Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Đây cũng là bài học mà hóa ra tôi đã học đi học lại nhiều lần trong sự nghiệp của chính mình. Tôi đã là người say mê lối làm việc sâu trong hơn một thập kỷ qua, nhưng thậm chí tôi vẫn thường ngạc nhiên trước sức mạnh của nó. Khi học cao học, khi lần đầu tiên tôi biết đến và bắt đầu ưu tiên kỹ năng này, làm việc sâu cho phép tôi mỗi năm viết được một vài bài báo chất lượng được hội đồng chuyên môn thẩm định (một tỷ lệ đáng ngưỡng mộ đối với một học viên), dù hiếm khi phải làm việc quá năm ngày mỗi tuần hoặc phải làm việc cả vào cuối tuần (đây quả là chuyện hiếm đối với các đồng nghiệp của tôi).

Tuy nhiên, khi sắp trở thành giáo sư, tôi bắt đầu lo lắng. Là một nghiên cứu sinh tiến sĩ cao cấp, tôi phải tranh thủ thời gian của mình – sắp xếp phần lớn thời gian trong ngày theo cách mình muốn. Tôi biết mình sẽ mất đi lợi thế này trong giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp và tôi không tự tin vào khả năng đưa làm việc sâu vào lịch trình bận rộn hơn này để duy trì năng suất của mình. Thay vì cứ mải lo lắng, tôi quyết định phải làm gì đó: Tôi lập kế hoạch để tăng cường khả năng tập trung làm việc sâu.

Những nỗ lực rèn luyện này diễn ra suốt hai năm cuối ở MIT, khi tôi là một nghiên cứu sinh tiến sĩ cao cấp phấn đấu trở thành giáo sư. Chiến thuật chính của tôi là áp dụng những ràng buộc giả định vào trong lịch trình của mình, để ước tính tốt hơn thời gian rảnh hạn chế mà tôi mong đợi khi là một giáo sư. Ngoài quy tắc không làm việc vào ban đêm, tôi bắt đầu thực hiện giờ nghỉ trưa lâu hơn vào giữa ngày để chạy bộ, sau đó về ăn trưa tại căn hộ của mình. Tôi cũng đã ký một thỏa thuận viết cuốn sách thứ tư, với tựa đề So Good They Can’t Ignore You (tạm dịch: Bạn quá tốt để có thể chối từ) trong giai đoạn này – dĩ nhiên là một dự án sẽ sớm đòi hỏi nhiều thời gian của tôi.

Để bù vào những ràng buộc mới này, tôi rèn luyện khả năng làm việc sâu. Trong nhiều phương pháp khác, tôi bắt đầu cẩn trọng hơn trong việc phân các khối giờ làm việc sâu và bảo vệ chúng khỏi bị xâm lấn. Tôi cũng phát triển khả năng suy xét kỹ lưỡng trong nhiều giờ đi bộ mỗi tuần (đây quả là một lợi ích đối với năng suất làm việc của tôi), và luôn tìm kiếm các địa điểm giúp tôi tránh được các tác nhân gây phân tán tư tưởng, có lợi cho sự tập trung. Ví dụ, vào mùa hè, tôi thường làm việc dưới mái vòm trong Thư viện Kỹ thuật Barker – một địa điểm kín đáo dễ chịu thường rất đông khi vào năm học; trong suốt mùa đông, tôi lại tìm kiếm những địa điểm ít người biết đến hơn để được yên tĩnh và thường ưu tiên đến Thư viện Âm nhạc Lewis, một nơi tuy nhỏ nhưng khá phù hợp. Lúc đó, tôi thậm chí còn mua một chiếc máy tính xách tay trang bị đường mạng lưới mô-đun cao cấp 50 đô-la để xử lý các bằng chứng toán học, vì tôi tin rằng chi phí của nó sẽ tạo ra nhiều mối bận tâm hơn trong suy nghĩ của tôi.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy điều này đã thúc đẩy tôi tập trung sâu vào công việc đến nhường nào. Sau khi đảm nhận vai trò Giáo sư Khoa học Máy tính tại Đại học Georgetown vào mùa thu năm 2011, tôi phải đảm đương nhiều nhiệm vụ hơn. Nhưng tôi đã được rèn luyện cho thời điểm này. Không chỉ bảo tồn được năng suất nghiên cứu của mình, tôi còn có thể cải thiện nó. Với tỷ lệ hai bài báo chất lượng mỗi năm trước đây được duy trì từ khi là một sinh viên tốt nghiệp, giờ đây tính trung bình, tôi đã tăng hiệu suất lên bốn bài báo mỗi năm, dù phải đảm nhận nhiều vai trò hơn với cương vị giáo sư.

Dù điều này rất ấn tượng nhưng tôi cũng sớm hiểu rằng mình chưa đạt đến giới hạn mà làm việc sâu có thể tạo ra. Tôi nhận ra điều này vào năm thứ ba giữ chức vị giáo sư. Trong suốt năm thứ ba tại Georgetown, từ mùa thu năm 2013 đến mùa hè năm 2014, tôi trở lại với thói quen làm việc sâu của mình, tìm kiếm thêm cơ hội để cải thiện bản thân. Lý do là vì cuốn sách bạn đang đọc – phần lớn được viết trong giai đoạn này. Viết một bản thảo khoảng 70.000 từ tất nhiên sẽ đặt ra một ràng buộc mới đầy bất ngờ với lịch trình bận rộn của tôi, đồng thời tôi vẫn muốn đảm bảo năng suất nghiên cứu học thuật của mình. Lý do khác nữa là quá trình nghiên cứu sắp tới. Tôi còn một năm tương đương với hai ấn phẩm còn lại trước khi nộp nghiên cứu của mình. Nói cách khác, đây là thời gian để đưa ra tuyên bố về các khả năng của tôi (đặc biệt là vì vợ chồng tôi định có thêm em bé thứ hai vào năm cuối trước thời hạn nghiên cứu sinh). Lý do cuối cùng mang tính cá nhân hơn và (phải thừa nhận) là một lý do nhạy cảm. Tôi đã nộp đơn và bị từ chối một khoản trợ cấp mà nhiều đồng nghiệp của tôi đã nhận được. Tôi rất buồn và xấu hổ, vì vậy tôi quyết định thay vì phàn nàn hoặc đắm chìm trong sự tự ti, tôi sẽ bù lại việc mất khoản trợ cấp bằng cách tăng số lượng và sự ấn tượng đối với các ấn phẩm của mình – chúng sẽ đại diện cho tôi chứng minh rằng tôi thực sự đã biết mình đang làm gì dù không có khoản trợ cấp để trang trải cho những việc tôi cần.

Tôi là một người làm việc sâu và ba lý do kể trên khiến tôi muốn đẩy thói quen này lên tới cực độ. Tôi đã cắt giảm tối đa những việc tiêu tốn thời gian và bắt đầu làm việc nhiều hơn ở những chốn yên tĩnh bên ngoài văn phòng. Tôi đặt bộ đếm giờ làm việc sâu ở một vị trí nổi bật gần bàn làm việc và thấy buồn khi không hoàn thành ở tốc độ đủ nhanh. Có lẽ điều ảnh hưởng lớn nhất là tôi đã trở lại với thói quen như lúc ở MIT: giải quyết các vấn đề trong đầu bất cứ khi nào thích hợp – cả khi dắt chó đi dạo hay trên tàu điện ngầm đi làm. Trong khi trước đó, tôi có xu hướng tăng cường làm việc sâu chỉ khi thời hạn chót sắp đến, thì năm nay, tôi liên tục làm điều đó – hầu như tất cả các ngày trong tuần tôi đều gồng mình vật lộn với những kết quả, bất kể có thời hạn chót cụ thể nào đang gần tới hay không. Tôi đã giải quyết các vấn đề lúc đi tàu điện ngầm và trong khi xúc tuyết. Khi con trai ngủ trưa vào cuối tuần, tôi sẽ ra ngoài sân ngồi suy nghĩ và khi bị kẹt xe, tôi cũng sẽ ngẫm nghĩ về các vấn đề mình chưa thông suốt.

Năm nay, tôi đã trở thành một cỗ máy làm việc sâu – và kết quả của sự biến đổi này khiến tôi rất ngạc nhiên. Đúng vào thời điểm tôi viết sách và con trai lớn thì khủng hoảng tuổi lên hai, tôi đã phải xoay xở để tăng năng suất xử lý công việc học thuật lên gấp đôi, xuất bản chín bài báo đã được hội đồng chuyên môn thẩm định bình duyệt – tất cả đều diễn ra trong khi tôi vẫn duy trì quy tắc không làm việc vào các buổi tối.

Tôi là người đầu tiên thừa nhận rằng năm làm việc chuyên sâu cực độ của mình hơi cực đoan: Nó đã cho thấy nhận thức bị vắt kiệt, và sau đó, tôi đã phải xem xét lại cường độ này. Nhưng trải nghiệm đó càng góp phần củng cố thêm cho luận điểm này: Làm việc sâu là phương pháp quyền năng hơn so với hầu hết mọi người thường nghĩ. Cam kết với kỹ năng này đã cho phép Bill Gates tận dụng tối đa cơ hội bất ngờ để tạo ra một ngành công nghiệp mới và cũng cho phép tôi gia tăng gấp đôi năng suất học thuật của mình trong cùng năm khi quyết định đồng thời viết cả sách nữa. Tôi muốn nói rằng việc bỏ lại những tác nhân gây phân tâm để tập trung là một trải nghiệm mang tính biến đổi.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể tập trung sâu. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực và khả năng thay đổi mạnh mẽ thói quen của bạn. Nhiều người cảm thấy thoải mái với sự bận rộn giả tạo quanh những e-mail qua lại và truyền thông xã hội, trong khi cuộc sống sâu lại buộc bạn phải bỏ lại đằng sau nhiều thứ. Mọi nỗ lực nhằm tạo ra những điều tốt đẹp nhất trong khả năng luôn đi liền với những hồ nghi, vì điều này buộc bạn phải đối mặt với thực tế rằng khả năng tốt nhất của mình (vẫn chưa) đủ. Nhưng nếu bạn đã sẵn sàng dẹp bỏ sự thoải mái hay nỗi lo ngại này sang một bên và thay vào đó, cố gắng hướng tâm trí mình tới khả năng tối đa để tạo ra những điều thực sự có ý nghĩa, bạn sẽ nhận ra rằng làm việc sâu giúp tạo ra một cuộc sống đầy ắp hiệu quả và ý nghĩa.

Trong Phần 1, tôi đã trích dẫn câu nói của nhà văn Winifred Gallagher: “Tôi sẽ sống một cuộc đời chuyên tâm, bởi đó là cách tốt nhất có thể.” Tôi đồng ý với nhận định của ông. Cả Bill Gates cũng vậy. Và hy vọng rằng giờ đây, khi chuẩn bị khép lại cuốn sách này, bạn cũng đồng ý với điều đó.

Tác giả: