Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Có một câu nói mà tôi rất thích: “Tuyệt đối thì Yes, còn lại là No.” Áp dụng vào trường hợp vứt đồ như chúng ta thì nên đổi lại một chút: “Tuyệt đối thì No, còn lại là Yes.” Ngoài những thứ bạn tuyệt đối không muốn vứt, những thứ còn lại bạn có thể vứt hết.

Quy tắc 52: Những món đồ thực sự cần thiết rồi sẽ quay về với bạn

Khi vứt đồ, bạn hay có cảm giác sợ hãy vì không biết sau khi vứt nó đi rồi, liệu mình còn có thể gặp nó lần nữa không. Chính vì thế bạn cứ lần nữa mãi mà chẳng vứt đi được món nào.

Ngày nay, nhờ có Internet mà chúng ta có thể mua được bất cứ món đồ nào.

Giả sử khi bạn vứt bỏ một món đồ, sau đó bạn cứ nhớ nó mãi, nhớ đến mức không ngủ được, đến mức đau đầu… thì hãy nhớ là bạn có thể có lại nó bất cứ lúc nào. Nếu muốn đọc lại một cuốn sách, bạn sẽ đọc được nó. Chắc chắn là có người đang giữ nó. Và nếu bạn nhớ nó đến mức không ngủ được, vậy hãy đến gặp người đó và mượn lại. Tuy nhiên, những món đồ khiến bạn như vậy thì cũng không có nhiều đâu.

Quy tắc 53: Biết cảm ơn. Vứt đồ nhưng không vứt tình cảm

Hãy vứt những món đồ bạn được tặng. Hãy vứt những món đồ mà người đã khuất để lại. Hãy vứt những món đồ mà bạn không dùng hết tính năng của nó. Nhưng hãy nhớ là không bao giờ được vứt đi lòng biết ơn của mình.

Chắc ai cũng từng nhận được những món quà mà mình không cần. Dù bạn không có ý gì cả nhưng đâu đó trong lòng bạn cũng thấy khó chịu. Nếu bạn cứ giữ mãi món đồ đó và khó chịu với nó thì thật sự rất không phải với người đã tặng quà cho bạn. Và trên hết bạn cũng đang lãng phí tình cảm của mình vào chuyện không đáng.

Cuối cùng, trước khi đưa món đồ nào đó đi, bạn nhớ là hãy biết ơn. Biết ơn người đã làm ra món đồ đó, biết ơn người đã nhận món đồ đó cho bạn. Thay vì sống mãi trong khó chịu, sự trân trọng và biết ơn sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn rất nhiều. Và sự biết ơn đó sẽ đọng mãi trong trí nhớ bạn. Sau cùng, những thứ còn lại với bạn mới là thứ quan trọng nhất.

Quy tắc 54: Lãng phí thực ra chỉ là cảm giác của chính bạn

Vứt bỏ những đồ còn dùng được thật là lãng phí. Hay đồ mới mua chưa dùng lần nào mà đã phải bỏ cũng là điều hết sức lãng phí.

Tuy nhiên, có thể bạn không biết, sự lãng phí đấy đơn thuần chỉ là cảm nhận của bạn mà thôi. Tôi cũng không muốn vứt bỏ đồ đi trong khi nó vẫn còn sử dụng được, thế nên tôi hay cho ai đó cần dùng đến nó. Tuy nhiên, cứ mỗi khi món đồ nào đó rời khỏi mình, bạn vẫn có thể cảm thấy lãng phí.

Mặc dù không thích nhưng đó là món quà nhận được, nếu vứt nó đi thì thật áy náy với người tặng. Hay đồ còn dùng tốt mà đã vứt đi mới lãng phí. Chính vì vậy mà hôm nay, ngày mai hay cho đến mãi sau này bạn vẫn sẽ cảm thấy như vậy và không thể nào vứt đồ đi được. Đó chính là sự thật đằng sau “sự lãng phí”.

Quy tắc 55: Vứt đi chính là nhớ mãi

Tôi đã scan tất cả những bức thư nhận được rồi vứt chúng đi. Trong số những bức thư ấy, có những bức thư dù vứt đi rồi nhưng tôi cũng không thể nào quên.

Đấy là bức thư “hướng dẫn đổi tàu” mà mẹ đã viết cho tôi. Đó là lúc tôi rời Kagawa lên Tokyo học đại học, bắt đầu cuộc sống một mình. Lo lắng cho tôi lần đầu sống ở nơi xa lạ, mẹ đã viết cho tôi một bức thư về cách chuyển tàu từ sân bay Haneda về thành phố. Lên tàu có chở hàng, đổi sang tuyến Yamanote, rồi lại đổi sang Seibushinshyuku… Đó chính là bức thư mà mẹ đã viết cho tôi, một kẻ mù đường, thậm chí còn không có điện thoại di động. Mẹ đã luôn lo lắng mỗi khi tôi lên Tokyo một mình.

Tuy nhiên, lúc còn giữ bức thư này, tôi đã không nhớ là mình có một thứ như thế. Và khi vứt nó đi, tôi mới bắt đầu thấy trân trọng nó. Bởi tôi sẽ chẳng nhìn thấy bức thư đó lần nào nữa. Không phải bao giờ vứt đi cũng đồng nghĩa với lãng quên. Có những thứ chính vì vứt đi mà bạn sẽ không bao giờ quên.

Bổ sung 15 quy tắc dành cho người muốn giảm bớt nhiều đồ hơn nữa

Toa thuốc cho căn bệnh “muốn vứt đi”

Quy tắc 1: Hài lòng không phải là “số lượng” của đồ đạc

Nhà thơ Allen Ginsberg đã nói: Nếu bạn coi mình có hai tấm thảm, thì bạn sẽ có hai tấm thảm. Cảm giác có hài lòng với đồ dùng của mình hay không không liên quan đến số lượng của đồ dùng ấy.

Sở hữu một món đồ nghĩa là bạn biết rằng mình đang có nó trong tay. Tức là chúng ta cần lưu chúng vào trong bộ nhớ. Đó không phải là những ký ức hỗn độn về một đống đồ đạc, mà là những suy nghĩ yêu thương với các món đồ của mình. Nếu làm được vậy, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn gấp hai, ba lần.

Thay vì sắm hai, ba chiếc cốc cà phê và sau đó không biết là để ở đâu trong nhà, bạn chỉ cần một chiếc duy nhất và có thể biết nó đang ở đâu, nó như thế nào… Nếu bạn cho rằng chỉ có nhiều đồ mới thoải mái, bạn chỉ càng muốn có nhiều đồ hơn thôi. Cho dù bạn liên tiếp mua thêm từng cái, từng cái một thì bạn cũng chẳng bao giờ thấy hài lòng. Và cuối cùng thì chính bạn cũng chẳng nhớ được mình mua nó lúc nào hay để nó ở đâu. Giảm bớt đồ không có nghĩa là bạn giảm luôn cảm giác thoải mái của bản thân.

Quy tắc 2: Đồng phục hóa quần áo hàng ngày

Steve Jobs luôn mặc những bộ quần áo giống nhau. Một chiếc áo đen cổ lọ của ISSEY MIYAKE, chiếc quần Levi 501, và đôi giầy thể thao của New Balance. Dù trong các sự kiện truyền thông, ông cũng luôn mặc như vậy.

Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, luôn mặc áo phông xám. Einstein luôn mặc cùng một kiểu áo khoác. Những con người vĩ đại, nổi tiếng ấy luôn tiết kiệm thời gian chọn đồ hay chạy theo trào lưu mỗi ngày để tập trung cho những việc quan trọng.

Với họ, số lượng quần áo đủ để sinh hoạt là không nhiều. Họ chỉ chọn những bộ quần áo hợp với mình nhất và lúc nào cũng biến những bộ quần áo của mình thành đồng phục.

Quy tắc 3: Ít đồ đạc thể hiện cá tính

Cá tính tôi muốn nói ở đây khác với những biểu hiện của giới trẻ hiện nay như: nhuộm tóc xanh đỏ, bấm khuyên lưỡi, là con trai nhưng mặc váy hoặc gắn quá nhiều thứ lên vỏ điện thoại. Những người sống tối giản mà tôi đã gặp, dù họ có đồng phục hóa quần áo của mình hay không, dù cuộc sống có rất bình thường đi chăng nữa, thì với tôi họ cũng rất cá tính.

Có lẽ bạn sẽ có cảm giác khi vứt bớt đồ cũng là vứt luôn dấu ấn riêng của mình. Nhưng thực tế lại ngược lại. Ví dụ với hình ảnh của châu Âu trước đây. Bạn thấy ai cũng mặc vest như nhau, đội mũ giống nhau và cùng hút thuốc lá. Tất cả mọi người hầu như đều ăn mặc hoặc có đồ đạc giống nhau. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học, những tác phẩm nghệ thuật họ làm ra có tác phẩm nào là không có dấu ấn riêng đâu. Nếu thử ngẫm nghĩ một chút, bạn sẽ thấy thứ tạo nên con người, dấu ấn của chúng ta không phải là đồ vật mà là “trải nghiệm”. Và có lẽ, những người sống tối giản, coi trọng trải nghiệm hơn vật chất luôn là những người sống có cá tính.

Quy tắc 4: Sau khi nghĩ năm lần, hãy vứt đi

Con người chúng ta trong một ngày suy nghĩ đến 60 nghìn lần. Khi tôi chú ý đến suy nghĩ của mình, tôi nhận ra mình toàn suy nghĩ những việc không đâu. Mỗi khi lướt net, trong lúc tra từ khóa của mình, tôi hay lang thang sang các trang khác. Những suy nghĩ trong đầu tôi cũng vậy. Ví dụ tôi có một chiếc cốc uống cà phê. Khi uống nó, tôi sẽ thấy là mình chạm môi vào nó, rồi muốn đánh răng, muốn đánh răng thì phải mua bàn chải. Đến lúc đánh răng thì tôi cũng lại nghĩ toàn những chuyện chẳng hay ho gì.

Bản năng con người là luôn phát triển từ những suy nghĩ và suy nghĩ không ngừng. Vậy nên trong 60 nghìn lần suy nghĩ, hầu như không có suy nghĩ nào là được chúng ta tự ý thức là phải nghĩ đến nó cả. Thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy những món đồ mà dù bạn không có ý vứt nó đi thì bạn cũng tự nảy ra suy nghĩ: Liệu có vứt nó đi được không nhỉ? Nếu bạn đã từng có suy nghĩ đấy khoảng năm lần thì đã đến lúc bạn vứt nó đi được rồi. Bởi sau đó 100 lần hay 1000 lần thì bạn vẫn chỉ băn khoăn như thế thôi.

Quy tắc 5: Vứt thử để kiểm tra xem món đồ có thực sự cần thiết hay không

Với những ai còn đắn đo về việc có vứt hay không, tôi khuyên bạn nên làm một bài kiểm tra vứt thử một lần để xem độ quan trọng của món đồ đấy. Lúc trước, tôi lần chần, mãi không vứt được chiếc tivi đi nên tôi đã vứt thử nó một lần.

Nếu vứt tivi đi, có thể tôi sẽ gặp vài khó khăn trong công việc, không nắm bắt được tin tức thế giới, không tìm được đề tài nói chuyện với bạn bè nên có thể sẽ bị mọi người xa lánh. Nhưng thật may là khi tôi vứt tivi đi, điều đó đã không xảy ra với tôi.

Tính đến hiện tại, chỉ có duy nhất một món đồ mà sau khi bỏ đi tôi lại mua về. Đó là máy mát xa chân MH23 của Omron. Tôi thích nó đến nỗi cả số hiệu của nó tôi cũng nhớ. Tôi đã từng mua một cái tặng mẹ tôi và cho anh trai tôi cái tôi có. Nhưng sau đó tôi không thể nào quên được cảm giác thoải mái ở lòng bàn chân khi dùng cái máy mát xa này. Lúc đó tôi đã cho anh trai tôi mất rồi nên đành mua một cái mới. Sau đấy tôi lại nghĩ là mình có thể bỏ nó đi nên lại bán một lần. Sau ba lần vứt đi, mua lại, có lẽ giờ tôi sẽ giữ nó luôn trong nhà.

Tác giả: