Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Tôi hiện 35 tuổi và vẫn đang độc thân. Nếu sống trong căn nhà nhỏ hơn nữa, ít đồ hơn nữa thì chắc tôi lại càng thích việc nhà hơn cũng nên. Giả sử có một ngày tôi thấy vợ cầm cây lau nhà, chắc tôi sẽ nói: Ơ, em lại lau nhà một mình à, phải gọi anh làm cùng nữa chứ. Nhưng có lẽ đó chỉ là ảo tưởng của tôi mà thôi.

Có nhiều người sống tối giản đã chỉ cho tôi rằng ít đồ hơn cũng có nghĩa là ít cãi nhau hơn. Nghe nói gia đình anh chị Ofumi mà tôi có giới thiệu ở trên, sau khi giảm bớt các thứ trong nhà, hai anh chị đã ít cãi nhau hơn. Rồi cả nhà anh Yamada cũng vậy. Nhà anh có hai đứa con, mỗi đứa ở một phòng riêng. Khi nào có việc gì cần dùng đến một phòng là y như rằng hai đứa sẽ cãi nhau xem dùng phòng của ai. Vì hai đứa cứ cãi nhau mãi nên cuối cùng anh cho hai đứa con ở chung một phòng. Thế là chúng hết cãi nhau. Thậm chí hai đứa còn bảo: Thế này tốt hơn trước đấy ạ.

Nhiều đồ đạc sẽ khiến chúng ta tốn rất nhiều công sức khi làm việc nhà. Chúng khiến ta dễ cảm thấy khó chịu và bực bội khi mà vợ, chồng, con cái không giúp đỡ mình. Bởi vậy, nếu bỏ bớt đồ đạc đi, bạn có thể cải thiện được mối quan hệ với mọi người rất nhiều. Mà khi đó, dù có cãi nhau thì bạn cũng chẳng có đồ gì để đập, hay dù có lật tung cái bàn lên cũng không sợ vỡ đèn. Bởi căn bản trong nhà bạn đã không có đèn rồi.

Nhà nhỏ chống trộm

Tôi nghe nói nhà nhỏ hơn có thể chống trộm tốt hơn. Nếu bạn biết đến vụ án giam giữ một bé gái tại nhà trong chín năm ở tỉnh Nigata thì chắc bạn sẽ hiểu một không gian rộng đến nỗi mình có thể sinh hoạt ngay trong phòng mà không gặp ai khác trong nhà, hay nhà rộng đến độ bạn không thể biết hàng xóm của mình thế nào cũng là một nơi khá nguy hiểm. Ở Nhật, mọi người thường cho rằng thật ấu trĩ khi làm phòng cho trẻ con, tuy nhiên cũng có nhiều người lại cảm thấy phiền phức khi để con học ở phòng khách.

Anh Numahata, người cùng điều hành trang web với tôi nói rằng anh rất hay cãi nhau với vợ. Tuy nhiên, cả hai người đều thống nhất một điểm là khi cãi nhau không bỏ về phòng mình. Nhà nhỏ nên hai người cũng chẳng thể trốn mãi trong phòng mỗi khi cãi nhau được, mà ngược lại đó còn là động lực để hai người cùng đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống. Sống cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ, nên ai cũng muốn được trải qua những ngày thoải mái nhất. Vì thế cả hai anh chị phải cùng nhau tìm ra tiếng nói chung giữa hai người.

Một ngôi nhà nhỏ nhìn qua có vẻ bất tiện nhưng lại rất có ích trong việc gắn kết các thành viên trong nhà. Nếu bạn vứt bớt đồ đạc đi, bạn có thể sống thoải mái trong ngôi nhà tiện ích đó. Và một điều cũng khá tuyệt đó là nhà nhỏ hơn, giá cũng rẻ hơn. Với người độc thân như tôi thì đó là điều tuyệt vời nhất rồi.

Tivi – người thân

Nếu không gặp bà con họ hàng nào đó của mình trong thời gian dài, bạn và họ sẽ không có đề tài chung để nói chuyện. Vì thế mọi người hay nhờ đến các chương trình tivi. Bật chương trình được yêu thích nhất và nội dung chương trình sẽ là chủ đề của câu chuyện. Tôi gọi đây là tivi – người thân

Trong nhà tôi không có chỗ cho lý thuyết này. Nếu nói về chức năng của nó thì chỉ là phòng ngủ và phòng trà mà thôi. Trong căn nhà này mọi thứ đều rất bình thường, thậm chí còn không có đồ dùng, nên mỗi khi khách đến chơi đều rất ngạc nhiên. Bởi họ không thể bắt đầu câu chuyện theo những cách thông thường như: Ôi, căn phòng đẹp thế. Anh mua chiếc sô pha này ở đâu thế? Hay tôi cũng không thể bật tivi lên và tìm chủ đề nói chuyện, hoặc cùng chơi trò chơi với khách được. Điều duy nhất tôi có thể làm là mời trà và chỉ nói chuyện thôi.

Lúc uống trà, suy nghĩ chung của cả người uống và người pha có lẽ là “phẩm trà”. Phòng ở của tôi cũng chính là một phòng trà, không trang trí, không bày biện. Thế nên khi vào đây, mọi người chỉ đơn giản là đối diện với nhau. Chắc cũng không có ai bực mình khi trong phòng trà không có tivi hay đài đâu nhỉ. Và cũng chính nhờ vậy, chúng ta có thể tập trung hoàn toàn vào câu chuyện của nhau.

Bí quyết cho cuộc sống hôn nhân ngọt ngào

Mỗi khi đến thăm nhà của một người sống tối giản, nói chuyện với họ trong căn phòng trống là tôi có thể nói chuyện quên cả thời gian. Đó là vì chúng tôi đều tập trung nói chuyện. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ta thường bắt gặp cảnh hai người ngồi hai bên bàn, mỗi người đều dùng điện thoại của mình, có thể là chơi trò chơi hay xem mạng xã hội của bạn bè… Nhưng cuộc nói chuyện của người sống tối giản lại hoàn toàn ngược lại. Nếu bạn hoàn toàn tập trung vào đối phương trong lúc nói chuyện thì mối quan hệ của hai người sẽ thay đổi rất nhiều.

Bí quyết cho cuộc sống hôn nhân chính là “hai vợ chồng chia sẻ với nhau thật nhiều”. Theo một điều tra cho thấy, so với các cặp vợ chồng không hay nói chuyện với nhau, các cặp đôi hay nói chuyện với nhau sẽ nói nhiều hơn năm tiếng một tuần. Nếu hai vợ chồng quá bận rộn với công việc, hay cãi nhau về tài sản, tự giam mình trong phòng thì thời gian nói chuyện sẽ rút ngắn đi rất nhiều.

Bất cứ ai cũng chỉ đơn thuần là “con người” thôi

Có lẽ sau khi bắt đầu cuộc sống với ít đồ đạc, tôi đã thay đổi nhận thức về con người. Tôi chỉ đơn thuần là một “con người”, không mang theo đồ đạc gì cả, mặc quần áo bình thường và đi loanh quanh đây đó. Hình ảnh “con người” này cũng không khác gì với con vịt, con rùa bơi trong ao, trong hồ kia vậy.

Từ việc coi bản thân chỉ đơn thuần là con người, cách nhìn nhận về người khác trong tôi cũng thay đổi. Tôi không còn thấy ghen tị với tiền bạc, vật chất, tài năng của người khác và cũng không còn coi thường những người không có những thứ đấy.

Bây giờ, dù có gặp một người giàu có, tài năng sáng chói đi nữa thì tôi cũng không còn thấy tự ti về bản thân mình. Hoặc khi gặp một người không có gì cả, tôi cũng sẽ không chỉ trích họ không biết cố gắng như trước kia nữa. Người có nhiều thứ không có nghĩa là người vĩ đại, người không có gì cả không có nghĩa là kẻ tầm thường. Tôi chỉ thấy đơn giản họ là con người mà thôi. Chính vì nghĩ như vậy nên quan hệ của tôi với mọi người dường như cũng có sự thay đổi.

Tôi đã xóa bỏ suy nghĩ về việc phân biệt người giàu hay người nghèo, tôi coi mọi người như nhau. Và tôi cũng chẳng có gì phải xấu hổ về bản thân mình cả.

Nếu có 100 người bạn, bạn sẽ thế nào?

Tôi đã nghe câu chuyện này từ một đồng nghiệp trong công ty. Có một anh chàng rất thân thiện, nhiệt tình, vui tính, hấp dẫn với chị em. Khi anh ta tổ chức tiệc sinh nhật thì có 100 người đến chúc mừng. Vì anh này thích rượu vang nên nghe nói mỗi người đều mang theo một chai rượu vang đến chúc mừng.

Lúc mới nghe câu chuyện này, tôi – một kẻ chẳng có mấy bạn bè, đã rất ghen tị với anh ta. Thường thì khi tổ chức tiệc sinh nhật, những ai quý mến mình sẽ đến chúc mừng mình. Nếu có ngần đấy bạn như anh ta, có lẽ tôi sẽ không cảm thấy cô đơn, những lúc khó khăn vất vả cũng sẽ có nhiều người giúp đỡ.

Tuy nhiên, có lẽ anh chàng đó cứ ba ngày sẽ phải đi dự tiệc sinh nhật một lần. Nếu bạn có 100 người bạn, mỗi người đều tổ chức sinh nhật, và bạn lại yêu quý tất cả mọi người, vậy thì trung bình cứ ba ngày bạn sẽ phải đi một bữa tiệc sinh nhật.

Quan hệ bạn bè tối giản cũng thật tuyệt

Có một câu nói như sau về bạn bè: Con số kỳ diệu cho bạn bè hay đồng nghiệp là ba người. Nếu bạn có ba người bạn thân thiết, hiểu rõ về nhau thì dù mỗi cuối tuần bạn chỉ gặp một người, bạn cũng có một tháng vui vẻ rồi.

Giữ các mối quan hệ bạn bè thân thiết ở mức tối giản như vậy cũng là một điều thật tuyệt. Ngược lại, nếu bạn có nhiều bạn bè cũng có nghĩa là bạn có nhiều mối quan hệ, nhưng bạn sẽ chẳng thể hết mình với tất cả những người đó được. Và cái cuối cùng bạn nhận được cũng chỉ hời hợt như cái bạn cho đi mà thôi. Mỗi người sống tối giản đều có ít đồ đạc, nhưng họ luôn trân trọng từng thứ một. Chính vì vậy, họ luôn cảm thấy hạnh phúc, mỹ mãn với những gì mình đang có. Ít đồ không có nghĩa là ít mãn nguyện.

Như tôi đã nói ở trên, có nhiều bạn sẽ làm bạn thấy hãnh diện, nhưng bạn sẽ không thể hết lòng với tất cả mọi người. Nếu bạn có những người bạn mà không thể chia sẻ những suy nghĩ của mình, hãy dừng mối quan hệ đó lại. Cũng giống như việc vứt thử đồ đạc đi vậy. Nếu món đồ đó thực sự quan trọng, bạn sẽ lại cần nó và lại có nó. Tương tự như vậy, nếu người đó thực sự quan trọng, bạn chắc chắn sẽ có cách nối lại quan hệ với họ.

Những điều mà bộ phim Into the wild đã dạy tôi

Có một bộ phim tên là Into the wild. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về một chàng trai tên là Chris McCandless được sinh ra trong một gia đình giàu có, tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc. Tuy nhiên anh đã từ bỏ mọi thứ, cắt đứt tất cả các mối quan hệ và một mình sống giữa thiên nhiên ở Alaska. Kết thúc phim chính là cái chết bi thảm của nhân vật chính, và thông điệp cuối cùng bộ phim để lại là: Hạnh phúc chỉ có thực khi được sẻ chia. Và điều mà Chris McCandless đã dạy tôi đó là: dù bạn có thể bỏ lại đằng sau tiền bạc, vật chất thì bạn cũng không thể sống một mình được.

Bí quyết của ngôi làng thọ nhất thế giới

Chris McCandless đã từng chỉ ra rằng điều quan trọng để cảm nhận hạnh phúc chính là có những mối quan hệ để bạn sẻ chia hạnh phúc. Và người càng hạnh phúc sẽ càng sống lâu. Nhà tâm lý học Ed Diener đã rút ra kết luận từ các nghiên cứu của mình: Những người cảm thấy thực sự hạnh phúc có thể sống lâu hơn 9,4 năm.

Tác giả: