Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Đối với tôi, tuổi trẻ như thể mùa xuân, một mùa đáng ca ngợi quá đỗi; đầy say mê nếu người ta yêu quý nó, nhưng thực sự thì hiếm người yêu quý nó, nói rõ ra là bởi, theo quy luật chung, nó mang trong mình cơn gió đông cắt da cắt thịt hơn là làn gió nhẹ êm đềm. Mùa thu là một mùa dịu dàng hơn, và cây trái đã thay thế thậm chí còn tốt đẹp hơn những đóa hoa nữa. Vào tuổi chín mươi, khi được hỏi rằng đâu là thời gian đẹp nhất trong đời mình, Fontenelle đã nói rằng ông không biết thời nào hơn thời nào, nhưng có lẽ những năm tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời ông là khoảng năm ông năm mươi lăm đến bảy mươi lăm tuổi. Còn ngài Johnson cho rằng tuổi già nhiều niềm vui hơn xa tuổi trẻ. Thật vậy, khi về già chúng ta sống dưới bóng Thần Chết, như thể dưới lưỡi gươm của Damocles có thể hạ xuống bất kì lúc nào, nhưng từ lâu chúng ta đã biết được rằng trong cuộc sống chủ yếu là những hù dọa nhau hơn là những tổn thương tật sự, và như thế chúng ta giống như những người sống dưới ngọn núi lửa Vesuvius, và đánh liều với nó mà chẳng e ngại gì.

Chương 7

Có lẽ chương trước đã nói đủ về lứa thanh niên rồi, còn bây giờ tôi bàn riêng về con cái của ông Pontifex. Hai cô chị Eliza và Maria, không đẹp mà cũng không xấu, họ rõ ràng là những quý cô thời thượng, nhưng Alethea thì cực kỳ xinh đẹp và tâm tính của cô đầy trìu mến và vui tươi, đối lập sâu sắc với những anh chị của mình. Cô thừa hưởng nhiều điều từ ông nội mình, không chỉ ở nét mặt, mà còn ở tính vui vẻ, thứ mà cha cô không có, dù cho ông cũng có được kiểu hóm hỉnh ồn ào và thậm chí là thô thiển.

John lớn lên trở thành một anh chàng điển trai và lịch thiệp, xét nét đến cả những tiểu tiết một cách quá thường xuyên và tỉ mẩn. Anh ăn vận rất đẹp, tác phong tốt, và chăm chú vào sách vở đến đỗi mọi thầy giáo đều yêu quý anh; và anh còn mang trong mình bản năng ngoại giao vốn không dễ gì thấy được nơi những cậu bé. Thay vì dạy bảo, cha anh thường đoán xem anh nghĩ gì, về sau ông rất tự hào về anh; hơn nữa, ông thấy nơi anh triển vọng của một thương nhân giỏi, và như thế gia đồ trong tay anh sẽ không lụn bại. John biết cách chiều lòng cha cũng như biết cách làm đẹp lòng bất cứ ai, như thể đó là bản chất của anh vậy. Từ lúc còn khá nhỏ, John đã được cha tín nhiệm rất nhiều.

Theobald không so bì được với anh mình, nó biết điều đó cũng như chấp nhận số phận như vậy. Nó không bảnh trai cũng không ăn nói có duyên bằng anh nó, khi còn nhỏ, nó là một đứa dễ kích động, nhưng bây giờ nó lại kín đáo và rụt rè, tôi có thể nói rằng nó biếng nhác cả về trí óc lẫn thể xác. Nó không ngăn nắp bằng John, cũng không có khả năng khẳng định mình như anh, và ít biết cách làm vừa lòng tính khí thất thường của cha. Tôi không nghĩ là nó có thể yêu ai thật lòng, trong gia đình này ai ai cũng muốn kìm hãm cái tính này của nó, ngoại trừ Alethea, một người quá nhanh nhẹn và hoạt bát so với tính khí phần nào ủ ê của nó. Theobald luôn luôn là đứa giơ đầu chịu báng, đôi khi tôi nghĩ là nó có đến hai ông cha để phải trình bày, là cha của nó và anh John, rồi còn hai người chị là Eliza và Maria nữa. Có lẽ nếu cảm nhận được cảnh tù túng của bản thân một cách sâu sắc, thì hẳn nó đã bỏ đi bụi rồi, tuy nhiên Theobald mang trong mình bản tính sợ sệt, và sự khắc nghiệt của người cha càng khiến nó gắn chặt với anh chị của mình hơn.

Xét theo mặt nào đó, hai cậu con trai nhỏ rất có giá trị với cha chúng. Ý của tôi là ông dùng chúng để giữ lẫn nhau. Ông không cho chúng nhiều tiền tiêu, và ông thuyết phục Theobald rằng những đòi hỏi của John là quan trọng nhất, trong khi đó ông lại nhấn mạnh với John rằng gia đình mình đông con, và quả quyết nghiêm túc rằng những chi phí ông phải trả quá nhiều và đến cuối đời, ông chẳng còn gì nhiều để chia cho con cái. Ông không quan tâm liệu chúng có đối chiếu những lời đó với nhau hay không, miễn là chúng đừng có làm vậy trước mặt ông là được. Theobald không than phiền về cha mình, ngay cả khi không có ông. Tôi biết rõ nó từ khi còn bé, đến lúc đi học, và rồi vào đại học Cambridge, nhưng rất hiếm khi tôi nghe nó đề cập đến tên cha mình thậm chí cả lúc ông còn sống, còn lúc ông đã mất thì nó tuyệt đối không nhắc đến nữa. Ở trường, nó không bị ganh ghét nhiều như anh nó, nhưng nó quá đần và thiếu sôi nổi nên chẳng ai biết đến.

Trước khi Theobald được phong chức, mọi chuyện đã được quyết định rằng nó hẳn phải trở thành một mục sư. Ông Pontifex, một nhà xuất bản sách tôn giáo có tiếng, dường như muốn dâng hiến ít nhất một đứa con của mình cho Giáo hội; việc này có thể thúc đẩy công việc kinh doanh của ông, hoặc ít nhất cũng làm cho nó được vững chãi, hơn nữa, ông Pontifex phần nào có quan hệ với các giám mục và giáo chức, nên có thể ông hy vọng rằng ảnh hưởng của ông sẽ tạo thuận lợi cho con đường thăng tiến của con mình. Ông chỉ cho Theobald số phận tương lai của nó từ lúc còn rất nhỏ, và xem đó như một vấn đề gần như đã được nó chấp nhận rồi. Tuy vậy, nó cũng thể hiện phần nào rằng nó tự do ưng thuận việc đó. Ông Pontifex nói rằng thật hợp lý khi cho con cái quyền chọn lựa, và thật xác đáng quá đỗi khi buộc phải ưng thuận với con mình bất cứ điều gì có lợi cho nó. Ông sẽ thốt lên rằng ông ghê sợ việc hướng một người trẻ theo một nghề nghiệp mà nó không thích. Ông chẳng bao giờ gây áp lực lên con cái để chúng thuận theo ý ông trong việc chọn nghề nghiệp, nhất là đối với ơn gọi tận hiến cho Chúa.

Điệu nói này ông thường dùng đến mỗi khi có khách đến nhà và khi có Theobald ngồi với ông. Ông cũng nhấn mạnh về điểm này, và những ông hói, những bà cô quá hiền lành không thể không say mê với bài nói của ông. Tôi tin là hẳn phải có hai hay ba người chủ gia đình quanh đó đã cho con họ toàn quyền lựa chọn nghề nghiệp, và tôi không chắc về sau họ có hối hận nhiều vì việc đó hay không. Những người khách, khi thấy Theobald khép nép và hầu như không nhúc nhích suốt cuộc nói chuyện bàn về mơ ước của nó, hẳn sẽ tự nhủ rằng cậu bé này hầu như không thể sánh với cha nó và hẳn sẽ đánh giá thấp nó như một đứa thụ động, một đứa cần thêm sinh khí và cần phải ý thức hơn về những thuận lợi nó đang có được nhờ cha nó.

Không một ai tin vào sự hợp lý của toàn bộ tiến trình này hơn chính Theobald, cảm giác bồn chồn khiến nó im lặng, nhưng việc này quá sâu xa và quá sức đối với nó khiến nó không thể lĩnh hội được hoàn toàn, cũng như không thể tự mình hiểu được. Nó sợ cái quắc mắt của cha mỗi khi nó thể hiện sự chống đối dù là nhỏ nhất. Một đứa trẻ mạnh mẽ sẽ không xem những lời đe dọa dữ dằn hay những lời châm chích thô thiển của cha nó là nghiêm trọng, nhưng Theobald là một đứa yếu đuối, và dù đúng hay sai, nó đã cho là cha nó sẵn sàng biến những lời đe dọa này thành sự thật. Chống đối cha nó chẳng đem lại kết quả mong muốn nào, và thậm chí nhún nhường cũng vậy, ngoại trừ lúc nó đột nhiên muốn làm đúng ngay điều mà cha nó mong muốn. Nếu nó đã từng ấp ủ ý định kháng cự, thì giờ đây suy nghĩ đó đã tan biến hết, và sức lực để chống đối của nó cũng không còn bởi quá hiếm khi nó dám làm vậy; nó chẳng còn biết làm gì ngoại trừ ưng thuận một cách vô tri như một kẻ ngu si bị đè nén.

Nó có thể mập mờ nhận thức rằng đó không phải là cuộc sống của nó, có thể đôi lúc nó mơ mình là một chiến binh hay một thủy thủ nơi vùng đất ngoại bang xa xôi, hay thậm chí là một đứa con nông dân trên đồng hoang ruộng vắng, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để cho nó một cơ hội biến những giấc mơ đó thành hiện thực, và rồi nó cứ trôi vô định trong dòng chảy cuộc đời, một dòng chảy tẻ ngắt và, tôi e rằng, còn đục ngầu nữa.

Tôi nghĩ là Giáo lý Giáo hội còn nhiều điều phải làm với những mối quan hệ không tốt đẹp vốn phổ biến đến tận bây giờ, giữa cha mẹ và con cái. Thủ bản giáo lý hiện thời được viết hoàn toàn từ quan điểm của các ông cha bà mẹ, và người soạn ra nó không nhờ đến con cái giúp mình trong việc này, ông ta rõ ràng không phải là một người trẻ, và tôi có thể nói rằng ông ta không thích trẻ con, cho dẫu, nếu tôi nhớ không nhầm, thì có một lần ông dùng đến từ ‘đứa con tốt của ta’ nhưng với giọng không được âu yếm cho lắm. Ấn tượng chung của con trẻ khi đọc cái này là chúng thấy mình xấu xa từ lúc lọt lòng, được gột rửa ‘phần nào’ nhờ phép rửa tội, và sự thật đơn giản rằng tuổi đời còn nhỏ của chúng đang góp phần vào trong cái ‘phần nào’ đó đang gần như tô đậm thêm cái bản chất tội lỗi trong chúng.

Nếu cần một thủ bản giáo lý mới, tôi muốn mở đầu bằng vài lời nhấn mạnh về bổn phận kiếm tìm tất cả những vui thú hợp lý và tránh đi tất cả những nỗi đau có thể tránh được. Tôi muốn thấy những đứa trẻ được dạy rằng chúng không nên nói là chúng thích những thứ mà chúng không thích chỉ đơn giản bởi vì người ta bảo rằng chúng thích điều đó, và thật là ngu xuẩn khi nói rằng chúng tin tưởng điều này hay điều kia lúc chúng còn chẳng hiểu chút gì về nó. Nếu người ta cho rằng những thêm thắt này khiến cho thủ bản trở nên quá dài, thì tôi sẽ cắt ngắn bớt phần nói về bổn phận đối với đồng loại và đối với các bí tích. Tôi sẽ bỏ luôn câu đầu ‘Tôi khao khát Chúa Trời tôi, Cha chúng tôi’ – nhưng có lẽ tôi nên để việc chỉnh sửa này lại cho những người có thẩm quyền hơn, và quay lại với anh bạn Theobald của tôi.

Tác giả: