Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Đây chính là cuộc thí nghiệm nhằm tìm ra món đồ quan trọng với bản thân mình. Dù bạn không thể làm như nhân vật chính trong phim, nhưng bạn cũng có thể làm một thí nghiệm tương tự trong trí tưởng tượng của mình. Bạn hãy coi mình không có bất cứ thứ gì và mỗi ngày bạn chỉ có thể lấy một thứ duy nhất. Vậy những món đồ này sẽ xếp thứ mấy trong trình tự chọn đồ của bạn? Nếu bạn bị trộm đồ, bạn có muốn mua lại với giá như cũ không? Tuần sau bạn chuyển nhà, bạn có mang nó đi cùng không? Có lẽ phần lớn những món đồ bạn lấy đều chẳng có lý do nào đặc biệt mà chỉ lấy đi trong vô thức mà thôi. Đặt câu hỏi cho chính những món đồ của bạn là một điều hết sức quan trọng. Hỏi đồ đạc trong nhà cũng chính là bạn đang tự hỏi mình về vị trí của chúng trong cuộc sống của bạn.

Quy tắc 44: “Giả vờ” vứt thử

Khi có những món đồ khiến bạn đắn đo không biết có nên vứt hay không, bạn nên dùng cách “giả vờ” vứt thử nó đi. Có một cách mà những người sống tối giản hay sử dụng đó là gom hết những thứ định vứt rồi nhét chúng vào các thùng, túi hay giấu vào trong tủ. Điều quan trọng trong phương pháp này là để đồ đạc ở một nơi khác với chỗ để quy định của chúng. Thậm chí bạn có thể nhét chúng vào túi rác, chuẩn bị sẵn sàng để vứt chúng đi cũng được. Dù bạn có nhét vào túi rác cũng không có nghĩa là bạn phải vứt chúng đi thật.

Tùy theo món đồ mà bạn giấu chúng đi trong một tuần hay một tháng, để bạn thử sống mà không có món đồ đó xem sao. Làm theo cách này bạn sẽ nhận ra món đồ nào không cần thiết với mình. Trong khoảng thời gian này, nếu có việc cần thiết và bắt buộc bạn phải lôi món đồ nào đó ra thì bạn không cần phải vứt nó đi. Vì bạn thực sự cần dùng đến nó.

“Giả vờ” vứt thử có nghĩa là bạn thử kéo khoảng cách với các món đồ của mình và xem xét lại mối quan hệ giữa mình với đồ đạc. Nó cũng giống như trong tình yêu vậy, nhưng đối phương là các món đồ.

Quy tắc 45: Vứt những món đồ có màu sắc kích thích

Đồ đạc trong nhà tôi đều có màu trắng, màu be, màu xám hoặc màu gỗ. Chúng đều là những màu thích hợp cho mắt và dễ phối với các màu khác. Nếu dùng các màu sắc quá sáng hoặc dùng các màu cơ bản khác sẽ khiến mắt phải hoạt động nhiều hơn và bạn không thể nào thư giãn khi ở nhà được. Một ví dụ dễ hình dung nhất có lẽ là chai thuốc tẩy với nắp màu hồng và thân chai màu xanh. Những đồ dùng vệ sinh thường có màu sắc lòe loẹt để ta thấy nó nguy hiểm.

Những sinh vật có độc tính mạnh thường có màu sắc lòe loẹt để cảnh báo các sinh vật khác đừng có lại gần và hãy coi chừng. Còn những vật tạo cảm giác thư giãn lại có màu sắc tương phản. Nếu để các món đồ đó trong nhà, chúng sẽ giúp bạn thư giãn mắt, dù có nhìn hay không, bạn cũng thấy thật thoải mái. Những món đồ nhỏ nhắn nếu được phối màu khéo léo sẽ rất dễ thương, nhưng những vật có màu sắc kích thích mạnh sẽ làm bạn dễ nhàm chán hơn bởi chính sự kích thích đấy. Tóm lại, những món đồ có gam màu nhạt, gam màu có lợi cho mắt thường lâu chán hơn và dùng được lâu hơn.

Quy tắc 46: Mua một cái, giảm một cái

Đây cũng là quy tắc vàng trong lối sống tối giản. Cũng có người gọi nó là: Một vào, một ra. Khi bạn muốn mua một cái gì đó, trước hết hãy vứt một thứ đi đã. Để thực hiện tốt quy tắc này, có một phương pháp gọi là “quy định số móc áo”. Trước hết bạn hãy quy định số móc áo của mình. Sau đó vứt tất cả số quần áo thừa ra so với số móc, dù nó mới hay cũ. Như vậy số quần áo trong nhà bạn sẽ không tăng lên nữa.

Trong quá trình vứt bớt đồ, thỉnh thoảng bạn cũng cần mua thêm món đồ mới về. Nếu trong nhà bạn có quá nhiều đồ, bạn cũng có thể mua một đồ và vứt hai, ba đồ.

Sau khi đồ đạc được giảm đến mức ổn định nào đó, bạn có thể áp dụng quy tắc mua một, vứt một. Như vậy số lượng đồ trong nhà bạn sẽ không tăng lên. Quy tắc này cũng giống như việc sắm quần áo vậy, mua một bộ quần áo thì phải vứt một bộ quần áo đi. Vứt một cục tẩy, mua về một lò vi sóng. Xét về mặt thể tích thì nó không tương đương lắm nhỉ.

Quy tắc 47: “Hiệu quả Concorde”/ Biết thêm về chi phí chìm

Có một cụm từ gọi là “hiệu quả Concorde”. Nghe nói chi phí phát triển dòng máy bay siêu thanh Concorde lên đến 400 tỉ yên. Tuy nhiên do không mang lại lợi nhuận và để thua lỗ kéo dài, việc kinh doanh máy bay này đã biến thành món nợ lên đến hàng nghìn tỷ yên. Nếu nghĩ đến công sức, thời gian và tiền bạc khi phát triển dòng máy bay này, nhà kinh doanh chắc chắn sẽ nhận ra đây là cuộc làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục việc kinh doanh máy bay Concorde. Việc này cũng giống với việc thả vốn đầu tư nhưng tiền vốn sẽ không bao giờ quay lại được, và người ta gọi là chi phí chìm.

Những việc như vậy đang xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống thường ngày. Tôi mua một chiếc xe đạp địa hình với giá năm nghìn yên. Từ khi mua nó, tôi bắt đầu thấy hứng thú với xe đạp. Sắm thêm một bộ dụng cụ, sửa lại khung xe… cuối cùng tôi đã chi ra gấp 10 lần tiền mua xe ban đầu. Cái này có lẽ cũng giống như tiền nạp chơi điện tử trên điện thoại vậy.

Để không lãng phí thời gian và công sức, đôi khi bạn cũng cần phải dũng cảm vứt bỏ thứ gì đó.

Quy tắc 48: Nhìn nhận thất bại ngay lập tức. Hãy coi đó là tiền học phí

Có những bộ quần áo khi mặc thử ở cửa hàng tôi thấy rất hợp, nhưng khi đem về nhà lại chẳng ưng tí nào. Vì thế tôi chẳng mấy khi đụng đến nó. Dần dần tôi nhận ra mình mua lỗ cái áo này rồi, và chẳng muốn vứt nó đi.

Trước khi bạn định giữ nó lại để dùng cho hết số tiền bạn đã bỏ ra ban đầu, bạn nên nghĩ lại xem vì sao bạn lại mua lỗ thế này. Thường thì nó sẽ có mấy nguyên nhân sau:

Mặc dù đã mặc thử, nhưng không hiểu sao vẫn mua cái áo xấu thế. Thấy một ai đó mặc cái áo đó rất đẹp nên nghĩ rằng mình cũng mặc đẹp, nhưng thực ra nó chẳng hợp với mình. Thấy rẻ nên mua. Lúc ở cửa hàng không nhận ra nhưng để người khác ngắm thì lại thấy.

Những lỗi như trên cho đến bây giờ tôi vẫn hay mắc phải.

Khi bạn thấy thất bại với một món đồ nào đó, tôi khuyên bạn nên vứt nó ngay đi. Nếu bạn vẫn cố giữ nó ở nhà thì trong đầu bạn lúc nào cũng chỉ xoay quanh nó và nghĩ: “Ôi thật sai lầm”… Và nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn. Thay vào đó, bạn nên coi đó là tiền học phí về thất bại và ghi nhớ kỹ lí do vì sao bạn lại thất bại. Như vậy lần sau bạn sẽ chọn tốt hơn.

Quy tắc 49: Hãy coi những món đồ đã mua là đồ đi thuê

Tôi có một người bạn, anh ấy mua rất nhiều quần áo, nhưng chẳng bao giờ anh ấy bỏ đi mấy cái nhãn mác, mà cất riêng trong túi. Những nhãn mác ấy sẽ được gom lại và đưa đến các chợ đấu giá. Thỉnh thoảng anh ấy còn bán được chúng với giá đắt hơn lúc mua quần áo nữa.

Theo như anh ấy nói thì việc này có cảm giác như đang “thuê quần áo của cửa hàng vậy”. Và thay vì trả lại cửa hàng, anh ấy cho một người khác thuê lại nó.

Ý tưởng này rất thú vị. Nếu bạn coi những thứ mua chỉ là đồ đi thuê và sau này cho người khác thuê lại, bạn sẽ giữ gìn chúng cực kỳ cẩn thận. Bạn cũng sẽ không dùng chúng một cách lãng phí. Khi đó, bạn sẽ không còn nghĩ “đồ của riêng mình” mà chỉ là “đi thuê một thời gian” mà thôi. Đây không chỉ là vấn đề sở hữu tài sản, mà còn rèn cho bạn thái độ khiêm tốn.

Quy tắc 50: Đừng mua vì rẻ, đừng nhận vì miễn phí

Mua một món đồ năm nghìn yên chỉ với giá hai nghìn yên, mọi người sẽ có cảm giác được lợi ba nghìn yên. Nó cho bạn cảm giác chỉ cần mua món đồ này là bạn nhận được ba nghìn yên tiền mặt vậy. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ chúng ta cần phải trả tiền cho chỗ để của đồ vật nữa đấy. Chúng ta hãy làm một phép toán đơn giản. Nhà của tôi rộng 20m2, tiền nhà là 67 nghìn yên. Vậy bình quân một tháng tôi phải trả ba nghìn yên cho mỗi mét vuông. Giờ giả sử món đồ hai nghìn yên lúc nãy chiếm mất vị trí của cái tủ quần áo 1m2 thì thế nào? Cuối cùng thì bạn vẫn chẳng được giảm giá tí nào cả. Đấy chính là hệ quả khi bạn mua đồ rẻ.

Bạn cũng đừng nhận đồ miễn phí, vì chúng cũng gây ra nhiều tổn thất cho bạn. Chỉ nguyên việc bạn sở hữu món đồ đấy cũng đã lấy đi một phần trong bộ nhớ của bạn, sau đó là thời gian, công sức để bảo quản nó. Chẳng có món đồ gì là thực sự miễn phí cả. Sở hữu món đồ nào đó không đơn thuần là bạn mất tiền mua mà còn mất nhiều chi phí khác nữa. Nếu nhận ra điều này, bạn sẽ hạn chế được việc mua đồ chỉ vì món lợi trước mắt.

Quy tắc 51: Thời điểm mà bạn đắn đo liệu có vứt đi được không chính là lúc bạn có thể vứt nó đi

Chúng ta thường đắn đo vì phải chọn lựa những thứ có giá trị tương đương nhau. Dù bạn có chọn cái nào thì cũng có ưu, nhược điểm của nó. Bạn nhận ra điều đấy và so sánh các điểm đấy với nhau, kết quả là bạn chỉ mải so sánh chứ không làm gì được. Thực ra thời điểm mà bạn thấy đắn đo khi lựa chọn ví dụ như lấy 100 yên hay 101 yên thì thực tế chỉ có quá trình nhận tiền là khác nhau mà thôi. Nếu trường hợp bạn chọn bên nào cũng như nhau cả thì tốt nhất là nên nhanh chóng quyết định một cái cho mình thì hơn. Những lúc cảm thấy mệt mỏi, phiền phức, tôi sẽ chọn cách vứt đi. Và tôi cũng khuyên bạn: “Nếu bạn thấy phiền toái, hãy vứt chúng đi.”

Tác giả: