Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Sáng hôm sau. Tôi và Lily từ hiệu vàng ra. Lily không bằng lòng. Lily chê ít. Mười lăm vạn còn chê ít. Tôi thở dài. Vả lại là cái xúvơnia, tôi nói vậy của ít lòng nhiều. Nhưng Lily bĩu môi, vì Lily không cần lòng nhiều. Lòng ít của nhiều Lily thích hơn. Tôi nói: “Chê thì đưa đây”. Lily không đưa mà bỏ xúvơnia vào túi, rồi cười: “Ít còn hơn không”. Tôi thở dài. Ở hiệu vàng ra tôi thở dài. Không để í gì nữa. Lúc Lily bấm tay, tôi mới nhìn thấy thằng nhọn cằm, lưởng vưởng vỉa hè bên kia. Tự nhiên không đầu không cuối, Lily nói: “Dằn di. Sang đường cho thằng nhọn cằm một quả. Để Lily xem!” Tôi nói: “Ngại lắm. Vì nó là CÁ. Đánh nó khéo đi tù”. Lily nói: “Có nghe không? Không Lily ngất cho mà xem”. Tôi nói: “Ngại lắm”. Lily đếm 1, 2, đến số 3 thì Lily ngất thật, nằm sõng soài ngay lòng phố Hàng Đào. Giao thông vì thế mà ùn tắc. Người qua phố xúm lại xem Lily quần áo mỏng tang mùa nực, đang nằm ngủ. Tôi gọi xíclô. Tôi bế Lily nóng hổi lên xe. Tôi biết, ngất cũng là một trò iêu thích của Lily, trong nhiều trò iêu thích khác. Tôi còn kịp nhìn, thoáng một cái, thấy anh chàng nhọn cằm nhếch mép cười, khó tả.

Ở nhà Lily lúc này tôi giặt. Từ 3 hôm nay, tôi toàn giặt quần áo cho Lily. Là vì Lily muốn vậy. Cũng từ 3 hôm nay, tôi nhặt nhạnh những đồ nho nhỏ của Lily, làm lưu niệm. Ví dụ tí lọ nước hoa, tí coócsê viền trắng. Đêm nay Lily đi. Nhưng lúc này Lily ngủ. Lúc này tôi giặt. Lúc này là thế nào? Lúc này, có một trăm cái lúc này. Em Cốm lúc này gánh cát ngoài bờ sông. Mẹ tôi lúc này trên chợ Đồng Xuân, với chiếc giầu tượng vàng khè, và đống hoa quả. Những thằng xiclô lúc này đạp xiclô. Những thằng ba gác đang kéo ba gác. Những thằng khuân vác thì đang khuân vác. Những thằng tề ngụy cũng đa số đi làm. Những thằng chứa gái đang chứa gái. Những thằng ăn cắp vẫn đang ăn cắp. Và nhất là thằng nhọn cằm, chắc chắc lúc này đang ở đâu đó bên ngoài cổng, rất gần thôi. Tôi cao 1 mét 7, nặng 60 kí, đời tôi 23 năm treo đầu sợi tóc, tôi ngồi giặt ở một chỗ vắng, trong nhà Lily. Chốc chốc, lại ngừng giặt, vì tôi nghĩ biết đâu tên tôi đang bị thằng nhọn cằm xóa đi trên bản đồ đi lại, và làm lụng, và đớp hít của nội thành. Cũng bắt đầu từ lúc này.

Đêm nay với Lily trên sân ga. Còi tàu giục. Tôi ôm Lily mà không kịp nghĩ đây là lần thứ mấy, có phải lần cuối cùng. Lily tiện thể cho tay vào túi quần tôi. Còi tàu lại giục. Lily leo lên tàu. Tôi thấy thằng nhọn cằm cũng lên tàu, cùng một toa với Lily. Vậy là anh này theo dõi Lily, chứ không phải tôi. Nhưng tôi không lí luận nữa. Bởi vì còi rít, không biết là còi tàu, hay còi nhà ga. Cũng bởi vì tàu chuyển bánh. Tôi bước những bước dài theo tàu. Lily thò tay qua cửa toa, vẫy vẫy. Tôi chạy vài bước, rồi đứng sững sờ. Tàu bỏ tôi vài chục mét. Tôi lại nhìn, thấy cánh tay Lily vẫy, lần này thêm chiếc mùi soa trắng. Tôi chạy theo. Tôi gào: “Lily! Lily!” Cánh tay Lily vẫy mạnh. Tàu đã xa, để lại chiếc mùi soa, như cánh bướm trong đêm. Màu trăng trắng, nhạt nhòa. Tôi chạy, đuổi theo chiếc mùi soa, trong bóng tối. Chạy mãi. Thế là hết. Không bao giờ còn gặp Lily nữa. Không bao giờ. Còi tàu rít, nghe xa lắm rồi. Tôi quay lại sân ga. Sân ga vắng. Tôi định bụng sẽ giữ chiếc mùi soa rơi, giữ mãi, i như nó thế này, suốt đời. Tôi không biết đi đâu. Rồi tôi cũng ra phố. Phố Hà Nội đêm trống rỗng. Một vài ánh đèn ngả trên đường nhựa. Đêm không đủ lạnh không đủ nóng. Trong tôi cũng không thấy đâu ngay cả một cơn gió ảo não. Để mặc đôi chân, đưa đi đâu, thì tôi theo đấy. Tôi không nghĩ gì, chẳng còn gì quan trọng nữa. Sao mà vô nghĩa thế. Tôi nhìn sao trời trắng lôm lốp, là sao tháng năm. Một lúc không rõ mấy giờ, tôi về đến cửa nhà Tình Bốp, nhưng tôi không vào. Cũng không í định về nhà tôi. Nhưng rồi không hiểu sao tôi lại về nhà. Tôi mở cửa. Tôi bật đèn. Nhà lạnh tanh. Em Cốm đang nằm khóc rưng rức, ở xó giường. Tôi ngồi xuống bên Cốm, lòng ngổn ngang. Nào tôi có muốn thế này. Cốm quay ra, mắt sưng húp. Mặt cũng sưng húp. Cốm nói: “Sao không hái mít nhà con đĩ Phòng Nhì đem về cho tôi?” Nói xong lại nấc lên, lại quay phắt vào tường. Cốm có mang 3 tháng, người Cốm cứ he hé như nhánh lúa con gái. Tôi nhìn ra cửa sổ, thấy mảnh vườn tháng năm, vừa quen, vừa lạ. Lá ổi chen lẫn lá nhãn, đen sì, he hé đó đây, mấy ngôi sao tháng năm. Bất chợt tôi giật thót tim. Nhô lên qua cửa sổ, là nó, thằng nhọn cằm. Rõ ràng là cái mặt nó, không thể nào lầm được. Nó cười. Nhưng không được nổi một tictăc, cái mặt đã biến mất vào đêm tôi. Tôi chạy ra cửa sổ. Không có ai cả. Mảnh vườn vẫn êm ả. Vẫn mấy ngôi sao tháng năm, lẫn trong lá ổi, lá nhãn. Cốm nói: “Thôi đừng đóng kịch. Đừng này nọ đánh lừa gái này”. Tôi không nói gì. Còn biết nói gì. Trống ngực đập một mình, tôi khép cửa sổ lại. Tôi tắt điện. Nhà mùa hè mà lạnh ngắt: tôi đã mất mùa hè. Tôi đã mất Lily.

V

Năm nay tôi 23 tuổi, đủ thời gian để tôi đã kịp iêu mấy vụ mà thất bại, đã kịp hối hận mấy lần, nhưng tôi rất chóng quên. Những lần đi nhà thổ và vườn hoa về, tôi lại thấy khó quên hơn. Có lẽ bởi vì, bao giờ cũng vậy, bao giờ tôi cũng chỉ về nhà, sau 3 giờ sáng, và bao giờ người cũng rã rời, sau những xúc động quá mức. Nhưng chính xác hơn, cái khó quên hơn, có lẽ là quãng chuyển giao, giữa đêm và ngày, là quãng đường từ chiếc giường không quen, về cổng nhà tôi. Khoảnh khắc ấy, đoạn đường ấy, là Hà Nội đêm. Một mình, trong đầu rỗng tuếch mà đi bộ ngoài phố đêm, thế nào cũng khó quên. Giỗng hệt như một đêm 6 năm trước, tôi đi đi ngoài phố đến 5 giờ sáng, mồm đắng, toàn thân rã rời hình như sau một vụ tỏ tình thất vọng. Phố lúc ấy tinh mơ. Mặt trời đang mọc trên vườn hoa. Tự dưng thấy tuổi 17 của tôi sao mà hư vinh, thấy cả 36 vẻ phù hoa, của kiếp sống. Tôi vào hiệu cạo trọc sọ. Trong túi vẫn còn bức thư tình bị trả lại, sau khi bị chữa be bét bằng mực đỏ. 3 ngày trước tôi đã gửi nó, cho một con bé 17 tuổi, để con bé chẳng khó khăn gì mà tìm được vô số lỗi chính tả, lỗi hành văn. Con bé bĩu môi, lấy bút đỏ gạch xóa, và đi bộ ra tận bưu điện, để gửi trả tôi bức thư, và chấm hết cuốn tiểu thuyết ba xu. Tất nhiên tôi đã quên mất, cả giọng nói lẫn chiều cao của nó. Nhưng tôi còn nhớ đã đi xe đạp trên đường vắng, để đón đầu con bé, cũng vào đúng một buổi chiều. Tôi ghếch xe đạp lên vỉa hè, tôi nói cho xin tí hôn. Nói sao tôi làm vậy, để được nghe con bé chửi thằng cao bồi, đồ mất dạy, và để chấm dứt luôn cuốn tiểu thuyết rẻ tiền. 6 năm sau, tất nhiên, tôi đã quên đi toàn bộ câu chuyện dấm dớ. Nhưng anh chàng thất tình đi bộ, đêm ấy trên phố, thì tôi vẫn nhớ. Suốt 6 năm, tôi không gửi thư, kể cả thư tình đi bất cứ đâu. Dạo ấy tôi chưa viết nhật kí, nếu có nhật kí, biết đâu hôm nay lấy ra, xem lại tên con bé dớ dẩn ấy, biết đâu được một ngày bú dù. Sáng hôm nay, sau một đêm khó khăn ngoài sân ga, và một đêm khó quên trên phố, tôi dậy muộn. Em Cốm đã đi làm. Tôi lại nhớ đến Lily. Tôi nằm nghe, tiếng tàu điện lanh canh, ngoài phố xa. Phố đang tấp nập. Tôi biết lúc này, mặt trời đã sáng nhóe. Tôi nghĩ đến bản đồ đi lại, ăn uống và làm lụng nội thành, có lẽ không còn mang tên tôi. Từ 3 hôm nay, tôi như thằng mất sọ. Từ 3 hôm nay, tôi chỉ là cái xác dằn di, đi lại như con rối bị rút ruột. Biết vậy nhưng tôi có thể làm gì hơn. 3 ngày dù sao cũng còn lại chiếc mùi soa trắng í nghĩa hơn cả, tôi vẫn giữ trong túi quần. Nằm mãi, tôi dậy, đun nước bếp điện. Tôi lèn phin càphê thật chặt. Rồi, ngồi đợi caphê tôi hút điếu Côtab nóng. Ngần ấy động tác, lặp lại ngần ấy buổi sáng, nhưng không chán, cho nên sáng nay tôi hút thuốc hai điếu liền, pha càphê hai lần. Nhưng rồi buổi sáng vẫn còn dài, tôi bèn pha thêm tách càphê thứ ba, còn thuốc Côtab thì không đếm nữa. Tôi lấy nhật kí ra, định ghi lại 3 ngày với Lily, mà chả biết bắt đầu thế nào. Tôi lại trả nhật kí vào chỗ cũ, tự nhủ Lily đi có lẽ lại tốt cho tôi. Không có Lily, ngày của tôi sẽ dài hơn, êm đềm hơn. Uống xong tách càphê thứ ba, tôi đi bộ ra phố.

Buổi sáng. Phố không đông, cũng không vắng người. Tôi đi bước một. Không phải bước một theo kiểu thi sĩ, triết gia. Mà là kiểu chữ bát. Tôi tạt qua nhà Tình Bốp, để lấy cái Stecling. Tình Bốp hẹn tôi, 2 giờ nữa quay lại ăn nem Phùng. Nhìn phố sáng nhóa mặt trời, tôi đến nhà thằng Đoành, định rủ nó lượn quanh vài vòng. Nhà thằng Đoành chỉ cách có vài bánh xe. Trước cửa nhà Đoành, là cửa hàng bán lặt vặt, tí hàng xén, tí mỡ lợn, tí dầu hỏa, cho người cơ nhỡ. Ngoài cửa hàng sáng, bên trong tối om, nhìn mãi mới thấy song thân phụ mẫu của nó, lúc nào cũng ngồi đối diện nhau, theo kiểu tướng ông tướng bà trong bộ tam cúc. Hai cụ ngồi trông cửa hàng cho cô chị thằng Đoành. Cô này chỉ lo những chuyện phía sau bức mành: cô đi lấy hàng, cô nấu cơm, cô giặt quần áo. Cô năm nay 30 tuổi, không chồng, rất điệu, lưng thẳng như khúc gồ. Cô mà đi phố thì rất mất thời gian, vì hễ thấy đàn ông, cô lại dừng chân từ xa và cúi mặt nhìn xuống đất. Cũng may là thằng Đoành ở một phòng riêng biệt trên gác, qua một cái sân trong. Muốn vào thì đi vòng, qua cái ngõ nhỏ bên cạnh, đỡ phải chào hỏi hai cụ thân mẫu ít nói, và cô chị ế chồng của nó. Tôi dắt xe qua ngõ, vào đến sân trong, nhìn lên phòng thằng Đoành, thấy rất lạ. Tôi thấy cô chị nó, đang dòm qua lỗ khóa. Cô mải dòm quá, cho nên tôi leo cầu thang đến ngay bên cạnh, mà cô không hề biết. Tôi nói: “Xinê à?” Cô giật nảy người, đứng thẳng lên, mặt đỏ dừ. Chắc lần đầu đứng gần đàn ông như thế này. Cô chửi để chữa thẹn: “Khốn kiếp”. Tôi nói: “Phim ban ngày à?” Cô càng đỏ mặt. Nhìn vào mặt tôi, chắc cũng là lần đầu cô nhìn mặt đàn ông gần như thế này, bởi vì cô nói: “Khốn nạn”. Phê bình tôi xong, cô ù té chạy xuống cầu thang. Nom cô đằng sau, với bím tóc gọn ghẽ trên gáy, tôi nghĩ đến khúc củi khô. Tôi đâm thương hại cho cô. Đạo đức của cô phiền toái quá. Tôi đấm cửa, ba hồi ba tiếng một, là mật hiệu tôi đến. Thằng Đoành nói từ bên trong: “Đợi tí”. Một tí của nó là 13 phút của tôi, cho nên đến phút thứ 13 nó mới ra mở cửa. Sau lưng nó, một người, chắc là nữ giới, tôi đoán thế, vì người này trùm chăn ô vuông đen trắng, kín mít, cho đến tận chân. Đoành kéo tôi vào, và đứng chắn ở giữa, để cô nữ trùm chăn vòng phía sau, mà đi ra ngoài. Đoành đóng cửa, rồi chỉ để hé, đúng một đoạn nhỏ, để cô nữ tuồn cái chăn vào trả lại. Sau đó thằng Đoành vẫn đứng chặn cửa, để cô nữ đi xa hẳn, không cho tôi ngó ra xem mặt. Sau đó, nó giải thích: “Nữ văn công tổng cục chính trị”. Tôi nói: “Có chồng chưa?” Đoành nói: “Còn giãy đành đạch. Tôm tươi, hoàn toàn chưa bóc tem”. Đoành nói thêm: “Không được nói với ai, ngay cả với Tình Bốp. Em này phải có danh dự tốt, mới công tác được. Em này ngây thơ lần đầu tiên. Cho nên lúc mày đấm cửa, em khóc lo lắng lắm”. Tôi nói: “Mày hỏng. Cái gì trong trắng không nên vọc. Thiếu gì chỗ để vọc. Mày làm nhọ đời người ta. Dầu tao không nói, người khác cũng sẽ biết. Tao lạ gì mày. Mồm mày không có nắp. Chính mày sẽ đi khoe, lung tung”. Đoành nói: “Tao thề không khoe ai cả. Thôi đừng mắng tao. Kẻo cơn hối hận nổi lên bây giờ”. Nói rồi nó đem ra một chai cônhăc, để uống mừng nó, và mối tình cô văn công dại trai. Vừa mới nhắp được một ngụm, đã thấy một bà đứng tuổi, mở cửa hết sức thô bạo, xồng xộc bước vào. Bà này áo trắng quần đen, đi chân đất, tóc vấn trần có tí đuôi gà, cài thêm cái lược nhựa. Nhìn biết ngay loại đàn bà vườn hoa. Bà này ném vào mặt Đoành một cái phong bì hồng, rồi đứng chống nạnh. Từ phong bì rơi ra vài cái ảnh cởi truồng. Tôi chẳng hiểu sao cả. Bà này không đợi tôi hỏi, thản nhiên tru tréo. Bà nói: “Hốc quịt à? Trông thế kia mà hốc quịt. Đây làm ầm lên bây giờ. Đây chẳng sợ xấu. Bán trôn nuôi miệng, còn gì mà xấu. Xấu là những đứa hốc đầy mồm, hốc no nê, bây giờ quịt. Thanh niên chế độ này thế à? Đi. Lên đồn công an”. Thằng Đoành cuống cuồng bảo im. Hóa ra bà đứng tuổi chính là cô văn công tổng cục chính trị, trùm chăn hay khóc. Thằng Đoành rối rít nói: “Tôi lầm. Im nào. Tôi lầm thôi làm gì phải mồm to”. Nó lấy ngăn kéo bàn ra một cái phong bì khác, cũng màu hồng. Bà này xé ngay phong bì, để kiểm soát bên trong có gì. Hóa ra là một tập toàn giấy 20 đồng (ăn hai hào bây giờ). Đếm xong, bà này nói: “Thiếu đây này. Đừng hòng ăn bớt. Đã mặc cả tử tế rồi. Lúc nãy hốc thì có bớt chút nào không?” Tôi móc túi, còn mấy hào lẻ, tôi dúi cho bà rồi tống ra cửa. Thằng Đoành cười sằng sặc, lại còn mắng tôi sa sả. Nó nói: “Mày ngu thế. Văn công tổng cục chính trị lấy đâu ra. Tao nói láo mà mày cũng tin. Quả là ngu như lợn”. Tôi đúng là ngu, thật như lợn. Tôi nói: “Đã thế ông uống hết rượu của mày”. Đoành nói: “Cứ việc uống. Vì tao phải đi đây, có tí việc mừng. Tao đi có hẹn 9 giờ”. Tôi nói: “Lại cô văn công nữa?” Nó tròn con mắt: “Sao mày biết?” Tôi nói: “Văn công chèo, tuồng, hay múa rối?” Nó bảo: “Mày cứ tưởng cái gì cũng biết. Tao đi gặp bà Hòa”. Tôi giật mình: “Hòa nào?” Nó nói: “Hòa bảo vệ khu phố. Chuyện đứng đắn đấy. Bà Hòa xin việc cho tao, hình như được rồi thì phải. Mày uống nốt đi. Đừng há hốc mồm nữa. Tao mặc quần áo, đi là vừa”.

Tác giả: