Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Cụ thể hơn, trong các chiến lược đã được thảo luận từ đầu đến giờ về quy tắc này, chúng ta vẫn chưa dành nhiều thời gian cho loại công cụ mạng đặc biệt có liên quan đến cuộc chiến tìm kiếm sự tập trung sâu: các trang web giải trí được thiết kế để thu hút và duy trì sự chú ý của bạn càng lâu càng tốt. Tại thời điểm tôi viết những dòng này, các kiểu trang web phổ biến nhất bao gồm Huffington Post, BuzzFeed, Business Insider và Reddit. Danh sách này chắc chắn sẽ còn tiếp tục kéo dài không ngừng, nhưng điểm chung của chúng đều nằm ở việc sử dụng các tiêu đề được thiết kế cẩn thận, nội dung dễ tiếp thu, thường được mài giũa để thu hút tối đa sự chú ý của người xem.

Khi bạn tiếp cận bài viết trên một trong các trang web này, các liên kết ở bên cạnh hoặc cuối mỗi trang sẽ cho phép bạn nhấp vào một trang khác và một trang khác nữa. Mọi thủ thuật có sẵn về tâm lý con người, từ danh sách các tiêu đề “phổ biến” hoặc “theo xu hướng”, đến việc sử dụng hình ảnh bắt mắt đều nhằm mục đích giữ chân bạn. Ví dụ, tại thời điểm này, một số bài báo phổ biến nhất trên BuzzFeed là: “17 Words That Mean Something Totally Different When Spelled Backward” (tạm dịch: 17 từ có nghĩa hoàn toàn khác khi đọc ngược lại) và “33 Dogs Winning at Everything” (tạm dịch: 33 chú chó làm được mọi việc).

Các trang web này đặc biệt có hại sau khi ngày làm việc kết thúc, khi mà thời gian rảnh rỗi trong lịch trình sẽ khiến bạn sa đà vào chúng. Nếu đang xếp hàng, chờ đợi một chương trình truyền hình hay sắp dùng bữa xong, các trang web này đảm bảo sẽ giúp bạn bớt buồn chán. Tuy vậy, như tôi đã lập luận trong Quy tắc số 2, hành vi này rất nguy hiểm, vì nó làm suy giảm khả năng chống lại sự sao lãng, khiến khả năng làm việc sâu sau này trở nên khó khăn hơn khi bạn thực sự muốn tập trung vào làm việc. Tệ hơn là vì không tham gia vào các công cụ mạng này, nên bạn không thể dễ dàng xóa chúng khỏi cuộc sống chỉ bằng cách từ bỏ. Chúng luôn sẵn sàng ở đó, chỉ cách bạn một cú kích chuột mà thôi.

May thay, Arnold Bennett đã xác định được giải pháp cho vấn đề này từ hàng trăm năm trước: Hãy suy nghĩ nhiều hơn trong thời gian giải trí của bạn. Nói cách khác, chiến lược này cho thấy khi nhắc đến sự thư giãn, đừng mặc định bạn phải dán mắt vào bất cứ thứ gì thu hút sự chú ý, mà thay vào đó, hãy nghĩ trước xem bạn muốn sử dụng “ngày trong ngày” của mình như thế nào. Các trang web gây nghiện được đề cập ở trên sẽ vẫn còn đó: Nếu bạn không ấn định cho bản thân một công việc cụ thể để làm trong một khoảng thời gian nhất định, chúng sẽ luôn là một lựa chọn hấp dẫn. Còn nếu bạn lấp đầy các khoảng thời gian rảnh bằng một hoạt động nào đó chất lượng hơn, chúng sẽ không thể thu hút được sự chú ý của bạn.

Do đó, điều quan trọng là bạn phải xác định trước những việc sẽ làm vào buổi tối và cuối tuần. Những sở thích đã thành hình chính là lựa chọn phù hợp cho những khoảng thời gian đó, bởi chúng cung cấp hành động cụ thể với các mục tiêu cụ thể để lấp đầy thời gian của bạn. Dành thời gian đọc sách mỗi đêm, theo cách của Bennett, sẽ giúp bạn xử lý dần dần đống sách yêu thích của mình, tất nhiên cũng là một lựa chọn không tồi như tập thể dục hoặc chăm sóc một mối quan hệ (gặp gỡ ai đó trực tiếp) vậy.

Ví dụ, năm nào tôi cũng sắp xếp thời gian đọc rất nhiều sách, với tư cách là một giáo sư, tác giả hay một người cha (trung bình, tôi thường đọc 3-5 cuốn sách cùng lúc). Tôi làm được điều này vì một trong những hoạt động giải trí được lên lịch trước của tôi sau khi các con đã ngủ say là đọc một cuốn sách thú vị. Kết quả là, điện thoại thông minh và máy tính cùng các tác nhân gây phân tâm khác thường bị bỏ xó sau khi tôi kết thúc ngày làm việc cho đến sáng hôm sau.

Bạn có thể lo lắng rằng việc bổ sung những lịch trình như vậy vào thời gian thư giãn sẽ làm mất đi mục đích của hoạt động giải trí, đòi hỏi sự giải phóng hoàn toàn khỏi các kế hoạch hoặc nghĩa vụ theo quan điểm của nhiều người. Chẳng phải một buổi tối có lịch trình định sẵn như thế sẽ khiến bạn mệt mỏi – không được thư thái – sẵn sàng cho một ngày làm việc mới vào hôm sau hay sao? Bennett đã dự đoán được mối lo này. Ông lập luận rằng mọi người lo lắng như vậy vì họ hiểu nhầm về tác nhân tiếp thêm sinh lực cho tinh thần của con người:

Gì chứ? Bạn nói rằng việc dành trọn năng lượng cho 16 tiếng đó sẽ làm giảm giá trị của tám tiếng hành chính ư? Không phải vậy. Trái lại, nó chắc chắn sẽ làm gia tăng giá trị của tám tiếng này. Một trong những điểm cốt yếu mà anh chàng viên chức điển hình trong ví dụ của tôi phải nắm được là: trí lực có khả năng thực hiện liên tục một nhiệm vụ khó khăn; bộ phận này không biết mệt mỏi như cánh tay hoặc đôi chân. Tất cả những gì chúng muốn là thay đổi – chứ không phải là sự nghỉ ngơi, ngoại trừ trong giấc ngủ.

Theo kinh nghiệm của tôi, phân tích này rất đúng. Nếu bạn để tâm trí bận rộn làm gì đó trong suốt thời gian tỉnh táo, bạn sẽ kết thúc một ngày trọn vẹn hơn và bắt đầu ngày mới thoải mái hơn, thay vì buông thả để tâm trí chìm đắm trong nhiều giờ lướt web vô tổ chức và lơ đễnh.

Tóm lại, nếu bạn không muốn bị các trang web giải trí ngốn hết thời gian và sự chú ý của mình, hãy tập trung vào các hoạt động có lợi cho não bộ. Việc này không chỉ giúp bạn cưỡng lại sự phân tâm và cải thiện sự tập trung, mà còn có thể đáp ứng được mục tiêu trải nghiệm đầy tham vọng của Arnold Bennett, đó là sống chứ không chỉ tồn tại.

Quy tắc số 4
Loại bỏ những thứ hời hợt

Mùa hè năm 2007, công ty phần mềm 37signals (giờ là Basecamp) đã triển khai một thử nghiệm: Họ rút ngắn tuần làm việc từ năm ngày xuống còn bốn ngày một tuần. Nhân viên của họ có vẻ vẫn hoàn thành cùng một lượng công việc với lượng thời gian ít hơn một ngày, vì vậy, họ đã thực hiện thay đổi này vĩnh viễn: Hằng năm, từ tháng Năm đến tháng Mười, các nhân viên của 37signals chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Năm (trừ bộ phận hỗ trợ khách hàng vẫn làm việc cả tuần). Theo nhà đồng sáng lập công ty, Jason Fried, chia sẻ trong một bài đăng trên blog về quyết định này: “Mọi người nên tận hưởng nắng gió mùa hè.”

Không lâu sau, những lời bàn tán bắt đầu xuất hiện trong giới báo chí. Vài tháng sau khi Fried công bố quyết định của công ty về chính sách tuần làm việc bốn ngày vĩnh viễn, nhà báo Tara Weiss đã viết một bài báo quan trọng trên tờForbes có tựa đề: “Tại sao tuần làm việc bốn ngày lại không hiệu quả.” Cô tóm tắt lập luận của mình về chiến lược này như sau:

Gói gọn 40 tiếng làm việc thành 4 ngày chưa hẳn đã là cách làm việc hiệu quả. Nhiều người thấy rằng tám tiếng làm việc đã đủ vất vả rồi; giờ anh lại buộc họ phải làm thêm hai tiếng nữa mỗi ngày. Việc này có thể gây suy giảm tinh thần và năng suất làm việc.

Fried đã nhanh chóng đáp lại. Trong một bài đăng trên blog có tiêu đề “Forbes Misses the Point of the 4-Day Work Week” (tạm dịch: Forbes đã bỏ lỡ điểm mấu chốt của tuần làm việc bốn ngày), anh bắt đầu bằng cách đồng tình với giả thuyết của Weiss về việc nó sẽ gây căng thẳng cho người lao động khi phải gói nỗ lực 40 tiếng trước kia thành bốn ngày làm việc. Nhưng anh cũng đã làm rõ, đó không phải là ý tưởng của anh. Anh viết: “Điểm mấu chốt của tuần làm việc bốn ngày là làm ít việc hơn.” Không phải là bốn ngày, mỗi ngày làm việc 10 tiếng mà là bốn ngày, mỗi ngày làm việc 8 tiếng như cũ.”

Ban đầu, điều này có vẻ khó hiểu. Fried tuyên bố trước đó rằng nhân viên của anh đã hoàn thành khối lượng công việc của năm ngày trong bốn ngày. Tuy nhiên, giờ đây, anh lại tuyên bố rằng nhân viên của mình đang làm việc ít giờ hơn. Làm sao mà cả hai tuyên bố này đều đúng được cơ chứ? Hóa ra, sự khác biệt nằm ở vai trò của làm việc hời hợt. Fried nói thêm rằng:

Rất ít người làm việc thậm chí là tám tiếng một ngày. Bất chấp những cuộc họp, sự gián đoạn, lướt web, tranh chấp nơi công sở và việc riêng thường xâm nhập vào ngày làm việc thông thường, bạn chỉ cần có vài giờ làm việc tập trung đã là may mắn lắm rồi.

Giảm bớt thời gian làm việc chính thức sẽ giúp siết chặt những khoảng thời gian dư thừa trong tuần làm việc điển hình. Khi mọi người không có nhiều thời gian để hoàn thành công việc, họ sẽ càng trân trọng khoảng thời gian hơn. Họ sẽ biết tiết kiệm và đó là điều tốt. Họ sẽ không lãng phí thời gian cho những việc không quan trọng. Khi có ít thời gian hơn, bạn thường sử dụng chúng khôn ngoan hơn.

Nói cách khác, việc 37signals cắt giảm thời gian làm việc trong tuần đã loại bỏ được hiện tượng làm việc hời hợt để có thể tập trung làm việc sâu, từ đó nhanh chóng hoàn thành những công việc quan trọng. Những công việc hời hợt khoác cái mác “khẩn cấp” ngay trước mắt hóa ra lại là không hề cần thiết đến bất ngờ.

Thử nghiệm này cũng tạo ra một phản ứng tất yếu là nghi vấn về việc chuyện gì sẽ xảy ra nếu 37signals tiến thêm một bước nữa. Nếu việc loại bỏ những giờ làm việc hời hợt gần như không ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuối cùng, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu họ không chỉ loại bỏ những công việc hời hợt mà còn thay thế khoảng thời gian mới được phục hồi này bằng công việc chuyên sâu tập trung hơn? May mắn thay, sự tò mò của chúng ta đã được hóa giải, công ty đã sớm đưa ý tưởng táo bạo này vào thử nghiệm.

Fried luôn quan tâm đến chính sách của các công ty công nghệ như Google, nơi cho phép nhân viên được dành 20% thời gian làm việc để tập trung vào các dự án riêng. Dù rất thích ý tưởng này, nhưng anh cũng cảm thấy việc loại bỏ một ngày ra khỏi mỗi tuần làm việc bận rộn không đủ để hỗ trợ loại hình làm việc sâu không bị gián đoạn có thể tạo nên những bước đột phá thực sự. Anh giải thích rằng: “Tôi muốn dành năm ngày liên tiếp hơn là năm ngày trong suốt năm tuần. Như vậy, ý tưởng là chúng tôi sẽ đạt được những kết quả tốt hơn khi mọi người có một khoảng thời gian dài làm việc mà không bị gián đoạn.”

Tác giả: