Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Chẳng hiểu sao Việt cứ đánh nhau là đen. Lúc bị đánh xong, Tiến Còi còn lảo đảo đi vào lớp được. Thế mà sáng hôm sau, thầy hiệu trưởng gọi Việt, Giang, Ngọc lên phòng Ban Giám hiệu, thông báo mẹ Tiến Còi tới xin cho Tiến nghỉ học vì nó bị các bạn lớp 9D đánh chấn thương sọ não, có giấy chứng thương của bệnh viện. Tiến Còi không biết cú đá làm nó phải nhập viện là của Hòa. Hòa nghĩ bụng: “Mình thoát vụ này, hóa ra quýt làm cam chịu”. Nó bèn theo ba đứa lên gặp Ban Giám hiệu, nhưng Giang Cận cản lại: “Mày đừng tỏ ra anh hùng rơm. Khi không cần thiết, không nên tổn thất thêm lực lượng”. Việt đồng tình: “Thằng nào bị lộ thì thằng đó chịu. Mình là dân Quân khu Nam Đồng chứ đâu phải võ sỹ đạo, đừng hy sinh vô ích”. Ngọc cũng nói: “Trong cả bọn, bà già tôi tin tưởng nhất ông và thằng Giang vì nghĩ hai thằng ngoan và học giỏi. Tôi đi đánh nhau ở đâu cũng nói đi chơi với ông và thằng Giang. Nay thằng Giang mất tín nhiệm rồi, ông phải náu mình để còn làm bình phong cho tôi”. Thấy Hòa vẫn chần chừ, Việt nói thêm: “Ông cứ coi bảo toàn lực lượng cũng là nhiệm vụ”.

Thầy Hiệu trưởng yêu cầu ba đứa nghỉ học viết kiểm điểm và mời phụ huynh đến gặp nhà trường. Việt thì chả có vấn đề gì, bố nó đã quá quen việc ra đồn công an hay đến gặp giáo viên chủ nhiệm. Nhưng Giang hơi ngại báo gia đình, vì nhà nó từ xưa tới nay không quen loại việc này. Nó nhờ bác hàng xóm đi hộ. Giang sống rất vui vẻ, hay giúp đỡ hàng xóm sửa chữa điện đóm, chuồng gà, hoặc thỉnh thoảng tiện tay xách hộ xô nước, bao gạo lên cầu thang. Vì vậy bác hàng xóm đồng ý đóng giả mẹ nó, tới trường gặp thầy hiệu trưởng cam kết và hứa hẹn loạn xạ. Ngọc mới phiền. Má nó ốm, không đi được. Nhưng ngại nhất là bà nói dai. Bà mà biết chuyện này sẽ chửi nó cả tháng, nghe khó chịu lắm. Ngọc chẳng biết nhờ ai. Người lớn mà nó thân và tin tưởng nhất là ông của Hà, nhưng nhờ chuyện này thì mất mặt quá, thành thử Giang và Việt được đi học rồi, Ngọc vẫn phải ở nhà vì chưa đưa phụ huynh tới gặp nhà trường. May mà cô Hoa biết chuyện. Cô tới gặp thầy hiệu trưởng xin cho nó. Cô nói dối đã đến nhà Ngọc, phản ánh sai phạm của nó với gia đình. Má Ngọc đang ốm nhưng cũng gượng dậy mắng nó một trận và nhờ cô báo cáo thầy hiệu trưởng sẽ tăng cường quản lý con cái, cam kết không để nó tái phạm khuyết điểm.

Bọn con trai trong khu Nam Đồng hàng chục năm sau vẫn nhớ những sự giúp đỡ kiểu như vậy của cô Hoa. Biết hoàn cảnh nhà cái Cúc khó khăn, Việt thỉnh thoảng tìm cớ này cớ nọ để giúp đỡ. Nó thì thầm với Hòa : “Coi như báo hiếu cô Hoa!”

2

Cạnh nhà Lượng có một ông hàng xóm, con trai vừa học ở nước ngoài về. Thời đó, gia đình nào có con đi học nước ngoài về thường rất tự hào, ngoài việc con cái thành đạt còn vì kinh tế trong nhà thay đổi hẳn. Lượng ghét cái thằng hàng xóm đi Tây về thậm tệ. Tóc dài, ăn mặc lố lăng, suốt ngày bật máy hát ông ổng mấy bài hát tiếng nước ngoài, nghe chẳng ai hiểu, lại còn vặn to, ảnh hưởng tới việc học bài của Lượng và Hoa.

Nhân vụ chuẩn bị đi thăm và tiếp tế cho Việt và Nam Diễm, Lượng quyết định một công đôi việc. Nó hẹn Hoàng và Quốc Tẩm sáng thứ Tư trốn học, chờ nó ở chợ trời Phùng Hưng, “có cái này hay lắm!”. Sáu giờ sáng, mọi người đi làm hết. Ngay sau đó, Lượng trèo qua lan can từ phía sau nhà nó sang nhà hàng xóm, nạy cửa vào lấy cái máy hát, tiện tay lấy luôn cả cái đồng hồ để bàn, bỏ vào bao tải gạo, mang lên Phố Phùng Hưng đưa cho Hoàng và Quốc Tẩm. Hai thằng không biết đồ này ở đâu ra, chỉ thấy bảo đi bán lấy tiền thăm Việt và Nam Diễm nên đồng ý luôn. Hỏi bán giá bao nhiêu, Lượng bảo cứ đòi hai trăm đồng, nhưng trăm rưởi cũng bán. Quốc Tẩm cho rằng muốn bán giá hai trăm phải “quát” ba trăm. Bán mãi không được, (giá cứ đồng ý bán trăm rưởi thì đã xong lâu rồi) cả hai định về, mai đi bán tiếp thì gặp một thanh niên tóc dài, mặc áo bộ đội, trông đích thị dân phe chợ trời. Biết hai đứa bán máy hát và đồng hồ, hắn đồng ý mua và rủ xuống cái hầm trú ẩn cạnh đấy để xem hàng cho kỹ. Hai đứa phấn khởi, vừa mở bao tải, vừa ra giá ba trăm thì nghe một giọng lạnh như tiền: “Hai anh đã bị bắt. Tôi là công an Kinh tế khu Hoàn Kiếm”. Hoàng bực mình: “Định trấn lột hả? Mày thì công an cái mẹ gì. Có biết bố mày là ai không?”. Mồm nói, tay nó rút ngay chiếc búa trong bụng ra định đánh. Người đàn ông tay phải rút chiếc thẻ đỏ, tay trái rút còng số 8, nghiêm giọng: “Tôi là công an mật. Yêu cầu anh bỏ vũ khí xuống”. Hoàng xưa nay đánh nhau, một chứ năm thằng nó cũng chẳng sợ, nhưng trông thấy chiếc thẻ công an và chiếc còng số 8 là nó mất hết nhuệ khí, mặt ngơ ngác: “Ơ… đang mua bán sao chơi kiểu này? Thôi, cho ông tất đấy, để chúng tôi đi”. Người đàn ông nói: “Hai anh đã bị bắt. Yêu cầu theo tôi về đồn”.

Vì không thống nhất trước phải khai thế nào khi bị bắt, (ai mà nghĩ tới chuyện có thể bị bắt?) nên Quốc Tẩm với Hoàng cứ có sao nói vậy. Đến lúc đó chúng nó vẫn nghĩ Lượng lấy đồ của gia đình cho chúng nó đi bán. Theo lời khai của hai đứa, công an về ngay khu Kim Liên bắt Lượng. Thời điểm đó, số tài sản ấy là lớn, nên sau một tuần nằm ở trại giam của công an Hoàn Kiếm, ba đứa được chuyển tới Trại giam Hỏa Lò, mỗi đứa một nơi.

3

Vừa bước vào phòng giam, Hoàng lập tức bị đánh dằn mặt và bắt nằm cạnh chỗ đi vệ sinh. Phòng giam chứa được khoảng 100 phạm nhân, chia làm 4 dãy, hai bên hai dãy cao, ở giữa là hai dãy thấp, góc cuối bên phải có một phòng vệ sinh, vô cùng bẩn. Nằm đây, mỗi đêm Hoàng phải dậy hàng chục lần. Đứa nào đi vệ sinh Hoàng cũng phải cuộn chiếu, tránh đường, nếu không sẽ bị tụi nó dẫm lên chiếu, thối hoắc. Vì thân cô thế cô nên Hoàng cắn răng chịu.

Tình cờ, sau khi hoàn thành lấy khẩu cung vụ đánh nhau ở trường Xã Đàn. Bích và Quang Anh cũng bị đưa về Hỏa Lò. Hai thằng bị nhốt ở phòng giam số 6. Sang ngày thứ ba, hai thằng gây ra một trận đánh lộn với bọn trong phòng. Giám thị quyết định tống mỗi thằng một nơi. Quang Anh chuyển đến phòng số 8. Bích được đưa sang phòng Hoàng. Chân ướt chân ráo vừa tới phòng, Bích đã bị một cái tát như trời giáng vào mặt và bị bắt ra nằm cạnh phòng vệ sinh.

Gì chứ vụ nằm cạnh hố xí thì Bích đã biết. Đêm hôm trước, ở trại giam của công an khu Đống Đa, Bích cũng bị đám anh chị ở đó xếp cho chỗ bên cạnh hố xí. Gọi là “hố xí”, nhưng thực ra là một góc phòng, có cái xô bằng cao su để cho phạm nhân đi vệ sinh vào. Đã vậy, đám anh chị còn bắt Bích làm lễ nhập môn bằng cách chui háng chúng. Khi Bích ngồi lỳ, không chịu chui, lập tức một thằng nhào đến đánh. Bích vớ luôn cái xô cao su đầy phân và nước tiểu úp vào đầu nó – một việc chưa từng xảy ra trong lãnh địa nhà giam. Ba thằng “sỹ quan” nhảy xổ vào Bích. May mà có mấy năm học võ Vịnh Xuân, chứ không Bích cũng tàn đời. Thấy ồn ào, quản giáo chạy vào kiểm tra. Sau khi quật cho Bích mấy dùi cui vào đầu, vào lưng, họ đưa Bích vào phòng biệt giam.

Đã có kinh nghiệm từ trại giam khu Đống Đa, nên dù vừa bước vào phòng đã bị đánh, Bích vẫn cười nhạt. Thấy Hoàng đang ngồi cạnh hố xí, nó đưa mắt ra hiệu rồi chọn một chỗ cao, ném bọc quần áo và ngồi xuống, bất chấp lệnh của “sỹ quan” phòng giam. Thằng vừa đánh Bích tiến lại. Bích vẫn thản nhiên ngồi, thò tay phải ra sau vờ gãi lưng, thực chất là nó vơ mấy cái bát sắt mọi người vẫn gọi là bát B52, xếp chồng lên nhau, giữ đít bát trong lòng bàn tay. Loại bát này dành cho các phạm nhân múc nước để tắm hoặc rửa mặt. Một cú đá thẳng vào mặt Bích. Bích bật sang bên phải tránh, đồng thời chồm dậy, nắm chặt đít mấy cái bát chồng lên nhau, dùng hết lực vỗ đánh ụp vào mang tai thằng vừa đánh mình. Là dân học võ, Bích thừa hiểu cú đánh vào mang tai uy lực thế nào. Thằng kia gục xuống ngay, ôm đầu lăn lộn. Lập tức hai thằng nhảy vào đánh Bích. Hoàng từ phía dưới lao tới, tay đấm chân đạp, như muốn trút ra hết nỗi nhục nằm cạnh hố xí đêm qua. Cú đạp của Hoàng đẩy một đứa bắn về phía Bích. Bích dùng một thế võ Vịnh Xuân, túm cổ tay nó vặn ngược, dùng cườm tay còn lại chặt vào khuỷu, nghe đánh “rắc”, liền sau là một một tiếng hét rợn người. Vẫn kiểu đánh của Quân khu Nam Đồng, hạ gục thật nhanh từng thằng một khi phải đánh với đám đông. Phòng giam nhốn nháo. Nghe tiếng la hét, quản giáo mở cửa vào kiểm tra. Tất cả im bặt, ai ngồi chỗ nấy. Không khí lặng ngắt, lạnh lẽo.

Bích và Hoàng tuy đã bị giam vài lần, nhưng chưa bao giờ chúng bị nhốt ở Hỏa Lò, lại rơi đúng phòng giam số 14, là nơi giam tù án nặng. Giám thị trại cũng hơi quá tay khi xếp hai đứa vào đây. Đáng lẽ nên giam chúng ở phòng số 17, là nơi nhốt con em cán bộ. Đành rằng chúng ngang bướng, gan lỳ, nhưng thực chất cũng chỉ là những đứa trẻ, chưa hiểu gì về chốn lao tù. Vào phòng giam số 14 Hỏa Lò mà chúng vẫn hành động như ở Quân khu Nam Đồng nhà chúng thì đúng là “con nghé mới sinh không kinh con hổ”. Về sau một bạn tù nói, ngay khi xảy ra chuyện, anh ta nghĩ Bích và Hoàng sẽ không sống nổi qua đêm đó, hoặc có sống cũng thân tàn ma dại. Chưa có phạm nhân nào dám động tới lông chân một “sỹ quan” trong phòng giam số 14, chứ đừng nói tới chuyện đánh gục một lúc hai thằng.

Giám thị vừa ra khỏi phòng, Bích và Hoàng đứng dậy, dựa vào nhau, sẵn sàng đánh tiếp. Bốn thằng nữa tiến lại. Bích cười: “Chúng mày có ngon thì một đánh một. Nếu thua, tao chấp nhận nằm hố xí luôn, khỏi cần đánh”. Bọn kia không thèm đếm xỉa tới đề nghị của Bích. Đây là phòng giam Hỏa Lò, đâu phải lãnh địa Lương Sơn Bạc mà bày trò anh hùng mã thượng. Nhưng dù chúng là diện “sỹ quan”, dễ gì đánh ngã hai thằng thiện chiến bậc nhất của Quân khu Nam Đồng, từng vài năm học Vịnh Xuân quyền và cũng có ngần ấy năm đánh lộn. Khoanh tay đứng nhìn bọn Bích bất chấp sống chết, đánh ngã thêm một thằng nữa, Hồ Biền, đại ca phòng giam hạ lệnh: “Ngừng tay!”.

Tác giả: