Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Lúc tôi kí tên, có lẽ 10 giờ tối, tôi không xem đồng hồ nữa. Ông bác sĩ, trong bộ blu trắng, khẩu trang trắng, mũ trắng, chỉ hở mỗi hai con mắt, giải thích cho tôi: “Tình trạng nguy kịch. Chúng tôi chỉ có thể cứu được một người thôi, hoặc mẹ, hoặc con. Anh quyết định ngay đi. Phải có chữ kí của anh, là người chồng”. Tôi đáp ngay: “Xin ông cứu cho người mẹ”. Và kí giấy, có lẽ vào 10 giờ tối. Tôi vào buồng mổ. Cốm nằm trên bàn mổ, trắng nhợt. Cốm vẫn mê man. Từ lúc vào đây, Cốm ngất đi ngất lại, mấy lần. Tôi đứng bên bàn mổ, trống rỗng trong lòng. Bác sĩ mời tôi ra ngoài. Tôi ra ngoài. Chị Hòa cũng phải ra ngoài. Rồi chị Hòa đi đâu mất. Còn lại tôi một mình, trong hành lang trắng nhợt. Tôi ngồi. Rồi không ngồi nữa. Tôi đi lại. Từ đầu hành lang, đến cuối hành lang. Tôi đi, từ cuối hành lang, về cửa phòng mổ. Dưới ánh đèn trắng nhợt. Tôi không nghĩ gì. Không muốn nghĩ gì. Lúc chị Hòa lộn lại, có lẽ là 11 giờ. Chị Hòa mặc blu trắng, cứ ngỡ cô i tá nào. Chị Hòa nói: “Anh Dưỡng ạ. Bệnh viện không cho người nhà ở lại đêm. Tôi đã mượn được bộ blu trắng. Tôi sẽ ở lại đây. Tôi ở lại, cho tới khi mọi việc không còn gì đáng lo ngại, tôi mới về. Bà cụ đến, tôi sẽ tìm cách đón vào. Anh nghe tôi, có thể lúc này ở nhà, bác Mẫn và anh Thái đang chờ anh. Anh về đi, như vậy được cả đôi đàng”. Giọng chị Hòa dịu ngọt. Bao giờ chị Hòa cũng ngọt. Tôi nói: “Trăm sự nhờ chị. Có gì, chị báo tin, cho tôi ngay. Chị tốt với vợ chồng tôi quá.” Nói rồi, rời hành lang trắng nhợt. 11 giờ 30 tôi về.

Những ngã tư và những cột đèn. Tôi đạp xe đêm láo nháo, trong đêm láo nháo gió, láo nháo khói, láo nháo bóng tối và ánh điện. Tôi nhớ cả lời nói, cả giọng nói, cả bộ blu trắng, cả hai con mắt, của bác sĩ. HOẶC MẸ-HOẶC CON. Thế là thế nào? Thế là, hoặc-mẹ-hoặc-con, thế là i như trong thánh kinh. Thế là tôi được một ngã tư. Thế là một ngã tư. Đời đầy những ngã tư. Tối nay, tôi đến ngã tư, đã chọn, hoặc-mẹ-hoặc-con. Tôi đã chọn MẸ. Tôi kí giấy. Tôi đã chọn, như tự nhiên như thế. Đêm đông rét lắm. Tôi đạp xe láo nháo, qua đám khói trắng, qua những ngã tư và những cột đèn. Một ngày dễ nhớ còn chưa kết thúc.

Tháng tư 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Tôi tương đối hài lòng về phương pháp làm việc: là sử dụng giả thuyết, chứ không đặt giả thiết. Kết quả cho thấy các đối tượng tôi nghi vấn, quả có phạm pháp thật. Hôm ấy hình như thứ ba. Có nhiều hiện tượng phức tạp và kì lạ. Nhọn-cằm bỗng dưng xuất hiện. Chỉ trong một buổi chiều, Nhọn-cằm tới tấp ném đi bảy, tám mệnh lệnh. Nhọn-cằm hẹn các cô gái đến chỗ hẹn, mỗi cô ở một địa chỉ, mỗi cô một giờ. Ví dụ cô Hoa 7 giờ tối, sẽ gặp Nhọn-cằm ở vườn Bách Thảo, cạnh chuồng khỉ. Cô Lựu 8 giờ sẽ ở vườn hoa Nhà Kèn. Cô X, 8 giờ 30 trước cửa trường đại học. Cô P, 9 giờ 30 ở bờ sông, dưới cột đồng hồ. Vân vân. Nhọn-cằm đích thân đi bộ, không hiểu sao, chọn đúng lúc cô Hoa đang một mình, để ném bao thuốc lá vào hàng càphê vắng. Để tiếp cận các cô gái khác, Nhọn-cằm thuê tiền các em nhỏ, trong phố, dặn đưa tận tay. Không hiểu vì sao, Nhọn-cằm lại sơ hở như vậy. Khoảng 6 giờ tối, đồng chí Tóc Bạc và đồng chí Trần B đã nắm được hết tin tức. Nhưng đồng chí Trần B có vẻ nghĩ ngợi. Gần 4 giờ 30 chiều, lão Khang đến địa chỉ bí mật. Lão móc túi, đưa đồng chí Trần B, một mảnh giấy nhỏ. Nêu tôi nhớ không nhầm, trên giấy ghi như sau: “Tối nay, đóng cửa hiệu sách. Đúng 7 giờ, ông bắt đầu rời nhà, ra phố. Đi bộ, đi đâu tùy í. Đúng 9 giờ, vào xem chiếu bóng, tại rạp E. Vé đã mua kèm theo đây. Tan buổi chiếu, sẽ thấy tôi đón ngoài cửa rạp. Hãy lẳng lặng đi theo tôi. Xem xong hủy ngay. Nhọn-cằm”. Bức thư không viết tay, mà chắp lại những chữ cắt rời, từ báo, như sắp chữ nhà in vậy. Tất cả các thư Nhọn-cằm gửi chiều nay, đều được lắp ghép, theo cùng một cách. Lão Khang khai, buổi chiều khoảng 4 giờ, lão tìm thấy mẩu giấy, và cái vé chiếu bóng, đặt trên bàn nhà lão, dưới chiếc gạt tàn. Chưa bao giờ Nhọn-cằm tiếp cận lão theo cách này, làm lão chột dạ. Lão lo sẽ bị Nhọn-cằm thủ tiêu, đêm nay sau buổi chiếu phim, cũng có thể ngay trong buổi chiếu. Lão sợ, không dám đi. Nhưng không đi, cũng chết. Đồng chí Trần B nói: “Đúng. Không đi càng lộ. Nhưng tôi hỏi ông. Ông có thực bụng, lập công chuộc tội không?” Lão Khang nghe vậy tái mặt, rồi lồng lên cuống quít. Lão thề đêm nay, sẽ một lòng một dạ, vì chính phủ, có chết lão cũng sẵn lòng. Trước khi lão Khang về, đồng chí Trần B không đặt kế hoạch gì, cho lão, đồng chí chỉ nói: “Ông báo tin kịp thời thế này, là rất tốt. Coi như là một công. Còn ông đi hay không, là tùy ông quyết định”. Lão Khang ra về, nếu tôi không nhầm, là 5 giờ 15.

Càng về tối, trời càng lạnh, gió đông bắc thổi càng mạnh. Đồng chí Trần B hỏi tôi: “Theo cậu lão Khang hàng thật hay hàng vờ?” Tôi nói: “Thật”. Trong công tác, chúng tôi thường xuyên gặp, những trường hợp khó khăn, giống như đứng trước ngã ba ngã bảy, phải tiếp tục đi, mà không biết chọn ngả nào. Ví dụ, chuyện lão Khang: biết đâu lão đang đánh bẫy chúng tôi. Biết đâu lão chính là tên cầm đầu cả bọn. Vẻ ngoài nhút nhát của lão, cũng biết đâu, chỉ là trò diễn kịch khéo léo. Cuộc chơi của Nhọn-cằm tối hôm ấy, cố tình bày ra trước chúng tôi, biết bao lối rẽ. Buổi tối sắp tới nơi rồi, chúng tôi vẫn không xác định được Nhọn-cằm sẽ hành sự ở ngả nào, chúng tôi sẽ đi ngả nào, bỏ ngả nào? Lại còn những ngả khác nữa. Chúng tôi không thể đủ người, cho tất cả các ngả. Tôi nói, với đồng chí Trần B: “Tôi nghĩ Nhọn-cằm làm nghi binh. Ắt nó đang nghiền ngẫm, một việc gì táo tợn và cấp thiết, buộc nó phải làm trong tối nay, bằng bất cứ giá nào. Đêm nay phải có chuyện gì. Không loại trừ khả năng có án mạng”. Đồng chí Trần B gật đầu. Chúng tôi bàn xong kế hoạch, trời cũng vừa ập tối. Nếu tôi nhớ không nhầm, vừa đúng lúc ấy, điện thoại reo trên bàn. Đồng chí Trần B nhấc máy, và quay sang tôi, làm hiệu, bằng cái mồm tròn lại, và mấp máy không thành tiếng. Tôi có thể đoán được, là đồng chí muốn phát âm chữ “Bố”. Bố, tức đồng chí Tóc Bạc, phụ trách toàn bộ phòng phản gián bộ nội vụ. Tôi đoán đồng chí Tóc Bạc đang ra chỉ thị. Lúc ấy hình như, 6 giờ 10. Đồng chí Trần B đặt ống nghe xuống. Đồng chí nói: “Bố dặn phải cẩn thận. Phải ngăn chặn những án mạng thủ tiêu đầu mối, có thể xảy ra trong đêm nay. Bố dặn, đừng để chúng giết nhau. Nay mai bắt chúng lao động, sản xuất, trong tù, có lợi cho xã hội hơn. Bố dặn, phải chú í ở phía Tình Bốp”. Thế là còn ít phút nữa, chúng tôi sửa, và bổ sung kế hoạch đã bàn. Buổi tối tràn xuống bao la, buổi tối rét buốt và lồng lộn gió. Chúng tôi chờ, để xuất phát.

Hôm ấy hình như thứ ba. Tôi tìm được hơn 30 trang, ghi chép sự kiện trong hồ sơ lưu trữ, chỉ riêng cho một ngày thứ ba ấy. Cậu Dưỡng ngay từ đầu giờ tối, đã nằm dưới sự giám sát của chúng tôi. Lúc Dưỡng ngồi trong nhà Ngỡi, trinh sát của tôi mặc thường phục, súng ngắn giắt trong người, đã lảng vảng bên ngoài. Cậu trinh sát, tên là Quỳnh, cũng chính là người đã để xổng tay Nhọn-cằm, ở ngôi nhà ba cổng, vào cái đêm nọ. Lúc đồng chí Trần B giao nhiệm vụ, cậu Quỳnh thấy lạ lắm. Nêu tôi nhớ không nhầm, cậu nói: “Tôi phải theo sát thằng tàu bò? Theo sát, nghĩa là vừa ngăn cấm nó làm bậy, vừa phải bảo vệ nó. Nhưng vì nhiệm vụ, iên trí, sớm mai tôi sẽ trao trả thằng tàu bò lại, cho các anh. Nguyên xi, một cái lông không suy chuyển”. Đồng chí Trần B nói: “Không được để thằng tàu bò đi đâu, không có giám sát. Và được phép sử dụng súng”. Sớm hôm sau, cậu Quỳnh về báo cáo. Cậu đã theo Dưỡng, bằng xe đạp, xuống tận bệnh viện Bạch Mai. Cậu Quỳnh thấy lạ nhất, là cậu đi theo sát sạt như thế, mà Dưỡng không hề để í có người đi theo. Dưỡng đạp xe ngoằn ngoèo, rất nhanh trong phố, làm cậu Quỳnh không còn cách nào, cũng phải bám sát theo sau, có lẽ không được bí mật cho lắm. Tôi cũng mường tượng được, những khó khăn, mà cậu Quỳnh đã gặp. Ví dụ, để lọt qua cổng bệnh viện, mà không xuất trình giấy tờ, cho gác cổng, và không được để mất dấu cậu Dưỡng. Ví dụ, để theo được Dưỡng, vào tận hành lang phòng mổ, là cả một bí mật lớn, của nghề trinh sát phản gián. Cậu Quỳnh báo cáo, không có đối tượng nào tìm cách tiếp cận Dưỡng, như một dấu hiệu không may cho trinh sát, giống hệt như buổi đêm không may, trước cửa ngôi nhà ba cổng, lần trước. Không có gì xảy ra cả. Khoảng 11 giờ 30, Dưỡng rời bệnh viện, đạp xe rất nhanh, nhưng cũng rất ngoằn ngoèo, về nhà. về đến nhà, quá nửa đêm giờ tí. Nhưng chỉ được gần 3 phút, Dưỡng lại đạp xe, lên đập cửa nhà bác Mẫn, sau này tôi biết, là để báo cáo với bác, kế hoạch của cậu với Đoành, buổi tối hôm ấy. Sau đó Dưỡng về nhà, bật điện sáng trưng, rồi đem rượu ra uống. Trong có vẻ trầm tư, trái ngược với bộ quần áo, và dáng vẻ bên ngoài. Đêm ấy, Dưỡng mặc quân tuýp, áo budông ngắn cũn cỡn, tóc càn càn kiểu Đông Đức. Dưỡng hút thuốc, như cái ống khói nhà máy. Nhưng lúc ngồi một mình uống rượu, trong khói thuốc mịt mù, trông lại ngoan ngoãn, như học sinh. Cậu Quỳnh nhận xét như vậy. Tôi hình dung cậu Quỳnh, ngồi trên một cành cây, ngoài vườn, trong đêm rét. Lúc lúc, lại lấy gói bánh mì giò mỡ ra ăn, cho ấm người. Ngoài cửa sổ, cậu Quỳnh nhìn rõ Dưỡng đi đi, lại lại, trong đám khói thuốc, dày đặc và trắng xóa như sương mù, nhưng rất thường xuyên ra đứng soi gương. Không biết có phải là một tật xấu, không bỏ được của Dưỡng? Khoảng 1 giờ 15, Dưỡng vận áo khoác Raclăng, tắt điện, đóng cửa, đi ra phố. Lần này Dưỡng đi bộ. Cậu Quỳnh cũng đi bộ. Xe Quỳnh phải bỏ lại, cho may rủi, mất thì thôi. Dưỡng đi bộ lung tung: Bờ Hồ, vườn hoa. Sau đó ăn phở. Sau đó lại đi bộ lung tung, trong phố Hàng Bạc, ngõ Tạ Hiền, phô Hàng Giầy, rồi ra bờ sông. Bờ sông buổi đêm, gió thổi từ miền đông bắc, về qua sông Hồng, lạnh khủng khiếp. Bờ sông buổi đêm, không một bóng người. Không có gì đặc biệt xảy ra, cậu Quỳnh để chấm hết bản báo cáo, có nhận xét thêm một í kiến cá nhân, là cậu không hiểu, Dưỡng đi bộ như thế, để cho chương trình lãng mạn nào?

Tác giả: