Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Nếu là một người sống tối giản, bạn có thể dễ dàng thử nghiệm bất cứ cách sống nào. Theo tôi, điều thú vị nhất hiện tại không phải là vấn đề “văn hóa” mà là vấn đề “cách sống mới”, “chỗ ở mới”. Chắc chắn, sự thay đổi này sẽ còn xảy ra nhanh hơn nữa trong tương lai.

Chi phí sinh hoạt tối thiểu và tự do trong làm việc

Có một thuật ngữ là chi phí sinh hoạt tối thiểu. Đó chính là số tiền tối thiểu mà bạn cần để duy trì cuộc sống. Tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền điện thoại… Bạn cần phải tính trước về khoản tiền cần thiết trong cuộc sống này.

Hiện tại tôi đang sống ở khu Fudomae, tiền nhà một tháng là 67 nghìn yên. Tôi vẫn dùng iPhone, ăn uống tự nấu nướng nên nếu thu nhập hàng tháng của tôi là 100 nghìn yên cũng đủ để sống thoải mái rồi. Sách tôi đọc trong thư viện, rảnh rỗi thì đi dạo trong công viên, cuộc sống như vậy là đủ.

Về già, kiếm 100 nghìn yên cũng tốt rồi

Tôi sẽ giải thích kỹ hơn ở phần sau, tuy nhiên nếu lối sống tối giản được phát triển, chúng ta sẽ không còn so sánh bản thân với người khác nữa.

Tôi muốn sống cuộc sống như trong tạp chí đề cập. Tôi là một con người, nên tôi không muốn bị người khác cho là nghèo túng…

Nếu có thể tự loại bỏ những suy nghĩ trên ra khỏi đầu óc thì bạn sẽ thấy có rất nhiều công việc kiếm được 100 nghìn yên một tháng.

Giờ đây tôi không còn sợ hãi, bất an về cuộc sống sau khi về già của mình nữa. Với tôi khi về già, tôi kiếm công việc có thu nhập 100 nghìn yên một tháng là tôi thấy ổn rồi.

Ngày nay, có rất nhiều người để đạt được tiêu chuẩn cuộc sống mong muốn của bản thân mà phải ép mình làm việc ở những nơi tồi tệ hoặc làm việc căng thẳng đến mức phải tự sát. Nhưng trong tương lại, có lẽ tình trạng này sẽ được cải thiện. Khi mà đồ đạc, vật dụng được giảm bớt, chi phí sinh hoạt được hạ thấp và chúng ta có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào mình muốn. Có thể thấy, lối sống tối giản còn tạo ra sự tự do trong cách làm việc nữa.

Tự do từ chính “bản thân”

Cũng giống như tôi trước đây luôn coi những cuốn sách, DVD, CD là chính bản thân mình, hiện cũng có không ít người coi đồ dùng mà mình có như chính bản thân họ vậy. Và họ chẳng thể nào vứt đi những món đồ mà mình yêu thích. Tôi cũng hiểu cảm giác này của họ. Khi ta vứt những món đồ yêu quý của mình đi cũng giống như vứt một phần cơ thể mình vậy. Cảm giác lúc đó đau đớn biết chừng nào. Tôi cũng từng coi những cuốn sách, những đĩa CD là một phần thân thể của mình, nhưng khi vứt chúng đi, tôi lại có cảm giác được “giải phóng bản thân” vậy.

Tôi tự nhận mình là người thích xem phim, lúc trước mỗi tuần tôi phải xem khoảng năm, sáu tập. Một người thích xem phim như tôi mà lại chưa xem những bộ phim mới nhất thì thật xấu hổ, hơn nữa xem nhiều phim như vậy cũng có thể khoe trước bạn bè. “Cái này á. Tớ xem rồi, bộ kia tớ cũng xem rồi. Ừ, bộ đấy tớ cũng xem nốt rồi!”

Có lẽ lúc trước tôi chỉ chấp nhất với việc bản thân mình là người thích xem phim mà thôi. Bây giờ, tôi vẫn thích xem phim, nhưng tôi không xem nhiều như trước mà chỉ xem những bộ phim thực sự cần thiết. Tôi đã không còn là “người thích xem phim” nữa, mà là “người xem những bộ phim quan trọng”.

Vì không còn là người thích phim nữa nên khi nói chuyện với bạn bè sẽ có những cái tên, những bộ phim mà tôi không biết. Và tôi có thể ngay lập tức hỏi bạn: Đấy là cái gì thế? Giới thiệu cho tớ đi… Nếu là trước đây thì tôi thật xấu hổ khi không biết những điều này.

Chính vì thích nên coi đó là một phần cơ thể mình. Khi vứt chúng đi, tôi cảm giác như mình thoát khỏi được những trói buộc từ chính bản thân mình.

Từ khi vứt bộ sưu tập phim, tôi chỉ xem những bộ phim thực sự cần thiết mà thôi. Tôi cũng không còn xem năm, sáu bộ phim một tuần, cũng không “xem phim để học hỏi” nữa. Thỉnh thoảng tôi mới xem một bộ phim mà mình thực sự muốn xem thôi.

Mặc dù xem ít đi nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái.

Thoát khỏi những “ham muốn”

Khi trở thành người sống tối giản, bạn sẽ được giải phóng khỏi những tin nhắn, thông điệp xã hội trên thế giới này. Dù người này hay người kia, họ có làm gì đi nữa tôi cũng không để ý. Những người giàu có, những người nổi tiếng trên truyền hình cũng chẳng làm tôi bận tâm. Những cửa hàng tráng lệ, những thẻ tích điểm, sản phẩm đa chức năng, những khu chung cư mới xây đầy tiện ích… Tất cả đều không liên quan đến tôi. Tôi vẫn sẽ thoải mái đi dạo trên phố mà chẳng bận tâm điều gì.

Như tôi đã nói ở chương hai, bạn càng sắm đồ thì đồ đạc lại càng tăng lên. Nhưng dù có nhiều đồ, bạn vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn nên bạn lại càng sắm nhiều đồ hơn nữa.

Tương tự như vậy, bạn càng ăn nhiều bạn lại càng thấy đói và tiếp tục ăn như một con quái vật. Những người thổ dân châu Mỹ có một từ gọi là Uetiko nghĩa là “ăn người”, hay nói đơn giản là ham muốn hơn mức cần thiết, đến mức coi cả cuộc đời của con người là đồ ăn. Uetiko cũng được cho là tâm bệnh của con người.

Tôi hiện đang có tất cả những thứ mà tôi cần. Tôi cũng không mong muốn có thêm món đồ gì nữa. Nếu tôi còn, dù chỉ một chút thôi thì ham muốn với đồ đạc trong tôi sẽ lớn dần thành một con quái vật khiến tôi không thể kiểm soát được chính bản thân mình. Trước đây, vì con quái vật ấy mà tôi chỉ chăm chăm vào những thứ tôi cho là còn thiếu, thực sự là khốn khổ vô cùng.

Không có những món đồ khiến bản thân ao ước muốn có, đó chính là cảm giác thoải mái nhất.

Không so sánh với người khác

“Khi bạn biết mình không thiếu thứ gì, bạn là duy nhất trên thế giới này.”

− Lão Tử

Phương pháp để quen với bất hạnh chỉ trong tích tắc

Con người luôn nghĩ rằng bãi cỏ của hàng xóm xanh hơn bãi cỏ nhà mình. Thực ra tự bản thân bãi cỏ chẳng bận tâm xem bãi cỏ nhà hàng xóm có màu xanh da trời hay màu xanh lá cây. Mà để ý ở đây chính là chủ của bãi cỏ. Và để bãi cỏ nhà mình đẹp hơn, anh ta sẵn sàng mua sơn hóa học về, phun lên bãi cỏ, nhưng rồi anh ta chẳng thể thỏa mãn được vì cuối cùng bãi cỏ lại biến thành màu đen và mất đi vẻ đẹp vốn có.

Có một cách để bạn thấy bất hạnh chỉ trong giây lát. Đó là so sánh mình với người khác.

Trước đây tôi đã chứng kiến cô gái mình thích lấy một anh chàng có thu nhập cao hơn tôi. Lúc đó tôi đã so sánh bản thân với anh ta và cảm thấy thật thất vọng: Hiểu rồi, với mình thì ngần đấy vẫn chưa đủ. Nhưng có lẽ đó chưa phải là tất cả. Nếu so với bạn cùng thời tôi thì tôi thấy mình thật là người vô dụng. Chỉ cần mở mạng xã hội là tôi có thể thấy rất nhiều người sống vui vẻ. Và khi nhìn thấy những người đi đường cười nói với bạn bè, tôi thấy mình rất cô độc.

Bill Gates có so sánh mình với người khác?

Bất cứ ai dù vô tình hay cố ý cũng có lúc so sánh mình với người khác. Và vấn đề là việc so sánh này sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả.

Có một người làm trong công ty kinh doanh mạng từ lúc công ty thành lập. Anh ta so sánh mình với một đàn anh khác làm việc tốt hơn trong công ty. Đàn anh này lại so sánh mình với vị doanh nhân đã vực dậy cả công ty. Vị doanh nhân nọ lại so sánh bản thân với vị doanh nhân của một doanh nghiệp hàng đầu. Vị doanh nhân của doanh nghiệp hàng đầu lại so sánh mình với Bill Gates. Vậy, theo bạn Bill Gates sẽ so sánh mình với ai? Có lẽ ông ấy sẽ so sánh với chính mình khi còn trẻ. Hoặc cũng có thể ông ấy sẽ so sánh mình với nhân viên vô danh trong công ty mới thành lập với tương lai đầy triển vọng.

Bất cứ ai cũng có người giỏi hơn mình

Việc so sánh với người khác là do xung quanh chúng ta luôn có người giỏi hơn mình. Dù bạn nhiều tiền đến đâu, đẹp trai đến đâu, xinh đến thế nào thì xung quanh bạn chắc chắn còn có người hơn thế nữa. Dù bạn có là một trong số các thần tượng của cả nước thì chắc bạn cũng sẽ có chút tự ti nếu so sánh bản thân với Johnny Depp hay Brad Pitt. Dù bạn có thực hiện được giấc mơ thuở bé là trở thành tuyển thủ bóng đá thì bất cứ lúc nào bạn cũng sẽ thấy đau khổ nếu so sánh với Lionel Messi. Và kể cả bạn có đạt đỉnh cao trong một lĩnh vực nào đó thì khi so sánh về các lĩnh vực khác, bạn vẫn còn cách người ta một khoảng khá xa.

Sau khi vứt bớt đồ đạc, tôi không còn so sánh bản thân với người khác nữa. Trước đây, khi so sánh bản thân với người khác, tôi lại thấy xấu hổ khi mình đang sống trong một ngôi nhà tồi tàn đến vậy. Rồi khi thấy những người có thể mua thỏa thích những thứ họ muốn, tôi lại thấy ghen tị trong lòng. Còn giờ đây, tôi đã nói lời tạm biệt với những cảm giác đó. Bởi tôi không còn tham gia vào cuộc thi “thiên hạ đệ nhất” nào nữa rồi.

Kinh nghiệm là không thể so sánh được

Như ở chương hai tôi đã giải thích, con người có thể dần thích ứng với mọi việc.

Bởi vậy kinh nghiệm được cho là có thể kéo dài hạnh phúc lâu hơn là đồ đạc. Bạn mua một chiếc áo khoác 100 nghìn yên, mỗi lần mặc nó là mỗi lần bạn thấy quen thuộc hơn và dần dần bạn sẽ không còn cảm giác hạnh phúc khi mặc nó nữa. Tuy nhiên, nếu bạn dành 100 nghìn yên đấy để đi du lịch nước ngoài với bạn bè thì sau này, mỗi khi nhớ lại, bạn sẽ luôn có cảm giác vui vẻ, hạnh phúc như lúc đi chơi vậy. Chẳng món đồ nào có thể so được với những kỷ niệm, càng hồi tưởng lại càng thấy vui vẻ, hạnh phúc. Mặc dù kinh nghiệm có thể cho ta cảm thấy hạnh phúc trong thời gian dài, nhưng con người lại luôn chi tiền cho đồ dùng, dụng cụ hơn là cho những trải nghiệm. Bởi đồ đạc sẽ dễ dàng so sánh với người khác hơn là kinh nghiệm. Nhà tâm lý học Sonia Ryu Bomi ASCII đã nói: Túi xách mà bạn sở hữu giúp bạn dễ so sánh với người khác hơn. Giá trị của chiếc túi xách có thể dễ dàng xác định qua giá tiền của chiếc túi xách đấy. Nếu nó là hàng hiệu thì mọi người lại càng biết giá trị của nó và càng dễ để so sánh.

Tác giả: