Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Cha tôi trả lời, ‘Con à, con không được đánh giá bằng thành quả, mà phải xét thành quả trong phạm vi hoàn cảnh. Con nghĩ xem, liệu Giotto hay Filippo Lippi[2] có được bức tranh nào dự triển lãm không? Liệu trong những bức tranh tường mà chúng ta đã thấy ở Padua, có bức nào có chút cơ hội được treo lên trong triển lãm thời nay hay không?

Trời, những người của viện hàn lâm hẳn sẽ không thèm hạ cố viết thư báo cho Giotto tội nghiệp đến để đem tranh về nhà. ‘Chao ôi,’ ông tiếp lời với chút giận dữ, ‘nếu ông già Pontifex có được cơ hội như của Cromwell[3], thì ông sẽ làm được tất cả những điều Cromwell đã làm, và còn làm tốt hơn nữa; nếu ông có được cơ hội như của Giotto, thì ông hẳn sẽ làm được những việc không kém gì Giotto; nhưng mà đời là thế, ông ấy là một thợ mộc làng, và ta bảo đảm với con rằng suốt cuộc đời mình, ông ấy chưa bao giờ cẩu thả với bất cứ sản phẩm nào.’

‘Nhưng chúng ta không thể đánh giá một người bằng nhiều chữ ‘nếu’ như thế,’ tôi thốt lên. ‘Nếu ông Pontifex sống vào thời của Giotto, hẳn ông đã là một Giotto thứ hai, nhưng ông lại sống vào một thời khác mất rồi.’

‘Ta nói cho con nghe này, Edward.’ Cha tôi nói với một giọng có phần nghiêm khắc, ‘chúng ta không dựa nhiều vào những gì cụ thể người ta làm để đánh giá họ, mà dựa vào những gì họ khiến chúng ta thấy cái tầm của họ. Nếu một người đã làm nhiều việc trong hội họa, âm nhạc hay trong đời sống đến mức người đó khiến cho ta cảm thấy ta có thể tin tưởng họ trong một tình huống hiểm nghèo thì nghĩa là người đó có tầm. Ta không đánh giá một người dựa trên những nét cọ mà người ta đã thực sự đưa trên tấm toan, cũng không dựa vào những hành động họ đã làm, hay có thể nói là chúng ta không đánh giá một người dựa trên những nét vẽ trên tấm toan cuộc đời của họ, mà ta đánh giá dựa trên cảm nhận của ta về việc người đó đã cảm thấy và đã hướng đến cái gì. Nếu người đó khiến ta thấy rằng anh ta trân trọng những thứ mà bản thân ta cũng trân trọng thì ta chẳng đòi hỏi gì hơn nữa; ngữ pháp của anh ta có thể không hoàn hảo nhưng ta vẫn có thể hiểu anh ta; giữa ta và người đó đã có sự đồng cảm rồi; và nghe này Edward, ta nói lại lần nữa, ông già Pontifex đó không chỉ là một người có tài, mà còn là một trong những người giỏi giang nhất ta từng biết.’

Chẳng còn gì để phản bác lại cha tôi, và chị của tôi cũng đã đưa mắt bảo tôi im lặng. Không biết sao hễ mỗi lần tôi với cha có bất đồng gì, chị của tôi đều đưa mắt bảo tôi im lặng.

Bị kích động do tôi, cha tôi khịt mũi nói tiếp ‘Còn nói về đứa con thành đạt của ông ấy, nó không đáng đánh giày cho cha nó. Nó có vài ngàn bảng[4] một năm, trong khi cha nó có lẽ chỉ có ba ngàn shilling[5] mỗi năm cho đến cuối đời. Nó là một kẻ thành đạt, nhưng cha nó, người tập tễnh bước trên đường Paleham với đôi tất len xám, chiếc mũ rộng vành và cái áo đuôi tôm đáng giá gấp trăm lần cái thằng Geogre Pontifex đó, bởi tất cả xe, ngựa và mọi thứ, ông đều tự mình gây dựng nên.’

‘Nhưng mà,” cha tôi nói thêm “Geogre Pontifex cũng không phải là kẻ ngu.’ Và câu này đẩy chúng tôi bàn đến thế hệ thứ hai của nhà Pontifex mà chúng tôi có chút liên hệ.

Chương 2

Ông già Pontifex cưới vợ vào năm 1750, nhưng suốt một thời gian dài, họ chẳng có được mụn con nào. Rồi chợt đến năm thứ mười lăm, bà Pontifex khiến cho cả làng kinh ngạc với những biểu hiện không thể nhầm lẫn là bà đang mang thai đứa con thừa tự cho ông Pontifex. Đã từ lâu người ta xem bà chẳng còn hy vọng con cái gì nữa, và rồi khi bác sỹ chỉ ra ý nghĩa của những triệu chứng này, bà nổi cơn thịnh nộ và rủa xả ông ta là ăn càn nói bậy. Bà không chịu ở cữ cũng như chẳng chuẩn bị gì cho ngày sinh nở, nhưng những hàng xóm của bà hiểu rõ về cái thai hơn bà nên đã giấu bà mà chuẩn bị đủ hết mọi thứ. Có lẽ bà kính sợ nữ thần Báo ứng, mặc dù chắc chắn bà chẳng biết nữ thần là ai hay cái gì; có lẽ bà sợ bác sỹ đã chẩn đoán sai và bà sẽ thành trò cười cho thiên hạ; dù gì đi nữa, bà đã không chịu thừa nhận mầm sống rõ ràng đó, bà rõ ràng đã chối bỏ không chịu nhận ra nó, cho đến một đêm tháng Giêng đầy tuyết người ta phải gọi vị bác sỹ làng khẩn cấp chạy trên con đường gồ ghề xóc nảy mà đến hộ sinh cho bà. Khi đến nơi, ông thấy có hai chứ không chỉ một một bệnh nhân, bởi đứa trẻ đã kịp được rửa tội và đặt tên là George. Tôi tin chắc rằng bản tính của George Pontifex chịu ảnh hưởng nhiều từ người mẹ ương bướng này, một người mẹ luôn nghĩ rằng trên thế giới này bà yêu chồng mình hơn bất cứ ai (và tiếp theo là núm ruột của mình, tất nhiên). Khi sinh nở vào tuổi đó, người mẹ này gắn chặt âu yếm nhất với đứa con mà bà vốn không dám mơ tới, dù bà ít khi thể hiện tình cảm đó ra ngoài.

George lớn lên thành một chú bé nhanh nhẹn mạnh khỏe, rất sáng dạ và có lẽ cực kỳ hứng thú sách vở. Sống trong một gia đình trìu mến, giống như mọi người, tự bản chất cậu yêu mến cha mẹ, nhưng ngoài ra cậu chẳng mến ai. Cậu có ý thức khá mạnh về bản thân, và ít biết quan tâm đến người khác. Được nuôi nấng trong bầu khí trời của một làng quê lành mạnh và đẹp đẽ nhất nước anh, cậu được nô đùa khá nhiều, và vào thời đó đầu óc con trẻ không chịu nhiều thứ nặng nề như bây giờ, nên có lẽ đó là lý do vì sao cậu tỏ ra rất khao khát được học hỏi. Đến năm bảy hay tám tuổi, cậu đã có thể đọc, viết và làm toán giỏi hơn bất kỳ đứa trẻ nào cùng tuổi trong làng. Lúc đó cha tôi chưa nhận nhiệm sở ở Paleham, và ông không thể nhớ nổi tuổi thơ của George, nhưng tôi nghe chòm xóm nói với ông rằng, đứa trẻ này nhanh nhẹn và khôn lanh nổi trội. Theo tự nhiên, cha mẹ của cậu cũng tự hào về đứa con của mình, và mẹ cậu quả quyết rằng một ngày nào đó cậu sẽ trở thành một nhà cầm quyền và một trong những người quản cả địa cầu.

Tuy nhiên, quyết tâm cho con mình đạt được những danh giá tột bậc trong cuộc sống là một việc, nhưng sắp xếp sao cho đạt được thành công đó lại là một việc khác. Có lẽ George Pontifex đã được nuôi dạy để làm một người thợ mộc, và chỉ có thể nối nghiệp cha mình làm một trong những ông chủ nhỏ ở Paleham, mặc dù như thế là đã quá cao so với thực chất của anh rồi, bởi theo tôi chẳng có thành tựu nào trong thế giới này vững chắc hơn những gì ông bà Pontifex đã đạt được. Tuy nhiên, khoảng năm 1780, lúc George được mười lăm tuổi, có một việc xảy đến: người chị của bà Pontifex, phu nhân của ông Fairlie, đã ghé thăm Paleham trong vài ngày. Ông Fairlie là chủ một nhà xuất bản, chuyên in sách tôn giáo, ông có một trụ sở ở phố Paternoster; cuộc sống của ông phất lên, và bà vợ cũng nhờ đó mà thơm lây. Suốt vài năm, hai chị em chẳng có mối thân tình sâu sắc nào, và tôi chẳng nhớ được chính xác vì sao ông bà Fairlie lại viếng thăm ngôi nhà yên tĩnh nhưng cực kỳ dễ chịu của ông bà Pontifex; nhưng vì một lý do gì đó, kết quả chuyến viếng thăm là cậu George sớm được dì dượng của mình chiếu cố đến. Một cậu bé thông minh nhanh nhẹn, thể chất tốt, biết cách nói chuyện và cha mẹ thì đáng kính, rõ ràng tiềm ẩn nhiều giá trị trong mắt một thương gia có óc thực tế như ông Fairlie, người cần nhiều thuộc cấp có thể khiến ông an tâm giao phó công việc. Cuối chuyến viếng thăm, ông Fairlie đề xuất với ông bà Pontifex cho mình đưa cậu George vào làm việc cho ông, và cũng hứa rằng nếu cậu làm tốt thì ông sẽ giữ cậu lâu dài. Bà Pontifex biết con mình rất háo hức với lời đề nghị đó, nên mọi chuyện nhanh chóng được quyết định, và rồi khoảng hai tuần sau khi ông bà Fairlie đi, George được gởi đến London để sống với dì dượng của mình.

Đây là bước khởi đầu quan trọng đối với anh. Giờ đây anh mang trên mình những bộ áo hợp thời trang hơn, cái dáng đi cũng như cách nói chuyện có phần mộc mạc quê mùa của Paleham sớm hoàn toàn biến mất, để rồi chẳng bao lâu sau anh đã như thể được sinh ra và nuôi dạy từ lâu trong môi trường của những con người thường được gọi là có học thức. Anh dành toàn tâm toàn ý cho công việc của mình, luôn thể hiện bản thân còn đầy triển vọng hơn những gì ông dượng Fairlie đã từng nghĩ về anh. Thỉnh thoảng, ông Fairlie cho anh về Paleham nghỉ vài ngày, và ông bà Pontifex sớm nhận ra rằng anh đã mang lấy dáng vẻ và cách nói chuyện khác hẳn với thời còn ở nhà. Họ tự hào về anh, cũng như sớm thích ứng với tình trạng mới này. Họ không còn thể hiện sự chi phối của bậc cha mẹ lên anh, vì điều đó thật sự không cần thiết nữa. Đáp lại, George luôn ân cần với họ, và cho đến tận cuối đời, trong anh vẫn giữ một tình cảm trìu mến đối với cha mẹ, một tình cảm tràn trề hơn bất cứ cảm xúc nào mà anh có đối với bất kỳ một con người nào khác.

Những chuyến viếng thăm của George không bao giờ kéo dài, bởi khoảng cách giữa London và Paleham chưa đến mười dặm, hơn nữa đã có xe ngựa nối hai nơi, nên việc đi lại rất dễ dàng; do đó cả anh và cha mẹ anh đều luôn cảm nhận được những điều mới lạ đang diễn ra giữa họ. George thích không khí miền quê trong lành và những cánh đồng xanh so với phố Paternoster tăm tối mà anh đã quen, mà bây giờ con phố đó trông như một con hẻm u ám hơn là một con đường. Dù chẳng có chút hứng thú nào đối với việc gặp gỡ những người nông dân quen thuộc trong làng, nhưng anh vẫn thích được người ta nhìn nhận và khen ngợi là một cậu trẻ đẹp trai và triển vọng, bởi anh không phải loại thanh niên giấu diếm niềm tự hào của mình. Mỗi buổi tối, ông Fairlie dạy anh tiếng Latin và Hy Lạp; anh thành thạo hai ngôn ngữ này và nhanh chóng nắm bắt được những điều mà các cậu trẻ cùng tuổi phải mất hằng năm mới học được. Tôi cho rằng kiến thức đã cho anh sự tự tin, một sự tự tin tự nó nảy sinh cho dù anh có chủ định như vậy hay không; dù gì đi nữa, anh sớm bắt đầu tự cho mình là một nhà phê bình văn học, rồi dần dần là phê bình nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, và tất cả mọi thứ. Như cha mình, anh biết giá trị của đồng tiền, nhưng anh lại sớm khoa trương hơn và ít rộng rãi hơn ông; hơn nữa, lúc còn là một đứa trẻ, anh đã là một con người rất cẩn thận, tuân theo những nguyên tắc mà chính anh đã trải nghiệm và rút ra hơn là theo những lời khuyên thâm thúy mà cha anh vốn tuân theo tự bản năng mà chẳng băn khoăn gì.

Tác giả: