Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Nếu bạn tạo cho mình suy nghĩ là mình muốn tạo thói quen dọn dẹp, có nghĩa là bạn đã hạ thấp được hàng rào ngăn cách với việc dọn dẹp và làm nó trở nên đơn giản hơn một chút rồi. Sau khi bạn giảm bớt đồ đạc trong nhà thì việc dọn dẹp sẽ trở nên thật sự đơn giản.

Giảm bớt đồ đạc, việc dọn dẹp đơn giản hơn gấp ba lần

Khi còn ở trong căn phòng lộn xộn trước đây, một tháng tôi dọn nhà được một lần là tốt lắm rồi. Thậm chí, ngay sau khi vứt bớt đồ, cuối mỗi tuần tôi cũng chỉ sắp xếp lại đồ đạc một chút thôi. Còn bây giờ, mỗi sáng tôi đều hút bụi, lau nhà. Điều này không có nghĩa là tôi đã thay đổi, mà sau khi đồ đạc ít đi, việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn và dần biến thành thói quen trong cuộc sống của tôi.

Thậm chí, việc dọn dẹp còn trở thành thú vui hằng ngày. Tôi sẽ lấy ví dụ với việc lau sàn nhà được trang trí bằng một con cú khắc gỗ.

Trình tự lau nhà sẽ như sau:

  1. Để con cú ra chỗ khác.
  2. Lau chỗ để con cú.
  3. Để con cú về lại vị trí cũ.

Bây giờ, nếu tôi bỏ con cú đi và lau sàn nhà thì trình tự sẽ thế nào nhỉ?

Lau sàn thôi.

Xong rồi, mọi việc đã kết thúc. Vất vả quá. Như bạn thấy, công đoạn lau nhà của tôi đã giảm xuống còn một phần ba. Và thời gian lau nhà có lẽ cũng giảm xuống còn một phần ba cũng nên. Hơn nữa, tôi cũng không cần phải lau con cú kia nữa. Bạn hãy tưởng tượng xem nếu bạn để ba, bốn, 10 hay 20 món đồ trang trí trong nhà thì việc lau dọn của bạn sẽ thế nào đây.

Không phải dọn dẹp mà là “bản năng về tổ” của đồ đạc

Giờ đây, khi đã cảm nhận được sự thoải mái của việc “không có đồ đạc”, nên bất kể lúc nào thấy có món gì bị lôi ra ngoài là tôi ngay lập tức dọn chúng về chỗ cũ. Đồ đạc luôn ở đúng vị trí của mình.

Trước đây, khi đọc tác phẩm của Yururimai nói rằng: Tôi chỉ lấy điều khiển tivi ra khỏi chỗ khi nào tôi muốn dùng tivi. Lúc đó tôi không tin lại có người làm cái việc rắc rối thế. Nhưng bây giờ, tôi đã hiểu cảm giác đấy. Thực sự, nó không rắc rối tí nào. Khi nó đã trở thành thói quen của bạn thì việc lấy ra, cất vào không còn là hai việc tách biệt nữa. “Lấy ra cất vào” đã trở thành một hành động thống nhất. Tôi gọi nó là “lấy và cất đồ”.

Nó cũng giống như đi xe đạp vậy. Lúc mới đi xe, ta luôn ý thức được việc đi xe của mình. Nhưng đến một ngày, bạn sẽ lên xe mà không có chủ định gì cả.

Cũng giống như vậy, giờ đây, tôi không có ý thức là mình đang dọn đồ nữa. Tôi chỉ có cảm giác mình vừa đưa đồ đạc về đúng vị trí của nó mà thôi. Đó không phải là dọn dẹp mà là tôi chỉ đi theo “bản năng về tổ” của đồ đạc.

Phòng nhỏ thật tuyệt

Đầu xuân năm nay, tôi đã chuyển từ căn hộ 25m2 sang căn hộ 20m2. Vậy là tôi đã giảm được 5m2 phòng cần phải dọn dẹp. Việc dọn nhà của tôi lại càng đơn giản, nhanh chóng hơn.

Bây giờ, tôi muốn sống trong những căn phòng nhỏ bé. Căn hộ 20m2 này còn hơi lớn với tôi. Việc dọn dẹp không chỉ là thú vui mà còn giúp tôi thấy dễ chịu. Và tôi sẽ chẳng để cho ai hay robot dọn dẹp nào lấy mất thú vui này của mình đâu. Bởi “trực nhật, dọn dẹp” không phải là việc cần dùng tiền để giải quyết.

Bụi bặm hay bám bẩn thực ra là chính con người chúng ta

Có người nói: Lau chùi dọn dẹp cũng chính là đánh bóng lại bản thân. Với tôi, nó quả thực là một châm ngôn sống. Những thứ chất đống trong phòng không phải là bụi bẩn hay rác thải, mà chính là “quá khứ của bản thân mình” đã bị bám bụi trong thời gian dài. Đó cũng là hệ quả của chính bản thân chúng ta “đã không làm gì khi phải dọn dẹp”. Bụi bặm, bám bẩn là thứ đáng ghét thật đấy, nhưng đáng ghét hơn nữa chính là những bụi bẩn từ quá khứ của chúng ta. Khi giảm bớt đồ đạc, biến dọn dẹp thành thói quen, bạn sẽ dần hướng đến một con người “làm được ngay khi cần làm”, bạn sẽ yêu quý bản thân mình hơn, tự tin và dũng cảm hơn.

Chỉ cần giảm bớt đồ đạc, bạn sẽ thấy yêu thích bản thân hơn

Chắc sẽ có người phản đối bằng những câu như “tính tôi vốn cẩu thả mà”, “tôi ghét phiền phức lắm”, hoặc là “đàn ông không làm mấy cái chuyện nhỏ nhặt ấy”, nói sao thì nói nhưng mà đối với tôi: Làm việc nhà thật tuyệt vời.

Điều đầu tiên chúng ta phải thay đổi, không phải tính cách mà là môi trường. Việc giảm bớt đồ đạc sẽ làm cho việc nhà và phần lớn các sinh hoạt khác trở nên đơn giản và nhàn hạ. Việc nhà trở nên vừa dễ vừa nhàn, và chỉ cần làm tốt những việc đơn giản đó thôi thì bạn sẽ thấy yêu mến bản thân hơn rồi. Khi đó ta sẽ tự tránh xa khỏi cảm giác chán nản, lười biếng và cảm nhận được rằng mình đang tự “điều khiển” được cảm xúc của chính mình.

Buổi sáng dậy sớm, trước khi đi làm có thời gian thong thả ăn một bữa sáng lại có cả thời gian để dọn dẹp và giải quyết luôn việc giặt giũ sẽ khiến hiệu quả làm việc khi đến chỗ làm khác hẳn so với khi ngủ cố cho đến tận gần đến giờ đi làm. Chỉ cần sinh hoạt có nề nếp thì con người ta sẽ tự tin hơn và tự yêu quý bản thân mình hơn rất nhiều. Yêu bản thân mình cũng sẽ làm cho chúng ta dễ dàng tiếp nhận những thử thách mới trong cuộc sống. Con người có thể thay đổi bằng nếp sống hàng ngày của mình.

Tư tưởng ép buộc bản thân trở thành một con người khác

Những người trẻ tuổi bây giờ thường xuyên phải nghe những câu nói kiểu như “mỗi chúng ta đều là một cá thể độc lập và duy nhất” nên “phải có cá tính riêng” hay là “phải có được một thành công nhất định”. Đây là tư tưởng ép buộc bản thân trở thành một hình tượng nào đó. Trước đây tôi cũng đã từng nghĩ như thế và cũng đã cảm thấy bực tức với bản thân mình vì không thể trở thành “ai đó”.

Sau khi vứt bớt đồ đạc xung quanh mình, tôi nhận ra rằng bản thân mình không cần phải có trong tay một thành tựu gì cả, cũng không cần phải trở thành một nhân vật tầm cỡ nào đó. Chỉ cần làm những việc nhà hàng ngày, hoàn thiện lối sinh hoạt, nề nếp thôi là tôi đã cảm thấy yêu bản thân mình hơn và cảm nhận đầy đủ niềm vui trong cuộc sống.

Tôi chỉ cần làm xong những công việc hết sức đơn giản trong ngôi nhà không có mấy đồ đạc của mình là tôi sẽ thảnh thơi đi dạo quanh khu nhà mình ở, khi đó tôi cảm thấy bản thân không mong muốn thêm nữa điều gì. Tôi ngồi ngắm con vịt giời đang rỉa lông rỉa cánh trong hồ nước ở công viên. Con vịt chỉ đơn giản là đang rỉa cánh chứ chẳng cần gồng mình lên để trở thành cái gì đó khác. Con vịt không cần phải bận rộn lo xây dựng sự nghiệp cũng chẳng cần chạy theo nịnh bợ mấy con vịt khác trong đàn. Nó chỉ đang vầy nước, rỉa cánh, nó chỉ đang sống một cách bình thường thôi. Thật ra ta chỉ cần như vậy là đủ. Tôi, sau khi đã bỏ bớt đống đồ đạc ra khỏi cuộc sống, cảm thấy chỉ cần sống một cách bình thường thôi cũng mang lại quá đủ sự viên mãn. Tôi đã trở thành con người chỉ cần được sống thôi là đã cảm thấy sự thú vị rồi!

Cảm giác tự do, được giải phóng bản thân

“Từ khi vứt hết mọi thứ, tôi mới có thể tự do theo đuổi những việc mình thích.”

− Tyler Durden – Sàn đấu sinh tử

Không chuyển nhà đi được

Con chim có thể tự do bay cao trên bầu trời là do tổ của nó nhỏ gọn và chẳng tích trữ gì bên trong cả.

Hình ảnh con chim tự do trên bầu trời ấy hoàn toàn trái ngược với tôi trước đây. Trong căn bếp chỉ có một người sống lại kê một cái tủ bếp to đùng, thậm chí tôi còn làm phòng tối để tráng ảnh. Ở thềm nhà kê một giá sách cao ngất chất đầy sách vở. Nếu có chuyển nhà thì tôi cũng muốn chuyển hết những thứ này, và nếu đồ dùng có tăng thêm nữa thì cũng phải sắp xếp cho bằng được. Lúc đó, tôi luôn muốn có một căn phòng lắp được tivi to và thiết bị chiếu phim trong nhà. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến việc chuyển nhà và đi tìm vài chỗ, nhưng tôi không tìm thấy căn nhà nào phù hợp với điều kiện kèm theo và vừa với túi tiền của mình. Rồi việc đóng gói ngần đấy thứ, sau đó phải sắp xếp lại tất cả là việc rắc rối hơn bất cứ việc gì.

Sau gần 10 năm sống tại Nakameguro, khi tôi chuyển đến khu Fudomae gần đấy, tất cả công việc gói đồ (tôi không phải dùng đến một thùng giấy nào cả), di chuyển, dỡ đồ sắp xếp… tất cả chỉ gói gọn trong một tiếng rưỡi.

Tự do di chuyển bất cứ lúc nào

Lần tới nếu chuyển nhà, tôi muốn chuyển đến căn phòng nhỏ hơn nữa. Căn phòng 20m2 hiện nay vẫn còn hơi rộng so với tôi. Và tôi thấy căn phòng 12m2 như phòng của cô Dominic Loreau khá phù hợp với mình. Tôi cảm thấy thoải mái khi sống trong một căn nhà nhỏ bé, và tuyệt hơn nữa là tiền nhà cũng giảm xuống. Thời gian chuyển nhà cũng chỉ trong tích tắc mà thôi. Sau khi vứt đồ đi, tôi nhận thấy mình có thể thoải mái, tự do di chuyển hay chuyển nhà đi bất cứ đâu.

Tự do thử nghiệm cách sống mới

Tại các hội thảo như “hội thảo về cách sống trong tương lai”, người ta hay nhắc đến trào lưu sống trong nhà nhỏ, có thể kể đến như kiểu “nhà nhỏ tự làm” (ví dụ như “kiểu sống B” của anh Tomoya Takamura, người đã dùng 100 nghìn yên để xây nhà), hay “ngôi nhà di động” có gắn bánh xe của anh Sakaguchi Kyohei. (Những người sống theo “kiểu sống B” hay mua mảnh đất rẻ ở nông thôn, tự mình xây nhà, làm mọi thứ, sinh hoạt với chi phí tối thiểu). “Chỗ ở” không còn là khoản nợ 35 năm như trước đây nữa, mà đã có rất nhiều mô hình chỗ ở mới được tạo ra.

Có thông tin cho rằng đến năm 2040 số nhà bỏ không sẽ lên đến 40%. Hơn nữa, nếu nghiên cứu các dự báo động đất, sớm hay muộn người ta cũng sẽ nhận thấy Nhật Bản xảy ra động đất theo chu kỳ. Vì thế việc sống trong các ngôi nhà cố định sẽ khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng cao theo từng năm. Điểm chung trong các thí nghiệm mới về chỗ ở hiện nay là người ta không còn sử dụng những ngôi nhà to có thể kê được nhiều đồ đạc bên trong như những ngôi nhà kiên cố truyền thống.

Tác giả: