Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Tôi gặp Pritchard lần đầu tại chợ nông sản địa phương ở công viên Takoma, Maryland, nơi Smith Meadows đang hoạt động kinh doanh hiệu quả. Nếu nhìn thấy Pritchard với chiều cao nổi bật so với hầu hết khách hàng ở vùng ngoại ô này cùng chiếc áo sơ mi bạc màu, bạn sẽ thấy ngay hình ảnh của một người lao động chân tay tự tin với công việc của mình. Tôi gặp anh và tự giới thiệu bản thân, vì công việc đồng áng là một dạng kỹ năng phụ thuộc vào khả năng quản lý tốt các công cụ và tôi muốn tìm hiểu cách một người lao động chân tay trong một lĩnh vực phi kỹ thuật số sẽ tiếp cận nhiệm vụ quan trọng này như thế nào.

Không lâu sau, trong cuộc trao đổi của chúng tôi về chủ đề này, anh nói với tôi rằng: “Dỡ cỏ khô là một ví dụ điển hình. Đó là chủ đề tôi có thể chia sẻ kiến thức cơ bản với anh mà không cần có kiến thức nền về kinh tế.”

Anh giải thích rằng, khi anh tiếp quản Smith Meadows, trang trại đang tự làm cỏ khô để dùng làm thức ăn chăn nuôi trong suốt mùa đông khi không thể chăn thả vật nuôi trên đồng cỏ. Bạn phải dỡ cỏ khô bằng một dụng cụ được gọi là máy ép cỏ: Một thiết bị được lắp sau máy kéo để ép cỏ khô thành các kiện. Nếu nuôi động vật ở Bờ Đông, hẳn bạn sẽ có lý do để sở hữu và vận hành chiếc máy ép cỏ: Vật nuôi của bạn cần cỏ khô. Nhưng tại sao lại phải chi tiền “mua” thức ăn khi cỏ ngon mọc hoang đầy trên mảnh đất của bạn? Do đó, nếu người nông dân áp dụng lối tư duy lợi-ích-nào-cũng-được của người lao động trí óc, chắc chắn anh ta sẽ mua máy ép cỏ khô. Nhưng theo Pritchard giải thích, nếu người nông dân thực sự áp dụng lối tư duy đơn giản thái quá đó: “Tôi đồ rằng họ sẽ sớm phải cắm biển ‘BÁN ĐẤT’ trên chính mảnh đất của mình thôi.” Thay vào đó, Pritchard, giống như bất kỳ người lao động chân tay nào, đã có quá trình tư duy phức tạp hơn khi đánh giá các công cụ. Sau khi áp dụng quy trình này vào máy ép cỏ, Pritchard nhanh chóng bán nó: Giờ đây, Smith Meadows sử dụng cỏ khô thu mua.

Đây là lý do tại sao…

Pritchard nói: “Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu chi phí làm cỏ khô. Đầu tiên là chi phí nhiên liệu thực tế, chi phí sửa chữa và nhà kho để giữ các kiện cỏ. Bạn cũng phải trả tiền thuế nữa chứ.” Tuy nhiên, những chi phí có thể đo lường trực tiếp này không phải là yếu tố chính dẫn đến quyết định của anh. Thay vào đó, “chi phí cơ hội” mới đáng chú ý. Anh nói thêm: “Nếu làm cỏ khô trong suốt mùa hè, tôi sẽ chẳng thể làm được việc gì khác. Ví dụ, bây giờ tôi sử dụng thời gian đó để chăn nuôi thêm gà lấy thịt để ăn. Chúng tạo ra dòng tiền dương, bởi tôi có thể bán chúng. Ngoài ra, tôi còn có thể dùng phân của chúng để bón cho đất.” Ngoài ra, còn có một vấn đề khôn ngoan không kém khi đánh giá giá trị thứ cấp của một kiện cỏ khô thu mua. Như Pritchard giải thích: “Khi thu mua cỏ khô, tôi có thời gian bán động vật lấy tiền mặt, cũng như có thêm phân bón, có nghĩa là tôi không mất tiền để mua phân bón làm giàu cho đất. Đất đai của tôi cũng không bị xói mòn khi máy móc nặng nề hoạt động liên tục trên nền đất trong suốt mùa hè dài.”

Khi đưa ra quyết định cuối cùng về máy ép cỏ, Pritchard đã bỏ qua chi phí trực tiếp, vốn được coi là lãng phí tiền bạc để chuyển sang những yếu tố mang tính lâu dài cho mảnh đất của mình. Vì những lý do đã nêu, Pritchard kết luận rằng việc thu mua cỏ khô giúp anh có được một mảnh đất màu mỡ hơn. Anh tóm lược: “Sự màu mỡ của mảnh đất là xuất phát điểm của tôi.” Với cách tính toán này, máy ép cỏ khô phải bị loại bỏ.

Hãy lưu ý đến sự phức tạp trong quyết định lựa chọn công cụ của Pritchard. Sự phức tạp này nhấn mạnh một thực tế quan trọng: Quan niệm cho rằng chỉ cần xác định một lợi ích nào đó là đủ để đầu tư tiền bạc, thời gian và sự chú ý đến một công cụ thực sự rất nực cười đối với những người làm ăn như anh. Tất nhiên, chiếc máy ép cỏ cũng mang lại nhiều lợi ích – mọi công cụ tại các quầy hàng nông cụ đều có lợi ích nhất định nào đó. Nhưng tất nhiên nó cũng sở hữu những mặt hạn chế. Pritchard hy vọng quyết định này sẽ hiệu quả. Anh bắt đầu với một nền tảng rõ ràng – trong trường hợp của anh, đất đai màu mỡ giữ vai trò quan trọng trong thành công của công việc anh đang làm – sau đó, từ nền tảng này, anh hướng tới quyết định cuối cùng về việc liệu có nên sử dụng một công cụ cụ thể nào đó hay không.

Theo tôi, nếu bạn là một lao động trí óc – đặc biệt là một người quan tâm đến việc nuôi dưỡng thói quen làm việc sâu – bạn nên lựa chọn công cụ theo cách của những người lao động chân tay, như nông dân chẳng hạn. Dưới đây là phần khái quát hóa của tôi về chiến lược đánh giá này. Tôi gọi hoạt động lựa chọn công cụ là phương pháp người-lao-động-chân-tay, cái tên dùng để nhấn mạnh rằng, rốt cuộc mục đích của các công cụ là hỗ trợ cho các mục tiêu lớn hơn trong nghề nghiệp.

Phương pháp người-lao-động-chân-tay trong lựa chọn công cụ: Hãy xác định các yếu tố cốt lõi quyết định thành công và hạnh phúc trong công việc và cuộc sống cá nhân của bạn. Chỉ dùng một công cụ khi tác động tích cực của nó đối với những yếu tố này lớn hơn nhiều so với tác động tiêu cực.

Nhớ lưu ý rằng phương pháp người-lao-động-chân-tay trong lựa chọn công cụ đối nghịch với phương pháp lợi-ích-nào-cũng-được. Phương pháp lợi-ích-nào-cũng-được đưa ra mọi ảnh hưởng tích cực tiềm năng để biện minh cho việc sử dụng một công cụ, trong khi phương pháp người-lao-động-chân-tay đòi hỏi những tác động tích cực này ảnh hưởng đến các yếu tố cốt lõi của những gì bạn cho là quan trọng và phải lớn hơn các tác động tiêu cực.

Dù phương pháp người-lao-động-chân-tay bác bỏ tính đơn giản thái quá của phương pháp lợi-ích-nào-cũng-được, nhưng không hề bỏ qua những lợi ích đang hướng mọi người đến các công cụ mạng hoặc đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc công nghệ “tốt” hay “xấu”: Nó chỉ đơn giản yêu cầu bạn đưa ra bất kỳ công cụ mạng cụ thể nào có tiêu chí đo lường tương tự, xét tới việc các công cụ trong những ngày nghề khác được đưa ra xem xét trong lịch sử làm việc của những người lao động chân tay.

Ở đây, tôi đưa ra ba chiến lược tuân theo quy tắc này để bạn thấy thoải mái hơn khi từ bỏ tư duy lợi-ích-nào-cũng-được, thay vào đó, bạn có thể áp dụng triết lý người-lao-động-chân-tay thận trọng hơn trong việc chọn lựa các công cụ phù hợp với thời gian và sự chú ý của mình. Hướng dẫn này rất quan trọng vì phương pháp người-lao-động-chân-tay không phải là phương pháp theo kiểu mì-ăn-liền. Việc xác định những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn, rồi cố gắng đánh giá tác động của các công cụ khác nhau đến những yếu tố này không thể được thể hiện dưới dạng công thức đơn giản – nhiệm vụ này đòi hỏi sự thực hành và thử nghiệm. Các chiến lược sau đây sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn về hoạt động thực hành và thử nghiệm bằng cách buộc bạn phải xem xét lại các công cụ mạng của mình từ nhiều góc độ khác nhau. Khi được kết hợp với nhau, chúng sẽ giúp bạn tăng cường mối quan hệ tinh tế hơn với các công cụ của mình, từ đó có đủ quyền kiểm soát thời gian và sự chú ý của bản thân trong việc khai thác phần còn lại của các ý tưởng trong Phần 2 để vươn tới thành công.

Áp dụng luật Số ít Thiết yếu vào những thói quen sử dụng Internet của bạn

Malcolm Gladwell không dùng Twitter. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2013, ông giải thích: “Ai nói người hâm mộ muốn liên hệ với tôi trên Twitter?” Sau đó, ông đùa rằng: “Tôi biết rất nhiều người muốn tôi bớt xuất hiện.” Michael Lewis, một tác giả có sách bán chạy khác, cũng không sử dụng dịch vụ này, đã giải thích trên diễn đàn The Wire rằng: “Tôi không tweet và tôi không dùng Twitter, tôi thậm chí không thể hướng dẫn bạn biết cách đọc hoặc tìm thấy thông báo Twitter ở đâu.” Và như đã đề cập trong Phần 1, George Packer, người từng đoạt giải thưởng của tờ New Yorker, cũng tránh dùng dịch vụ này và mới đây, ông thậm chí còn thấy không cần thiết phải sở hữu một chiếc điện thoại thông minh.

Ba tác giả này không nghĩ rằng Twitter vô dụng. Họ nhanh chóng chấp nhận rằng các tác giả khác thấy nó hữu ích. Trên thực tế, Packer đã thừa nhận không dùng Twitter trong một bài viết phản hồi về bài báo ủng hộ Twitter của David Carr, nhà phê bình truyền thông quá cố của tờ New York Times, trong đó có đoạn:

Và giờ đây, sau gần một năm, liệu Twitter có biến đầu tôi thành đất không? Không đâu, mỗi khoảnh khắc qua đi tôi lại được tận hưởng nhiều thứ hơn mình từng nghĩ, thay vì dành nửa giờ lướt mạng để tìm kiếm thông tin, tôi biết được tin tức trong ngày và cách mọi người phản ứng với nó trong thời gian chờ cà phê tại Starbucks.

Tuy nhiên cùng lúc đó, Gladwell, Lewis và Packer không thấy có dịch vụ nào có thể cung cấp cho họ đủ lợi ích nhằm bù đắp cho những hạn chế của nó trong từng hoàn cảnh cụ thể của họ. Ví dụ, Lewis, người quan ngại rằng việc vào mạng nhiều hơn sẽ rút cạn năng lượng và làm hạn chế khả năng nghiên cứu hay viết ra những câu chuyện tuyệt vời, lưu ý rằng: “Thật kinh ngạc khi mọi người lại vào mạng quá mức tới vậy. Có rất nhiều hình thức giao tiếp trong cuộc sống không khiến tôi giàu có hơn, chúng chỉ khiến tôi nghèo đi mà thôi.” Về phần Packer, ông lại lo lắng về sự sao lãng và cho rằng: “Twitter là kẽ hở của những con nghiện truyền thông.” Ông đã đi xa tới mức mô tả đam mê của Carr với dịch vụ này là “bức tranh tương lai đáng sợ nhất mà tôi được được đọc trong thập kỷ mới”.

Chúng ta không cần tranh luận về việc liệu quyết định tránh xa Twitter (và các công cụ tương tự khác) của những tác giả này là đúng hay sai, bởi doanh thu bán sách và những giải thưởng của họ đã nói lên tất cả. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng những quyết định này làm ví dụ rõ ràng cho phương pháp người-lao-động-chân-tay trong việc lựa chọn các công cụ hành động. Trong thời kỳ khi mà rất nhiều lao động trí óc – và đặc biệt là những người lao động trong các lĩnh vực sáng tạo – vẫn bị mắc kẹt trong lối tư duy lợi-ích-nào-cũng-được, thì việc tìm thấy một phương pháp tiến bộ hơn giúp phân loại các dịch vụ như vậy chẳng khác nào một luồng gió mới. Nhưng sự khan hiếm của những ví dụ này đang nhắc nhở chúng ta rằng những đánh giá mang tính tiến bộ và tự tin về loại công cụ này không dễ gặp. Hãy nhớ lại tính phức tạp của quá trình tư duy, được nhắc đến trong mục trước, mà Forest Pritchard phải cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra quyết định về chiếc máy ép cỏ: Đối với nhiều người lao động trí óc cùng nhiều công cụ trong cuộc sống của họ, những quyết định này sẽ không kém phần phức tạp. Do đó, mục tiêu của chiến lược này là cung cấp cho quá trình tư duy một cách giảm bớt sự phức tạp trong việc ra quyết định công cụ nào mới thực sự là quan trọng đối với bạn.

Tác giả: