Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Thực tế không tồn tại tương lai hay quá khứ. Tất cả chỉ là các chuỗi thời điểm “hiện tại” kéo dài mãi mãi. Và những gì bạn trải nghiệm được cũng chỉ có thể ở hiện tại. Einstein đã từng nói rằng bạn không thể phân biệt được quá khứ, tương lai, và hiện tại.

Người luôn thở dài

Những người cho rằng có thể trải nghiệm được tương lai sẽ coi như không có thời điểm hiện tại. Để có một tương lai tươi sáng, họ sẽ luôn trăn trở xem bản thân có thể tự hào vì điều gì. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, chúng ta chỉ có thể trải nghiệm trong hiện tại mà thôi, thế nên những người hiện tại luôn trăn trở suy nghĩ thì sau này họ cũng luôn phải trăn trở suy nghĩ như vậy. Nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó, chỉ có cách là thay đổi ngay tại thời điểm hiện tại. Trên đời này không tồn tại thời điểm gọi là ngày mai hay tuần sau. Và cho dù bạn có chờ đến một năm sau thì thời điểm đó cũng chỉ là thời điểm “hiện tại”. Tất cả đều là thời điểm hiện tại.

Sau khi vứt hết những món đồ để dành cho tương lai và những thứ đã từng dùng trong quá khứ, tôi hiện giờ có thể tập trung tuyệt đối vào hiện tại của chính mình.

Và có lẽ, tôi không còn điều gì đáng sợ trong tương lai phía trước nữa. Không còn đồ đạc làm vướng bận, cuộc sống của tôi thật nhẹ nhàng. Sau này, dù có chuyện gì xảy ra, dù cuộc sống có thay đổi thế nào, tôi cũng không còn so sánh bản thân với người khác. Có thể tôi sẽ sống cuộc sống nghèo khó, có thể tôi sẽ chìm trong đau khổ, nhưng tôi sẽ tận hưởng nó. Và dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi cũng chỉ tận hưởng quãng thời gian “hiện tại” của mình mà thôi.

Biết trân trọng

“Đời người chỉ có hai cách sống. Một là sống mà không để lại dấu vết gì, hai là sống mà để lại tất cả cho đời sau.”

− Anbert Einstein

Ít đồ đạc dạy tôi biết trân trọng

Đây là một câu chuyện cũ của tôi. Khi tôi loại bỏ đồ, căn phòng của tôi trở nên trống trải. Và lúc nằm ngủ trên giường như mọi khi, tôi cảm thấy thật kỳ lạ. Không hiểu tại sao tôi lại thấy biết ơn và trân trọng đồ đạc trong nhà. Đó là cảm giác mà trước đấy tôi chưa bao giờ có được. Quãng thời gian mà tôi chỉ chăm chăm vào những thứ bản thân còn thiếu, tôi chưa bao giờ biết đến hai từ cảm ơn với những đồ đạc mình có. Thay vào đó, tôi chỉ mải miết theo những thứ không thuộc về mình. Tôi luôn cảm thấy mình chưa có cái này, chưa đủ cái kia… nhưng lúc đó, trong phòng tôi lại có giường, có bàn ghế, có cả điều hòa nữa. Giờ ngẫm nghĩ lại mới thấy lúc đó, tôi có đủ mọi tiện nghi để ngủ nghỉ thoải mái, tắm rửa nấu nướng, vui chơi thỏa thích trong nhà. Cuối cùng thì tôi đã bắt đầu biết cảm ơn vì mình đã có mái nhà để che mưa chắn gió.

Có lẽ nếu cứ tiếp tục ôm theo những món đồ ấy thì chẳng bao giờ tôi biết trân trọng đồ vật là gì. Trân trọng chiếc tivi, bộ trò chơi điện tử, băng đài, thiết bị chiếu phim, các loại điều khiển… Ít đồ vật hơn, tôi có thể trân trọng tất cả những món đồ mình có.

Biết trân trọng, giải pháp khắc phục sự nhàm chán

Như ở chương hai tôi có giải thích với bạn, con người luôn lặp lại một quy trình từ “quen thuộc” đến “nhàm chán”. Giải pháp duy nhất cho vấn đề này chính là biết cảm ơn và trân trọng đồ vật. Biết cảm ơn, biết trân trọng, bạn sẽ không còn thấy nhàm chán vì luôn thấy, luôn dùng một món đồ trong thời gian dài.

Thậm chí, bạn còn cảm thấy thật may mắn khi có những món đồ mà vốn bạn đang cảm thấy rất nhàm chán. Từ đó, bạn có thể tìm thấy sự tươi mới trong cuộc sống hàng ngày của mình. Nhờ có sự trân trọng, bạn không còn coi những món đồ bạn đang có là những thứ hiển nhiên nữa. Đó là vì sự trân trọng đã tạo ra sự “kích thích” khác biệt với bạn. Kích thích này còn giúp bạn thấy yên lòng hơn hẳn kích thích khi bạn mua đồ mới hay sắm thêm đồ đạc trong nhà.

Dù bạn có nhiều đồ đến đâu, nhưng nếu không biết trân trọng chúng, bạn sẽ nhanh chóng chán những món đồ ấy. Ngược lại, dù bạn có ít đồ nhưng biết trân trọng tất cả các món đồ ấy, bạn sẽ thấy cuộc sống thật mỹ mãn.

“Kệ ngũ quán” – thói quen biết cảm ơn

Trong thiền đạo, trước khi ăn người ta phải cầu nguyện và niệm một bài “kệ ngũ quán”. Nói đơn giản theo ngôn ngữ hiện đại thì bài kệ này như sau:

  • Suy ngẫm về nguồn gốc món ăn. (Món ăn này được làm ra như thế nào? Được ai mang đến và mang đến bằng cách nào?)
  • Tự vấn bản thân xem trong ngày hôm nay mình đã tích đủ đức độ xứng đáng với bữa ăn này hay chưa?
  • Không ăn vội vàng, không nghĩ đến người khác, chỉ tập trung vào bữa ăn trước mắt mình.
  • Không phải ăn theo kiểu của người sành sỏi xem món ăn ngon hay dở, mà ăn để duy trì sinh mệnh bản thân.
  • Ăn bữa ăn này để hoàn thành mục tiêu mình theo đuổi.

Bài kệ này có sức mạnh vô cùng to lớn. Thay vì đi tới cửa hàng một nghìn lần, bạn niệm bài kệ này một nghìn lần, bạn sẽ thấy cuộc sống mãn nguyện hơn rất nhiều.

Tập trung vào bữa ăn giúp bạn trân trọng bữa ăn mình có. Vì biết trân trọng bữa ăn, nên bạn càng tập trung vào bữa ăn. Cứ như vậy, qua mỗi bữa ăn là một lần bạn tự kiểm điểm lại bản thân mình.

Mỗi sáng, Steve Jobs thường đứng trước gương và tự hỏi: Hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình. Liệu mình có thực sự muốn làm hết các kế hoạch trong ngày hôm nay không nhỉ? Và ông đã duy trì thói quen đó trong suốt 33 năm, mỗi ngày đều tự nhìn nhận lại xem bản thân có mờ nhạt đi chút nào hay không. Cũng tương tự như vậy, bài kệ ngũ quán không đơn thuần chỉ là những lời bạn nói bên môi, mà còn là lúc bạn nhìn nhận lại từng hành động của bản thân mình.

Tôi đã từng là một người rất sành ăn. Tôi thích các món ăn ngon. Thế nhưng hiện tại, tôi lại không muốn tốn thời gian tìm các món ăn ngon nữa. Cho dù không còn được coi là người sành ăn thì tôi cũng không bận tâm. Chỉ cần không quên cảm giác biết ơn với các món ăn, thì dù có là bữa ăn đạm bạc thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn có thể tập trung vào món ăn và cảm thấy thật may mắn khi được ăn.

Cảm ơn không phải là phương tiện để đạt được hạnh phúc

Đến giờ thì tôi đã hiểu việc biết cảm ơn có sức mạnh lớn đến dường nào. Hồi học tiểu học, chắc chắn tôi đã được học về sự quan trọng của cảm ơn trong giờ đạo đức, nhưng tôi đã quên hết rồi. Mấy lời “cảm ơn, trân trọng” sáo rỗng, nhàm chán ấy có gì mà phải coi trọng cơ chứ. Và giờ đây, sau khi đi một vòng rất lớn, dường như tôi lại hiểu ra tầm quan trọng của sự biết ơn.

Chính vì vậy, từ bây giờ tôi sẽ tập thói quen biết cảm ơn. Lần này, nhất định tôi sẽ không quên.

Đến một ngày, khi tôi đọc được cuốn Cuộc nói chuyện với thần linh của Satoumi Tsurou, tôi cảm thấy thật bất ngờ. Trong cuốn sách đó có viết: Thời điểm bạn biết cảm ơn cũng chính là lúc bạn hạnh phúc.

Bất chợt, tôi nghĩ đến viễn cảnh gọi là “hạnh phúc”. Ở trong một lữ quán sang trọng, tắm trong bồn tắm lộ thiên rộng rãi. Sau đó được thưởng thức bữa ăn thịnh soạn. Có lẽ ai cũng mong muốn viễn cảnh đấy trở thành hiện thực, và chắc chắn ai cũng sẽ biết “cảm ơn” tại thời điểm đó.

Lữ quán cao cấp, bồn tắm to đẹp, bữa ăn thịnh soạn… nếu bạn được cung cấp những điều kiện tuyệt vời, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy thật “biết ơn”. Và bạn sẽ tự lẩm nhẩm rằng: Thật hạnh phúc! Khi bạn cảm thấy hạnh phúc, chắc chắn bạn cũng thấy thật biết ơn.

Chính vì vậy, biết ơn không phải là một phương tiện để bạn được hạnh phúc mà là một phần của hạnh phúc. Theo các kết quả nghiên cứu thực nghiệm tâm lý học cho thấy, những người hay cảm thấy biết ơn là những người hạnh phúc. Và đó cũng là một điều hiển nhiên, bởi bản thân biết ơn chính là hạnh phúc rồi.

Biết ơn là nhìn nhận một cách tích cực

Biết cảm ơn chính là cách nhìn nhận tích cực. Khi nhìn thấy một nửa cốc nước, sẽ có người nghĩ: Ôi, còn những nửa cốc thế này. Nhưng cũng có người nghĩ: Còn có nửa cốc thôi à. Cách nghĩ tích cực như “còn những nửa cốc nước” chính là bản chất của biết ơn. Đó chính là cảm giác: Còn những nửa cốc nước sao, thật may quá. Biết ơn không phải là nhìn mọi thứ tiêu cực, thấy mọi thứ đều thiếu thốn, mà là cách nhìn tích cực với tất cả mọi vật trước mắt mình. Đó là cảm giác chỉ cần thế này thôi là đủ. Biết ơn chính là “nhìn nhận” một cách tích cực.

Kết hợp hiện tại và biết ơn

Như ở trên tôi đã đề cập, con người chỉ có thể trải nghiệm “hiện tại”. Bạn không thể thông qua năm giác quan để trải nghiệm lại quá khứ một cách chân thật như ở hiện tại. Và dù bạn có cảm giác như là trải nghiệm tương lai thì khi thời điểm đó đến, tất cả đều sẽ trở thành “hiện tại”. Chính vì vậy, bạn chỉ có thể trải nghiệm “hiện tại”. Còn “biết ơn” lại chính là “cách nhìn tích cực” với mọi thứ. Nếu kết hợp hai yếu tố này lại thì sẽ thế nào nhỉ?

Bạn hãy cùng thử với tôi nhé. Chỉ tốn một phút của bạn thôi. Trong một phút này, bạn phải “biết ơn” với “hiện tại”. Hay nói cách khác, bạn phải “nhìn hiện tại một cách tích cực” trong suốt một phút.

Hiện tại tôi đang ở trong một nhà hàng gia đình lúc đêm muộn. Khách còn lại chỉ có mình tôi, nên tôi thấy hơi buồn chán. Tuy nhiên, cửa hàng này lại mở cửa đến nửa đêm chỉ để phục vụ một mình tôi. Nhân viên trong cửa hàng trông khá lạnh lùng, nhưng lúc đưa thức ăn lên, họ lại tặng cho tôi một lời chúc ấm áp: Chúc quý khách ngon miệng. Chiếc ghế tôi ngồi rất bình thường nhưng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái. Thật tuyệt vời làm sao. Thực đơn ở quầy bar chẳng bao giờ thay đổi, nhưng cốc nước của bạn lúc nào cũng được rót đầy. Ly, cốc cũng được cọ rửa sạch sẽ. Lúc ra khỏi nhà hàng đó, tôi thấy một đôi đang đi phía trước, tôi cũng thấy hơi ghen tị với họ. Nhưng ngẫm lại thì tôi cũng vừa có những điều rất tuyệt vời đấy thôi.

Tác giả: