Tư duy phản biện – Zoe McKey

Chương 5

QUẢN LÝ THỜI GIAN HIỆU QUẢ

“Bạn phải quyết định sử dụng thời gian như thế nào. Bạn có thể dùng nó để tiến bước, hoặc cũng có thể mất thời gian đi giải quyết hậu quả. Do bạn lựa chọn. Và nếu như bạn không quyết định, người khác sẽ quyết định hộ bạn.”
– Tony Morgan –

Theo tư duy truyền thống, những người thường xuyên đúng giờ, không trì hoãn (quá nhiều) và tập trung đầu óc vào những kế hoạch tương lai, thì có tiềm năng và thông minh. Ngược lại, những người suy nghĩ nhiều về quá khứ thì ít tiềm năng hơn. Một số lý thuyết tuyên bố rằng sống cho thời điểm hiện tại là cách sống tốt nhất, hãy tiến bước khỏi quá khứ cũng như đừng tự gây áp lực về tương lai.

Sự thật là gì? Liệu có thật sự tốt hơn khi lãng quên và bỏ lại quá khứ ở phía sau không? Có những thành tựu gì có thể đạt được mà không cần tập trung vào tương lai hay không?

Tôi đã đọc một cuốn sách rất thú vị hầu như đánh bật tất cả những mớ lý thuyết về thời gian quen thuộc trong đầu mình. Cuốn sách tên là The Time Paradox của tác giả Philip Zimbardo và John Boyd. Họ chia ra sáu quan điểm về sử dụng thời gian sống khác nhau:

  • Chủ nghĩa sống cho Quá khứ – tiêu cực
  • Chủ nghĩa sống cho Quá khứ – tích cực
  • Chủ nghĩa sống cho Hiện tại – cam chịu số phận
  • Chủ nghĩa sống cho Hiện tại – hưởng thụ cuộc sống
  • Chủ nghĩa sống vì Tương lai
  • Chủ nghĩa sống vì Tương lai – siêu hình

Mỗi người trong chúng ta đều từng nghĩ về tất cả các quan điểm về sử dụng thời gian sống này – dù ít dù nhiều. Các tác giả đã tạo ra một bài kiểm tra để tìm ra tỉ lệ phần trăm từng nhóm tương ứng.

Bạn có thể làm bài kiểm tra đó ở đây: www.thetimeparadox.com/surveys/.

Ở phần đầu của trang web này, bạn sẽ nhìn thấy một biểu đồ với hai chiều giá trị, “Chỉ số quan điểm về thời gian sống” và “Phần trăm số người chia sẻ” Biểu đồ này cho thấy một con số tối ưu của “cuộc sống” trong một hoặc nhiều quan điểm về thời gian sống khác. Ví dụ, tỉ lệ phần trăm những người có quan điểm sống với quá khứ – tiêu cực và sống cho hiện tại – cam chịu số phận là thấp nhất, và cũng khá kì khôi, chủ nghĩa quá khứ – tích cực đạt tỉ lệ phần trăm cao nhất. Quan điểm về thời gian sống tối ưu nhất cho rằng: Hãy tập trung cao độ vào quãng thời gian quá khứ – tích cực, tập trung khá nhiều vào tương lai và hiện tại – hưởng thụ cuộc sống, và không nên tập trung vào quá khứ – tiêu cực và hiện tại – cam chịu số phận.

Cuốn sách này hoàn toàn thay đổi quan điểm của tôi. Tôi khuyến khích các bạn nên đọc cuốn sách này từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Nó giải thích rất sâu về lý do tại sao con người lại chú tâm vào những quãng thời gian khác nhau, và làm thế nào để thay đổi điều này khi cần thiết.

Cuốn sách này có đầy đủ các tri thức đơn giản và các phân tích về hành động phản ứng rất thú vị và đáng nghiền ngẫm. Tại sao những người lớn tuổi lại thoải mái hơn với việc chia sẻ những tâm tư, đi du lịch và tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc trong cuộc đời (giống như việc ly hôn ở tuổi 73)? Bởi vì họ đã biết tương lai của họ không phải là vô hạn. Họ không còn tư tưởng “Tôi sẽ không bao giờ chết” nữa. Quan điểm này cũng đúng với những người được chẩn đoán một căn bệnh hiểm nghèo. Họ bắt đầu lựa chọn những giải pháp nhanh gọn hơn mà không cần suy nghĩ thêm lần thứ hai. Khi bạn nghĩ rằng bạn có rất nhiều thời gian, bạn có xu hướng dành thời gian với rất nhiều người khác nhau. Nếu bạn dự đoán được tương lai của mình còn ngắn ngủi, bạn sẽ đánh giá chất lượng cao hơn số lượng, và dành hầu hết thời gian của mình với những người bạn yêu quý.

Tại sao lại phải đợi cho đến khi già nua và bệnh tật để bắt đầu sống trọn vẹn nhất cuộc đời của mình chứ? Tại sao lại bỏ qua những kho báu thật sự mà cuộc đời ban cho bạn? Hiểu rõ và thay đổi các quan điểm về thời gian sống sẽ thực sự giúp chúng ta sống tốt hơn. Bạn nghĩ rằng mình không làm được điều này? Đừng quên, bạn thông minh hơn bạn tưởng. Không có gì là không thể.

Tại sao sống trong quãng thời gian hiện tại KHÔNG PHẢI lúc nào cũng dễ chịu.

Đầu tiên, bạn cần phải hiểu rằng thời gian của bạn là hữu hạn. Giống như việc loài chim không bao giờ nghĩ đôi cánh là tài sản khi chúng bay, con người không nghĩ thời gian là tài sản quý báu của mình khi còn đang sống. Thời gian là thứ tài sản duy nhất bạn không thể mua bán, mặc cả, trao đổi với bất kì ai. Thời gian luôn trôi đi vùn vụt. Cái chết chính là hạn chót cho thời gian sống của bạn. Tôi không muốn phải nói ra sự thật đau lòng này, nhưng bạn sẽ phải chết đi. Tôi cũng sẽ chết đi – tất cả mọi người đều sẽ như vậy. Sống mà nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ chết đi đồng nghĩa với cho rằng mình có quỹ thời gian vô hạn. Và làm thế nào bạn có thể biết trân trọng điều gì nếu nó là một kho tàng vô tận? Kho tàng đó sẽ trở nên vô giá trị. Bạn sẽ không bao giờ nghĩ về nó. Nếu bạn cảm thấy thứ gì đó khan hiếm và bạn chỉ có được nó trong một thời hạn nhất định, bạn sẽ hành động khác đi. Ví dụ, nếu bạn được lái một chiếc xe Ferrari miễn phí trong vòng hai tiếng, bạn có thể sẽ tận dụng từng giây trong chiếc siêu xe đó. Nếu bạn có tới ba chiếc Ferrari ở nhà và bạn được thưởng một chuyến lái xe miễn phí, bạn có khi còn chẳng màng tới nó.

Hãy trân trọng thời gian quý báu của mình, nó giá trị và khó tìm giống như một chiếc Ferrari trong khi trước đó bạn vẫn chỉ đang đi xe đạp.

Phủ nhận cái chết có một chức năng tâm lý học riêng của nó. Điển hình là nó có thể làm giảm lo âu và căng thẳng. Tuy nhiên, nó cũng có thể khiến bạn sống ít trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Nếu bạn lựa chọn một cách sống nhận thức rõ về tương lai bị giới hạn của mình, thứ tự ưu tiên và động lực của bạn sẽ dành cho sự thỏa mãn trong hiện tại thay vì một hạnh phúc dài lâu ở tương lai.

Hành động này cho thấy rằng bạn đang sống cho hiện tại của mình. Như tôi đã đề cập ở trên, thái độ sống hiện tại có thể được diễn tả theo hai cách: hiện tại cam chịu số phận và hiện tại – hưởng thụ cuộc sống.

Đừng hiểu sai nó. Sống cho hiện tại đối với một số trường hợp rất cần thiết để có một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, quá tập trung vào hiện tại lại có thể đẩy hạnh phúc đi xa khỏi bạn. Hãy nhìn những người thu nhập thấp đang đối mặt với thực tại ngay trước mắt họ – từ hóa đơn này sang hóa đơn khác. Cảm giác thiếu an toàn khiến họ không thể ngừng lo lắng về miếng cơm manh áo. Những người ít được học hành cũng có xu hướng sống cho hiện tại nhiều hơn việc lên những kế hoạch về tương lai.

Để toàn tâm toàn ý tập trung vào tương lai đòi hỏi một sự kiên định về mặt chính trị, xã hội và cảm xúc trong hiện tại.

Những người có quan điểm hiện tại – hưởng thụ cuộc sống là những người vui vẻ tận hưởng nhiều nhất những giây phút của cuộc sống. Họ ăn ngon miệng vì tinh thần của họ luôn tập trung vào bữa ăn và họ trân trọng nó. Họ là những người sẽ dừng lại trên đường để ngửi hương hoa hồng. Họ tìm kiếm cảm giác thoải mái cũng thường xuyên như tránh sự khó chịu. Họ sắp xếp để những mục tiêu của mình có thể hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn và đạt được sự hài lòng ngay lập tức. Họ không hành động theo lịch trình cố định với những công việc nhàm chán. Bạn sẽ rất vui vẻ và hào hứng khi ở cạnh những người theo quan điểm hưởng thụ – trong hiện tại bởi vì họ thường rất vui tính, năng động và có thể tận hưởng cuộc sống một cách sâu sắc. Họ truyền cảm hứng giống như một đứa trẻ đang háo hức kết nối với thế giới.

Đồng thời, họ cũng thường có cái tôi thái quá, họ không thể kiểm soát được sự bốc đồng, và phản ứng gay gắt nếu có điều gì đó làm họ không hài lòng. Cảm xúc của họ thay đổi rất nhanh.

Nếu những người theo quan điểm hưởng thụ – trong hiện tại có đủ tiền, họ sẽ thấy cuộc sống tràn ngập niềm vui. Họ yêu và trân trọng thiên nhiên, động vật, và những con người xung quanh họ. Những người tập trung vào cuộc sống hiện tại dễ dàng ra tay giúp đỡ người khác, so với những người tập trung vào tương lai, luôn luôn bận rộn hối hả với những công việc sắp tới, hay những người đắm chìm trong quá khứ sống, giữa những bức tường thành của kí ức. Họ ít có khả năng tự giúp đỡ chính mình vì cùng một lý do là: Họ sống cho hiện tại. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, mua bảo hiểm hay chỉ nha khoa, và những thứ mang tính chất bảo vệ, ngăn ngừa rủi ro không tồn tại trong cuộc sống của họ.

Zimbardo và Boyd mô tả những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – cam chịu số phận là những người tập trung vào quãng thời gian sống một cách tự nhiên mà không phải do họ lựa chọn. Họ tin rằng lên kế hoạch là không cần thiết bởi vì sẽ không có điều gì thực hiện được cả. Họ không nghĩ rằng họ có thể làm chủ cuộc đời mình, cho nên họ thường thay đổi để đến với tôn giáo hoặc hệ tín ngưỡng khác là trung tâm và có quyền kiểm soát cao hơn. Những người khác đổ lỗi cho nền kinh tế, xã hội, các chính trị gia hoặc số phận của họ. Nói cách khác, họ chẳng thể làm gì ngoài việc chấp nhận. Những lời dự đoán rằng họ không giỏi giang ở bất cứ việc gì thường trở thành sự thật. Cuộc sống của họ hầu như không có niềm vui, ngược lại với những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – hưởng thụ cuộc sống. Những người theo chủ nghĩa sống vì hiện tại – cam chịu số phận là những người có xu hướng dễ bị trầm cảm, rối loạn hành vi và có ý định tự sát nhiều nhất trong các nhóm đã đề cập ở trên. Nếu như sau khi làm bài kiểm tra về quan điểm thời gian sống và bạn có điểm số cao cho phần sống vì hiện tại – cam chịu số phận, hoặc bạn tự nhận thấy bản thân mình như vậy sau khi đọc phần tóm lược trên, điều bạn cần làm là thay đổi quan điểm ấy.

Tác giả: