Xác thịt về đâu – Samuel Butler

‘Ernest yêu quý, Ta viết thư này không phải là để trách mắng nỗi ô nhục và hổ thẹn mà con đã gây nên cho ta và mẹ con, chưa kể đến em trai Joey và em gái con nữa. Tất nhiên là chúng ta rất đau buồn, nhưng ngay cả khi buồn sầu, chúng ta vẫn biết ai là người cần chúng ta trông đến, và chúng ta lo lắng cho con nhiều hơn lo cho mình. Mẹ của con thật phi thường. Bà vẫn đứng vững, khỏe mạnh và mong ta gởi đến con tình thương của bà.

Liệu con đã xác định hướng đi sau khi ra tù hay chưa? Từ ông Overton, ta hiểu được rằng con đã làm mất sạch tài sản thừa kế từ ông nội, cùng với toàn bộ tiền lãi của nó, do đầu tư vào Thị trường Chứng khoán. Nếu con thực sự là người có lỗi trong cái chuyện đầu tư ngu ngốc khủng khiếp này, thì thật khó để hy vọng con có thể làm tốt việc gì khác, và ta cho rằng con sẽ cố để tìm một chân thư ký văn phòng. Lúc đầu, mức lương của con chắc chắn sẽ thấp, nhưng hoàn cảnh này là do con gây nên, và con buộc phải chấp nhận. Nếu con biết chịu cực để làm vừa lòng ông chủ thì thế nào ông ta cũng sẽ không ngần ngại thăng chức cho con.

Lúc mới nghe ông Overton báo cho biết về nỗi bàng hoàng không thể tả xiết này, ta đã quyết định sẽ không nhìn mặt con nữa. Nhưng ta cũng không muốn dùng đến một phương sách sẽ tước đoạt đi của con mối liên hệ cuối cùng với những con người đáng trọng. Mẹ con và ta sẽ gặp con ngay khi con được ra tù, nhưng không phải ở Battersby, hiện thời chúng ta không muốn con xuống nhà, mà là ở một nơi nào khác, London chẳng hạn. Con sẽ không cần phải tránh mặt chúng ta, chúng ta không trách mắng con đâu. Rồi đến lúc đó chúng ta sẽ quyết định về tương lai của con. Hiện tại, chúng ta thấy rằng ở Úc châu hay New Zealand, con sẽ có được một bước khởi đầu tốt đẹp hơn ở đây, và ta đã chuẩn bị sẵn bảy mươi lăm bảng hay thậm chí một trăm bảng nếu cần, để con trang trải cho chuyến đi. Một khi đến được vùng thuộc địa đó, mọi thứ sẽ tùy thuộc vào nỗ lực của riêng con.

Cầu Chúa nâng đỡ cho mọi người và cho con, cũng như vài năm sau, sẽ đưa con về lại nhà như một thành viên đáng trọng của xã hội.

Cha yêu quý của con,

T. PONTIFEX.’

Còn đây là phần tái bút của Christina.

‘Con trai yêu quý, rất đỗi yêu quý của mẹ, hãy cầu nguyện với mẹ hằng ngày hằng giờ để chúng ta sẽ lại được là một gia đình hạnh phúc, hiệp nhất và biết kính sợ Chúa như trước khi nỗi đau khủng khiếp này xảy đến. Người mẹ đau buồn nhưng luôn đầy tình thương của con. C.P.’

Ernest sẽ xúc động nếu nhận được lá thư này trước đây, nhưng bây giờ, sau khi đã qua thời gian trong tù, thì không. Cha và mẹ nó nghĩ rằng họ sẽ có thể kéo nó lại như đã từng đẩy nó đi. Họ quên mất rằng với một người còn trẻ và đầy nhiệt huyết, thì sau một biến cố bất hạnh, mọi thứ thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Ernest không trả lời thư của cha nó, và khát mong đoạn tuyệt hoàn toàn của nó càng phát triển quá đỗi mạnh mẽ. ‘Có những trại mồ côi cho những đứa trẻ mất cha mẹ,’ Ernest tự thét lên với mình, ‘ôi thôi, vậy tại sao, tại sao, tại sao, không có nơi nương thân nào cho những người đã trưởng thành mà chưa thoát được cha mẹ mình cơ chứ?’ Và nó vùi mình suy nghĩ về hạnh phúc của Melchisedek[37], được sinh ra mồ côi, không cha, không mẹ, không dòng dõi.

Chương 68

Khi nghĩ đến tất cả những gì Ernest đã chia sẻ với tôi về những cảm thức của nó trong thời gian ở tù, và những kết luận nó rút ra được từ đó, tôi thấy nó thực sự muốn thực hiện cái chước cách cuối cùng có thể xuất hiện trong đầu nó, chính là việc nó muốn từ bỏ cha và mẹ vì Chúa Kitô. Nó nói rằng nó bỏ cha mẹ bởi họ cản lối nó đến với hạnh phúc đích thực và vững bền nhất của nó. Cho là vậy đi, nhưng hạnh phúc này là gì nếu không phải là Chúa Kitô? Và Chúa Kitô là gì nếu không phải là hạnh phúc bền vững đích thực nhất đó. Một con người mang lấy quan điểm cao vời nhất và tự trọng nhất về hạnh phúc của chính mình trong giới hạn ý thức của mình, và gắn chặt vào đó bất kể lề thói, chính là một Kitô hữu, cho dù nó có nhận ra được như vậy hay không. Một bông hoa hồng chẳng thể mất đi chút giá trị nào của bông hoa hồng, nếu chỉ bởi nó không biết tên của mình.

Điều gì mà ngoại cảnh đã khiến cho gánh nặng của nó nhẹ nhàng hơn so với hầu hết những người khác? Đó chính là vận may của nó, hệt như vận may của những người đã được nhẹ gánh hơn nhiều nhờ tình cờ được sinh ra đúng chỗ. Nếu người ta được sinh ra giàu sang hay xinh đẹp, chắc chắn họ có quyền có một tương lai tươi sáng. Một vài người tôi biết sẽ nói rằng người ta chẳng có quyền gì để vừa mới sinh ra đã được hơn người, số khác lại nói rằng vận may chỉ đến với những người tôn kính. Tôi dám nói rằng cả hai có thể đúng trong nhiều trường hợp, nhưng dù cho cái nào đúng đi nữa, thì chắc chắn Ernest có quyền có được vận may tốt đẹp sẽ làm nhẹ gánh cho nó khi vướng phải nỗi bất hạnh rắc rối đến nỗi bị tống giam này. Chẳng ai có thể cười nhạo một người vì anh ta có được con bài chủ trong tay, mà chỉ có thể cười nhạo khi anh ta không biết dùng nó cho tốt mà thôi.

Thật sự, tôi hoài nghi không biết liệu với những người khác thì việc bỏ cha mẹ vì Chúa Kitô có khó khăn hơn so với Ernest hay không. Có lẽ trước khi đến mức tuyệt giao này thì mối quan hệ giữa hai bên hẳn phải gần như luôn cực kỳ căng thẳng. Tôi không biết liệu có ai đó, vì một lẽ thuần lý trí, bị đòi buộc phải từ bỏ những người mà anh ta vốn đang gắn bó thân mật hay không, nếu thế thì anh ta phải thôi không gắn bó mật thiết với họ trong một thời gian dài trước khi được mời gọi đoạn tuyệt với họ, bởi do sống trong những hoàn cảnh khác nhau, giữa hai bên sẽ nảy sinh những quan điểm khác nhau về động cơ quan trọng sống còn của đời sống, và chúng sẽ dẫn đến nhiều bất đồng khác đến nỗi khi sự ‘đoạn tuyệt’ xảy đến thì nó cũng hệt như nhổ bỏ một cái răng sâu gây đau đớn nhưng đã mục rỗng và lung lay quá rồi. Nỗi đau thực sự của chúng ta chính là sự hư mất của những người mà chúng ta không được đòi hỏi phải từ bỏ họ vì Chúa Kitô. Và rồi trong thái độ sốt sắng từ bỏ của chúng ta vẫn có một cơn đau quặn thắt tâm can. May thay, dù việc này nhẹ nhàng hay nặng nề thế nào, thì một khi chúng ta làm xong coi thì cũng coi như đã đủ, chúng ta nhận lấy phần thưởng của mình hệt như hercules khi làm đủ mười hai nhiệm vụ vậy.

Nhưng trở lại với câu chuyện của chúng ta, Ernest đã đi đến kết luận là sẽ trở thành một thợ may. Nó đã nói chuyện này với ông tuyên úy, và ông ấy bảo rằng nếu nó quyết tâm học nghề trong thời hạn tù còn lại, khoảng ba tháng, thì chẳng có lý gì khi ra khỏi tù, nó không kiếm được sáu hay bảy shilling một ngày. Bác sỹ cho biết nó đã đủ khỏe để học may, và đó là thứ duy nhất nó cần để bắt tay vào việc, nên nó rời thương xá sớm hơn dự kiến, và gia nhập xưởng may, lòng đầy hân hoan khi lại thấy được một con đường để đi, và vững tin vào thành công sẽ đến, chỉ cần nó có được một bàn đạp vững chắc để bắt đầu.

Tất cả mọi người làm việc cùng với nó đều thấy rằng nó chẳng có gì để đáng liệt vào thành phần bất hảo, đồng thời cũng nhận ra nó háo hức học hỏi và biết cách tránh những rắc rối, nên họ luôn đối đãi với nó tử tế và gần như là đầy tôn trọng. Nó chẳng thấy nghề may có gì chán ngấy hay khó chịu, thậm chí còn thoải mái hơn việc làm thơ bằng tiếng Latin và Hy Lạp lúc còn ở Roughborough, và nó thấy là đáng ra nó nên ở đây, trong tù còn hơn là phải về lại Roughborough, hay thậm chí là Cambridge. Vấn đề duy nhất nó dễ vướng phải là việc nó thường trao đổi vài lời và nhìn những tù nhân khác với một ánh mắt thân thiện. Điều này bị cấm, nhưng nó luôn cố tận dụng mọi cơ hội để bỏ qua luật này.

Bất kỳ ai vừa có năng lực vừa nóng lòng như nó tất nhiên sẽ tiến bộ thần tốc, và rồi trước khi mãn hạn tù, quản giám bảo rằng nó đã là một thợ may khéo tay chỉ với ba tháng học việc, trong khi người khác phải mất đến một năm. Chưa bao giờ trước đây, Ernest được giáo viên nào khen như vậy. Từng ngày trôi qua, nó càng khỏe hơn và càng quen hơn với môi trường xung quanh, nó thấy tình thế hiện tại này đem lại cho nó vài mối lợi mà nó vốn không nhắm đến, và thấy ngỡ ngàng trước vận may này của mình, bởi mọi chuyện đã được sắp xếp quá tuyệt vời cho nó hơn cả những gì nó có thể thu xếp cho mình nữa.

Nó đã sống ở Ashpit Place được sáu tháng, và đó là một lợi thế cho phép nó có thể làm được những chuyện vốn là bất khả thi với những người cùng địa vị như nó. Nếu một người như Towneley bị bắt từ nay về sau phải sống trong một ngôi nhà giống như Ashpit Place thì hẳn anh ta không thể chịu đựng nổi. Nếu như do túng thiếu mà bị ép phải đến ngụ ở đó, thì Ernest cũng sẽ không thể chịu nổi. Chỉ bởi vì nó tự thấy rằng mình có thể rời khỏi đó bất kỳ lúc nào nên mới không muốn dọn đi, tuy nhiên, giờ đây khi đã quen với cuộc sống ở Ashpit Place, nó chẳng còn bận tâm đến điều đó nữa, và đã có thể sống thoải mái vui vẻ giữa tầng lớp thấp hơn của London bao lâu nó có thể tự kiếm ăn được. Nó tập sống giữa lớp dân nghèo không phải bởi lo xa tính toán cho tương lai. Nó đã cố để thành thạo công việc bằng một lối học hời hợt hơn, nhưng đã thất bại hoàn toàn. Rồi nó thực hiện một nỗ lực nhỏ, rất nhỏ bằng cách sống thật tâm, và chính đó, lối sống đó, vào đúng lúc nó cần, đã ban cho nó một phần thưởng còn lớn hơn những gì nó đáng được nhận. Nó không thể đối diện với việc trở nên một trong số bần dân trừ phi có được một cầu nối với giữa nó với họ, thứ mà nó đã vô tình khám phá được ở Ashpit Place này. Thật vậy, vẫn có những trở ngại với Ashpit Place, nơi nó đã chọn, nó không muốn phải sống trong một căn nhà có ông Holt dữ dằn và nó cũng sẽ không muốn bị dán chặt vào cái nghiệp mà nó ghét cay ghét đắng nữa. Nếu như không có những tiếng gào thét cùng những bài Kinh Thánh thì hẳn nó sẽ rất hạnh phúc sống trong căn phòng gác mái giá ba shilling một tuần như của cô Maitland vậy.

Tác giả: