Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Chuyển nhà trong 30 phút

Đầu xuân năm nay, tôi đã chuyển đến nhà mới. Trước lúc chuyển nhà, tôi cũng chẳng phải đóng gói gì cả mà cứ chuyển hết đồ đạc ra ngoài. Tất cả chỉ hết 30 phút. Chuyển đèn, máy giặt… cộng gộp mọi việc chỉ trong 30 phút. Có lẽ với nhiều người, khoảng thời gian này cũng chỉ bằng khoảng thời gian để họ chọn xem nên mặc bộ quần áo nào trong ngày mà thôi. Không tốn thời gian, việc chuyển nhà của tôi nhẹ nhàng như việc đi ra ngoài hàng ngày vậy.

Giảm thời gian uể oải, biếng nhác

Khi nhà bạn đã được đơn giản hóa, tự nhiên bạn sẽ giảm được thời gian lười biếng cho bản thân. Trước đây, vào ngày nghỉ, tôi đều dành trọn một ngày trên giường.

“Hôm nay mình phải giặt quần áo thôi. Sau đây còn phải lau nhà nữa. Cứ nằm ì trên giường thế này thì bao giờ mới dọn nhà được. Làm việc thôi! Làm thế nào cho hiệu quả nhất bây giờ. Trong lúc giặt quần áo, mình tranh thủ lau nhà rửa bát vậy. Được, cứ làm vậy đi! Ơ, còn bộ này mình cũng muốn giặt. Hay là lau nhà xong rồi giặt vậy… Phiền quá, thôi xem tivi và điện thoại một lúc vậy…”

Cứ như vậy, tình trạng này xảy ra như một vòng tròn tuần hoàn mãi không bao giờ giải quyết được. Nếu có ít đồ đạc, công việc bạn phải làm cũng ít đi. Ngày nào bạn cũng giải quyết được hết chúng nên chẳng có gì còn tồn đọng lại cả. Dù bạn có giải quyết hết việc nhà trong một lúc cũng sẽ rất nhanh chóng.

Giảm thời gian tìm đồ, giải quyết vấn đề quên đồ

Tôi nắm rõ mọi thứ mình có trong nhà, và tất cả đều được để cùng một chỗ nên tôi không tốn thời gian tìm đồ. Khi biết rõ mọi đồ đạc trong nhà mình, bạn sẽ không phải hỏi những câu như: Mình để ở đâu nhỉ? Mình có thứ này không nhỉ… Bạn sẽ không phải mất thời gian để suy nghĩ mấy việc như: Để xem nào, mình để cuộn băng dính ở đâu mất rồi nhỉ? Tôi có thể trả lời luôn cho bạn là trong nhà tôi không có băng dính. Rồi những giấy hướng dẫn, giấy bảo hành… nếu bạn thấy nó quan trọng thì có thể scan rồi vứt chúng đi. Việc “không có” này có giá trị lớn trong cuộc sống của chúng ta.

Nếu đồ đạc ít đi, sẽ không có chuyện mất đồ nữa. Những người sống tối giản khi đi ra ngoài cũng mang theo rất ít đồ, nên thường không mấy khi quên đồ.

Thời gian phong phú, nguồn gốc của hạnh phúc

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người ở nhà ga thường chạy như bay, thậm chí suýt va vào người khác chỉ để không bị trễ tàu. Mỗi khi nhìn thấy họ, tôi đều nghĩ họ thật không hạnh phúc. Những lúc vội vã làm điều gì đó, chẳng ai có được nét mặt tươi tắn cả. Ngược lại, khi nhìn dòng người đi bộ trong tuần lễ vàng (dịp nghỉ lễ cuối tháng Tư đầu tháng Năm của người Nhật), tôi lại thấy mọi người hạnh phúc hơn mọi ngày.

Nhà tâm lý học Tim Kasser cho rằng “sự dư dả về thời gian” có liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của con người, còn “sự giàu có về vật chất” lại không làm được điều đó.

Xung quanh chúng ta luôn có rất nhiều người chăm chỉ làm việc, kiếm được nhiều tiền nhưng luôn bị căng thẳng khi phải đuổi theo một cái gì đó không ngừng nghỉ. Dù bình thường bạn có thấy người đấy tốt đến mấy, khi họ quá bận rộn và không có thời gian rảnh rỗi, mặt xấu của họ cũng sẽ dần hiện ra. Ngược lại, những lúc sếp hỏi han, quan tâm nhân viên bao giờ cũng chỉ là lúc hết việc đi về mà thôi.

Nếu giảm được đồ đạc trong nhà thì thời gian của bạn sẽ được tăng lên rất nhiều. Bởi bạn đã giảm được thời gian mua sắm, tìm đồ, thời gian làm việc nhà, thời gian chuyển nhà và thời gian lười biếng…

Chế độ mặc định trong những lúc nhàn nhã

Các nghiên cứu về não bộ chỉ ra rằng chỉ có lúc con người “không làm gì cả”, “thảnh thơi thư giãn” hoạt động của não bộ mới hoạt động theo “chế độ mặc định”. Khi chúng ta suy nghĩ hay làm một việc gì đó, chế độ này sẽ không hoạt động, nó chỉ hoạt động khi chúng ta nghỉ ngơi.

Theo nghiên cứu thì chế độ này dùng cho các việc “tự nhận thức bản thân”, “dự tính”, “ký ức”. Hay nói một cách đơn giản, chế độ mặc định này giúp ta một lần nữa suy nghĩ tổng quát về chính bản thân mình. Thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi không phải là khoảng thời gian vô ích mà là khoảng thời gian cần thiết để nhìn nhận lại chính mình. Đó có thể là lúc bạn đang nằm trên bãi biển nghe tiếng sóng vỗ hay đang ngắm lửa trại.

Khoa học đã chứng minh những khoảng thời gian rảnh rỗi như thế là cần thiết cho con người. Dù giàu hay nghèo thì thời gian một ngày của bạn cũng là 24 tiếng thế nên việc dùng nó để thư giãn cũng chính là một loại hưởng thụ đấy.

Tận hưởng hạnh phúc ngay bây giờ

Thảnh thơi tận hưởng thời gian rảnh rỗi là điều không thể thiếu để cảm nhận hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn cũng không cần thiết phải ra bãi biển, nằm dưới tán ô để thư giãn. Bởi tình cảm của con người có giới hạn nhất định. Bạn có thể vào quán cà phê nghỉ ngơi một lúc, hoặc dừng việc đánh máy, hít thở sâu. Cảm giác lúc đó của bạn cũng giống với cảm giác nằm trên bãi biển. Tương tự như thế, dù bạn có kê thêm một chiếc sô pha trên bãi biển bạn cũng không hạnh phúc hơn hai, ba lần được. Dù ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể cảm nhận hạnh phúc.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã làm một thí nghiệm, quay phim lại hành động của các ông bố bà mẹ. Điều ông rút ra được là khi bố mẹ quá bận rộn thì ngay cả niềm hạnh phúc to lớn là chăm sóc con cái họ cũng không cảm nhận được. Yếu tố cơ bản nhất để cảm nhận hạnh phúc chính là “dư dả về thời gian”.

Tham quan bảo tàng nghệ thuật Louvre trong 15 phút

Khi quá bận rộn, bạn chẳng thể tận hưởng bất cứ thú vui nào cả. Khi đó, kể cả với người bạn yêu thương cũng thấy vội vàng. Tham quan viện bảo tàng trong 15 phút, dù có đi được hết một vòng cũng không cảm nhận được bất cứ thứ gì cả.

Khi cắt giảm đồ đạc của mình, thời gian của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Bạn sẽ lấy lại được thời gian vốn bị đồ đạc trong nhà chiếm mất. Và dư dả về thời gian chính là nguồn gốc cho hạnh phúc chân chính.

Bất cứ ai cũng chỉ có 24 tiếng một ngày. Khoảng thời gian quý báu đó nếu bị phung phí cho các món đồ thì thật lãng phí biết bao.

Tận hưởng cuộc sống

“Tôi luôn tận hưởng cuộc sống của mình và không bao giờ đánh mất sự tươi mới trong đó. Cuộc sống chính là một bộ phim có nhiều phân cảnh và không bao giờ đi đến hồi kết.”

− Henry David Thoreau

Không có ai chán ghét thành quả sau khi dọn dẹp

Kể cả với người ghét dọn dẹp cũng không thể ghét bỏ thành quả sau khi dọn dẹp được. Dù người đó cảm thấy dọn dẹp thật phiền phức, nhưng nếu thấy căn nhà sáng bong, gọn gàng sau khi được dọn lại, sẽ chẳng có ai ngoảnh mặt bỏ đi cả. Bởi căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ đều tạo cảm giác dễ chịu cho bất kỳ ai.

Khi còn bị giam trong đống đồ đạc ở nhà cũ, tôi rất ghét việc dọn dẹp. Tôi cũng ghét luôn cả việc giặt giũ. Dù có lau dọn, sắp xếp thế nào đi nữa thì nó lại đóng bụi ở đấy. Mỗi lần ăn xong là tôi lại bày ra một đống bát đũa cần rửa, và khi nhìn đống bát đũa ấy tôi lại tự bảo: Thôi, để ngày mai rửa vậy. Và cứ thế đi ngủ luôn.

Cứ lặp lại vài lần như vậy, tôi chẳng làm xong một việc nào cả. Hậu quả là cả căn phòng trông nhếch nhác, bẩn thỉu. Có lúc cả sàn nhà chất đầy sách vở báo chí. Tôi còn tự nói với bản thân là: Cứ để đấy, không dọn cũng được.

Gần nơi tôi ở trước đây có một cây bạch quả. Đến mùa thay lá, cây rụng rất nhiều lá và một bác gái sống gần đấy sáng nào cũng phải hót đổ đi. Lúc đó, tôi còn không hiểu ý nghĩa của việc này.

Lúc đó tôi đã nghĩ: Sao ngày nào bà ấy cũng làm cái việc phiền phức thế nhỉ. Đằng nào hôm sau cây chẳng rụng lá. Sao bà ấy không để hai ngày dọn một lần, hay một tuần dọn một lần cũng có sao.

Nhưng bây giờ tôi đã hiểu cảm giác của bác gái ấy. Bác ấy dọn không phải vì lá cây rụng mỗi ngày mà vì chính những phiền toái trong con người bác ấy.

Không có tính lười biếng

Tôi từng nghĩ mình là một kẻ lười biếng và không có ý chí mạnh mẽ. Tôi cũng từng cho rằng lười biếng là bản tính của mình. Là đàn ông nên không làm việc nhà cũng chẳng có gì lạ.

Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi sáng trước khi ra ngoài tôi đều lau nhà. Lúc tắm thì dọn luôn bồn tắm nên trông nó lúc nào cũng sáng bóng. Dụng cụ nấu ăn thì rửa luôn khi ăn xong. Quần áo thì giặt trước khi chúng chất đống lại. Và khi phơi đồ thì nhân tiện dọn luôn cả ban công của phòng bên cạnh.

Phải chăng lười biếng vốn không phải là tính cách của tôi. Tính cách không phải thay đổi mà chỉ đơn thuần là thay đổi số lượng đồ đạc trong nhà. Khi đồ đạc trong nhà giảm bớt, việc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Kỹ thuật dọn dẹp học từ Aristotle

Nhà triết học cổ đại Aristotle đã nói rằng: Con người là kết quả của quá trình lặp đi lặp lại. Chính vì vậy, chúng ta thành công không phải vì làm những việc vĩ đại, mà là dựa vào những thói quen.

Điều quan trọng để có thể chăm chỉ dọn dẹp, giữ cho nhà cửa sạch sẽ không phải là ý chí sắt đá, cứng rắn ép buộc bản thân phải làm công việc dọn dẹp phiền phức này. Chỉ bằng ý chí của bản thân: Nào! Làm thôi… thì bạn không thể kéo dài việc dọn dẹp của mình được. Điều quan trọng đó đơn giản chính là thói quen. Thói quen là động lực giúp chúng ta làm việc một cách tự động mà không cần ép buộc hay nghĩ là phải làm việc gì đó.

“Thù lao” cho việc tạo thói quen

Một điều quan trọng khi bạn tạo được thói quen cho mình đó là “thù lao”. Thù lao ở đây chính là cảm giác thành công nho nhỏ. Nếu là dọn dẹp thì thù lao chính là cảm giác được giải phóng bản thân khi căn phòng trở nên sạch sẽ. Khi bạn có thể kiềm chế được những cám dỗ ngọt ngào, những lý do, viện cớ làm chậm công việc của mình, thì thù lao chính là cảm giác “chiến thắng bản thân, điều khiển được chính mình”. Giảm bớt đồ đạc giúp việc dọn dẹp đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian và còn nhận được thù lao. Chính vì vậy, việc cắt giảm đồ đạc dễ dàng trở thành một thói quen yêu thích của bạn. Chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên lý này với các việc nhà.

Tác giả: