Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Nếu bạn bỏ bớt đồ đạc của mình, tự nhiên những “thông điệp thầm lặng” của những món đồ đấy cũng được giảm bớt. Khi đó, bạn sẽ không bị làm phiền về việc này, việc kia trong thông điệp đấy nữa, não bộ cũng không phải mất công xử lý những thông điệp này. (“Mệt lắm rồi, để tôi nghỉ cái đã”, “Biết rồi, tôi sẽ làm sau”).

Chính vì vậy sau khi giảm bớt đồ đạc, sức tập trung của bạn được cải thiện. Bạn sẽ không còn nhận được những thông điệp dư thừa nào từ đồ đạc nữa, kể cả khi nhận được bạn cũng có thể giải quyết ngay lập tức mà không để tồn đọng.

Tóm lại, nhờ việc giảm bớt đồ đạc, “Danh sách các việc cần làm trong thầm lặng” được giảm xuống, bạn có thể bắt tay giải quyết “Danh sách các việc phải làm thực sự”. Khi giảm bớt đồ đạc, bạn có thể tập trung vào việc quan trọng của bản thân.

Lối sống tối giản của Lionel Messi

Để có thể tập trung vào việc quan trọng, chúng ta phải bỏ hết những việc không quan trọng. Ở chương một tôi đã định nghĩa về người sống tối giản là người cắt giảm mọi thứ vì những điều quan trọng với bản thân. Trong suy nghĩ của tôi, Messi cũng là một người như vậy.

Mọi người đều biết rằng Lionel Messi, siêu sao của Barcelona có quãng đường chạy trong một trận đấu là rất ngắn. Trung bình trong một trận đấu, các cầu thủ bóng đá thường chạy 10 km. Nhưng Messi chỉ chạy trung bình 8 km mà thôi. Ta cũng rất dễ bắt gặp cảnh anh đi bộ trên sân. Thậm chí còn có số liệu chỉ ra rằng anh không chỉ không chạy khi quay về phòng thủ mà còn giảm cả số lần chạy tấn công nữa.

Ngay cả tôi, một người không biết gì về bóng đá cũng biết lý do vì sao Messi lại trở thành cầu thủ bóng đá hàng đầu thế giới. Messi luôn nhìn ra những điểm quan trọng trong trận đấu, và trong thời điểm quyết định thắng thua, anh luôn dùng tốc độ tối đa để vượt lên đối thủ. Chắc hẳn, Messi cũng nhận định ghi bàn mới là điều quan trọng nhất. Và anh đã gạt bỏ tất cả những chuyện khác để tập trung cho việc quan trọng này. Bởi vậy anh không hay chạy để bảo toàn thể lực, tạo cơ hội ghi bàn.

Người sống tối giản hoàn hảo – Steve Jobs

Steve Jobs là một người sống tối giản không chỉ bởi ông luôn mặc những bộ đồ giống nhau, hay cắt giảm tối đa các chi tiết dư thừa trong các sản phẩm mà còn bởi ông là người thực sự cắt giảm mọi thứ.

Thậm chí, Steve Jobs còn cắt giảm cả số người đi họp. Nếu có ai đó mà ông cho rằng không cần thiết trong cuộc họp, ông sẽ nói rằng: “Anh không cần phải tham dự cuộc họp này. Cảm ơn.” Steve Jobs luôn làm mọi việc bằng những người giỏi nhất với số lượng ít nhất.

Người ta nói rằng điều được coi trọng ở Apple là “ý tưởng hơn quá trình”. Dù nhà thiết kế có đưa ra một concept tuyệt vời đến đâu chăng nữa, sau khi đi qua phòng marketing, phòng truyền thông, phòng kinh doanh, phòng vật liệu… nó cũng chỉ còn là thiết kế bình thường mà thôi. Các thiết kế tại triển lãm Motor Show dù có sắc nét đến đâu thì ở bất cứ thời điểm nào cũng không thể thương mại hóa. Nguyên nhân cũng bởi các thiết kế này không đời thường. Những quy trình phức tạp thường bị Steve Jobs coi thường và loại bỏ. Với ông, càng có nhiều con dấu xác nhận, ý tưởng sẽ càng đi xuống và việc thực hiện cũng chậm hơn.

Việc đầu tiên Steve Jobs làm sau khi quay lại Apple

Steve Jobs luôn vui vẻ dù nhà thiết kế chỉ đưa ra một ý tưởng duy nhất. Thứ tốt nhất thì chỉ có một mà thôi, vậy tại sao chúng ta lại cần đến cái thứ hai, thứ ba làm gì.

Điều đầu tiên khi Steve Jobs quay lại Apple đó là cho hết đống giấy tờ lộn xộn như mạng nhện và máy móc cũ kỹ vào bảo tàng. Nói cách khác, việc đầu tiên ông làm là cắt bớt đồ đạc trong công ty.

Steve Jobs luôn muốn tập trung vào việc “cho ra những sản phẩm có thể thay đổi cả thế giới”, thế nên những gì nằm ngoài công việc này đều được ông cắt bỏ hết. Điều ông xem trọng không phải là “sẽ làm gì” mà là “không làm gì”. Trong suy nghĩ của tôi, Steve Jobs là người sống tối giản hoàn hảo. Ông là người luôn tối giản trong mọi mặt.

Hạnh phúc từ “dòng chảy” tập trung

Có một nghiên cứu về hạnh phúc sinh ra từ sự tập trung. Đó là trạng thái tập trung mà nhà tâm lý học Csikszentmihalyi gọi là “dòng chảy”. Khi gặp được việc gì đó khiến ta tập trung cao độ, đó là lúc ta có thể quên đi mọi thứ. Nếu tập trung cao hơn nữa thì cái tôi hay bản ngã của mỗi con người thậm chí có thể biến mất. Càng về sau con người ta sẽ càng cảm thấy một sự thỏa mãn và có thể cảm nhận được cuộc sống thật sự rất tuyệt vời.

Nếu bạn có thể quên cả thời gian, quên cả bản thân mình để tập trung tháo gỡ một vấn đề nan giải nào đó, thì rất có thể đó là “dòng chảy”. Quan trọng nhất là bạn phải “cảm thấy một sự thỏa mãn”. Nếu bạn tập trung quên mình vào một thú vui nào đó nhưng ngay sau khi kết thúc lại hối hận tự hỏi “mình vừa làm cái gì vậy” thì đó không phải là “dòng chảy”.

Csikszentmihalyi đã lấy việc biểu diễn âm nhạc làm một ví dụ của dòng chảy. Không phải ai cũng tìm ra “dòng chảy” của mình. Nhưng khi đã tìm thấy thì sẽ quên hết thời gian, quên hết bản thân mình nên ai cũng sẽ nhận biết được nó. Những người tìm ra “dòng chảy” của mình là những người có thể tích lũy được hạnh phúc ngày càng nhiều hơn.

Tối thiểu thông tin

Con người là một cái ổ cứng từ 50 nghìn năm trước. Cả bộ não lẫn cơ thể của con người không hề có tiến hóa gì kể từ 50 nghìn năm trước. Nếu như ta cố nhét vào đó khối lượng đồ vật và cả thông tin đã tăng thêm một cách bất thường thì chúng ta sẽ bị chết máy giống như cái máy tính có biểu tượng bị treo đang xoay vòng quanh kia. Chúng ta là thế hệ kỹ thuật số nhưng không có nghĩa trên ngực chúng ta có chứa nhiều ổ cứng hơn, và cũng không có nghĩa là chúng ta có bộ nhớ đa chức năng hơn.

Nếu giảm bớt đồ đạc thì lượng thông điệp ta tiếp nhận từ đồ đạc cũng sẽ giảm. Bộ nhớ dành cho đồ đạc cũng sẽ giảm đi giúp cho não bộ có thể hoạt động tốt hơn. Thông tin cũng hoàn toàn tương tự như vậy. Nội dung của phần này là giảm thông tin. Tôi cũng muốn nói thêm về việc tối giản thông tin.

Gập gọn các ăng-ten mở quá rộng

Có một loại thông tin gọi là tin rác. Đấy là những mẩu tin không mấy chọn lọc ta hay gặp trên báo mạng. Nhìn lướt qua đấy có vẻ là thông tin quan trọng thu hút người đọc, nhưng thật ra đó chỉ là thông tin ta cho vào đầu để giết thời gian và từ lúc đọc cho đến cuối đời cũng không bao giờ có thể nhớ lại được. Nếu cứ giữ lại những thông tin đấy thì người ta sẽ bị bội thực thông tin. Một thử nghiệm đã chỉ ra rằng những người bị nhồi quá nhiều thông tin rác có xu hướng suy giảm IQ còn nhiều hơn cả hút cần sa.

Hiện nay vấn đề lớn không còn là làm thế nào để có được nhiều thông tin mà là làm thế nào để giữ khoảng cách với thông tin không cần thiết, làm thế nào để giảm những thông tin rác. Cứ mỗi ngày chúng ta lại có thêm một lượng thông tin mới khổng lồ. Nếu là người sở hữu điện thoại thông minh thì chắc hẳn ai cũng đã từng vô thức mở mail kiểm tra tin nhắn, mở liên tục từ đường link này đến đường link khác trên browser hay mải mê chơi game quên thời gian. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để giảm lượng thông tin ta tiếp nhận hàng ngày, làm thế nào để cất cái ăng-ten đã phủ sóng quá rộng của mình lại.

Giảm các mối liên hệ

“Mệt mỏi vì các mối liên hệ” do phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội đang trở thành chủ đề được mọi người quan tâm. Nhưng chưa ai có thể tính toán chính xác được cảm giác lo lắng, hồi hộp khi bất cứ ai cũng có thể liên lạc được với mình có ảnh hưởng xấu như thế nào đến con người.

Yoneda Tomohiko trong cuốn Lời khuyên về cách cai nghiện kỹ thuật số đã đưa ra những ví dụ rất thú vị. Bạn có thể cai nghiện các loại máy móc kỹ thuật số bằng cách gửi điện thoại, máy tính cho khách sạn khi nhận phòng. Hay khi bạn đến bar, gửi điện thoại ở ngoài cửa và sau đó chỉ tập trung uống rượu, nói chuyện với bạn bè. Ở công ty Volkswagen, người ta đã ngừng việc gửi mail cho nhân viên vào lúc đêm khuya hay sáng sớm. Hay ở Daimler, ban lãnh đạo đã bắt đầu cho xóa chương trình gửi mail tự động cho các nhân viên trong giờ nghỉ. Những công ty này đã bỏ hết mail ngoài giờ làm việc để nhân viên có thời gian riêng tư của mình.

Tĩnh tâm, ngồi thiền, yoga – tập trung vào chính bản thân mình

Trong số những người theo trào lưu sống tối giản, có nhiều người tạo cho mình thói quen tĩnh tâm, ngồi thiền hay tập yoga. Theo tôi đây hoàn toàn là một điều tự nhiên. Tại sao vậy? Khi các đồ vật xung quanh bạn ít đi cũng đồng nghĩa với các đồ vật của “thế giới bên ngoài” vốn làm nhiễu loạn sự chú ý của bản thân bạn cũng ít đi. Lúc đó, chúng ta sẽ chú ý đến “con người bên trong” mình nhiều hơn.

Ban đầu tôi chưa thấy hứng thú với mấy bộ môn này, nhưng càng về sau tôi càng thấy hiệu quả.

Trong lúc ngồi thiền, tôi hay bất chợt nghĩ đến những chuyện trong cuộc sống, nhưng chỉ cần vài nhịp thở sâu là tôi lại kéo lại được ý thức lơ đãng của mình. Dần dần, khả năng tập trung của tôi cũng được cải thiện đáng kể, mạch tư duy của tôi cũng trở nên rõ ràng hơn. Đối với tôi, tĩnh tâm hay ngồi thiền giống như cài lại “hệ điều hành” cho chính bản thân mình.

Hiện nay, ngay cả Google hay Facebook cũng đang chú ý đến thiền và tĩnh tâm. Tìm trên Google bạn có thể thấy người ta mở rất nhiều khóa học thiền, và vô tình họ cũng đã tạo ra một mê cung cho những ai muốn đến với thiền chân chính. Nếu không dành thời gian để nhìn nhận, suy ngẫm lại bản thân mình, thì bạn rất dễ bị nhấn chìm trong vô vàn thông tin trên thế giới này.

Tác giả: