Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Ở Italia có một hòn đảo xinh đẹp tên là Sardinia. Tại đây, cứ bốn nghìn người lại có một người trên trăm tuổi, tỉ lệ này gấp 2,5 lần tỉ lệ trung bình toàn thế giới. Tại hòn đảo này có một ngôi làng được kỉ lục Guinness xác nhận có chín người anh em thọ nhất thế giới đang sống cùng trong một làng.

Tại ngôi làng này, mọi người hầu hết đều là họ hàng với nhau, biết nhau và sống cuộc sống yên bình. Anh chị em, họ hàng thân thích sống gần nhau, hỗ trợ nhau và cho cả mọi người trong làng. Cuộc sống tràn ngập tình thương ấy đã góp phần kéo dài tuổi thọ của con người nơi đây.

Tại Okinawa, ngôi làng nổi tiếng vì tuổi thọ cao của Nhật Bản cũng vậy. Tất cả những người bạn gặp có thể đều là anh em của nhau. Người lớn tuổi thì trông những đứa trẻ hàng xóm, con người sống trong những mối quan hệ phong phú và cuộc sống tràn ngập yêu thương.

Con người càng hạnh phúc lại càng sống lâu. Khi điều tra về những người sống lâu, kết quả cho thấy tất cả họ đều có những mối quan hệ rất tốt đẹp. Tất nhiên là không phải đến mức 100 người như tôi đã đề cập ở trên. Cũng có những người không lập gia đình. Nhưng họ rất thân thiết với hàng xóm, gần gũi với mọi người. Và đây là điều không thể thiếu trong hạnh phúc.

Neuron phản chiếu (mirror neuron), tế bào đồng cảm

Mahatma Gandhi, người theo thuyết vô sản đã nói: Thay vì sắm thứ nọ đồ kia để bản thân vui vẻ một mình thì cống hiến cho mọi người sẽ làm cuộc sống của bạn giàu có hơn.

Dù tôi không thể dành cả đời để đấu tranh vì người khác như Mahatma Gandhi nhưng tôi cũng thấy hạnh phúc khi làm được điều gì đó cho mọi người. Khi làm một việc gì đó cho người khác, tôi được họ trao tặng một nụ cười. Và khi nhìn thấy nụ cười ấy tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tại sao lại như vậy?

Việc giúp đỡ người khác khiến mình thấy hạnh phúc đã được giải thích một cách khoa học. Có một loại tế bào thần kinh tên là neuron phản chiếu. Dưới tác động của tế bào thần kinh này, chỉ cần bạn thấy ai đó bị thương hay bị ngã, bạn cũng sẽ có cảm giác đau. Hay nói cách khác, cơ chế hoạt động của tế bào này là cho bạn có cảm giác giống với với cảm giác của ai đó mà bạn thấy.

Cảm giác bị cuốn hút khi đọc truyện, xem phim, xem hoạt hình… mà chúng ta hay gọi là nghiện phim, nghiện truyện… cũng do tác động của tế bào này gây ra. Nếu nhân vật chính đau khổ, bạn cũng cảm thấy đau khổ, hay câu chuyện có hậu, bạn cũng sẽ hạnh phúc theo. Tương tự như vậy, khi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt những người mà mình giúp đỡ, dưới tác động của tế bào neuron phản chiếu, bạn cũng sẽ thấy thật hạnh phúc.

Chế độ “thân thiện” mặc định

Ngoài neuron phản chiếu, còn có những cơ chế khác khiến chúng ta thấy đồng cảm với mọi người.

Ví dụ, khi nhìn thấy cảnh mọi người giúp đỡ một đứa bé bị lũ cuốn trên sông, nhiều người cảm thấy nghẹn ngào… Những người rơi nước mắt đấy không có nghĩa là những người đa sầu đa cảm. Khi nhìn thấy cảnh cứu hộ trên sông, trong não bạn sẽ sản sinh ra endorphin. Endorphin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng. Chỉ cần nhìn thấy hành động giúp đỡ người khác, dưới tác dụng của chất này, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tất nhiên không chỉ có nhìn mà khi bạn trực tiếp giúp đỡ người khác cũng vậy. Nhường ghế trên xe buýt cho người già và phụ nữ có thai, trả lại đồ làm rơi cho người đi phía trước… chỉ với những hành động nhỏ đó, bạn cũng sẽ thấy thật vui vẻ. Chắc hẳn ai cũng hiểu được cảm giác này. Nguyên nhân là khi đó, các chất endorphin tạo cảm giác hạnh phúc được sản sinh.

Nói tóm lại, trong mỗi con người có cài đặt sẵn một chế độ tạo cảm giác hạnh phúc khi giúp đỡ hay đồng cảm với người khác. Con người là loài động vật biết tổ chức xã hội. Bởi vậy, con người được hình thành phản xạ cảm thấy hạnh phúc khi làm gì đó cho mọi người. Nếu nói như vậy thì việc phân biệt giữa người tốt và kẻ đạo đức giả dường như không còn ý nghĩa gì nữa. Bởi khi bạn làm việc gì cho ai đó, tựu chung lại cũng vì chính bạn. Mà cho dù bạn có vì chính bạn thì thực tế vẫn là bạn làm gì đó cho mọi người. Bởi vậy, thật khó để có thể phân biệt được chúng.

Nếu bạn có ít đồ đạc thì ngay cả mối quan hệ với mọi người cũng sẽ thay đổi. Nhưng dù bạn có ít đồ hơn thì cơ chế hạnh phúc vẫn nguyên như vậy.

Tận hưởng hiện tại

“Dù có nói gì đi chăng nữa thì việc phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi.”

− Albert Einstein

Tương lai là thứ không thể nghĩ đến

Tôi đã vứt rất nhiều đồ đạc của mình. Kể cả những món đồ mà “một lúc nào đó” tôi sẽ dùng đến. Và một điều kì lạ đã xảy ra, đó là tôi không nghĩ ngợi gì về những việc trong tương lai của mình nữa. Giống như cánh cửa mang tên tương lai đã hạ xuống vậy, dù tôi có muốn nghĩ đến nó thế nào đi nữa, tôi cũng không thể nào nghĩ được gì cả. Tại sao lại như vậy? Tôi chỉ vứt bớt đồ đi thôi mà.

Tình trạng này trái ngược hoàn toàn với tôi trước đây. Lúc trước, tôi thường lo lắng cho tương lai của mình. Tôi chọn công việc trong nhà xuất bản, một ngành công nghiệp già cỗi. Dù là một biên tập viên, nhưng hầu như tôi cũng chẳng làm được gì mấy. Phạm vi công việc của tôi rất bó hẹp. Và chỉ cần một chút biến động thôi là tôi có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào. Mà năm nay tôi cũng 35 tuổi rồi, chuyển việc lúc này thì cũng hơi khó. Không vợ con, không bạn bè thân thiết, có lẽ chờ đợi tôi chỉ có cái chết trong cô độc mà thôi… Tôi đã từng có những suy nghĩ như vậy về tương lai mờ mịt của mình.

Đừng rửa những chiếc đĩa chưa bị bẩn

Trong cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống của Dale Carnegie, tôi tâm đắc nhất với câu nói: Đừng rửa những chiếc đĩa chưa bị bẩn.

Số bát đĩa phải rửa trong hôm nay chỉ là số bát đĩa trong một ngày. Nhưng nếu nghĩ đến cả số bát đĩa của ngày mai, ngày kia hay trong một năm liền thì bất cứ ai cũng cảm thấy lo lắng khi phải làm công việc này, thậm chí đến phần bát đĩa trong ngày cũng không thể làm hết được. Tương tự như vậy, chuyện thất nghiệp trong tương lai, kết hôn, sinh con, bệnh tật, già yếu và cái chết, đó chính là những chiếc đĩa bẩn của tương lai.

Sau khi bắt đầu cuộc sống tối giản, tôi đã học được bài học lớn. Đó là với những món đồ mà “một lúc nào đó” mới cần đến nó thì đến lúc đấy chúng ta mới nên mua nó về. Còn hiện tại, bạn cứ tạm vứt nó đi cũng được.

Trong tương lai, có thể tôi sẽ thất nghiệp, cũng có thể tôi sẽ chết trong cô quạnh. Nhưng tôi đã nhận ra là đến khi nào thất nghiệp, hoặc đến khi cuối đời, tôi mới nên lo lắng như vậy. Einstein đã nói: Tại sao bạn lại gánh hết trách nhiệm lên người mình? Đến lúc cần thiết, tự khắc sẽ có người đứng ra đảm nhận, như vậy chẳng phải tốt hơn sao?

Bạn chỉ nên lo lắng vào những lúc cần thiết thôi.

Gợi ý chỉ dành cho ngay lúc này

Mỗi lần vứt đồ, tôi lại tự hỏi đi hỏi lại bản thân là nó có cần thiết “ngay lúc này” không nhỉ? Cứ lặp lại như vậy, tôi cũng không còn để ý đến thời điểm “một lúc nào đó” nữa, và có thể nhận ra những gợi ý chỉ dành cho hiện tại. Khi cánh cửa mang tên “tương lai” được hạ xuống, dù bạn có nghĩ đến nó cũng chẳng nghĩ được gì. Mỗi ngày, tôi chỉ rửa phần chén đĩa trong ngày mà thôi, cũng như tôi chỉ làm phần việc hiện tại của bản thân. Và khi không còn suy nghĩ đến những điều chưa xảy ra, tôi thấy cuộc sống vui vẻ hơn hẳn. Trên hết là tôi có thể tập trung cho chính hiện tại.

Những món đồ đã từng là minh chứng cho bản thân

Tương tự như vậy, tôi cũng không còn giữ những món đồ mà tôi “đã từng” cần đến. Chỉ cân nhắc đến thời điểm hiện tại nên những thứ quan trọng trong quá khứ, hay những món đồ mà trước đây tôi luôn muốn có được, tôi đều không giữ một thứ nào cả. Thậm chí cả những món đồ đã từng mang dấu ấn riêng của tôi cũng bị bỏ đi. Tôi đơn thuần chỉ là một “con người” không mang một thứ gì cả. Tôi cũng không mang món đồ gì gọi là chứng minh cho giá trị con người của tôi cả.

Tôi đã từng là một người sống khép kín và u tối. Vứt hết những món đồ trong quá khứ đi cũng đồng nghĩa với việc tôi có thể tạm biệt được quá khứ ảm đạm đó của mình. Và như vậy, tôi có thể tập trung được cho tôi của hiện tại.

Trải nghiệm chính là ở hiện tại

Trong số các loài động vật, chỉ có con người mới có thể dự đoán được phần nào tương lai. Và như chương hai tôi đã giải thích, khả năng này chỉ đúng với khoảng thời gian rất ngắn mà thôi. Ví dụ nó chỉ giúp ích cho bạn trong mấy giây để chạy trốn khỏi kẻ thù hay cho bạn biết nên di chuyển theo hướng nào để bắt được con mồi… Ngay từ thời nguyên thủy, khả năng dự đoán này chỉ có hiệu lực trong một thời gian rất ngắn. Giống như vậy, dù bạn có thể biết rõ cảm giác của mình ngay sau khi mua được một chiếc iPhone thì bạn cũng không thể tưởng tượng được viễn cảnh một năm sau khi bạn sử dụng nó.

Người ta cho rằng có thể dự đoán được tương lai, và để làm được điều đó, người ta đã lên rất nhiều kế hoạch tỉ mỉ. Khi thực hiện những kế hoạch đó, họ thường có cảm giác như ở tương lai, nhưng hãy nhớ rằng trên thế giới này không có ai có thể “trải nghiệm” được tương lai cả. Nếu bạn nói bạn có thể trải nghiệm được tương lai ngắn khoảng năm giây sau. Được rồi, vậy hãy nhắm mắt lại và đếm.

Hết giờ! Và điều mà bạn cảm nhận được chính là “hiện tại”. Trải nghiệm tương lai là điều không thể. Thậm chí cũng chẳng có ai có thể cảm nhận lại những trải nghiệm trong quá khứ y hệt như lúc nó xảy ra được. Những gì chúng ta nhớ lại chỉ là tập hợp những điểm sáng trong trí nhớ mà thôi.

Tác giả: