Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Theobald tin tưởng lời cô, và mười phút sau, đôi uyên ương hạnh phúc đã bước xuống khách sạn ở Chợ mới.

Christina mạnh dạn thực hiện nhiệm vụ khó khăn của cô. Cô lặng lẽ đến nài bà chủ quán đừng để Theobald của cô phải chờ lâu ngoài thời gian cần thiết tối thiểu để làm món.

‘Bà Barber, nếu bà có món súp đã chuẩn bị sẵn, thì nó sẽ bớt được mười phút, bởi chúng tôi nên có món đó để dùng trong thời gian chờ nướng gà.’

Việc cần phải làm đã kích thích cô. Dù thực sự đầu cô đã đau như búa bổ, và muốn vứt bỏ hết mọi thứ để được ngồi một mình mà thôi.

Buổi ăn diễn ra tốt đẹp. Một panh[11] rượu xerex đã làm ấm lòng Theobald, và anh bắt đầu hy vọng rằng, sau tất cả, mọi chuyện vẫn sẽ tốt đẹp với anh. Anh đã chiến thắng trong trận chiến đầu tiên và nó làm tăng trọng lượng lời nói của anh lên rất nhiều. Thật là dễ dàng! Tại sao anh lại không cư xử như thế với các bà chị của anh nhỉ? Lần sau gặp họ, anh sẽ làm như vậy; và có thể một lúc nào đó phù hợp, anh sẽ đối diện thẳng với anh trai John hay thậm chí là cha anh. Và đó là cách chúng ta xây lên cho mình một lâu đài trên cát khi được chuốc say bởi men rượu và men say chiến thắng.

Đến cuối kì trăng mật, bà Theobald trông đúng là người vợ biết vâng lời và tận tình nhất trên toàn nước anh. Theobald đã uốn cây từ thuở còn non, hay nói theo kiểu anh là giết con mèo ngay từ lúc đầu. Đó có thể là một con mèo rất nhỏ, một con mèo con, hay cũng có thể là anh ngại đối mặt với nó, nhưng rồi anh đã đấu với nó một mất một còn, và đem xác nó trưng ra trước mặt vợ. Sau lúc đó, mọi chuyện còn lại thật dễ dàng.

Thật là lạ khi một người mà từ trước đến giờ tôi mô tả như một kẻ nhút nhát và dễ bị bắt nạt lại bất ngờ cư xử mạnh mẽ như một chiến binh du mục ngay ngày cưới của mình. Có lẽ tôi đã quá vội vàng bỏ qua những năm tháng anh và Christina chưa kết hôn. Suốt thời gian này, anh đã trở thành một giảng viên đại học, và cuối cùng là một phó chủ nhiệm khoa. Tôi chưa gặp người nào lại không thay đổi ý thức về tầm quan trọng của bản thân một khi đã nắm được một địa vị chính thức trong năm hoặc sáu năm. Nhưng có một sự thật là, ngay khi vừa đến cách nhà cha anh khoảng mười dặm, sự hăng hái bỗng lìa bỏ anh, đôi chân anh chợt trở nên yếu đuối, sự tự tôn biến mất, và anh lại thấy mình như một đứa trẻ to xác luôn mãi chịu thất thế; nhưng may thay anh không thường ngụ lại Elmhurst, và mỗi khi rời nó, lời nguyền thất thế lại được rũ bỏ, để rồi anh lại là một giảng viên đại học, một phó chủ nhiệm khoa, vị hôn phu của Christina, thần tượng của các cô nhà Allaby. Từ tất cả những chuyện này, chúng ta có thể thấy được là, nếu như Christina là một con gà rừng, biết xù lông lên phản kháng thì hẳn Theobald đã không dám bắt nạt cô, nhưng cô không phải là gà rừng, mà chỉ là một con gà nhà bình thường, và tính can đảm trong cô cũng chỉ hơn con gà nhà một chút mà thôi.

Chương 14

Battersby Trên Đồi là tên của ngôi làng Theobald đến đảm nhiệm vị trí mục sư. Nó có khoảng bốn hay năm trăm dân, sống rải rác trong một khu vực rộng lớn, và toàn bộ đều là nông dân hoặc là lao công nông nghiệp. Nhà mục sư rất rộng rãi và nằm trên đỉnh đồi nên khung cảnh nhìn từ đó thật tuyệt vời. Quanh đó có vài người hàng xóm trong tầm có thể đi lại thăm viếng nhau được, nhưng ngoại trừ một, hai ngoại lệ, còn lại đều là nhà của mục sư các làng lân cận.

Nhờ đó, gia đình Theobald được chào đón như một người hàng xóm đáng giá. Người ta kháo nhau rằng ông Pontifex đây là một học giả kinh điển và một nhà biện luận trình độ; thực sự là một thiên tài hoàn hảo, hơn nữa ông còn là người đầy óc thực tiễn. Là con trai của một nhân vật xuất chúng như nhà xuất bản Pontifex, thế nào trong tương lai anh cũng sẽ được nắm một gia tài lớn. Theobald vẫn còn một người anh nữa mà? Đúng là thế, nhưng khối tàn sản đó quá lớn, và chắc chắn dù có chia ra, Theobald vẫn sẽ có được một khoản đáng kể. Tất nhiên những người hàng xóm thân thiện này sẽ dùng bữa tiệc tối với nhau. Và bà Pontifex thật là một người phụ nữ duyên dáng, có thể cô không thật sự xinh đẹp, nhưng cô có một điệu cười quá đỗi ngọt ngào và dáng vẻ của cô toát lên sự rạng rỡ và quyến rũ. Cô tận tình hết sức với chồng mình và chồng cô cũng vậy; họ thật sự giống hệt như hình mẫu uyên ương lý tưởng thời đó; thật hiếm khi gặp được một đôi như vậy trong những thời suy đồi này; họ thật đáng yêu biết bao,… V.v. Đó là những lời hàng xóm đã bàn tán về hai người lúc họ mới vừa dọn đến.

Trong giáo xứ của Theobald, các nông dân biết lễ độ còn các lao công và những bà vợ của họ thì đầy khúm núm. Có một chút rắc rối nho nhỏ là đống hỗn độn từ người tiền nhiệm bất cẩn để lại, nhưng bà Theobald đã tự hào nói, ‘Tôi nghĩ chúng ta có thể tin tưởng Theobald trong việc xử lý CHUYỆN NÀY.’ Ngôi thánh đường ở Battersby khá đẹp với phong cách cuối thời Norman, cùng vài nét điểm xuyết mang phong cách anh thời kỳ đầu. Nếu theo tiêu chuẩn ngày nay, thì có thể nói là nó được sửa chữa rất tệ hại, nhưng cách đây bốn mươi, năm mươi năm, ít có nhà thờ nào được tu sửa cho thật tốt. Nếu muốn tìm một nét đặc biệt của thế hệ này so với những thế hệ đi trước thì đó chính là việc đại tu những ngôi thánh đường.

Horace đã nói về việc phục hồi các thánh đường trong bài tán ca của ông:

Những đứa con thành Roma hỡi
Tội lỗi của cha ông chúng ta
Đâu đến nỗi phải hứng lấy trừng phạt
Bao lâu chúng ta còn biết phục hồi những thánh đường
Tân trang những ngôi nhà của Thần
Và phủ áo mới cho các bức tượng đen mù đổ nát.

Sau thời thịnh trị của Agustus, Roma chẳng bao giờ thịnh vượng được lâu dài, nhưng tôi không chắc điều này là do họ đã không tu sửa những ngôi đền hay ngược lại nữa. Sau thời Constantine, rõ ràng là Roma đã đi xuống, nhưng dù gì hiện giờ nó vẫn là một trong những thành đô đầy quyền lực.

Tôi phải kể ra luôn ở đây là sau vài năm coi xứ Battersby, Theobald bỗng nảy ý định làm một việc thiết thực là phục hồi lại nhà thờ này, một việc mà anh dự tính sẽ tốn khá nhiều, và anh phải tự mình quyên tiền cho việc đó. Anh tự làm kiến trúc sư, và điều này tiết kiệm được cho anh một khoản, nhưng vào năm 1834, lúc Theobald bắt đầu khởi công, người ta vẫn chưa nắm bắt được nhiều về ngành kiến trúc, và kết quả công trình của anh không được hài lòng cho lắm, giá mà anh chờ thêm vài năm nữa có lẽ nó đã khá hơn nhiều rồi.

Tác phẩm của một con người, cho dù trong văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc hay bất cứ ngành nào khác đều là bức chân dung của chính người đó, và anh ta càng cố gắng che đậy chừng nào thì đặc nét của anh ta lại càng thể hiện ra chừng đó. Nói như thế cũng có thể là tôi đang lên án chính mình, bởi tôi biết rằng suốt thời gian viết quyển sách này, cho dù thích hay không, thì tôi cũng đang thể hiện chính mình hơn là thể hiện bất cứ nhân vật nào mà tôi giới thiệu với các bạn. Tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó, nhưng tôi chẳng thể làm gì khác. Còn về Theobald, tôi cho rằng nhà thờ Battersby sau khi được tu sửa, luôn luôn gây ấn tượng cho tôi rằng nó là bức chân dung thực nhất về anh, thực hơn bất kỳ kiệt tác điêu khắc hội họa nào có thể diễn tả.

Tôi nhớ là đã đến thăm Theobald khoảng sáu hay bảy tháng sau khi anh kết hôn, và lúc đó nhà thờ vẫn chưa được tu sửa. Tôi đến viếng nhà thờ và cảm giác trong tôi giống hệt như cảm giác mà hẳn Naaman phải cảm nhận được những lúc tháp tùng vua của mình sau khi ông đã được chữa khỏi bệnh cùi, có thể nói là cái cảm giác đang sống cùng một người mình từng tôn thờ nhưng bây giờ đã mất đi uy thế đó vậy. Những chuyện, những người tôi gặp trong chuyến viếng thăm này, tôi không nhớ lắm, ngoại trừ bài giảng của Theobald. Thậm chí đến bây giờ, những gì tôi vẫn còn nhớ được trong nhà thờ chỉ là những người mặc áo choàng xanh phủ đến gót chân, và vài bà già đang mặc áo choàng đỏ; một dãy những anh nhỏ lơ đãng, ngốc nghếch, chưa được dạy bảo, bị nuôi nấng một cách hời hợt, khuôn mặt thì vô duyên, vô hồn, lãnh đạm, loạt người này thật giống như những nông nô Pháp trước thời cách mạng mà Carlyle đã mô tả, một thời đã quá dĩ vãng; loạt người đó giờ đã bị hất cẳng bởi một thế hệ thông minh hơn, duyên dáng hơn, và có triển vọng hơn, một thế hệ đã khám phá ra rằng họ có quyền mưu cầu hạnh phúc theo khả năng của mình, và cũng ý thức rõ ràng về những phương tiện tốt nhất để đạt được hạnh phúc đó.

Họ nối nhau kéo đến nhà thờ, hơi thở lạnh ngắt bởi đang là mùa đông, và tiếng giày tuyết gõ ầm ĩ trên đường; họ rũ tuyết khỏi người rồi bước vào, qua cánh cửa nhà thờ tôi chợt thoáng thấy bầu trời u ám ảm đạm và một bia mộ ngập trong tuyết. Không biết làm sao, tôi bỗng nhớ ra giai điệu mà handel phổ cho câu này ‘Đây người thợ cày sát gần trong tầm tay,’ về sau tôi vẫn không quên được nó. Handel thật hiểu những người nông dân này biết bao! Họ cúi chào Theobald lúc đi qua bục giảng (Christina nói nhỏ với tôi, ‘những người này thật lễ phép, họ biết tôn trọng những người cao hơn họ’), rồi ngồi xuống những dãy ghế dài sát tường. Ca đoàn đi lên chỗ dành cho mình, cùng với nhạc cụ của họ, một cây cello, một kèn clarinet, và một kèn trombone, tôi chỉ nhìn ra các ca viên lúc họ cất lên bài ca nhập lễ, một giai điệu thật thô kệch, nếu tôi không lầm thì hẳn nó là tàn tích của kinh nguyện trước thời Kháng Cách. Tôi tin là mình đã từng nghe nguyên bản xa xưa của nó ở nhà thờ hai Thánh Giovanni và Paolo tại Venice cách đây không đến năm năm; và thêm một lần nữa được nghe nó ở một chốn xa xôi nơi vùng biển trung Đại Tây Dương vào một ngày Chủ nhật xám xịt, nơi sóng và gió đều đờ đẫn, những người di cư tụ lại trên sàn tàu và cất lên những bài Thánh vịnh não nùng cuốn lên bầu trời mù sương bạc, còn biển cả hoang vắng quanh họ vẫn mãi vang vang tiếng thở dài trầm buồn đến vô vọng. Và người ta cũng còn có thể nghe được bài ca này nơi Trại họp mặt của phái Giám lý ở vùng đồi xứ Wales, nhưng đã từ lâu chẳng ai dùng đến nó trong nhà thờ anh giáo nữa. Nếu là một nhạc sỹ thì hẳn tôi đã lấy nó làm ví dụ cho tính khoan thai chậm rãi trong hòa âm của phái Giám lý rồi.

Tác giả: