Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Những đồ vật mà tôi đã vứt

Dưới đây là những đồ vật tôi đã vứt:

– Giá sách và toàn bộ sách vở. (Tổng cộng tôi mất một triệu yên cho chúng, nhưng lúc bán tôi chỉ bán được 20.000 yên thôi).

– Dàn nhạc và đĩa CD. (Có những đĩa mà tôi không thích nghe, nhưng vẫn mua về, giả vờ là mình am hiểu nhiều loại nhạc).

– Tủ bát đĩa siêu lớn. Không hiểu sao tôi chỉ sống một mình mà trong đấy chất đống đủ thứ trên đời.

– Những món đồ cổ, đồ cũ mua ở hội đấu giá.

– Những bộ quần áo đắt tiền hoặc những bộ mà tôi nghĩ là khi nào gầy tôi sẽ mặc lại.

– Các thiết bị chụp ảnh. (Chẳng hiểu sao trong nhà tôi còn làm cả phòng tối nữa chứ).

– Dụng cụ sửa chữa xe đạp. (Những đồ này hoàn toàn bị xếp xó trong nhà).

– Một chiếc ghita điện và một bộ âm li nằm phủi bụi trong nhà.

– Một bộ bàn ghế siêu lớn. (Dù tôi chẳng gọi bạn bè đến bao giờ. Có lẽ lúc trước tôi muốn mời bạn bè đến ăn lẩu).

– Đệm ngủ cho hai người. (Lúc ngủ thì thoải mái thật đấy, nhưng nó nặng lắm).

– Một chiếc tivi 42 inch, hoàn toàn không nên để ở căn phòng diện tích 6 chiếu tatami này. (Tôi thừa nhận là tôi thích xem phim).

– Thiết bị chiếu phim trong nhà và PS3. (Tôi cũng rất thích đồ điện gia dụng nhé).

– Toàn bộ clip AV lưu trong ổ cứng. (Tôi đã phải lấy hết dũng khí mới xóa được nó đấy).

– Những bức ảnh chụp bằng máy ảnh film thì tôi đem đi scan. (Cái nào không xử lý được thì tôi dán vào một góc).

– Những bức thư kỉ niệm tôi cũng scan rồi lưu vào máy tính. (Có cả những bức thư từ hồi học mẫu giáo).

Giờ trong nhà chỉ còn lại những thứ không thể vứt đi được. Những đồ nào tôi đã vứt đi thì trước đó tôi sẽ chụp ảnh và lưu vào máy tính. (Kể cả những cuốn sách tôi cũng chụp từng quyển một). Và trong máy tính của tôi hiện có khoảng ba nghìn bức ảnh.

Giờ nghĩ lại, trước đây tôi toàn sở hữu những đồ dùng hiện đại cả. Từ chiếc tivi 42 inch đến thiết bị chiếu phim trong nhà. Rồi cả máy tính xách tay, iPhone hay giường ngủ tiện nghi. Ấy thế mà lúc nào tôi cũng chỉ chăm chăm vào những thứ mình chưa có.

Nếu có chiếc sô pha hai người, tôi có thể xem những bộ phim lãng mạn cùng người yêu. (Và trong lúc xem, cô ấy sẽ dựa vào vai tôi). Nếu có một chiếc giá sách như trên tạp chí, thì tôi có thể xem sách một cách khoa học hơn. Nếu có một ban công rộng, tôi có thể mời bạn bè đến bữa tiệc tại nhà. Mặc dù có một căn phòng như trong tạp chí, nhưng tôi lại không có những thứ kể trên. Giá mà tôi có chúng, tôi sẽ được mọi người ngưỡng mộ hơn. Tôi đã từng nghĩ như vậy đấy.

Tôi đã từng có rất nhiều đồ dùng tân tiến, nhưng tôi lại toàn để ý đến những thứ mình không có, vì thế tôi chẳng cảm thấy vui vẻ chút nào. Lúc nào tôi cũng có suy nghĩ, nếu mình có nó, mình sẽ rất vui, nếu không có nó, cuộc sống thật tồi tệ.

Lý do tôi trở thành người sống tối giản

Mỗi người đều có những lý do khác nhau khi trở thành người sống tối giản. Có người thấy cuộc sống đảo lộn vì đồ đạc, có người lại thấy không hạnh phúc dù giàu có và sở hữu nhiều thứ trong tay. Có người giảm bớt đồ đạc sau nhiều lần chuyển nhà, cũng có khi họ muốn thoát khỏi sự u ám của cuộc sống. Hay cũng có những người vốn dĩ không thích nhiều đồ đạc, thậm chí cũng có người đã thay đổi lối sống sau khi trải qua động đất.

Tôi từng là một người theo kiểu “phòng ốc bừa bãi”. Trước đây tôi chẳng bao giờ vứt đi cái gì cả. Và vì tôi cũng rất thích các món đồ nên cái nào tôi cũng thấy thích, không tài nào mà vứt đi được.

Tôi có thể cho bạn một ví dụ để dễ hình dung. Thỉnh thoảng ở công ty, tôi hay nhận được mẩu giấy của ai đó nhắn cho tôi là có điện thoại. Có thể với bạn, mẩu giấy đấy chẳng là gì cả, nhưng với tôi, mẩu giấy đấy là sự quan tâm của các đồng nghiệp đã dành thời gian để nhắc nhở tôi, thế nên tôi không muốn vứt nó một tẹo nào. Tôi chính là kiểu người như vậy đấy.

17 năm trước, tôi rời nhà ở tỉnh Kagawa lên Tokyo bắt đầu lập nghiệp. Lúc đó, trong phòng tôi chẳng có thứ gì ngoài một vài đồ dùng cực kỳ thiết yếu. Thế nhưng, sau vài năm, trong phòng tôi dần chất đầy đồ đạc.

Tôi là người thích chụp ảnh, bởi tôi muốn lưu lại mọi khoảnh khắc của tất cả các vật dụng trong nhà, để làm kỉ niệm sau này.

Những cuốn sách đã đọc đều là một phần trong tôi, nên tôi chưa bao giờ muốn vứt bỏ chúng. Tôi cũng muốn cho bạn bè xem những bộ phim, những đĩa nhạc yêu thích của mình. Nếu có thời gian, tôi có rất nhiều sở thích muốn theo đuổi.

Thật lãng phí nếu vứt chúng đi. Cái này vẫn còn dùng được mà, có lẽ lúc nào đó tôi sẽ dùng nó. Tôi đã từng có những suy nghĩ như vậy. Tôi cũng không muốn thừa nhận rằng mình đã không sử dụng rất nhiều thứ. Mang theo suy nghĩ đấy, tôi không những không vứt bớt đồ đạc mà ngược lại, còn tích trữ ngày một nhiều hơn.

Đó hoàn toàn là những suy nghĩ trái ngược với suy nghĩ hiện tại của tôi. Lúc đó, tôi là người theo lối sống tối đa. Tức là tích trữ mọi thứ, mua đồ cũng phải chọn cái nhiều chức năng nhất, to nhất, nặng nhất… Và hệ quả là tôi bị chính những đồ dùng ấy lấy hết năng lượng, sức lực của bản thân. Tôi không thể sử dụng hết những món đồ đấy, mà chỉ có hành hạ bản thân mình thêm mà thôi. Dù có sắm được bao nhiêu đồ dùng thì sau khi có được rồi, tôi lại để mắt đến những món khác mà mình chưa có và cảm thấy ghen tị với người khác. Đến mức như vậy rồi mà tôi cũng không muốn vứt một thứ gì đi, ngược lại, tôi chỉ kiếm lý do cho mình và chẳng thay đổi gì cả. Cứ lặp lại như vậy, dần dần tôi rơi vào một vòng tròn không lối thoát.

Trong những ngày như thế, tôi đã quyết tâm phải vứt bớt đồ đạc. Khi đồ đạc tích trữ quá nhiều một chỗ, chắc chắn sẽ có thứ bị hư hại. Nếu trước đây, tôi luôn cảm thấy không hạnh phúc vì chẳng bao giờ thỏa mãn được bản thân, thì bây giờ tôi thử vứt bớt đồ đạc đi xem có thay đổi được gì không.

Không phải do di truyền, không phải do môi trường, cũng không phải do tính cách, càng không phải là những vết thương trong quá khứ, mà chính vì có quá nhiều đồ đạc đã khiến bạn bị tổn thương.

Mỗi người dân Nhật Bản đều từng là người sống tối giản

Giống như con người khi sinh ra không có một thứ gì trong tay, bản thân người Nhật trước đây cũng là những người sống theo lối tối giản. Đã từng có một người nước ngoài đến Nhật trước khi bắt đầu công việc làm ăn của mình, và anh ta đã rất ngạc nhiên trước người Nhật lúc bấy giờ. Mỗi người chỉ có hai, ba bộ quần áo nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Người Nhật trước đây cũng chẳng giữ đến 10 bộ quần áo làm gì. Khi di chuyển thì luôn đi bộ, nhà ở thì đơn giản, thỏai mái, và cũng không phải là nơi ở cố định. Người Nhật luôn xây mới, làm lại nhà cửa. Phong cách đó, dáng vẻ đó chẳng phải là lối sống tối giản hay sao. Chính lối sống này cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của Nhật, nét văn hóa tối giản.

Ví dụ như trong phòng trà. Bên trong phòng không có một đồ vật dư thừa nào cả, cửa ra vào cũng chỉ có một ô cửa nhỏ hẹp. Nếu bạn thích kiểu ngồi dựa ghế như mấy người nổi tiếng thì đừng hòng bước được vào phòng trà. Ngoài ra, dù là võ sĩ có muốn vào phòng trà thì cũng phải để kiếm ở ngoài. Đã vào trong phòng trà thì không phân biệt người giàu hay kẻ nghèo, dân thường hay người nổi tiếng, mà chỉ là cuộc gặp gỡ giữa người với người, cùng nhau thưởng thức một chén trà mà thôi.

Lối sống tối giản được du nhập ngược

Mặc dù tôi đang nói đến văn hóa sống tối giản của Nhật, nhưng bạn cũng có thể liên tưởng một chút đến công ty Apple của Mỹ. Có lẽ không cần tôi giới thiệu bạn cũng biết một trong những nhà sáng lập Apple là Steve Jobs. Và trong số những người sống tối giản hiện nay hẳn cũng có rất nhiều người thích các sản phẩm của ông.

Các sản phẩm của Steve Jobs luôn thấm đẫm tinh thần của lối sống tối giản. Bạn có thể thấy, trên chiếc iPhone chỉ có duy nhất một nút bấm. Hay trên chiếc Mac cũng không có đầu nối hoặc dây cáp thừa nào cả. Khi mua các sản phẩm của Apple cũng chẳng có mấy tờ hướng dẫn sử dụng. Đó là bởi Steve Jobs là một người sống tối giản thực sự và là một tín đồ của thiền, một phần quan trọng trong phong trào tối giản.

Nghe nói ông rất ngưỡng mộ nhà sư Kobun Otogawa, một người theo trường phái thiền Soto. Đã có thời gian Steve Jobs tu hành thiền đạo ở chùa Eihei, Nhật Bản. Bản thân Steve Jobs khi theo lối sống tối giản này đã chịu ảnh hưởng khá lớn từ văn hóa thiền của Nhật, và ông đã đưa sự ảnh hưởng đấy vào tất cả các sản phẩm của mình. Do đó các sản phẩm của Jobs không hề có chút dư thừa nào.

Chúng ta đều biết rằng Jobs không bao giờ nói về những thứ ông không quan tâm. Nhưng bạn có biết, những thứ mà ông không để tâm đều là những thứ bên ngoài sự tối giản hay không. Đặc biệt, ông rất ghét những gì cấu tạo phức tạp và thừa thãi. Nét văn hóa của tập đoàn hàng đầu thế giới này chính là nét văn hóa vốn có trước đây của Nhật Bản. Tỉ lệ số người sử dụng iPhone của Nhật Bản cũng cao hàng đầu thế giới. Có thể thấy, nhờ Steve Jobs, văn hóa tối giản này lại được du nhập ngược lại Nhật Bản.

Như thế nào là người sống tối giản?

Theo bạn, định nghĩa về một người sống tối giản là gì? Người sống tối giản là người như thế nào? Giảm bớt đồ đạc đến mức nào mới gọi là sống tối giản? Nếu phải đưa ra định nghĩa thì chắc hẳn có người sẽ bắt đầu từ quan điểm này. Theo tôi, người sống tối giản là:

  • Người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình.
  • Người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng.

Thực tế là không có tiêu chuẩn nào cho người sống tối giản cả. Sẽ không có chuyện nếu bạn có trên đồ dùng, bạn không phải là người sống tối giản. Hay nếu bạn giảm được đồ đạc trong nhà xuống dưới 100 thứ, bạn đã là người sống tối giản rồi. Nếu bạn có tivi, đó không phải là cuộc sống tối giản. Nếu bạn có thể nhét hết mọi vật dụng vào tủ quần áo, bạn thực sự là một người sống tối giản… Tất cả những điều đó đều không phải là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có phải sống tối giản hay không.

Tác giả: