Tư duy phản biện – Zoe McKey

Cũng đừng đợi cho đến khi bạn đói meo. Khi lượng đường trong máu giảm, não của bạn chuyển sang những tư duy ngắn hạn, những hành động ham muốn và bốc đồng, cũng giống như khi bạn mệt mỏi vậy. Hãy ăn uống đủ bữa.

Hãy cam kết thực hiện các hành động nhất quán để kiểm soát bản thân – ăn sáng, cải thiện vóc dáng, uống ít cà phê, lập ngân sách – có thể tăng cường toàn diện ý chí của bạn.

Cách khó nhất nhưng cũng hiệu quả nhất để rèn luyện kiểm soát bản thân và ý chí đó là những hành động ngược lại với mong muốn. Ví dụ, bạn để một bát đầy loại kẹo yêu thích lên bàn trong khi làm việc và tự ngăn mình chạm vào chúng. Đặt các điếu thuốc hoặc ống điếu ở ngay gần, nhưng không hút. Mở các trình duyệt mạng xã hội bạn hay dùng trong những tab khác nhau nhưng không nhìn vào nó, dù có thông báo mới hiện lên. Điều đó cực kì, cực kì khó khi mới bắt đầu. Tuy nhiên, nó làm vững mạnh ý chí của bạn hơn bất kì điều gì khác.

Sự nguy hiểm của việc nuông chiều bản thân

Đôi khi chúng ta cho rằng mình chỉ tự hại bản thân nếu KHÔNG làm điều gì đó đúng hoặc không làm gì cả. Nhưng, các nghiên cứu chỉ ra rằng khi chúng ta làm điều gì đó tốt, chúng ta vẫn có thể tự hại bản thân. Tại sao?

Khi chúng ta thực hiện thành công một việc gì đó, chúng ta thường cảm thấy tự hào về bản thân. Ảnh hưởng từ những phản hồi tích cực sẽ dẫn chúng ta đến việc tin tưởng vào sự thể hiện của mình. Bản thân việc đó không xấu – nhưng nó có thể thuyết phục chúng ta gỡ bỏ cơ chế bảo vệ và cho phép chúng ta làm điều xấu.

Nếu bạn coi một hành động mình làm là tốt, nó sẽ tiến gần hơn đến sự nuông chiều bản thân. Ví dụ, nếu bạn cho rằng bản thân mình “tốt” khi bạn ăn uống lành mạnh, và “xấu” khi ăn uống không lành mạnh, và khả năng cao là bạn sẽ ăn đồ ăn nhanh vào ngày mai nếu hôm nay bạn ăn salad. Bạn có cảm giác rằng mình có quyền nuông chiều bản thân một chút. Bạn cảm thấy rằng mình đáng được ăn một chút sô cô la ngọt sau khi tập thể hình, đó là phần thưởng của bạn.

Không may là, nó có thể trở thành một cái bẫy nếu bạn không nhận thức về nó. Khi bạn cảm thấy mình thành công, ý tưởng tìm kiếm sự hưởng lạc không khiến bạn cảm thấy đó là sai. Bạn thấy rằng điều đó đúng đắn, giống như là bạn xứng đáng có nó. Nếu không lưu ý, bạn sẽ bắt đầu hành động chống lại những điều bạn quan tâm nhiều nhất, vì bạn tin rằng hành động nuông chiều bản thân là một phần thưởng.

Bạn càng tới gần hơn với mối đe dọa lớn nhất nếu như động lực chính để kiểm soát bản thân của bạn là để trở thành một người tốt hơn. Bạn có thể sẽ từ bỏ và quên mất mục tiêu lâu dài này của mình ngay khi bạn cảm thấy bản thân mình tốt hơn một chút ít.

Điều đó xảy ra trong khi bạn đang tập thể thao, bạn đếm lượng calo trong khi tưởng tượng về thứ mình sẽ ăn sau đó, để khiến việc tập luyện của bạn xứng đáng với nỗ lực bạn bỏ ra? Hoặc điều đó có xảy ra khi bạn vừa giảm được 2kg đầu tiên, bạn đã bắt đầu giảm chế độ ăn kiêng của mình? Bất cứ khi nào con người ta tiến đến gần với một mục tiêu, rất nhiều người có xu hướng sa vào những hành động khiến họ xa rời mục tiêu, hầu như là quay trở lại các thói quen làm phân tâm như cũ.

McGonigol nhấn mạnh rằng để có động lực và không dễ mắc bẫy thì bạn phải cam kết những hành động nhằm hướng tới mục đích của bạn. Bạn làm những gì bạn đang làm bởi vì bạn muốn, không bởi vì bạn phải làm, và bây giờ khi đạt được mục tiêu rồi thì bạn muốn làm gì cũng được. Nếu thế, đó không phải là mục tiêu bạn thật sự mong muốn.

Khi bạn giải phóng bản thân khỏi những món quà bạn tự thưởng cho mình, bạn sẽ nhận ra rằng phần thưởng mà bạn tìm kiếm mới là nguyên nhân chính cho những nỗi đau của bạn. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, nhưng sau khi bạn vừa tập luyện rất chăm chỉ xong bạn lại xơi ngay một que kem thì số cân của bạn sẽ không nhúc nhích đâu. Bạn sẽ lại thất vọng và nghĩ rằng tất cả đều là công cốc. Tuy nhiên, khi bạn cưỡng lại sự thèm ngọt của mình, những cân nặng đáng ghét kia sẽ biến mất.

Việc bỏ đi các phần thưởng cũng không phải là giải pháp hay. Hãy tìm ra sự khác nhau giữa một phần thưởng thực sự giúp cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn, thay vì một cái bẫy trá hình dưới dạng phần thưởng khiến bạn bị phân tâm và mắc nghiện nó. Phần thưởng thực sự là nhìn thấy được sự thay đổi hình thể qua từng ngày, thậm chí có thể là một bức ảnh chụp đầy chuyên nghiệp về cơ thể đáng mơ ước của bạn sau này. Còn cái “bẫy” trá hình chính là năm phút ngọt ngào hưởng thụ khiến bạn mất thêm ba tiếng tập thể dục – mà tôi đoán là bạn sẽ không muốn tập nữa.

Bạn có biết rằng căng thẳng dẫn đến thèm muốn? Những cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, tức giận thôi thúc não bộ của bạn rơi vào trạng thái tìm kiếm sự hưởng thụ. Bạn muốn đền bù những gì bản thân đã chịu đựng, cho nên bạn bắt đầu thèm muốn các phần thưởng. Nó có thể là một hành động hoặc một vật chất nào đó, chủ yếu là để bạn cảm thấy khá hơn. Ví dụ như tôi chẳng hạn, sẽ đi mua sắm nhiều hơn khi tôi ốm, bị áp lực hoặc tức giận.

Bạn sẽ làm gì khi bạn cảm thấy lo âu hoặc căng thẳng?

Có những hoạt động quản lý tốt cơn nóng giận và căng thẳng như là tập thể dục, tham gia các hoạt động tôn giáo hoặc cầu nguyện, thiền hoặc tập yoga, đi dạo hoặc dành thời gian bên người mà bạn yêu thương.

Những hoạt động mà bạn nên tránh xa để giảm căng thẳng bao gồm việc ăn uống, lạm dụng cồn, ma túy, cờ bạc, các hoạt động liên quan đến máy tính (lướt web hoặc chơi game), và tất nhiên, mua sắm nữa.

Trước khi bạn từ bỏ…

Mỗi người trong chúng ta đều có những khoảng thời gian tồi tệ, đen tối giống như rơi xuống đáy vực thẳm. Bạn không thể tránh được điều ấy, nhưng bạn có thể chuẩn bị cách vượt qua khi chúng đến. Chắc chắn chúng sẽ đến, bạn cần phải biết rõ điều ấy. Nếu bạn may mắn và bám chắc vào mục tiêu của mình, những tai ương có thể chỉ đến gõ cửa nhà bạn một lần thôi. Khi chúng đến và khiến bạn muốn từ bỏ, hãy suy ngẫm về ba câu nói sau đây:

  1. Nếu bạn muốn hành động chống lại những lợi ích lâu dài của mình, hãy nghĩ đến hai sự lựa chọn: Bạn từ bỏ phần thưởng lâu dài, tốt nhất của mình để đổi lấy những niềm vui thích trong thoáng chốc.
  2. Hình dung rằng những lợi ích lâu dài đã là của bạn. Hãy tưởng tượng mình đang hưởng những trái ngọt sau quá trình kiên nhẫn và kiểm soát tốt bản thân.
  3. Bạn thực sự sẵn sàng từ bỏ tất cả để đánh đổi lấy một sự nuông chiều bản thân trong chốc lát chỉ vì bạn đang thèm muốn nó vào thời điểm này thôi sao?

Đừng rời mắt khỏi mục tiêu. Hãy ghi nhớ mục tiêu của mình. Nhắc nhở bản thân mình về những điều bạn đã tự cam kết. Nếu sự thèm muốn chi phối bạn, hãy chậm lại một chút, đừng nóng vội. Hãy lắng nghe bản thân. Thiền hoặc đi dạo một lúc. Hãy bắt bộ não của mình loại bỏ những thèm muốn này. Đấu tranh với nó. Bạn có thể làm được và chỉ một mình bạn mới làm được điều ấy.

Bài thực hành cho chương này

1. Hôm nay, tôi cam kết sẽ kiểm soát tốt bản thân để nâng cao ý chí của mình:

…………………………………………………………………

2. Hôm nay, tôi đã làm giảm căng thẳng của mình theo một cách tích cực và lành mạnh:

…………………………………………………………………

3. Hôm nay, tôi đã thử tập thiền. Tôi có thể làm được trong … phút. Ngày mai, mục tiêu của tôi là tập thiền trong … phút.

…………………………………………………………………

Lời kết

Con người không hoàn hảo. Không ai hoàn hảo và sẽ không bao giờ hoàn hảo. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành một người hoàn hảo với bộ não không bao giờ phạm lỗi, luôn luôn đưa ra quyết định sáng suốt, có nhiều cơ hội lớn và quản lý thời gian xuất sắc, bạn sẽ thất bại thảm hại. Tôi có thể đoán chắc điều ấy.

Nếu mục tiêu của bạn là tỏa sáng, phấn đấu, cải thiện hoặc mở mang đầu óc – sự thông thái và “tài năng xuất chúng” của bạn – bạn có một cơ hội tốt để trở thành một viên kim cương lấp lánh và rực rỡ hơn. Sức mạnh tinh thần, năng lực và khả năng thực sự lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang sử dụng. Thậm chí lớn hơn cả những gì chúng ta vẫn nghĩ là to lớn nhất rồi. Không có các khái niệm như “làm cho thứ gì đó hoàn hảo” hoặc “không có chỗ cho sự cải tiến”.

Đơn giản là hãy cố sức trở nên tốt hơn dù chỉ 1% so với ngày hôm qua. Chỉ cần trong một việc thôi – mỗi ngày một việc khác nhau. Mỗi ngày hãy đọc sách thêm năm phút, đi bộ xa hơn một đoạn ngày tiếp theo, cân nhắc trước khi phán xét ai đó vào ngày thứ ba, v.v… Cuốn sách này có tổng cộng có 22 bài tập thực hành ở cuối các chương. Mỗi ngày hãy thử làm một bài. Chúng chỉ mất năm đến mười phút trong cuộc đời của bạn, nhưng chúng sẽ phát triển một trong những kĩ năng nhận thức của bạn và giúp bạn ghi nhớ những thông tin bạn đã đọc trong cuốn sách này. Hãy bắt đầu thực hành phương pháp Máy Sáng tạo Ý tưởng của James Altucher – viết ra mười ý tưởng mỗi ngày. Hãy thử những chiếc mũ của tiến sĩ De Bono. Hãy cho mình cơ hội thử sức với Quy luật Pareto và lên lịch làm việc cho bản thân với những hạn chót ngắn và cố gắng hoàn thành nó.

Có rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách này mà bạn có thể sử dụng để thu được lợi ích cho mình. Tôi không nghĩ ra các ý tưởng đó, nhưng tôi sử dụng rất nhiều và chúng có hiệu quả rất tốt. Chúng giúp tôi rất nhiều. Nếu, vì bất cứ lý do gì, tôi không luyện tập chúng nữa, tôi cảm thấy tâm trí và sức khỏe của mình sẽ quỵ ngã.

Tôi hi vọng bạn sẽ hiểu hơn về não bộ của mình sau khi đọc cuốn sách của tôi, và bạn sẽ hiểu rõ hơn tại sao bạn lại đưa ra hoặc không đưa ra một số quyết định, các bước đi hay một sự phán xét cụ thể nào đó. Tất cả những cuốn sách tôi đề cập ở đây đều rất đáng đọc vì chúng mang lại rất nhiều giá trị.

Hãy rèn luyện não bộ của mình, hãy dừng lại suy nghĩ trước khi quyết định vội vàng và cải thiện bản thân mỗi ngày dù chỉ tốt lên 1%.

Tôi tin tưởng vào các bạn.

Người bạn chân thành,

Zoe

Tham khảo

Các cuốn sách:

Altucher, James. Choose Yourself. CreateSpace Independent Publishing Platform. 2013.
De Bono, Edward. Six Thinking HatsTM. Back Bay Books. 1999.
Epley, Nicholas. Mindwise. Penguin. 2014
Ferriss, Timothy. The 4-Hour Work Week. Harrmony. 2009.
Kahneman, Daniel. Thinking Fast and Slow. Penguin. 2011.
McGonigal, Kelly. The Willpower Instinct. Avery. 2011.
Newport, Cal. So Good They Can’t Ignore You. Grand Central Publishing. 2012.
Schwarzenegger, Arnold. Total Recall. Simon & Schuster. 2013.
Steven Pressfield, Steven. The War of Art.
Black Irish Entertainment LLC. 2011.
Zimbardo, Philip. Boyd, John. The Time Paradox. Atria Books. 2008.

Những cuốn sách khác của Zoe

Unbreakable Confidence
Build Grit
Find What You Were Born For – Tập 1
Find What You Were Born For – Tập 2
Find Who You Were Born To Be
Catching Courage
Fearless
Daily Routine Makeover – Dành cho buổi sáng
Daily Routine Makeover – Dành cho buổi tối
Less Mess Less Stress
Braver Than You Believe

Tác giả: