Lối sống tối giản của người Nhật – Fumio Sasaki

Tôi rất thích các sản phẩm của Apple, bởi chúng luôn có tính năng hữu dụng hơn bất cứ món đồ nào. Nếu trong ngày ra mắt iPhone 6 mà tôi sắm cho mình một chiếc thì có thể là vì tôi thích khoe khoang mà thôi. Nếu tôi sắm MacBook Air thì chắc cũng vì muốn ghi điểm ở Starbucks. Với thiết kế gọn nhẹ, dễ sử dụng, các sản phẩm của Apple thể hiện giá trị của chủ nhân ở điểm “lựa chọn thông minh”. Và có lẽ bất cứ ai cũng sẽ có cảm giác này khi sở hữu chúng nên chẳng có gì phải e ngại cả.

Giá trị đồ đạc bằng giá trị bản thân

Tuy nhiên, nếu bạn sắm đồ đạc đến mức quá tải chỉ vì mục đích thể hiện “giá trị của bản thân” thì lúc này sẽ có vấn đề xảy ra.

Nếu bạn coi đồ vật là phương tiện để truyền tải “giá trị của bản thân” thì đồ đạc trong nhà bạn sẽ dần tăng lên. Và đương nhiên là đồ đạc càng nhiều thì bạn càng dễ thể hiện được giá trị của mình. Tuy nhiên, những món đồ đang tăng lên không ngừng đó sẽ không còn là phương tiện mà sẽ trở thành mục đích của việc thể hiện “giá trị của bản thân”. Hay nói cách khác, “đồ vật” đã trở thành chính “bản thân” bạn. Và bạn đã nhầm “đồ đạc” với “bản thân mình”. Nếu bạn nghĩ đồ đạc là bản thân bạn, bạn sẽ tiếp tục sắm đồ đạc không ngừng nghỉ.

Vì “đồ đạc = con người” nên tự nhiên việc tăng đồ đạc cũng chính là tăng giá trị bản thân mình. Cứ như vậy, bạn sẽ tiếp tục tiêu tốn thời gian, tiền bạc, công sức để mua sắm, bảo quản, sắp xếp hết món này đến món khác. Nói tóm lại, khi coi giá trị của đồ đạc bằng giá trị của bản thân, bạn sẽ coi việc bảo quản, sắp xếp đồ đạc là mục tiêu hàng đầu của mình.

Tôi đã từng coi giá sách là chính bản thân mình

Có thể nói đến đây thì bạn sẽ hơi khó hiểu nên tôi sẽ lấy một ví dụ dễ hình dung hơn.

Ví dụ như trước đây, tôi có kê trong nhà một giá sách to chất đầy các loại sách. Mặc dù có nhiều sách như vậy nhưng tôi chỉ nhớ mang máng nội dung vài cuốn, hoàn toàn không thể nắm bắt kỹ nội dung từng cuốn được. Ngay từ hồi sinh viên, tôi đã mua về những quyển sách khá khó. Nhiều cuốn tôi chỉ lướt vài trang. Sau vài năm, mặc dù cũng đọc được kha khá đấy nhưng chẳng bao giờ tôi nhớ kỹ cuốn nào cả. Tôi chỉ nhớ mang máng đấy là những cuốn nói về tư tưởng cận đại hay cuốn tiểu thuyết rất dài, một tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ 20.

Đến bây giờ thì tôi đã hiểu lý do vì sao tôi không thể vứt những cuốn sách đi được, kể cả những cuốn tôi không định đọc đến. Tôi đã từng thông qua giá sách này để thể hiện giá trị của bản thân mình. Nhưng liệu tôi có thực sự muốn truyền tải giá trị của bản thân theo cách này?

“Tôi có ngần này sách đấy. Chỉ cần bạn nhìn vào giá sách này sẽ thấy, tôi là người có sở thích khá rộng và là người thích tìm tòi điều mới lạ. Cuốn này tôi biết, cuốn đấy tôi cũng biết. Mặc dù chỉ biết tên thôi nhưng đấy là sở thích của tôi, nên tôi vẫn muốn có nó. Có thể không hiểu hết được nhưng tôi vẫn đang đọc nó đấy. Một kẻ trông tầm thường, ít nói như tôi nhưng lại có nội tâm sâu sắc, tri thức phong phú đến thế đấy. Tôi chính là người có hiểu biết sâu sắc đấy.”

Dù chẳng bao giờ đọc kỹ mấy cuốn sách ấy, chẳng bao giờ để chúng thấm sâu vào tâm trí mình, nhưng tôi vẫn tiếp tục mua thêm thật nhiều sách. Tôi có cảm giác, giá trị của mình được thể hiện bằng số sách mà tôi có. Và từ lúc nào đó thì tôi đã coi mấy cuốn sách còn mới nguyên ấy chính là “bản thân mình”. Nhưng thực tế thì hầu hết số sách ấy đều chẳng cần dùng đến. Và những đĩa DVD, CD tôi tích trong nhà cũng vậy. Kể cả những cuốn tạp chí máy ảnh, những bức ảnh dán tường, bộ đồ ăn hay bộ sưu tập máy ảnh cũng thế. Tôi chất đầy chúng trong nhà dù chẳng một lần dùng đến.

Và khi đồ đạc trong nhà quá tải, chúng đã vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi. Quá nhiều đồ đạc nên việc dọn dẹp khó khăn hơn, rốt cuộc là tôi để nguyên căn phòng bụi bẩn. Vì thế mà dần dần tôi mất đi niềm tin vào bản thân và không còn động lực làm việc gì nữa. Cuối cùng để thoát khỏi cảm giác đó, tôi tìm đến rượu, và càng làm lại càng sai.

Những món đồ làm suy yếu bản thân

Tại thời điểm đó, những món đồ tôi có đã không còn là thứ để truyền tải “giá trị của bản thân”, thậm chí cũng không còn là “chính bản thân” tôi mà chúng là những món đồ “làm suy yếu con người tôi”.

Có vẻ câu chuyện đã hơi phức tạp với bạn nên tôi sẽ tóm gọn lại một chút.

Ban đầu, đồ vật được sử dụng với đúng chức năng của nó như các món đồ đá, đồ sành. Lúc đó, đồ dùng đúng là những món đồ cần thiết với chúng ta. Khi xã hội bắt đầu phát triển, đồ dùng bắt đầu được sử dụng cho những mục đích khác. Đó là mục đích thể hiện nguyện vọng to lớn của con người, thể hiện “bản thân có giá trị”.

Con người là loài động vật có tập tính xã hội, sinh hoạt theo bầy đàn nên nếu không thể chứng minh được “bản thân có giá trị”, con người dễ mắc bệnh trầm cảm và đi đến tự sát. Do đó, con người cần phải được ai đó công nhận là có giá trị.

Ngoài giá trị vẻ ngoài có thể dễ dàng thể hiện giá trị bản thân, chúng ta còn có giá trị nội tại bên trong. Tuy nhiên giá trị bên trong này rất khó để truyền tải ra ngoài và tốn khá nhiều thời gian mới làm được. Có một cách nhanh hơn để truyền tải giá trị bên trong của con người đó là thông qua đồ đạc. Bởi khác với các giá trị bên trong, đồ đạc được mọi người nhìn thấy và dễ dàng được công nhận hơn.

Tuy nhiên nếu bạn quá phụ thuộc vào ưu điểm này, rất dễ dẫn đến hậu quả là đồ đạc tăng quá tải. Những món đồ thể hiện giá trị bản thân của bạn sẽ dần trở thành chính giá trị của bạn. Tức là “đồ dùng = con người”. Khi đó bạn sẽ tiếp tục sắm đồ không ngừng nghỉ vì bạn thấy tăng đồ cũng là tăng giá trị con người.

Và lúc này, đồ dùng sẽ bén rễ trong nhà, cướp đi thời gian, công sức của bạn. Cuối cùng, những thứ vốn chỉ là dụng cụ trong nhà lại biến thành chủ nhân của chính bạn. Chúng không còn là những món đồ được sử dụng theo đúng chức năng hay những món đồ để thể hiện “giá trị của bản thân” mà trở thành thứ làm hao mòn con người bạn. Đồ đạc là chủ nhân, còn bạn trở thành người hầu.

Những món đồ tăng lên đến mức “làm tổn hại bản thân” bạn sẽ tiếp tục tăng lên đến mức hấp thụ hết năng lượng và thời gian của bạn. Những món đồ đó không còn là dụng cụ mà tồn tại trong nhà bạn như là chủ nhân của bạn. Dưới ảnh hưởng của chúng, bạn sẽ phải dùng cả đời này cho chúng và phải đấu tranh với người khác vì vị chủ nhân này.

Bản thân những món đồ này không tốt cũng chẳng xấu. Nhưng khi bạn tăng nó lên mức độ như vậy là đang biến nó thành xấu. Chúng ta cần phải thay đổi lại cách nhìn này. Đồ đạc không phải là chính con người bạn, cũng không phải là chủ nhân của bạn. Chúng chỉ là những dụng cụ mà thôi. Chúng cũng không phải là những món đồ được sắm vì cách nhìn của người khác, chúng chỉ là những thứ cần thiết với bạn mà thôi.

Chương tiếp theo tôi muốn giới thiệu cụ thể về phương pháp, quy tắc để giảm bớt đồ đạc. Nếu bạn đang có quá nhiều đồ đến mức làm hao mòn chính bản thân mình, tôi khuyên bạn nên thử một lần rời xa nó. Dù không có món đồ nào, bạn cũng có thể tồn tại trong xã hội này.

Hãy mạnh dạn vứt bỏ những món đồ đang làm tổn hại đến chính bạn.

55 Quy tắc vứt bỏ

Quy tắc 1: Trước hết hãy “vứt bỏ” suy nghĩ: “Không bỏ được”

Trên đời này chẳng có ai là có tính “không thể vứt đồ đi được”, đó chỉ là những suy nghĩ trong đầu chúng ta mà thôi. Trong tâm lý học có một thuật ngữ là “Tập nhiễm bất lực”. Nó có nghĩa là thực tế, bạn có khả năng cải thiện tình hình, nhưng sau khi trải qua vài lần thất bại “không vứt đi được”, bạn không còn muốn thay đổi tình trạng này nữa.

Nếu ý thức được tại sao bạn không thể vứt đi được thì dần dần, bạn sẽ làm được và quyết định vứt bỏ không còn phụ thuộc vào tính cách của bạn. Thực tế là không tồn tại loại người không thể vứt bỏ đồ đạc, cũng như không tồn tại kiểu tính cách như vậy. Bạn không vứt đi được không có nghĩa bạn là người xấu xa, chỉ đơn giản là bạn chưa luyện được “kỹ năng vứt bỏ” mà thôi. Hay nói cách khác, bạn chỉ tạo cho mình “thói quen không vứt bỏ” mà chưa trang bị thói quen vứt bỏ vậy. Bản thân tôi từ một người chỉ biết sống trong một căn phòng bừa bộn nay đã chuyển sang sống theo lối tối giản. Sự thay đổi đấy không phải là tính cách của tôi, mà tôi đã tập cho mình thói quen và kỹ thuật để có thể vứt bỏ đồ đạc.

Quy tắc 2: Vứt bỏ là một kỹ thuật

Nếu không tập nói tiếng Pháp, bạn không thể nói chuyện với người Pháp được. Cũng tương tự như vậy, nếu không luyện tập ngay từ bây giờ thì bạn không thể trở thành chuyên gia vứt đồ được. Từ ngày tôi bắt đầu vứt bỏ đồ đạc cho đến nay đã hơn 5 năm rồi. Tất nhiên bạn có thể rút ngắn thời gian này lại.

Bản thân việc vứt đồ không tốn thời gian. Ngày thứ nhất bạn vứt rác, ngày thứ hai bạn bán hết sách và đĩa CD, ngày thứ ba bạn dọn hết đồ điện gia dụng, ngày thứ tư bạn xử lý các dụng cụ trong nhà… Chỉ cần một tuần là bạn có thể dọn hết đồ đạc dù nó có cồng kềnh thế nào đi nữa. Vậy nên, chuyện tốn thời gian không nằm ở khâu vứt đồ, mà đó là lúc bạn quyết tâm bỏ đồ gì đi. Cũng giống như học ngoại ngữ, bạn càng nói nhiều thì càng giỏi, càng vứt đồ nhiều, bạn càng thành thạo. Đến khi bạn tạo cho mình thói quen vứt bớt đồ đi rồi thì quãng thời gian từ lúc quyết định đến lúc vứt thực sự càng được rút ngắn. Cuối cùng, bạn có thể thoải mái mà vứt đồ đi. Thực sự, vứt đồ chính xác là một kỹ thuật.

Tác giả: