Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Lại tiếp tục tưởng tượng nhé. Hiện tại tôi lên tàu đi làm, công đoạn nhàm chán mà ngày nào tôi cũng trải qua. Vị khách phía trước tôi đang bị giữ lại cửa soát vé vì số dư trong thẻ Suica1 không đủ. Tuy nhiên, bạn phải công nhận với tôi là thẻ Suica là một phát minh tuyệt vời và thật tiện lợi. Thang cuốn được thiết kế để có thể cho hai người đứng cùng một hàng, nhưng bao giờ chúng ta cũng chỉ đứng hàng một người, đó chính là nét văn hóa của Nhật Bản. Bước lên tàu điện chật cứng người, thật may mắn làm sao khi có đông người như thế này và chúng ta không phải sống trong một thế giới diệt vong như trong phim. Hôm nay trời khá nóng, nhưng nếu bạn đến công ty thì sẽ có quạt máy, điều hóa mát mẻ ngay. Tiền lương tuy không nhiều nhưng hàng tháng tôi đều kiếm được khoản tiền đủ dùng. Ngày nào công việc cũng nhàm chán như nhau, nhưng nếu tập trung, tôi sẽ giải quyết được khối việc. Đối tác lúc nào cũng càu nhàu trong điện thoại, nhưng nếu coi đây là một phần công việc thì cũng không đến nỗi nào. Bản thân mình làm việc mệt mỏi và đối tác cũng như vậy. Mấy đàn em trong công ty chẳng bao giờ làm việc tử tế cả, nhưng ngược lại, họ chẳng bao giờ than phiền mà luôn giúp đỡ tôi trong công việc. Làm việc liên tục nhiều ngày khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, nhưng thật may là tôi không bị bệnh và vẫn còn đủ sức để làm việc.

Tôi cảm thấy cuộc sống của mình quá hạnh phúc. Còn bạn thì sao? Cứ tiếp tục suy nghĩ như vậy, bạn sẽ luôn thấy “biết ơn” với “hiện tại”. Và một người luôn nhìn “hiện tại” một cách tích cực sẽ luôn là người lạc quan, bao dung và không bao giờ từ bỏ cuộc sống. Họ là những người thân thiện, hiền lành và luôn luôn hạnh phúc. Và có lẽ một lúc nào đó, họ có thể thay đổi “hiện thực” của bản thân.

Không phải trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc

Vứt bỏ “mô hình hạnh phúc kiểu mẫu”

Mặc dù nói xã hội này chấp nhận nhiều cách sống khác nhau, nhưng trong đó vẫn tồn tại một cách sống được cho là mô hình hạnh phúc kiểu mẫu. Công việc ổn định, kết hôn, lập gia đình, làm bố mẹ của hai, ba đứa con và sau này là trông cháu. Đấy chính là hạnh phúc kiểu mẫu mà chúng ta “nên” làm theo. Nếu bạn làm được hết điều đó, có nghĩa là bạn có thể hạnh phúc rồi đấy.

Định nghĩa hạnh phúc của Tâm lý học tích cực (nghe tên có vẻ kỳ, nhưng đây là ngành nghiên cứu nhằm tìm ra những niềm hạnh phúc mới), lại hoàn toàn khác với hạnh phúc mà bạn “nên” theo đuổi ở trên. Trong số các nhà nghiên cứu theo trường phái này, Sonia Ryu Bomi ASCII đã nhận định rằng: Hạnh phúc của con người được quyết định 50% bởi di truyền, 10% bởi môi trường và 40% còn lại do hành động hằng ngày. 10% môi trường này không chỉ là nơi ở mà còn bao gồm các yếu tố: giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay đau ốm, chưa kết hôn hay đã kết hôn…

Và khi so sánh với quan niệm hạnh phúc thông thường mà mọi người vẫn nghĩ, dường như hạnh phúc được tạo thành từ 90% môi trường và 10% di truyền mà thôi. Nếu nói như vậy thì bất cứ ai chỉ cần trúng sổ số, có nhiều tiền là đã hạnh phúc rồi. Hoặc cũng có thể kết cấu đó là 90% di truyền và 10% còn lại là môi trường. Nếu như vậy thì chỉ cần bạn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, vẻ ngoài xinh đẹp là kiểu gì 10% còn lại cũng sẽ nằm trong tay bạn thôi.

Hạnh phúc được quyết định bởi 50% di truyền

50% di truyền này không đơn thuần là vẻ bề ngoài, thần kinh vận động hay trí thông minh, mà theo một nghiên cứu về hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng được nuôi dạy ở hai môi trường khác nhau, người ta nhận ra rằng con người có “điểm chuẩn của hạnh phúc”. Điểm chuẩn này cũng giống như giới hạn chuẩn về cân nặng của mỗi người vậy, chúng ta ăn kiêng, giảm cân để cân nặng trở về mức chuẩn. Cũng tương tự như vậy, dù có trải qua việc vui đến đâu hay phải chịu những ngày tháng buồn khổ đến mức nào, hạnh phúc của một người sẽ tự động quay lại điểm chuẩn hạnh phúc của người đó.

Trong cấu tạo của hạnh phúc có 50% là do di truyền. Sự di truyền này khác với kiểu di truyền giúp bạn từ khi sinh ra đã đẹp trai, xinh gái, hay gu thời trang tốt hay kém, thông minh hay không thông minh…

Ngay từ bé đã có những đứa trẻ có cá tính riêng, có những bé luôn giữ nụ cười trên môi. Những đứa trẻ này có thể bắt chước điệu cười từ một ai đó hoặc có thể là chúng cho rằng cười là hạnh phúc nên lúc nào cũng cười. Có những người từ khi sinh ra đã luôn tươi cười. Cũng có những người luôn tích cực, lạc quan dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. Điều này thường khi còn nhỏ như thế nào thì lớn lên vẫn giữ nguyên như vậy. Quả thực trên thế giới này, có người được thừa hưởng hạnh phúc do di truyền.

Môi trường chỉ ảnh hưởng 10%

Tại sao môi trường chỉ ảnh hưởng 10% đến hạnh phúc của chúng ta? Người ta cho rằng trường hợp có thể đảm bảo sự an toàn, ăn uống, chỗ ngủ của bản thân ở mức tối thiểu cũng đã may mắn hơn rất nhiều so với người không làm được điều đó. Đây đều là những hạnh phúc mua được bằng tiền. Và những yếu tố sau đây cũng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến hạnh phúc của chúng ta. Đó là: thu nhập, công việc, nhà ở, kết hôn hay không, có con hay không… Vậy tại sao “môi trường”, vốn được cho là ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc, lại chỉ chiếm có 10% mà thôi. Bạn có thấy điều này vô lý?

Dù bạn nhiều tiền đến đâu, hay bạn nghèo đến mức nào, dù bạn sống trong một lâu đài xa hoa ở phía nam, hay sống trong căn phòng có diện tích 4,5 chiếu tatami ở những vùng lạnh giá thì tất cả điều đó chỉ chiếm 10% hạnh phúc của bạn. Bởi chúng ta có thể quen với tất cả những điều kiện đó. Trước khi sống trong dinh thự xa hoa, bạn chỉ có thể tưởng tượng ra được một ngày đầu tiên khi bắt đầu sống ở đấy. Còn cảm giác sau một tuần, một năm sau khi đã quen với dinh thự này rồi thì bạn không thể nào tưởng tượng nổi. Bởi vậy nên mới nói, môi trường chỉ chiếm 10% mà thôi.

Số đen, số đỏ, đều chỉ là thói quen

Con người chúng ta có thể làm quen và vượt qua mọi kích thích dù đó là thành công lớn trong cuộc đời hay là thất bại ê chề hủy hoại sự nghiệp. Điều này đã được chứng minh qua kết quả của các cuộc điều tra liên quan đến hạnh phúc.

Thời gian đầu, chúng ta sẽ cảm thấy “kích thích” do sự “khác biệt” từ những việc này mang lại. Khi trúng sổ xố, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Khi bạn mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất đi người bạn yêu thương, bạn sẽ thấy đau khổ đến mức cuộc sống của bạn chỉ còn toàn bất hạnh mà thôi. Nhưng nếu nhìn từ vị trí của người khác, thì những niềm vui hay nỗi buồn này cũng chỉ là những kinh nghiệm tất yếu mà bất cứ ai cũng sẽ trải qua khi trưởng thành, và chúng ta sẽ quen với nó nhanh hơn chúng ta tưởng tượng.

Tốt nghiệp một trường học danh giá, làm việc trong một công ty tốt, kết hôn, có con, mua nhà, tiết kiệm tiền cho lúc tuổi già, chăm cháu… Đây chính là hạnh phúc kiểu mẫu của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta đạt được một mức độ nào đó, chúng ta sẽ dần quen với trạng thái này và nó không còn khiến ta cảm thấy hạnh phúc nữa.

Thế nên, chúng ta có thể thay đổi mọi thứ bằng 40% còn lại. 40% từ hành động của chính chúng ta. Đây là con số đáng tin cậy đúng không nào. Nếu nói tác động của hành động đến hạnh phúc chỉ là 10% thì chúng ta chẳng có chút động lực làm việc nào cả, thay vào đó thà ở nhà ngủ còn hơn. Ngược lại, nếu nói con số này là 90% thì kết quả này thực chẳng đáng tin chút nào. 40% vừa đủ để khơi dậy động lực cố gắng trong mỗi chúng ta.

Bạn không thể “trở nên hạnh phúc”

Trước đây, có người nói với tôi rằng: Sau này chỉ cần được như bọn trẻ là tôi đã hạnh phúc rồi. Có lẽ hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Hay nói cách khác, chỉ cần đạt được điều kiện gì đó là chúng ta “có thể trở nên hạnh phúc”.

Ví dụ, chỉ cần bạn đặt chân lên đỉnh núi mang tên “hạnh phúc” thì hạnh phúc của quãng thời gian sau này của bạn sẽ được đảm bảo. Hoặc cũng giống như một cuộc đua marathon, khi bạn về đích, chạy qua sợi dây băng cán đích là bạn có thể nhận được tấm huy chương hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng hạnh phúc không phải là đỉnh núi hay đích đến của cuộc đua.

Bởi vậy bạn không thể “trở nên hạnh phúc”. Dù là hạnh phúc đến trong tích tắc đi nữa rồi bạn cũng sẽ quen với nó và nó dần trở thành một phần hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Nếu bạn trúng sổ xố toto Big 600 triệu yên thì bạn quả là một người may mắn. Bạn có thể bỏ công việc nhàm chán hiện tại, xóa tan mọi lo lắng trong tương lai và sống thoải mái theo những gì bạn muốn. Lúc đó, có lẽ cuộc đời bạn sẽ thực sự “sang trang mới”.

Tuy nhiên, một lần nữa tôi lại nói lại rằng, trước lúc trúng 600 triệu yên, chẳng có ai tưởng tượng được cảm giác của một năm sau khi trúng giải. Khi đó, anh ta đã quen với cuộc sống “được sang trang mới” rồi. Điều này cũng giống như một người muốn có con, luôn nghĩ thứ mình thiếu bây giờ chỉ là đứa con thôi, sẽ chẳng tưởng tượng được ba năm sau anh ta có con sẽ như thế nào.

Hạnh phúc không phải là trạng thái mà bạn có thể “trở nên” như vậy. Hạnh phúc cũng không phải là một phần thưởng khi bạn có thể bắt chước theo đúng những kiểu mẫu có sẵn.

Tác giả: