Xác thịt về đâu – Samuel Butler

‘Trong phạm vi những giới hạn theo ý định của mình, tôi sẽ không cố gắng để tóm tắt sự hình thành và phát triển của kịch nghệ Hy Lạp, nhưng sẽ chỉ dừng lại ở việc xem xét rằng liệu danh tiếng của ba tác giả bi kịch Hy Lạp chính yếu là Aeschylus, Sophocles và Euripides có trường tồn được mãi, hay một ngày nào đó người ta sẽ nhận ra là họ đã nhầm khi đánh giá quá cao các ông hay không?

Tôi tự nhủ rằng tại sao tôi thấy mình dễ dàng ái mộ những bài văn và thể thơ trào phúng của Homer, Thucydides, Herodotus, Demosthenes, Aristophanes, Theocritus, phần nào của Lucretius, và Horace, cũng như thấy bình thường với các tác giả cổ khác, nhưng lại cảm giác khó chịu với những tác phẩm vốn được nhiều người ái mộ của Aeschylus, Sophocles và Euripides.

Với nhóm tác giả đầu tiên, tôi chịu ảnh hưởng của họ, những người có những cảm nhận mà nếu tôi không có được thì ít ra tôi cũng có thể hiểu được, và tôi thích thú khi thấy họ trình bày được những cảm nhận đó. Nhưng với nhóm sau, tôi quá ít đồng cảm với họ nên không thể hiểu nổi vì sao ai đó lại có thể thích họ cho được. Đối với tôi, những vần thơ bay bổng nhất của họ chỉ là thứ vô vị, khoa trương và giả tạo, mà giả như đến tận thời này chúng mới xuất hiện thì thế nào chúng cũng sẽ lụi tàn hoặc bị những nhà phê bình bắt bẻ dữ dội. Tôi mong sao có thể biết được rằng liệu tôi có sai lầm trong cảm nhận này không, hay liệu một phần trong lời phê phán này của tôi lại không xuất phát từ chính các tác giả bi kịch đó.’

Tôi tự hỏi mình rằng liệu những người thành Athen thực sự thích những nhà thơ này đến mức nào, và những tràng tán thưởng phung phí của họ chịu ảnh hưởng từ thói đua đòi và ra vẻ đến đâu? Thật sự thì lòng ái mộ của người Athen dành cho những tác giả bi kịch chính thống này và việc đi lễ nhà thờ của chính chúng ta bây giờ, có bao nhiêu phần giống nhau đây?

Trong suốt hơn hai ngàn năm qua, đặt ra một chất vấn như thế là một hành động quá liều lĩnh, và tôi cũng không dám tự cho mình cái quyền đó nếu như không có một người đầy danh giá và đã được tôn vinh như một trong số những tác giả bi kịch lừng danh, đã từng gợi ý điều này. Người tôi muốn nói đến chính là Aristophanes.

Nhiều người danh tiếng, có lẽ chỉ ngoại trừ Homer, cùng với thời gian đã nâng Aristophanes lên thành một đỉnh cao văn học như các tác giả cổ khác, nhưng chính Aristophanes đã thể hiện sự căm ghét cực độ không chút giấu diếm đối với Euripides và Sophocles, và tôi ngờ rằng ông tôn vinh Aeschylus chỉ để hạ giá hai tác giả kia mà không phải hứng chịu quá nhiều công kích. Xét cho cùng, chẳng thể nói rằng Aeschylus quá giỏi còn những hậu bối Euripides và Sophocles quá tệ, họ cũng chẳng khác gì nhau đâu, chính Euripides cũng đã dùng những lời Aristophanes mớm cho để đả kích Aeschylus quá hiệu quả.

Chúng ta có thể thấy rằng trong khi Euripides quy kết Aeschylus vì ‘cách dùng từ phô trương phù phiếm,’ mà theo tôi có thể hiểu rằng ông phê phán tính khoa trương sáo ngữ trong những lời khoe khoang của Aeschylus, còn chính bản thân Aeschylus thì vặn lại Euripides khi nói rằng ông ta chỉ là một ‘kẻ mót chuyện ngồi lê đôi mách, hình mẫu của những kẻ ăn mày, và một thợ may giẻ rách,’ nhưng như thế lại chỉ ra rằng Euripides thành thật với đời sống thời đó hơn là Aeschylus. Tuy nhiên, đặc tính quan trọng để một tác phẩm hư cấu, dù trong văn học hay hội họa, có được sức hút lâu bền chính là sự quy chiếu chân thực đối với đời sống đương thời, và theo đó, chẳng lạ gì khi mà Aeschylus và Sophocles chỉ có bảy tác phẩm được lưu truyền đến nay, trong khi con số đó của Euripides lên đến mười chín.

Nhưng nói chuyện này là tôi lạc đề mất rồi, vấn đề cần đặt ra với chúng ta là liệu Aristophanes có thực sự thích Aeschylus hay chỉ giả vờ làm vậy mà thôi. Chúng ta phải nhớ rằng những lập luận đặt AEschylus, Sophocles và Euripides lên tột đỉnh trong số các tác giả bi kịch được xem là một xác nhận quá rõ ràng giống như khi người Ý đương thời tuyên bố Dante, Petrarch, Tasso và Ariosto là những nhà thơ Ý quốc vĩ đại nhất vậy. Hãy thử tưởng tượng một văn sỹ tài năng và hóm hỉnh, ở Florence chẳng hạn, thấy mình khó chịu với chính những nhà văn Ý mà tôi vừa nêu trên, thì chúng ta có thể tin rằng ông ta sẽ chối không nhận là mình hoàn toàn căm ghét những nhà thơ đó. Ông ta sẽ thích hơn khi nghĩ rằng mình có thể thấy được điều gì đó nơi Dante, người mà ông có thể dễ dàng tôn làm thần tượng, bởi Dante ít gần gũi với ông hơn, rồi để lấy lòng những người đồng hương của mình, ông ta sẽ vui lòng hòa hợp với những nhà thơ đó hơn là cứ nhất quyết giữ ý hướng của mình. Cũng như thế, với Aristophanes, nếu ông không dịu bớt bằng việc ái mộ một trong số ba tác giả bi kịch lừng danh trên, bất kỳ ai cũng được, thì ông sẽ gặp phải những mối nguy khi lên tiếng công kích họ. Chuyện này giống như việc một người anh dám nói rằng mình không đánh giá cao những nhà viết kịch thời Elizabeth vậy. Nhưng mà có ai trong chúng ta thật lòng thích những nhà viết kịch thời Elizabeth, ngoại trừ mỗi Shakespeare? Chẳng phải thực sự thì họ cũng chỉ là những kẻ sống mòn trong văn học mà thôi hay sao?

Tóm lại, tôi kết luận rằng Aristophanes không ưa bất kỳ tác giả bi kịch nào; và không một ai có thể chối rằng văn sỹ sắc sảo, dí dỏm, và thẳng thắn này là một nhà phê bình văn học xuất sắc, và như hầu hết trong chúng ta ông có thể nhìn ra bất kỳ vẻ đẹp nào, nếu có, trong những vở bi kịch. Hơn nữa, ông còn có lợi thế là hoàn toàn nhận thức được những tác giả bi kịch muốn người ta đánh giá về tác phẩm của mình theo quan điểm nào. Và rồi ông đã kết luận thế nào đây? Tóm lại thì gần như Aristophanes nhận định rằng những tác giả bi kịch trên là những kẻ lừa dối, hoặc rất gần như thế. Về phần mình, tôi chân thành đồng ý với ông. Tôi thoải mái thừa nhận rằng có lẽ ngoại trừ một vài Thánh vịnh của vua David, tôi chẳng thấy có một tác phẩm bi kịch nào đáng được tôn dương. Tôi không biết liệu tôi có thấy phiền khi em gái tôi đọc những tác phẩm kiểu đó hay không, nhưng riêng phần mình, tôi sẽ chẳng bao giờ đọc chúng.’

Thật tuyệt vời khi Ernest thêm một chút cuối cùng nói về các Thánh vịnh, và chính điểm này bắt người biên tập phải đấu tranh để quyết định xem có nên đăng bài này hay không. Chính bản thân Ernest cảm thấy sợ điểm này, nhưng nó đã từng nghe một ai đó nói rằng nhiều Thánh vịnh rất tầm thường, và sau khi xem xét kỹ hơn, nó thấy rằng gần như có hai ý kiến trái chiều về điểm này. Nên nó lấy lời bình phẩm đó và biến nó thành của mình, nhận xét rằng những Thánh vịnh đó gần như không phải do vua David viết, mà do nhầm lẫn lấy của người khác đưa vào.

Bài của nó, có lẽ là nhờ đoạn viết về các Thánh vịnh, đã khá gây chú ý, và nói chung là được đón nhận. Bạn bè của Ernest tán dương quá mức, còn bản thân nó thấy rất tự hào về việc này, nhưng vẫn chẳng dám để cha mẹ nó đọc bài này. Nó cũng biết rằng khả năng của nó đến đó là hết, sau ý tưởng này (mà tôi thấy chắc rằng nó đã lấy một nửa từ những người khác) nó chẳng còn gì để viết. Chút danh tiếng nhỏ nhoi nhưng lại quá lớn so với nó đã làm khổ nó, và nó biết rằng nó chẳng thể giữ được cái danh hão này đâu. Nhiều ngày sau, nó thấy được bài văn phản phúc này thật là một thứ hão huyền tai hại đối với nó, bắt nó phải lao mình điên cuồng cố gắng đủ kiểu để duy trì thắng lợi này, và rồi, chúng ta cũng có thể hình dung được, tất cả mọi nỗ lực của nó đều dẫn đến thất bại.

Nó không hiểu được rằng nếu nó biết chờ đợi, lắng nghe, và quan sát, thì ý tưởng có thể sẽ đến với nó một ngày nào đó, và thậm chí với sự tiến bộ của nó thì đó còn là một ý tưởng sâu xa hơn nữa. Nó chưa biết được rằng cách tệ hại nhất để tìm ra ý tưởng chính là cắm đầu săn đuổi nó. Để có được ý tưởng, người ta phải tìm học những gì mình yêu thích, và viết ra bất kỳ điều gì liên quan đến nó thoáng qua trong đầu, dù là trong lúc nghiên cứu hay lúc nghỉ ngơi, với một quyển sổ nhỏ luôn nằm trong túi áo. Bây giờ thì Ernest đã hiểu được điều này, nhưng nó đã phải mất một thời gian dài mới được như vậy, bởi đó là thứ mà người ta không dạy ở trung học cũng như đại học.

Nó cũng chẳng biết được rằng ý tưởng cũng giống như con người, thường phải được sinh ra từ những nguồn không quá khác biệt với chúng là mấy. Đời sống tựa như một bản đại hòa tấu, tất cả mọi thứ đều phải từ chủ đề bản nhạc mà ra và không được thêm vào điều gì mới mẻ. Nó cũng không thấy được rằng thật khó để chỉ ra đâu là điểm kết thúc của một ý tưởng và nơi nào một ý tưởng khác khởi đầu, cũng như không nhìn ra được khó khăn tương tự khi muốn chỉ ra đâu là khởi đầu và kết thúc của đời sống, hay của một hành động hay thực sự của bất kỳ điều gì, bởi trong cái độc nhất có cái vô vàn, và trong vô vàn cũng có độc nhất. Nó nghĩ rằng các ý tưởng đến với những người thông minh theo kiểu tự phát sinh, mà không nghĩ đến sự liên hệ ý tưởng đó với suy tư của những người khác hay với quá trình quan sát, bởi nó tin vào khái niệm thiên tài, một thứ mê cuồng tốt đẹp mà nó biết rõ là nó không có.

Không lâu trước thời điểm này, nó đã đến tuổi quy định, và Theobald đã bàn giao số tiền thừa kế cho nó. Tổng số tiền giờ đây đã lên đến năm ngàn bảng, nên với lợi tức năm phần trăm, mỗi năm nó có được một khoản thu nhập đến hai trăm năm mươi bảng. Tuy nhiên cho đến khá lâu về sau, nó vẫn chẳng nhận ra được (nó chẳng biết gì ngoài những thứ mà nó đã từng được trải nghiệm) sự thực rằng bây giờ nó đã độc lập được với cha mình, và Theobald cũng vậy, anh chẳng thay đổi gì trong cách hành xử với nó. Giữa họ vẫn giữ chặt cái thói quen và mối liên hệ cũ, nghĩa là một người xem mình có quá đủ quyền để ra lệnh, và người kia thấy mình có quá ít quyền để phản đối.

Tác giả: