Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Việc uống rượu để bớt căng thẳng cũng tương tự như vậy. Nếu có thể tối giản được đồ đạc trong nhà, bạn sẽ ít bị làm phiền bởi chúng, tốn ít sức lực để lãng phí hơn và căng thẳng cũng sẽ giảm theo. Khi không còn so sánh bản thân với người khác, bạn sẽ không còn thấy xấu hổ về bản thân vì thế mà những lo lắng, căng thẳng của bạn cũng sẽ được giảm bớt. Khi căng thẳng, lo lắng của bạn được giảm xuống, bạn cũng không cần phải ăn để giải tỏa nữa.

Ý thức rõ ràng về cảm giác “thèm ăn” của bản thân

Theo tôi, kết quả của việc đặt câu hỏi nhiều lần về chính món đồ của bạn sẽ giúp bạn ý thức rõ ràng hơn về “ước muốn” của bản thân và điều khiển được nó. Để có thể giảm đồ tối đa, quan trọng là bạn chỉ được giữ lại những thứ thực sự cần thiết cho bản thân. Tức là bạn không được có những thứ mà bạn “ao ước” muốn có.

Khi giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu, khả năng nhận biết về “ước muốn” của bạn cũng được nâng cao. Bạn có thể phân biệt được đâu là đồ “cần thiết” đâu là đồ mà mình “ước muốn”. Không chỉ có đồ vật mà vấn đề “thèm ăn” cũng giống như vậy. Vì bạn có thể ý thức rõ ràng lượng thức ăn cần thiết cho mình nên bạn sẽ không ăn quá nhiều. Chỉ giữ những món đồ cần thiết khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy thỏa mãn, “với mình thế này là đủ rồi”. Vì vậy, dù bạn không ăn nhiều nhưng bạn vẫn thấy rất hài lòng.

Trong ăn kiêng có một phương pháp là hoạt động liên tục nhằm tiêu bớt lượng calo trong cơ thể. Có lẽ làm phòng rộng hơn một chút, làm việc nhà… tích góp từng việc nhỏ đấy cũng có thể giúp bạn giảm cân được. Căn phòng của tôi hiện giờ không có gì cả nên khá rộng và tôi hay tập vài động tác của một cầu thủ ném bóng chày.

Hơn nữa, tư trang của tôi bây giờ cũng nhẹ hơn trước rất nhiều, tôi cũng thích hoạt động hơn nên hay ra ngoài đi bộ. Sau khi sống theo lối sống tối giản, tôi đã bắt đầu gầy đi. Nghe có vẻ khó tin nhưng thực sự là tôi đã gầy đi rồi. Trước đây đúng là tôi rất béo, nhưng tôi sẽ không quay lại làm một cậu béo Metabo nữa đâu.

Những người chỉ bị va chạm nhẹ trong động đất

Nghe nói trong số những người vô gia cư, có nhiều người lo lắng cho chúng ta. “Với chúng tôi, dù động đất có xảy ra thì cùng lắm chỉ bị sưng một cục là hết. Nhưng những ai có nhà thì vất vả lắm.” Những ai sống trong thùng các tông hay trong những ngôi nhà bằng gỗ nhẹ thì khi có động đất xảy ra, họ cũng chỉ bị cụng đầu mà thôi. Còn với những ngôi nhà gạch, xi măng nặng thì khi đổ có thể cướp đi tính mạng của chính chủ nhà.

Tháng 5/2014, ở Tokyo đã xảy ra một trận động đất lớn. Cường độ địa chấn đo được ở quận Meguro nơi tôi sống là bốn độ. Mỗi khi có động đất xảy ra, tôi thường quấn hết máy tính, quần áo, đồ dùng vào trong chăn đệm để phòng chúng vương vãi lung tung khắp nhà. Và khi trận động đất này xảy ra, tôi đã hầu như vứt hết đồ trong nhà đi rồi nên chẳng có gì phải làm cả. Tất cả những gì tôi làm là ngồi im, và tôi cảm thấy thật an tâm. Vì trong phòng không còn đồ đạc nên cũng chẳng có việc đồ bị bay ra ngoài. Trước đó trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011, trong nhà tôi có kê một tủ sách rất lớn và trong trận động đất, toàn bộ số sách đã bị rơi vãi hết ra ngoài. Nơi tôi sống lúc đó chỉ có vậy thôi, nhưng nếu khu đó nằm tâm cơn địa chấn thì sẽ thế nào? Có lẽ giá sách sẽ đổ và tôi sẽ bị kẹt trong đó, không thoát ra được. Cũng có thể tôi sẽ bị một chiếc máy ảnh rơi trúng đầu. Hoặc cũng có thể tôi sẽ bị những thứ tôi yêu thích như sách, máy ảnh giết chết.

20% các trận động đất lớn đều xảy ra ở Nhật Bản

Tổng diện tích Nhật Bản chỉ chiếm 0.25% toàn thế giới, nhưng lại tập trung đến 7% núi lửa trên Trái Đất này. Và số trận động đất hơn 6M xảy ra ở Nhật Bản đã chiếm 20% trong tổng số trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là nếu sống ở Nhật Bản thì bạn sẽ gặp động đất nhiều hơn hẳn các nước khác. Và nếu bạn định sống lâu dài ở Nhật thì chỉ có giảm thiểu đồ đạc của bản thân mới được coi là phòng chống hỏa hoạn và ứng phó với động đất hiệu quả. Nếu bạn cắt giảm được đồ đạc của mình thì khi có động đất, bạn sẽ giảm thiểu được số tài sản bị chôn vùi xuống mức tối thiểu.

Trong tương lai, các trận động đất vẫn sẽ còn xảy ra ở Nhật Bản. Vì vậy những trang thiết bị chuẩn bị trước cho thiên tai đều không thể bỏ được.

Sau thảm họa động đất sóng thần phía Đông Nhật Bản, cuốn album của tôi đã bị sóng cuốn trôi. Những món quà kỉ niệm cũng đã trôi theo dòng nước. Và bài học tôi rút ra được đó là phải tận dụng tất cả các phương tiện mình có. Cách làm này tôi không khuyên cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn chuyển hết những món đồ kỷ niệm thành dữ liệu, lưu trên máy tính, tải lên mạng, lưu trữ trên Dropbox hay Google… thì khi có thiên tai xảy ra chúng cũng không bị mất đi.

Dora, tôi không cần đến 40 giây đâu

Chỉ cần có cơ thể khỏe mạnh là tôi còn có thể chuyển đến bất cứ đâu, bởi việc chuyển nhà với tôi chỉ chưa đến 30 phút. Trong nhà tôi chẳng có thứ gì quý giá. Tất cả đồ đạc đều có thể mua ở bất cứ đâu. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi cũng chẳng phải bận tâm về thứ gì cả.

Trong bộ phim hoạt hình Laputa: Thành phố trên không nhân vật cướp biển Dora luôn ra lệnh cho Pazu: Chuẩn bị ngay trong 40 giây! Hay như trong phim Đại chiến thế giới, trong cuộc chạy trốn khỏi đợt tấn công của người ngoài hành tinh, Tom Cruise đã phải hét lên với các con của mình là: Chuẩn bị trong 60 giây! Với tôi, tôi chẳng cần đến ngần đấy thời gian. Thậm chí với cả những món đồ chuẩn bị mang lên máy bay, tôi cũng chỉ cần chuẩn bị vài bộ quần áo để thay. Sau khi ngủ dậy, xách chiếc va li, chưa đến 20 giây là tôi có thể ra khỏi nhà.

Giảm bớt đồ đạc đồng nghĩa với việc giảm bớt nguy hiểm trong động đất, thiên tai. Dù có điều gì xảy ra thì bạn cũng giảm bớt được nguy hiểm của mình. Và bạn có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Đó chính là điều tôi thích ở lối sống này.

Thay đổi mối quan hệ với mọi người

“Giá trị của một người không phải là những gì người ấy đạt được mà là những ảnh hưởng người đó mang lại.”

− Aibert Einstein

Đừng nhìn người khác như đồ vật

Có một bộ sách mà tôi rất thích tên là Làm thế nào để thoát khỏi chiếc hộp nhỏ của bản thân. Nói một cách đơn giản thì cuốn sách này nói về cách thay đổi mối quan hệ giữa người với người và làm thế nào để đưa nó về chỗ cũ.

Có một ví dụ thế này. Có đôi vợ chồng đều đi làm nên cả hai đều rất bận rộn. Người chồng nhìn thấy quần áo được giặt và nghĩ: việc này cũng chẳng cần để vợ phải làm nữa. Gập quần áo thôi. Mặc dù suy nghĩ như vậy nhưng anh ta lại không gấp quần áo. (Việc hành động ngược lại với những cảm nhận của bản thân gọi là “sự tự phản bội”). Trong trường hợp này, người chồng đã tự phản bội lại những suy nghĩ tích cực của mình.

Khi đó, người chồng sẽ bắt đầu nghĩ: “Mình cũng bận, cũng mệt bỏ xừ. Đây chẳng phải là việc của mình. Mình làm đầy lần rồi.” Sau đó, anh ta sẽ suy nghĩ về vợ mình: “Thật lôi thôi. Mình đã làm cho bao nhiêu lần mà chẳng cảm ơn một câu. Không thể chấp nhận được.” Bắt đầu từ việc tự phản bội lại những suy nghĩ của bản thân, người chồng bắt đầu nghĩ ra những lý do chính đáng cho việc không gập quần áo của mình và đổ lỗi cho người vợ.

Còn người vợ thì sao? Người vợ khi nhìn thấy đống quần áo mình giặt, ngay lập tức đã nghĩ: Gập quần áo thôi. Nhưng khi nhìn thấy anh chồng không làm gì cả, người vợ lại bắt đầu lầm bầm. Và thế là bắt đầu một vòng tuần hoàn tiêu cực như sau: cả hai vợ chồng đều nghĩ lý do để hợp lý hóa cho hành động của mình, nghĩ xấu về đối phương và quan hệ trở nên bế tắc.

Bộ sách này thực sự là bộ sách rất hay. Một trong những điều mà bộ sách này chỉ ra đó là: Đừng nhìn người khác như đồ vật.

Con người đang dần coi những thành viên trong gia đình, đồng nghiệp trong công ty hay những người hàng xóm mà mình gặp hàng ngày như những món đồ cố định. Mỗi khi nói chuyện với mọi người, ta đều nhận được những biểu cảm nhàm chán như nhau, nên sẽ có lúc, ta thấy họ như những con robot cao cấp vậy. Và khi coi mọi người như những “món đồ”, đương nhiên bạn cũng sẽ đối xử với họ cẩu thả hơn.

Suy rộng ra một chút, nếu cả hai bên đều coi nhau là đồ vật thì mối quan hệ giữa người với người sẽ mãi như vậy và chẳng bao giờ được cải thiện. Thế nên, đừng nhìn người khác như đồ vật, hãy coi trọng họ như chính bản thân mình, hãy nhìn nhận họ là những con người có ước muốn, có buồn vui, có lo lắng và sợ hãi. Nếu bạn không phản bội chính những suy nghĩ của bản thân và có thể làm những việc vì người khác, mối quan hệ giữa người với người sẽ được thay đổi. Tôi không còn nhìn người khác như món đồ nữa mà nhìn họ là một con người thực sự.

Ít đồ hơn, ít cãi nhau hơn

Giống như ví dụ tôi đã nói ở trên, việc giặt quần áo cũng có thể trở thành nguyên nhân gây rạn nứt mối quan hệ vợ chồng. Giờ hãy cùng tưởng tượng nếu quần áo của hai vợ chồng này ít đi, việc giặt quần áo không còn tốn công sức như vậy nữa thì mọi chuyện sẽ thế nào?

Từ sau khi vứt bớt đồ đạc, tôi lại thấy thích dọn nhà, thích giặt giũ và rửa bát chén. Một kẻ lười biếng như tôi lại có ngày thích công việc nhà. Bởi sau khi bỏ bớt đồ đạc, mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Tác giả: