Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Ngày hôm trước bạn uống thật nhiều rượu và say đến tận ngày thứ hai. Ôm cái đầu nặng như đá, bạn thề là: Không bao giờ uống đến mức này nữa. Hầu như ai cũng như vậy cả. Nhưng thực tế, sau khi hết đau đầu, bạn lại uống đến say mèm như vậy.

Giữa mùa hè nóng nực, bạn không thể nào tưởng tượng được cảm giác ấm áp trong căn phòng có máy sưởi giữa mùa đông. Và giữa mùa đông rét mướt, bạn không thể tưởng tượng được cảm giác điều hòa mát lạnh mùa hè. Dù có trải qua bao nhiêu lần đi chăng nữa, con người vẫn cứ dựa vào “hiện tại” để dự đoán “tương lai”.

Niềm vui khi mặc chiếc áo khoác lần thứ 10

Con người là loài duy nhất trong các loại động vật có thể dự đoán được tương lai. Tuy nhiên khả năng này chỉ phát huy khi phán đoán trong thời gian ngắn mà thôi. Ví dụ như khi gặp phải kẻ địch đáng sợ, ta nên trốn đi hay nên chiến đấu. Khi săn mồi ta nên bắt chúng ở hướng nào thì được… Con người không thể nhìn thấy trước tương lai của vài năm sau được. Và thực tế thì phạm vi suy đoán còn ngắn hơn so với những gì chúng ta nghĩ.

Bạn hãy xem lại ví dụ sau. Bạn ra ngoài để mua quần áo. Và bạn chỉ ưng duy nhất có một chiếc áo khóa này. Nếu so với cái áo tồi tàn bạn đang mặc trên người thì từ màu sắc đến kiểu dáng chiếc áo này đều thật tuyệt. Về nhà, bạn mặc ngay nó lên người và niềm hạnh phúc này vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là dù bạn có thấy được “cảm giác lần đầu tiên mặc chiếc áo”, nhưng bạn cũng không thể nào đoán được “cảm giác sau khi đã quen và mặc chiếc áo đến lần thứ 10” hay “cảm giác chán nản khi mặc chiếc áo sau một năm”.

Lúc chưa sắm đồ về thì bạn khó có thể tưởng tượng ra được quá trình từ “quen thuộc” đến “chán nản” sau khi đã có nó. Khi chưa có món đồ nào đó, bạn luôn muốn kéo dài cảm giác hạnh phúc ngay khi có nó cho đến về sau. Đó chính là một trong số các nguyên nhân tạo nên vòng tròn luẩn quẩn khiến bạn ngày càng thích mua đồ, đồ càng nhiều bạn lại càng muốn mua tiếp.

Nguyên nhân khiến đồ trong nhà nhiều lên hơi phức tạp một chút nên hãy cùng tôi tóm gọn lại nào.

Chúng ta luôn có trong tay tất cả những món đồ mà mình từng mong muốn. Tại sao vậy? Đó là vì mọi thứ xung quanh chúng ta đều là những món đồ mà từng có một thời điểm nào đó chúng ta muốn có. Chẳng có món đồ nào mà khi mua về bạn lại thấy: Chẳng thích một chút nào! Hoàn toàn chẳng muốn nó gì cả…

Tuy nhiên, khi đã có món đồ đó rồi, theo thời gian bạn sẽ cảm thấy từ “quen thuộc” đến “chán nản”. Chính vì thế bạn lại muốn có một thứ gì đó mới lạ để kích thích bạn. Bạn cần những thứ có giá trị hơn nữa để tạo nên kích thích lớn hơn. Và bạn cũng muốn tạo kích thích nhiều hơn nên bạn sẽ tăng lượng đồ đạc trong nhà. Dù có là đồ mới mua thì bạn cũng sẽ ngay lập tức quen với nó và nhanh chán nó mà thôi. Sau đó bạn sẽ tiếp tục tìm những đồ mới khác.

Dù cho người khác có cảm thấy như vậy là quá đủ rồi, thì chỉ có mình bạn mới so sánh những kích thích này và cũng chỉ có mình bạn mới tạo ra những chênh lệch trong các kích thích. Một chiếc xe ô tô trong nước giá một triệu yên, xét về tính năng thì bất cứ ai cũng có thể hài lòng, chỉ có chủ chiếc xe là không thấy thỏa mãn mà thôi.

Thêm vào đó, dù bạn có sắm đồ mới để tạo ra những kích thích khác biệt cho bản thân, thì niềm vui khi bạn có nó cũng chẳng khác với cảm giác của bạn hiện tại. Trong cảm giác hạnh phúc, vui sướng có một “giới hạn”. Dù bạn có mua đồ đắt đến mấy thì niềm vui lúc mua về cũng không tăng lên cùng giá tiền của nó. Khi nhận chiếc nhẫn 50 nghìn yên, nụ cười của bạn cũng không tươi tắn hơn năm lần so với khi nhận được chiếc nhẫn 10 nghìn yên được. Dù có cất công mua đồ thật tốt thì niềm vui bạn cảm nhận được nhỏ bé hơn nhiều so với bạn tưởng tượng và nó hầu như không thay đổi. Chính vì vậy, bạn cảm thấy không thỏa mãn và lại tiếp tục tìm đồ mới.

Giống như niềm vui không tăng cùng giá cả, tính năng của đồ vật cũng không tăng lên. Một chiếc áo khoác đắt gấp đôi bình thường cũng không ấm hơn gấp hai lần được. Vì thế bạn lại không thể thỏa mãn bản thân, bạn lại hi vọng món đồ sau đó sẽ giúp bạn đáp ứng được mong muốn của mình và lại mua một cái khác.

Mặc dù tất cả các món đồ đều trải qua quá trình “quen thuộc” rồi “chán nản”, nhưng bạn có thể dự đoán được cảm giác trong tương lai từ những cảm xúc hiện tại của bạn. Tuy nhiên, tương lai đó cũng chỉ là tương lai rất gần với chúng ta mà thôi. Bạn không thể nào biết được cảm xúc của mình sau một thời gian dài khi mà bạn đã chán món đồ đó rồi. Cũng chính vì vậy, bạn lại cảm thấy không thỏa mãn và lại tìm đồ mới.

Chúng ta dần dần bị cuốn vào trong vòng tròn vĩnh viễn đó và đồ đạc trong nhà cứ dần dần nhiều lên. Đồ đạc được tích nhiều bao nhiêu cũng là bấy nhiêu thời gian bạn cảm thấy không thỏa mãn. Thậm chí bản thân bạn cũng hiểu được là dù có tiếp tục như vậy bạn cũng chẳng thấy hài lòng, nhưng bạn vẫn hi vọng vào món đồ tiếp theo của mình. Và thật đáng tiếc khi phải nói với bạn rằng bạn không cảm thấy hạnh phúc chính vì bạn đã rơi vào vòng tròn luẩn quẩn này đó.

Đồ đá, đồ gốm đã từng là món đồ thiết yếu

Tại sao chúng ta lại sắm nhiều đồ về nhà đến vậy? Bạn hãy cùng tôi tìm hiểu thêm một chút nữa nhé.

Từ thời xa xưa, khi con người sử dụng những món đồ làm từ đá, thì những món đồ này được sử dụng hết các khả năng tuyệt vời của nó, và nó là dụng cụ đúng nghĩa. Và những dụng cụ đồ đá đó đã trả công cho chúng ta xứng đáng với thời gian, công sức chúng ta dành để làm ra chúng. Những công việc nặng nhọc như săn thú, lột da… nhờ có đồ đá mà nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Dù có mất một ngày để làm được một dụng cụ đồ đá thì thời gian bạn có thể tiết kiệm được sau này nhiều hơn thế rất nhiều. Nói cách khác, so với công sức bạn bỏ ra để làm dụng cụ đồ đá, thứ bạn nhận lại nhiều hơn rất nhiều. Hơn nữa, một khi làm xong một dụng cụ bằng đá, bạn không cần tốn công sức để bảo quản nó. Quả thực, đồ đá đã từng là đồ vật thiết yếu với con người.

Phát triển hơn chút nữa, con người có thể sử dụng đồ gốm. Vào thời đó, con người có hái được quả để ăn hay không, có săn được thú hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi hỏa hoạn, thiên tai xảy ra, tất cả đều bị xóa sạch. Con người thời đó cũng không biết khi nào sẽ xảy ra cái gì, nên tốt nhất là hãy cất đồ ăn dự trữ vào đồ gốm. Thời đó, đồ gốm cũng là dụng cụ thiết yếu trong đời sống con người.

Trải qua thời gian thay đổi, ngày nay, có không ít các vật dụng không được sử dụng đúng chức năng của nó mà lại dùng cho mục đích khác. Thêm vào đó, việc sở hữu những món đồ trên mức cần thiết sẽ lấy đi của bạn lượng lớn thời gian và công sức để bảo quản nó nguyên vẹn. Và con người đang phải làm việc cật lực để phục vụ cho những món đồ không cần thiết trong cuộc sống của mình. Những món đồ không được sử dụng đúng nghĩa là dụng cụ như đồ đá, đến một lúc nào đó sẽ trở thành chủ nhân của chính chúng ta.

Những món đồ dùng để “thể hiện giá trị của bản thân”

Bạn có nhiều đồ không cần thiết như vậy để làm gì? Mục đích thực sự khi bạn muốn có ngần đấy thứ là gì? Chúng ta hãy đi từ kết luận của vấn đề.

Mục đích đó chính là “thể hiện giá trị của bản thân”.

Chúng ta luôn muốn thể hiện giá trị của bản thân mình cho mọi người thấy qua những món đồ của mình.

Bất cứ ai cũng được cài đặt ứng dụng “cô đơn”

Tiếp theo, tôi sẽ giải thích từ đầu cho bạn.

Con người là loài động vật có tính xã hội và hoạt động theo quần thể. Nếu so sánh với các loài động vật lớn, con người không có lực cánh tay khỏe, không có móng, sừng sắc nhọn, và có lẽ cũng không ai có thể tự mình bắt được voi ma mút cả. Chính vì vậy, để sinh tồn, loài người cần sống theo bầy đàn.

Khi con người tách ra khỏi quần thể để hoạt động độc lập, một ứng dụng tên là “cô đơn” đã được cài đặt khiến chúng ta cảm thấy cô độc, lẻ loi. Ứng dụng “cô đơn” này có tác dụng đưa ra lời cảnh báo khi chúng ta có một mình như: hay quay lại với mọi người, hay liên hệ với một ai đó… Ứng dụng này dù có làm cách nào cũng không xóa đi được, vì nó được cài đặt mặc định trong mỗi người nên dù bạn có muốn cũng không thể làm gì.

Nỗi cô đơn của chó và mèo

Chúng ta hãy cũng nhìn vào sự khác nhau giữa chó và mèo. Mèo có thể ở nhà một mình khi bạn vắng nhà mà không buồn chán gì, còn chó thì không. Nếu bạn để một chú chó ở nhà một mình trong thời gian dài, nó sẽ sủa loạn xạ và chạy khắp nơi trong nhà. Người ta cũng cho rằng một chú chó bị bỏ lại trong thời gian dài và bị cô đơn một mình sẽ mắc bệnh trầm cảm.

Và sự thực là loài gần gũi với chó không phải là loài mèo chuyên sống một mình mà chính là con người. Giống như loài chó, con người có những hành động mang tính xã hội, theo tập thể. Chính vì vậy, con người có thể cảm nhận được sự cô đơn. Và nỗi cô đơn không phải là vấn đề của riêng một người mà là vấn đề của tất cả mọi người.

Dù bạn có là ai đi chăng nữa, dù trông bạn thật vui vẻ với bạn bè hay có một gia đình hòa thuận, bạn cũng không thể xóa bỏ sự cô đơn mãi được. Một lúc nào đó, nỗi cô đơn sẽ bất chợt ghé thăm bạn. Có lẽ sẽ có nhiều người than phiền rằng: Tôi cô đơn quá! Nhưng bạn cũng không cần quan tâm đến nó đâu, vì chẳng có ai có thể xóa hoàn toàn cái ứng dụng “cô đơn” này. Ai cũng bị mặc định cài đặt ứng dụng này, nó sẽ tự khởi động và bạn sẽ bị nó làm phiền rất nhiều đấy.

Tác giả: