Một đứa con đã khôn ngoan – Nguyễn Công Hoan

Chỉ không thể giấu được nữa. Anh phải đưa thư cho cậu. Cậu đọc xong, không bình phẩm gì, chỉ nói:

— Thôi, muộn rồi, đi ăn cơm.

Chỉ sung sướng. Cậu đã hiểu cho anh rồi. Anh vui vẻ theo cậu mợ ngồi vào bàn ăn.

Vú già xới cơm xong, cậu nhìn bát cơm trắng, khói nghi ngút, tỏa một mùi thơm, bèn hỏi vú già:

— Vú già, nồi cơm hôm nay thổi bởi ai, mà trông có vẻ tốt ăn lắm.

Vú già bưng miệng, quay đi để cười.

Mợ ngớ mặt ra nhìn cậu.

Chỉ thấy cậu nói ngô nghê cũng nhếch mép.

Nhưng cậu nghiêm trang, bảo Chỉ:

— Đấy con xem, con và vú già thì cười cậu, mà mợ thì có ý ngạc nhiên. Là vì cậu đã nói một câu bằng tiếng An nam, nhưng nó không An nam một tý nào. Con học tiếng Pháp, con chăm về Pháp văn là phải, nhưng không nên sao nhãng tiếng ta.

Chỉ không đáp, Cậu tiếp:

— Ta có tiếng nói riêng. Bổn phận ta là phải giữ lấy tiếng ta, vì tiếng ta tức là tinh thần nước ta. Cậu nói nồi cơm thổi bởi ai, trông có vẻ tốt lắm, thì cũng có thể hiểu được, nhưng người Nam mình không nghe quen. Mình phải nói tiếng Nam theo giọng Việt Nam mới được.

Chỉ cảm động:

— Tại con học chữ Pháp, nên con hay nghĩ theo giọng Pháp.

— Con nghĩ theo giọng Pháp khi con dùng tiếng Pháp thì rất tốt. Nhưng khi nói tiếng Nam, mà con cũng nghĩ theo thế, tức là con dịch ở tiếng Pháp. Vậy con là ông Tây nói tiếng An nam mất rồi.

Cả mợ lẫn Chỉ cùng cười. Rồi Chỉ nói:

— Nhưng con thấy tiếng ta nhiều khi thiếu từ để dùng.

Cậu lắc đầu:

— Con thấy thiếu chứ tiếng ta không thiếu. Nếu thiếu chăng, thì nó thiếu ở những ý mới, vật mới xưa kia không có. Còn những ý cũ, vật cũ thì tiếng ta vẫn đủ như thường. Xem ngay như về gia đình, ta có biết bao nhiêu tiếng: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, chắt, chút, chú, bác, cậu, mợ, dì, cô, thím, âu yếm, yêu, thân, hiếu, đễ, từ, và biết bao nhiêu tiếng nữa. Lại như nói cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bê, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng.

Nghe cậu nói một thôi một hồi, Chỉ phì cười. Cậu cũng cười:

— Thế mà tiếng Tây phải chắp vào một tiếng gốc. Vả lại tiếng ta nói rất văn vẻ. Ví dụ hai tiếng cánh buồm, thì cậu tưởng văn chương đến thế là bóng bẩy, nhưng ta thì để nói thường. Cậu dám đánh cuộc với các ông cử, ông nghè tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng «lôi thôi» của ta đấy.

Mợ cười:

— Ừ, tiếng lôi thôi mà cắt nghĩa thì nó dài biết nhường nào! Cho nên muốn giỏi tiếng nước ngoài hãy nên giỏi tiếng nước ta đã.

Cậu gật đầu:

— Bởi vì tiếng nước ta, ta phải trọng và phải yêu trước hết. Nhiều lần mợ bảo con không nên nói tiếng Pháp xen vào tiếng ta là chí phải. Không gì ngô nghê hơn là bức thư con vừa viết cho em Hà. Đầu tiên, cậu thấy chữ Hanoi, cậu đã không bằng lòng rồi, phải viết Hà nội làm hai chữ, đánh dấu quốc ngữ cho đúng. Bởi vì những cái ấy là của mình. Người ta viết lầm, đọc sai, mình còn nên uốn nắn lại cho đúng, huống chi mình lại bắt chước sự sai lầm của người ta.

Mợ tiếp:

— Thật thế bây giờ tôi đọc sách, đọc báo thấy chữ Mỹ Thọ, Thủ đầu một, Phủ Quốc, Phú lãng Thượng, Phủ Liễn, Chobo, Viétri, Núi Đèo mà tôi đâm bực mình. Tôi ước gì người ta viết cho đúng để trẻ con đọc đỡ sai.

— Cứ gì trẻ con, cả người lớn nữa.

Nghe từng ấy tiếng, Chỉ hiểu đọc chữ Phú lãng thượng là người đọc lầm chữ Phủ lạng thương, còn những chữ khác anh cho là mợ bẻ sai. Anh không dám cãi, nhưng cũng không dám hỏi. Thì Cậu nói ngay:

— Con học sách Địa dư và Sử ký của ta do người Pháp làm, phải nên coi chừng những chỗ viết sai, hoặc những chữ theo âm Pháp. Ví dụ trong Trung kỳ có cái đảo nhiều rừng quế, người ta gọi là Hòn Quế, hòn tức là đảo, thì trên địa đồ đề là Hone Koé, đảo Cái Bầu, trên địa đồ là đề Kébao; cũng như xem sách người Pháp làm về phong tục xứ mình, mình phải biết chỗ nào là đúng, chỗ nào là hỏng…

* * *

Tuần lễ ấy, cũng như mọi tuần lễ trước, Chỉ được nhất luận Pháp văn và phải bét luận Quốc văn.

Nhưng khác mọi khi, Chỉ thấy xấu hổ về điểm kém của bài sau hơn là sung sướng về điểm hơn của bài trước.

Những tiếng bạn khen là văn sỹ tây không làm anh vui vẻ và hãnh diện nữa.

Anh đọc lại bài luận Quốc văn của anh, rồi mượn bài của Thấn được nhất. Anh bật cười, thấy bài mình ngắn ngủi. Hai bài hơn kém nhau mười điểm, chỉ vì một bài làm kỹ lưỡng, một bài làm dối dá. Chứ những câu bạn đặt cũng rất thường, không chỗ nào cầu kỳ, không chỗ nào dùng chữ nho, hoặc điển tích khó hiểu.

«Nếu vậy, muốn hơn điểm, có khó khăn gì.»

Anh quyết rằng nếu để ý làm cẩn thận trong mười lăm phút nữa, thế nào cũng được từ mười điểm trở lên, nghĩa là hơn hẳn sáu bảy điểm.

Rồi anh nghĩ đến công phu và thì giờ làm luận Pháp văn. Anh phải dùng công phu và thì giờ gấp mười, có khi hơn thế nhiều, mà kết quả chỉ hơn anh em độ ba bốn điểm. Vậy từ trước đến nay, sao anh cứ chuộng cái khó mà bỏ cái dễ.

Chẳng hoá ra dại lắm du.

Nhưng suy xét kỹ, anh thấy anh không dại. Bài thi nào Pháp văn cũng làm nền tảng. Kém Pháp văn, thì dù môn khác giỏi mười mươi cũng bằng thừa.

Ở trong lớp, thỉnh thoảng anh có thử nghe thày giáo giảng những đoạn thơ và văn xuôi. Nhưng anh thấy nó thế nào. Thơ thì khó hiểu, mà văn xuôi thì rất tầm thường. Cho nên anh chỉ dùng giờ Quốc văn để xem trộm tiểu thuyết Pháp, hoặc làm tính, hoặc nói chuyện với bạn ngồi cạnh.

* * *

Hôm ấy bắt đầu nghỉ hè. Cậu bảo Chỉ:

— Ba tháng nghỉ, con không phải trả tiền học, vậy cậu cho con mỗi tháng bốn đồng, tùy con muốn mua sách vở hay đồ chơi thì mua.

Nói rồi, cậu mở ví tiền đưa cho anh .

Chỉ hớn hở, mặc áo ra phố. Lúc về, anh cắp một gói, mở ra, toàn tiểu thuyết Pháp.

Anh hăm hở, lấy dao rọc từng tờ, rồi đọc miệt mài.

Mới hơn tuần lễ, anh đã ngốn hết mấy cuốn ấy. Anh lại buồn. Em Nhật bé hơn anh nhiều, nó trẻ con không hợp với tuổi anh. Cho nên anh chỉ đùa với nó bền lắm là mười lăm phút.

Một hôm, nhận được giấy của nhà trường, cậu xem rất kỹ, rồi bảo:

— Chỉ ạ, kỳ thi cuối năm vừa qua, các bài về khoa học và toán pháp con bị kém, vậy nhân bây giờ nhiều thì giờ, con nên cố gắng về các môn ấy.

Anh thấy cậu không được vui, nên vâng ngay. Anh quyết định, từ hôm sau, mỗi ngày làm một vài bài tính, và để ra hai giờ học lại các bài khoa học, và xem rộng ra cho hiểu thấu hơn.

Nhưng khi mở sách, mới đọc qua đầu bài tính, anh đã chán nản. Anh cố gắng nghĩ, vì bài hơi khó. Anh thở dài. Thì té ra anh đi học từng ấy năm, chưa được chút lợi nào, bởi đã chểnh mảng khoa học.

Khoa học tức là cơm. Văn chương chỉ là áo. Kẻ khó cần xin cơm, chứ chưa có người hành khất nào đi ăn mày áo bao giờ. Khoa học mới đem đến cho ta sự sống.

Anh thở dài lại cặm cụi với những con số trên mảnh giấy.

Đến hơn nửa giờ anh nhăn trán để nghĩ nhưng không làm nổi bài tính.

Anh bèn đến chơi nhà bạn để hỏi. Lúc hiểu, anh sung sướng quá, rồi nhân thấy mấy cuốn tiểu thuyết Pháp, anh mượn về.

Anh lại nhãng bỏ khoa học để ngấu nghiến đọc truyện.

Anh thấy văn chương bao giờ nó cũng thấm thía vào tâm hồn. Còn khoa học, nó khô khan, khó chịu lắm.

* * *

Cuối tháng ấy, cậu lại cho anh bốn đồng nữa, và anh lại dùng để mua sách.

Nhưng mợ dặn anh chọn cho mợ một cuốn sách Quốc văn mới xuất bản. Anh cười:

— Con có biết sách thế nào là hay đâu?

— Thế con mua sách tây thì làm thế nào?

— Con tìm tên người làm sách nổi tiếng, hoặc thấy tên sách hay, hoặc đọc qua trang đầu, cũng có thể đoán được.

— Vậy mua sách cho mợ, con cũng làm như thế.

— Nhưng văn sỹ Việt Nam làm gì có ai nổi tiếng?

— Ô, biết bao nhiêu người bây giờ viết rất hay.

— Thế a, mợ?

Nhưng anh vẫn hồ nghi. Anh cho là truyện của người Việt Nam viết gọi là hay, nhưng hay sao bằng truyện tây. Có chiều lòng mợ mà anh phải mua một quyển thì mua, chứ anh tiếc tiền lắm. Anh hỏi:

— Mợ ạ những truyện của ai viết thì nên mua?

Mợ bèn kể một ít tác giả quen tên để anh biên vào mảnh giấy, rồi mợ dặn:

— Nhưng bất cứ, có nhiều tên ký rất lạ ở những truyện rất hay, không biết chừng.

— Thôi con không biết chọn sách Quốc ngữ đâu. Con cứ theo tên biên đây mà mua vậy.

— Cũng được.

Anh bèn mặc quần áo, lên hiệu sách tây. Anh mua mất ba đồng sáu, vì anh chắc sách ta bán rẻ, độ ba bốn hào là cùng. Anh rất bằng lòng mấy cuốn mới này. Cuốn thì anh vẫn ao ước được đọc. Cuốn thì của tác giả nổi tiếng.

Anh đến phố ta vào một hiệu sách Quốc văn.

Trước hết anh ngạc nhiên, vì thấy bầy những tác phẩm dầy dặn, đẹp đẽ chẳng khác những cuốn anh đương cầm ở tay chút nào. Ngó đến giá đề ở gáy, anh bật buồn cười. Sách ta có gì mà bán đắt thế. Anh cau mặt, nhìn tên sách một lượt. Rồi anh về.

Thấy anh, mợ đặt tờ nhật trình xuống bàn, hỏi:

— Nào, con mua quyển gì cho mợ thế, chắc phải hay lắm.

— Thưa mợ, con chưa mua, vì con không đủ tiền.

Mợ không bằng lòng:

— Sao vậy? Bốn đồng kia mà?

— Vâng, nhưng con không ngờ sách ta bây giờ bán cũng đắt lắm.

Mợ lắc đầu:

— Không phải đắt, con nên nói là cao, vì công in và giấy hiện giờ tăng lên nhiều. Vả người làm sách đã tốn bao nhiêu công phu.

— Thế thì không mua là phải, vì phí tiền!

— Sao lại phí tiền?

— Vì chuyện hay sao được! Để con xem xong cuốn này, con kể lại cho mợ nghe, mợ mới thấy là con hà tiện đúng.

— Mợ không thích nghe, mợ chỉ thích đọc lấy. Vả sao con lại nói là hà tiện đúng.

— Mợ để tiền cho con mua sách tây, con vừa được học, mợ vừa được nghe chuyện.

— Nếu ai cũng như con, thì nghề viết văn của ta không thể sống. Nghề viết văn không sống, tức là Quốc văn không còn.

— Đành vậy nhưng đồng tiền bỏ ra mua sách sao cho xứng đáng mới được.

— Con muốn tiêu tiền xứng đáng. Vậy chưa đọc cuốn sách Quốc văn nào, con không nên khinh bạc thế. Mợ mua sách Quốc văn, được sách hay đã đành, dù phải là sách dở mợ cũng vui lòng. Mình không có tài làm cho Quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút của khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy.

Chỉ cảm động. Anh không đáp. Mợ đứng dậy mở tủ, đưa anh tờ giấy một đồng. Chắc mợ thấy anh ngậm ngùi, nên nói chữa cho anh vui vẻ:

— Nhưng dễ thường mợ đã bắt con làm việc vô lý. Là mợ toan ăn bớt tiền của con? Bốn đồng cậu cho là riêng của con, con có thể tự do tiêu dùng. Đây, tiền của mợ. Vậy con mua cho mợ một quyển.

Khỏi bẽn lẽn, Chỉ lại ra phố. Anh gặp Thân, bèn vồ lấy bạn, nói:

— Tôi nhờ anh chọn cho tôi một quyển tiểu thuyết ta rất hay.

— Chọn để mua à?

— Phải.

— Để dành tiền đấy, ít lâu nữa, sẽ có một bộ sách hay lắm. Bây giờ anh muốn đọc, thì về nhà, tôi cho mượn vài quyển.

— Nhưng tôi cần mua một quyển thôi.

Thân có ý nhạo:

— Anh cũng mua sách quốc ngữ à?

— Tôi mua cho mợ tôi. Nếu không mợ tôi mắng.

— Anh cứ nghe lời tôi mà chờ. Nếu mợ anh mắng, anh nói như tôi vừa bảo anh ban nãy.

— Nhưng có đích là sách hay không?

— Sao lại không? Tôi thấy trên báo quảng cáo thế, mà cậu tôi cũng quảng cáo thế.

Chỉ tin ngay, vì biết cha Thân làm báo và có xuất bản nhiều sách.

Anh đến nhà bạn.

Thân đưa Chỉ đứng trước một chiếc tủ to, bày rất thứ tự những cuốn sách đóng gáy da, in chữ vàng. Chỉ vui sướng khen:

— Cậu anh cẩn thận quá nhỉ. Nhà tôi cũng có tủ, nhưng sách của cậu tôi không thuê đóng đẹp đẽ như thế này.