Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Còn ở nhà, mọi chuyện với nó cũng đã khá hơn, chuyện của Ellen và việc nợ nần với bà Cross đã chìm dần vào quên lãng, thậm chí nó còn có nhiều thời gian thong thả hơn bởi là huynh trưởng trong nhà. Dù vậy, những đôi mắt dò xét và cánh tay can thiệp của bố mẹ vẫn dõi theo từng lúc nó đi về, và lục lọi mọi bước đi của nó. Thật kì lạ là dù luôn cố để giữ vẻ ngoài như thể đang vui thú và thoải mái, đôi lúc thực sự là vậy, nhưng mỗi khi thấy không có ai theo dõi mình, đôi mắt của nó vẫn thường lộ ra vẻ lo lắng và mệt mỏi, điều này cho thấy trong con người nó đang diễn ra một xung đột gần như liên tục?

Chắc chắn Theobald đã thấy được những ánh mắt này của nó và cũng lý giải được lý do vì sao, nhưng anh quá thạo trong việc bịt mắt lại với những gì hiển nhiên, và không một mục sư nào giữ được chén cơm quá một tháng nếu không làm được việc này, hơn nữa, trong nhiều năm rồi, anh đã tự để mình nói ra những điều không nên nói, và ngậm miệng với những điều phải nói, đến nỗi giờ đây tựa hồ như anh nhìn mọi sự theo cái kiểu có thể xem là tốt hơn không nên thấy gì trừ phi đó là việc chẳng đặng đừng.

Có những việc người cha phải làm, chẳng hạn như không làm rối rắm thêm những gì vốn đơn giản, điều khiển lương tâm mình cho đúng đắn, trao đổi tâm tư với con trai nhiều hơn một chút, chất vấn nó ít hơn, và cho nó tiền tiêu để mong nó dùng vào những gì khiến nó thấy vui vẻ…, nhưng Theobald không làm được nhiều trong số đó.

‘Đúng là không nhiều,’ Ernest bật cười, khi tôi đọc cho nó những dòng trên. ‘Những việc trên là toàn bộ bổn phận của người cha. Nhưng trong tất cả, thứ xấu xa nhất chính là việc làm cho mọi chuyện cứ rối tung và lẫn lộn cả lên. Nếu người ta dám giải bày với nhau một cách cởi mở, thì hẳn hàng trăm năm sau, thế giới đã bớt đi được nhiều muộn phiền rồi.’

Nhưng chúng ta hãy trở lại với Roughborough đã. Vào ngày rời trường, khi Ernest được gọi đến thư viện để bắt tay tạm biệt với ngài hiệu trưởng, nó ngạc nhiên khi nhận ra rằng, dù chắc chắn nó mừng vì được rời khỏi đây, nhưng nó không thấy trong lòng bất kỳ sự căm ghét đặc biệt nào dành cho ngài tiến sỹ. Nó đã đi hết chặng đường, và vẫn còn sống tốt, cũng như không sống quá xấu so với những người khác. Tiến sỹ chào đón nó một cách ân cần, và thậm chí còn đùa với cái vẻ nặng nề của nó nữa. Những người trẻ luôn dễ tha thứ, và Ernest cảm thấy giả như có thêm một cuộc gặp như thế này nữa, thì hẳn nó sẽ quên hết mọi chuyện cũ, và thậm chí còn gia nhập hàng ngũ những người ái mộ và ủng hộ ngài tiến sỹ, mà phần đông trong số đó vốn là những cậu trai đầy hứa hẹn.

Trước khi nói lời tạm biệt, tiến sỹ lấy một quyển sách từ chiếc giá mà sáu năm trước Ernest đã thấy nó thật khủng khiếp, rồi trao cho nó sau khi viết tên mình và vài chữ tiếng Hy Lạp, mà tôi tin có nghĩa là ‘với những lời chúc tốt đẹp nhất từ tôi.’ Đó là một quyển sách Latin viết bởi học giả Đức Schomann: ‘De comitiis Atheniensibus’ (Nghị trường thành Athen), thật sự không phải là một quyển sách sáng sủa và vui vẻ gì, nhưng Ernest cảm thấy đây là lúc thích hợp để nó tìm hiểu về thể chế và cách bầu cử của athen, nó đã từng học về những thứ này rồi, nhưng lại quên sạch ngay sau đó, tuy vậy, giờ đây khi tiến sỹ trao cho nó quyển sách, nó lại muốn nắm vững những thứ này cho trọn. Thật là lạ lùng! Nó cực kỳ muốn nhớ những thứ này, nó biết là nó muốn, nhưng nó không thể giữ nổi chúng trong đầu, dù nó có cố thế nào thì những kiến thức đó cứ vào tai này ra tai kia ngay lập tức, trí nhớ của nó thật tệ hại; nhưng nếu có ai chơi cho nó nghe một bản nhạc và bảo nó biết tác giả là ai, thì chẳng bao giờ nó quên được, dù chẳng cần phải cố gắng chút gì, và cũng không ý thức cố gắng nhớ chúng. Cái đầu của nó chắc có gì đó không ổn, và như thế là nó không tốt.

Tranh thủ chút thời gian rỗi còn lại, nó lấy chìa khóa nhà thờ thánh Michael và đến đó đàn một bài giã biệt. Tay đàn của nó bây giờ đã khá nhuần rồi. Nó trầm tư bước đi lên xuống dọc lối giữa nhà thờ một lúc, rồi ngồi xuống cạnh cây đàn và chơi bản ‘họ ghét uống dòng nước sông này’ đến sáu lần, rồi nó cảm thấy yên bình và hạnh phúc hơn, xong tất cả, nó rời cây đàn yêu quý, vụt chạy ra nhà ga.

Khi con tàu xuất hiện, từ gờ cao của nhà ga, nó nhìn lại ngôi nhà nhỏ nơi cô Alethea từng ở, và cũng là nơi mà cô đã chết cùng với mong muốn được làm những điều tốt đẹp cho nó. Có hai vòm cửa sổ nó biết rất rõ, nơi nó thường nhảy qua rồi băng ngang bãi cỏ đến xưởng mộc. Nó tự trách mình vì đã dành quá ít lòng biết ơn đối với người cô ân cần của nó, người duy nhất nó từng cảm nhận là xứng đáng để nó có thể tin tưởng giãi bày mọi chuyện. Càng trân trọng những kỉ niệm về cô, nó càng thấy mừng vì cô không phải chứng kiến những chuyện tệ hại nó đã vướng phải sau khi cô mất, có thể cô sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho những chuyện đó, và như thế thật khủng khiếp biết bao! Nhưng, nếu cô Alethea còn sống, có thể cô đã xoa dịu đi nhiều nỗi đau buồn của nó. Nghĩ đến đó nó lại thấy buồn. Đến bao giờ, đến tận bao giờ, nó tự nhủ với mình, chuyện này mới chấm hết? Chẳng lẽ tương lai của nó cũng vẫn là phạm lỗi, hổ thẹn và đau buồn y hệt như trong quá khứ hay sao? Chẳng lẽ đôi mắt dò xét và bàn tay can thiệp luôn mãi của cha nó cứ đè những gánh nặng quá sức chịu đựng lên vai nó hay sao? Hay một ngày nào đó, nó sẽ được thấy mình khá ổn và hạnh phúc?

Bầu trời đang phủ mờ bởi một màn mây bạc nên mắt trần có thể nhìn thẳng được vầng mặt trời trên cao, và khi đang trầm ngâm những điều trên, Ernest ngước lên nhìn thẳng vào chính diện vầng thái dương như thể đang nhìn vào khuôn mặt một người nó quen biết và yêu mến. Lúc đầu khuôn mặt của nó ủ dột, nhưng nhẹ nhàng, kiểu như một người mệt mỏi sau khi hoàn tất một nhiệm vụ lâu dài, nhưng vài giây sau, nó chợt thấy ra được phần khôi hài trong sự bất hạnh của nó, nó mỉm cười nửa cay đắng nửa vui vẻ, và nghĩ rằng trong tất cả những gì đã xảy ra chỉ có một số quá ít thật sự có ý nghĩa với nó, và sự gian khổ của nó so với những người khác thật tầm thường bé nhỏ biết bao. Vẫn mãi nhìn chăm chăm vào đôi mắt của vầng thái dương và mỉm cười mơ mộng, nó nghĩ về chuyện nó đã đốt cái hình nộm của cha nó, và như thế đôi mắt nó rạng rỡ dần, đến cuối cùng bùng ra thành một tràng cười sảng khoái. Ngay đúng lúc này, tấm màn mây kéo ra và ánh mặt trời rọi thẳng vào mặt đưa nó về lại với thực tại. Nó nhận ra có một quý ông lớn tuổi có cái đầu to và mái tóc xám tro đứng đối diện, đang chăm chú nhìn nó.

‘Anh bạn trẻ của tôi ơi,’ ông nói một tử tế, ‘đúng là anh không được trò chuyện với người trong mặt trời khi đang ở trên toa xe lửa.’

Quý ông lớn tuổi không nói gì thêm nữa, chỉ mở tờ báo Times ra và bắt đầu đọc. Còn Ernest thì thẹn đỏ mặt. Trong suốt chuyến tàu, hai người chẳng nói gì với nhau, nhưng lại nhìn nhau nhiều lần, đến nỗi cả hai đều ghi nhớ sâu ký ức về người còn lại.

Chương 45

Một số người bảo rằng những ngày đi học là thời hạnh phúc nhất trong đời. Có lẽ họ đúng, nhưng tôi luôn dành một ánh mắt ngờ vực cho những ai nói như vậy. Thật khó để biết được hiện giờ một người đang hạnh phúc hay bất hạnh, và cũng khó như thế khi so sánh những thời điểm khác nhau trong đời người, lúc nào là hạnh phúc và lúc nào là bất hạnh, điều khả dĩ nhất có thể nói được là bao lâu chúng ta chưa nhận thức rõ ràng về sự khốn cùng bấy lâu chúng ta vẫn còn khá hạnh phúc. Cách đây không lâu, khi tôi nói điều này cho Ernest, nó bảo rằng bây giờ nó quá hạnh phúc, chưa bao giờ nó hạnh phúc được như thế hoặc dám mơ được như thế, nhưng Cambridge đúng là nơi đầu tiên cho nó nhận thức được một hạnh phúc lâu dài.

Có đứa trẻ nào lại không phấn khích sung sướng khi lần đầu tiên được đặt chân vào căn phòng sẽ là nơi trú ẩn toàn quyền của nó trong suốt nhiều năm trời? Trong lâu đài nhỏ này, nó chẳng bị ép buộc phải nhường cái chỗ êm ái mà nó vừa ngồi lên khi cha hay mẹ nó bước vào phòng. Chiếc ghế êm ái bậc nhất này dành riêng cho nó, không có ai ở chung phòng và cũng chẳng có ai quấy rầy việc nó đang hứng thú làm, trong đó có việc hút thuốc. Nếu một căn phòng như thế hai mặt đều nhìn ra những bức tường trắng trơn im lìm, thì vẫn cứ là một thiên đường, và thiên đường đó sẽ còn đẹp hơn nhiều nếu từ đó có thể nhìn ra những sân cỏ, hay hành lang, hay sân vườn hệt như những gì thấy được từ các khung cửa sổ của phần lớn phòng ở tại Oxford và Cambridge.

Theobald, một cựu học sinh và đồng thời là trợ giảng ở trường Emmanuel, một thành viên của Đại học Cambridge, đủ khả năng để nhờ các giảng viên đương nhiệm cho mình được chọn phòng, và nhờ thế phòng ở của Ernest rất thoải mái với tầm nhìn ra bãi cỏ và chung quanh đều là vườn.

Anh đi cùng Ernest đến trường và rất hào hứng vì việc này. Việc được đi dạo đâu đó khiến anh vui thích, thậm chí niềm tự hào vì có người con trai trưởng thành học đại học cũng chẳng là gì so với điều này. Vẻ rạng rỡ của anh phần nào khiến anh nhẹ nhàng hơn Ernest. Theobald nói anh ‘sẵn sàng hy vọng,’ đây là một trong những câu cửa miệng của anh, rằng Ernest sẽ biết đổi tính đổi nết khi anh quay gót về nhà, còn riêng phần mình, anh ‘quá sẵn lòng,’ cũng là một câu cửa miệng khác, cho qua tất cả mọi chuyện.

Tác giả: