Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Chương 35

Trong thời gian đầu của học kỳ tiếp theo, mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp. Phần lớn những ngày nghỉ, Alethea đều ở London, và tôi cũng có dịp gặp cô ở Roughborough lúc tôi đến viếng đó trong vòng vài ngày và nghỉ tại khách sạn Swan. Tôi đã nghe nói tất cả mọi chuyện về đứa con đỡ đầu của mình, vốn lâu nay tôi quan tâm nó trên lời nói hơn là việc làm. Tôi quan tâm nó nhiều hơn trong giai đoạn có sự hiện diện của Alethea này, nhưng tôi lại thấy nó thật là một mối phiền phức bởi nó choán hết chỗ trong lòng của Alethea, và còn kéo cô xa khỏi London nữa. Việc làm cây đàn đã bắt đầu, và trong hai tháng đầu học kỳ, nó tiến triển thuận lợi. Ernest hạnh phúc hơn bao giờ hết, và cũng đang cố gắng phấn đấu hết sức mình. Nhờ cô mà những đứa trẻ đàng hoàng nhất bắt đầu để ý đến nó, và như thế nó cũng bớt chịu ảnh hưởng từ những đứa vốn làm hư nó.

Nhưng dù alehthea đã làm được rất nhiều điều, cô vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn những gì mà Ernest đã tiếp thu ở Battersby, nhà cha nó. Nó sợ và không thích cha bao nhiêu, thì lại bị ảnh hưởng bấy nhiêu; nếu Theobald tốt với nó hơn, thì hẳn nó đã giống anh hoàn toàn, và rồi chẳng bao lâu cũng sẽ trở thành một kẻ khinh khỉnh hợm người như vậy thôi.

May thay, tính khí của nó chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ, một người nếu không sợ hãi, và nếu chồng cô không nổi cái tính thất thường lên, thì vẫn là một người phụ nữ tử tế và tốt bụng. Nếu điều này không khiến các bạn thấy khó chịu, thì tôi cho rằng Christina là một người tốt tính.

Ernest cũng thừa hưởng từ mẹ cái tính thích chuyện viễn vông, và cả điều mà tôi nghĩ rằng phải gọi là, sự phù phiếm, của cô. Nó rất thích thể hiện, và khi đã thu hút được sự chú ý, nó chẳng bận tâm xem vì sao được như thế, và sự chú ý đó có nghĩa gì. Nó tiêm nhiễm, và lặp lại như vẹt bất kỳ lời lạ lùng nào nó nghe được từ những người lớn hơn, và nó nghĩ chúng đều đúng, cũng như dùng chúng có khi đúng lúc khi thì không, như thể chúng là lời của riêng nó vậy.

Alethea đủ già dặn và khôn ngoan để biết rằng đây chỉ là điều mà ngay cả những người vĩ đại nhất cũng phải từng trải qua để tiến tới trên đường đời, và cô thấy hài lòng với tính dễ tiếp thu và biết cách dùng lại những gì đã học được của nó, hơn là khó chịu vì những gì nó bị tiêm nhiễm và nhại lại từ người khác.

Cô thấy nó gắn bó nhiều với cô, và cô tin vào điều này hơn bất kỳ thứ gì. Cô cũng thấy rằng cái tính tự phụ của nó cũng không quá ngất ngưởng, và nó cũng biết tự hạ thấp mình một cách quá khích như hành động tự phụ của nó vậy.

Cái tính bốc đồng và tính tin tưởng quá mức của nó vào bất kỳ ai biết mỉm cười nhẹ nhàng với nó, hoặc hoàn toàn không có ác ý gì với nó, mới là điều khiến cô lo ngại nhất, cô thấy rõ là nó hẳn sẽ phải luôn mãi thấy mình được người ta mở mắt ra mà thấy cho rõ những trò dối gạt, rồi từ đó nó mới biết cách để kịp thời phân biệt được bạn bè hay kẻ xấu. Chính vì nhận ra điều này khiến cô đi đến quyết định mà cô sẽ sớm phải thực hiện.

Sức khỏe của cô nói chung rất tốt, và cô chưa từng mắc bệnh nặng bao giờ. Nhưng một buổi sáng sau kỳ lễ Phục Sinh năm 1850, cô thức dậy và thấy mình rất yếu. Rồi chẳng bao lâu sau đó, ở Roughborough nổi lên một trận dịch sốt, nhưng vào thời đó, người ta không ý thức cho lắm về việc ngăn ngừa nạn dịch, nên chẳng ai làm gì hết. Một, hai ngày sau, người ta thấy rõ ràng cô đã mắc phải chứng thương hàn và sức khỏe đang suy sụp nghiêm trọng. Bởi vậy, cô gởi một người đưa tin đến London, và mong rằng lúc về sẽ đưa theo được luật sư của cô và cả tôi nữa.

Chúng tôi đến nơi vào buổi chiều cùng ngày, và thấy cô vẫn chưa rơi vào mê sảng, thật sự là cô đã đón tiếp chúng tôi rất vui vẻ đến đỗi chúng tôi khó mà nhận ra được cô đang trong tình trạng nguy kịch. Cô giải thích nguyện vọng của mình, và như tôi đã lường trước, nó liên quan đến đứa cháu trai Ernest của cô, và cô nhắc đi nhắc lại đại ý về tính dễ tin người của nó mà tôi cho là điều khiến cô bận lòng nhất về nó. Rồi cô nài nỉ tôi, hãy vì mối thâm tình lâu dài và thân thiết của hai chúng tôi, và vì sự bất ngờ của căn bệnh quái ác này, cũng như vì cô không thể bỏ mặc Ernest, mà chấp nhận những gì mà cô biết là nếu cô mất đi, sẽ là một điều khó chịu cũng như gây xúc phạm đến tôi.

Cô muốn để phần lớn tài sản của cô thực tế là cho Ernest, nhưng trên danh nghĩa lại là cho tôi, để tôi có thể giữ cho Ernest đến khi nó được hai mươi tám tuổi, nhưng không một ai kể cả nó được biết việc này, ngoại trừ vị luật sư của cô và bản thân tôi. Cô sẽ để 5.000 bảng cho việc khác, và 15.000 bảng cho Ernest, một số tiền mà đến lúc nó hai mươi tám tuổi sẽ lên đến 30.000 bảng. ‘hãy bán hết các trái khoán, tiền nằm trong đó, và gởi hết chúng vào hội midland.’

‘Hãy để nó hiểu lầm,’ cô nói, ‘về số tiền mà ông nội nó đã để lại cho chính nó. Tôi không phải là tiên tri, nhưng tôi cũng có thể thấy trước rằng Ernest phải mất nhiều năm để biết cách nhìn nhận cuộc đời như những người khác. Nếu tôi để lại số tiền cho nó một cách công khai, nó sẽ không được cha mẹ giúp gì nữa vì họ sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho vận may này của nó; tôi dám nói là tôi sai khi làm việc này, nhưng tôi nghĩ rằng nếu giao cho nó số tiền này trước khi nó biết cách giữ được những gì tôi truyền lại, thì hẳn nó sẽ làm tiêu tán gần hết chúng mất.’

Cô nói nếu Ernest bị phá sản hoàn toàn trước lúc nó được hai mươi tám tuổi, thì toàn bộ số tiền sẽ là của tôi vô điều kiện, nhưng cô có thể tin tưởng tôi sẽ giao chúng cho Ernest đúng thời hạn.

‘Nếu tôi lầm, thì điều tệ hại nhất có thể xảy ra là nó sẽ có được một số tiền lớn hơn vào năm hai mươi tám tuổi thay vì một khoản ít hơn nếu nó nhận lúc hai mươi ba tuổi, bởi tôi chẳng bao giờ đủ tin tưởng giao cho nó nếu nó chưa đến tuổi đó, và nếu nó chẳng biết chút gì về chuyện này thì chẳng may nó có nhận tiền vào lúc hai mươi ba tuổi, nó cũng sẽ không khó chịu vì số tiền ít hơn đó.’

Cô nài nỉ tôi nhận 2.000 bảng coi như bồi thường cho những rắc rối tôi phải chịu khi coi sóc cho tài sản của Ernest, và như là dấu chỉ cho cô hy vọng rằng bây giờ và về sau, tôi sẽ chăm sóc cho nó lúc chưa đủ trưởng thành. Số tiền 3.000 bảng còn lại, tôi sẽ chuyển giao theo kiểu thừa kế hay niên khoản cho những người bạn và người hầu của cô.

Cả vị luật sư lẫn tôi đều cố gắng vô ích trong việc phản đối sự sắp xếp bất thường và mạo hiểm này. Chúng tôi nói rằng những người khôn ngoan chẳng bao giờ nhìn nhận bản chất người khác một cách đầy lạc quan quá mức như vậy đâu. Thật sự chúng tôi chỉ nói những gì mà người khác hẳn cũng sẽ thốt ra như vậy. Cô chấp nhận tất cả, nhưng nài nỉ rằng thời giờ sống của cô sắp hết, và cô chẳng thấy hợp lý chút nào nếu để lại tài sản cho Ernest theo cách thông thường. ‘Đây là một ý muốn điên rồ bất thường, nhưng mà nó cũng là một đứa trẻ điên rồ bất thường.’ và cô mỉm cười khá vui vẻ với lời nói đùa đó. Giống như tất cả mọi người trong gia đình mình, một khi đã quyết định điều gì rồi, thì cô rất ngoan cố trong chuyện đó. Vậy cho nên tất cả mọi chuyện đều được làm theo ý cô.

Trong bản di chúc không có điều khoản dự phòng nào trong trường hợp cả tôi và Ernest đều mất, Alethea đã cho là cả hai chúng tôi đều sẽ không chết sớm, và cô cũng quá mệt để có thể bàn sâu vào chi tiết việc này, hơn nữa cô quá nóng lòng muốn kí di chúc khi còn có thể, nên thực sự chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài làm theo những gì cô bảo. Nếu cô hồi phục, chúng tôi có thể bàn lại việc này cho thỏa đáng hơn, còn hiện giờ, nói nhiều sẽ chỉ khiến cho bệnh tình cô nặng hơn mà thôi. Trường hợp này có vẻ như hoặc bản di chúc này sẽ được thực hiện, hoặc là nó sẽ mất hiệu lực hoàn toàn như thể chưa từng có vậy.

Khi bản di chúc đã được kí xong, tôi viết một lá thư và sao thành hai bản, viết rằng ngoại trừ 5.000 bảng, còn lại toàn bộ những gì cô Pontifex đã giao phó cho tôi đều là tín thác cho Ernest, nhưng nó sẽ chưa nhận được của thừa kế này, và cũng không được biết gì dù là trực tiếp hay gián tiếp về việc này, cho đến khi nó được hai mươi tám tuổi, và nếu trước độ tuổi đó, mà nó đã khánh kiệt, thì toàn bộ số tiền sẽ được chuyển giao cho tôi vô điều kiện. Vào cuối mỗi tờ, Alethea viết rằng, ‘Những điều trên được tôi quyết định với đầy đủ nhận thức,’ rồi cô ký tên vào. Người làm chứng là ông luật sư và thư ký của ông, tôi giữ một bản còn ông luật sư ủy thác của Alethea giữ một bản.

Khi tất cả mọi việc đã hoàn tất, cô cảm thấy dễ chịu hơn. Cô nói chuyện với tôi, và chủ yếu là về Ernest, ‘Đừng trách mắng nó, nếu nó vẫn cứ hay dao động, và cứ mãi làm dở dang việc này việc kia. Làm thế nào để nó biết được thế mạnh, hay nếu không thì cũng biết được điểm yếu của nó đây? Nghề nghiệp của một người đàn ông,’ cô nói tiếp, và cười khúc khích đúng kiểu của cô, ‘không giống như một người vợ mà anh ta phải lấy chỉ một lần trong đời, dù sau này có tốt hơn hay xấu hơn, và cũng chẳng được thử trước. Hãy để nó đi đây đó, và tự khám phá ra điều gì nó thật sự thích nhất, có như thế, nó mới hướng được mình đến với điều đó một cách chuyên tâm nhất, và như thế nó sẽ gắn chặt với điều đó; nhưng tôi dám nói là Ernest sẽ chẳng xác định được điều đó trước lúc nó được bốn mươi hay bốn mươi lăm tuổi đâu. Rồi sau đó, tất cả những thứ đã từng dở dang trước đó, sẽ cùng nhau khiến nó nên tốt, nếu nó thực sự là chàng trai mà tôi kì vọng.’

Tác giả: