so với khả năng gây ấn tượng với bạn bè, việc rèn luyện các hoạt động này giúp bạn có thể tập trung tâm trí. Việc thực hiện các bước được mô tả trước đó buộc bạn phải tập trung hết lần này đến lần khác vào một mục tiêu rõ ràng. Giống như việc nâng tạ giúp rèn luyện cơ bắp, rèn luyện kỹ năng ghi nhớ sẽ tăng cường khả năng tập trung khái quát của bạn – cho phép bạn tư duy sâu dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, phải nói rằng việc ghi nhớ các lá bài không có gì đặc biệt. Mọi quá trình tư duy có cấu trúc đòi hỏi sự tập trung cao độ đều có thể tạo ra hiệu ứng tương tự – có thể là việc nghiên cứu kinh Talmud, như Adam Marlin trong phần giới thiệu về Quy tắc số 2, hoặc thực hành suy ngẫm hiệu quả hay cố gắng lắng nghe và phát hiện ra một đoạn nhạc được chơi bằng guitar (một thú vui trước đây của tôi). Nói cách khác, nếu bạn không thích ghi nhớ các lá bài, hãy chọn một cách làm khác với cùng các yêu cầu về nhận thức. Mấu chốt của chiến lược này không phải là chi tiết cụ thể, mà là ý tưởng đầy khích lệ rằng khả năng tập trung sẽ tỷ lệ thuận với cam kết rèn luyện.

Quy tắc số 3
Thoát khỏi truyền thông xã hội

Năm 2013, tác giả kiêm nhà tư vấn truyền thông xã hội kỹ thuật số Baratunde Thurston đã tiến hành một thử nghiệm. Anh quyết định ngắt kết nối với thế giới trên mạng trong 25 ngày: không Facebook, không Twitter, không Foursquare (một dịch vụ đã trao tặng cho anh danh hiệu “Thị trưởng của năm” vào năm 2011), cả e-mail cũng không. Anh cần nghỉ ngơi. Thurston được bạn bè mô tả là “anh chàng dễ kết nối nhất thế giới”. Anh đã tham gia vào hơn 59.000 cuộc hội thoại trên Gmail và đăng 1.500 bài viết lên Facebook của mình vào năm trước khi anh thực hiện thử nghiệm. Anh giải thích: “Tôi thấy mệt mỏi. Kiệt sức. Tiêu tan hết năng lượng. Suy sụp.”

Nhờ bài viết trên trang bìa tạp chí Fast Company, với tiêu đề đầy kích thích: “#UnPlug” (tạm dịch: Ngắt kết nối), chúng tôi được biết về thử nghiệm của Thurston. Theo bài báo, anh không mất nhiều thời gian để điều chỉnh cuộc sống khi ngắt kết nối. Anh nói: “Vào cuối tuần đầu tiên, tôi có vẻ đỡ lạ lẫm hơn với nhịp sống yên tĩnh. Tôi bớt căng thẳng hơn khi không cập nhật thông tin mới; tôi thấy mình vẫn sống dù chẳng cần dính dáng gì đến Internet.” Thurston đã nói chuyện với những người xa lạ. Anh thưởng thức đồ ăn mà không đăng lên Instagram. Anh đã mua một chiếc xe đạp (“hóa ra việc đạp xe sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi bạn không vừa đạp xe vừa cố kiểm tra Twitter”). Thurston than thở: “Niềm vui ngắn chẳng tày gang.” Nhưng anh còn phải điều hành các công ty mới thành lập và phải quảng cáo sách ra thị trường, vì vậy sau 25 ngày, anh đành miễn cưỡng quay trở lại với cuộc sống gắn liền với Internet.

Thử nghiệm của Baratunde Thurston đã tóm tắt ngắn gọn hai điểm quan trọng về mối quan hệ hiện tại của chúng ta với các mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram, cùng các trang web thông tin giải trí như Business Insider và BuzzFeed – hai trang mạng trực tuyến gây phân tâm mà tôi sẽ gọi chung là “các công cụ mạng” trong các phần tiếp theo. Điểm đầu tiên là chúng ta ngày càng nhận ra rằng các công cụ này đang làm tốn thời gian và giảm khả năng tập trung của mình. Đây là thực tế không còn gây nhiều tranh cãi nữa; tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận được nó. Nó là vấn đề thực sự đối với nhiều người và là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng nếu chúng ta muốn cải thiện khả năng làm việc sâu. Ví dụ, ở quy tắc trước, tôi đã mô tả một số chiến lược có thể giúp bạn mài giũa sự tập trung. Những nỗ lực này sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu bạn đồng thời hành xử giống anh chàng Baratunde Thurston trước khi thử nghiệm diễn ra, tức là cho phép cuộc sống của bạn nằm ngoài luồng rèn luyện và đắm chìm trong sự mơ hồ sao lãng của các ứng dụng và trình duyệt. Do ý chí bị hạn chế, các công cụ sẽ càng trở nên hấp dẫn và thu hút sự chú ý của bạn, đồng thời bạn sẽ càng khó tập trung vào những điều quan trọng. Vì vậy, để làm chủ nghệ thuật làm việc sâu, trước tiên bạn phải kiểm soát thời gian và sự chú ý của mình trước vô vàn kẻ thù ở khắp bốn phương tám hướng đang rình rập đánh cắp nó khỏi tay bạn.

Tác giả: