Xác thịt về đâu – Samuel Butler

‘Bây giờ mới là đầu tháng tư,’ tôi ra kế hoạch, ‘con sẽ xuống Marseilles trước tiên, rồi đi tàu hơi nước đến Nice. Rồi băng qua Địa Trung hải cập bến Genoa, từ đó sẽ xuống Florence, Roma, và Napoli, sau đó trở về nhà qua đường Venice và những vùng hồ nước Ý.’

‘Và bố không đi cùng sao?’ nó nói, giọng đầy háo hức.

Tôi bảo nó đi cùng thì có sao đâu, nên cả hai chúng tôi bắt đầu sắp xếp mọi thứ ngay sáng hôm sau, và chỉ trong vòng vài ngày đã sẵn sàng xuất hành.

Chương 80

Chúng tôi xuất phát trên chuyến xe lửa đêm khởi hành từ Dover. Đêm hôm ấy, trời nhẹ nhàng, và ánh trăng soi bóng sáng lấp lánh trên biển. ‘Bố có thích mùi dầu máy động cơ của con tàu Channel không? Đó chẳng phải là một mùi gợi lên nhiều hy vọng hay sao?’ Ernest hỏi tôi, bởi nó đã từng đến Normandy vào một mùa hè thời thơ ấu cùng với cha mẹ nó, và bây giờ cái mùi này lại khiến nó nhớ về những ngày tháng êm đềm trước khi nó bị bầm dập trong đời. ‘Con luôn nghĩ rằng điều tốt nhất khi đi ra nước ngoài chính là tiếng pit tông uỳnh uỵch đầu tiên cùng tiếng hơi nước sùng sục đầu tiên vang lên khi mái chèo bắt đầu quạt nước.’

Thật lạ lùng như một giấc mơ khi chúng tôi đến Calais, và cứ kéo hành lý lê bước trong một đô thị lạ lẫm vào cái giờ vốn thường cả hai đã yên giấc nồng rồi, nhưng chúng tôi cũng sớm được ngủ khi đã lên xe lửa, và cứ gà gật cho đến lúc băng qua Amiens. Rồi cả hai chúng tôi tỉnh dậy lúc làn gió trong lành buổi sáng đầu tiên chớm đến, tôi thấy Ernest cứ mải miết chăm chăm vào tất cả mọi thứ chúng tôi đi ngang qua với tính hiếu kỳ đầy trìu mến. Không thấy những nông dân trong chiếc áo bành tô lái xe bò đi chợ sớm, cũng không có vợ của người gác chắn xe lửa đội mũ và áo của ông mà vẫy lá cờ báo hiệu màu xanh, chẳng có người mục đồng nào lùa đàn cừu đi ăn trong sương sớm, và bờ anh thảo chưa kịp nở hoa khi xe lửa băng qua vùng đồi, nhưng nó vẫn uống trọn hết toàn bộ cảnh vật với một niềm sung sướng ngây ngất không nói nổi thành lời. Chuyến tàu chúng tôi đang đi được mang tên Mozart, và điều này cũng khiến Ernest hết sức vui thích.

Chúng tôi đến Paris lúc sáu giờ sáng, vừa kịp giờ để băng qua thành phố và đón chuyến tàu sáng đến Marseilles, nhưng chưa đến trưa, bạn đồng hành trẻ tuổi của tôi đã mệt lả, rồi cứ ngủ li bì suốt, hiếm hoi lắm mới thức dậy trong vòng khoảng một giờ rồi lại tiếp tục chìm sâu vào cơn mộng. Nó đã cố chống lại cơn buồn ngủ, nhưng cuối cùng tự an ủi mình rằng dù sao thì nó cũng sẽ có quá nhiều niềm vui rồi, nên có thể bỏ qua một phần cũng vẫn tốt thôi mà. Khi đã xác định được như thế, nó thả mình vào giấc ngủ yên bình.

Ở Marseilles, chúng tôi được nghỉ ngơi và như tôi đã phần nào e ngại, sự thay đổi đã gây nên kích động quá mức so với tình trạng vẫn còn đang yếu của Ernest. Trong vòng vài ngày, nó vẫn còn rất yếu, nhưng về sau đã khá hơn. Riêng tôi, thì luôn thấy bị ốm là một trong những niềm vui lớn nhất đời, nhưng tốt hơn hết là đừng quá yếu và bị bắt phải làm việc lúc đang đau ốm. Tôi còn nhớ một lần mình bị đau trong một khách sạn nước ngoài và tôi đã thích thú nó đến thế nào. Tôi nằm đó mà chẳng cần bận tâm đến bất cứ điều gì, yên tĩnh và ấm áp, chẳng chút vướng víu trong đầu, để lắng nghe tiếng bát đĩa leng keng phía dưới bếp xa xa khi người phụ bếp đang lau chùi và cất đặt chúng, để ngắm nhìn những chiếc bóng thoắt đến thoắt đi khi mặt trời ẩn hiện sau làn mây, để lắng nghe tiếng róc rách êm tai của dòng suối nơi sân vườn, và tiếng nhạc ngựa cũng như tiếng vó lách cách trên đường khi con ngựa vùng lên bởi lũ ruồi tai quái, lúc đó tôi không chỉ là một kẻ được nhàn hạ, mà còn biết rằng nhiệm vụ của mình là phải sống nhàn hạ. ‘Ôi,’ tôi tự nhủ, ‘nếu bây giờ mình có thể, quên hết mọi thứ, và ngả mình ngủ thẳng, thật chẳng có gì đáng mong đợi hơn thế nữa hay sao?’

Tất nhiên là đúng như thế, nhưng dù người ta có cho đi nữa, chúng tôi cũng chẳng muốn bị ốm đâu. Dù có ma quỷ cám dỗ thế nào, chúng tôi cũng sẽ cố chống lại đến cùng chuyện này.

Tôi có thể thấy Ernest cũng có cùng những cảm giác hệt như tôi. Nó nói ít, nhưng chú ý đến tất cả mọi thứ. Có lần nó đã khiến tôi thấy sợ. Nó gọi tôi đến bên nó khi hoàng hôn đang xuống, và nói với tôi bằng một giọng trang nghiêm trầm lặng.

‘Con đã nghĩ,’ nó nói, ‘có lẽ con sẽ chẳng bao giờ lành bệnh đâu, và nếu thật như thế, con muốn bố biết rằng có một, chỉ một điều còn đang đè nặng trong con. Con muốn nói đến,’ nó nói tiếp sau một cái thở dài, ‘cách đối xử mà con đã dành cho cha mẹ. Con đã quá tốt với họ. Con đã rất ý tứ với cha mẹ,’ nói đến đây, nó chợt nở một nụ cười khiến tôi an tâm rằng chẳng có chuyện gì nghiêm trọng với nó cả.

Trên bức tường phòng ngủ của nó có một loạt những ảnh in từ thời Cách mạng Pháp trình bày lại những sự kiện trong cuộc đời của Lycurgus gồm có bức ‘Sự cao cả của linh hồn Lycurgus’, ‘Lycurgus thỉnh thị nhà tiên tri,’ và cả bức ‘Calciope trong sân.’ Dưới loạt tranh này có viết những chữ bằng tiếng Pháp và Tây Ban Nha dịch ra như sau ‘là hình mẫu yêu kiều và xinh đẹp, nàng Calciope cũng có một trí tuệ tuyệt vời không kém, và đã được Lycurgus công chính để mắt đến và gắn bó cùng. Say sưa chìm đắm trong tình yêu, chàng triết gia trẻ tuổi lừng danh đã đánh xe đến điện thờ Juno, và ở đó họ hợp nhất với nhau trong lời thề thiêng liêng. Sau nghi lễ đáng trọng này, Lycurgus vội vàng đưa tân nương của mình đến cung điện của Polydectes, vua Sparta, và cũng là anh trai chàng. ‘Thưa ngài’, Lycurgus nói, ‘Calciope đoan chính vừa nhận lấy lời thề hứa của thần dưới chân bàn thờ, và thần xin ngài phê chuẩn sự kết hợp này’. Lúc đầu nhà vua có vẻ ngạc nhiên, nhưng lòng yêu mến dành cho đứa em trai Lycurgus đã khiến ông rộng lượng đón nhận. Ngay lập tức, ông tiến đến và ân cần hôn Calciope, rồi ân cần với Lycurgus với một vẻ rất mãn nguyện.’

Ernest bảo tôi xem chúng và lúng búng nói điều gì đó như là nó thích cưới Ellen hơn Calciope. Tôi thấy nó đã khá hơn nhiều, và không ngần ngại gợi ý sẽ xuất hành trở lại trong vòng một hai ngày tới.

Tôi sẽ không bắt các bạn thấy mệt mỏi vì phải theo quá sát hành trình này. Chúng tôi đã dừng chân ở Siena, Cortona, Orvieto, Perugia và nhiều thành phố khác, rồi khoảng hai tuần sau khi băng qua Roma và Napoli, chúng tôi đến địa phận Venice và thăm viếng tất cả những đô thị tuyệt vời nằm giữa sườn phía nam dãy Alpes và sườn phía bắc dãy Apennines, rồi cuối cùng dừng chân ở đèo S. Gothard. Tôi không biết liệu Ernest có thích chuyến đi này hơn tôi hay không, nhưng đến lúc chúng tôi phải trở về thì nó đã bình phục đủ để có thể tạm gọi là khá ổn, và chỉ vài tháng sau nó đã chẳng còn thấy chút gì sót lại của những thương tích vốn ăn lần mòn nó suốt bốn năm qua, dù trên thân xác và tâm hồn nó vẫn còn hằn những vết sẹo không thể xóa mờ.

Người ta nói rằng khi ai đó mất đi một cánh tay hoặc một bàn chân, thì nỗi đau đớn sẽ không chỉ xảy ra ngay lúc vừa mất chúng mà còn mãi theo người đó rất lâu về sau. Và với Ernest, lúc cập bến anh quốc, một nỗi đau mà nó gần như đã quên được bây giờ lại quay về, ý tôi muốn nói đến nỗi buốt nhói của nó về chuyện đã từng ở tù. Bao lâu nó vẫn còn là một anh chủ hiệu nhỏ thì việc từng ở tù chẳng là gì, chẳng ai biết đến chuyện đó, mà nếu có biết đi nữa, người ta cũng chẳng bận tâm, nhưng giờ đây, khi đã trở về vị thế như trước, cũng là lúc quay lại nỗi nhục nhã cũ, và nỗi đau mà nó vốn đã tránh được lúc đầu nhờ dấn thân vào một môi trường quá mới lạ khiến nó gần như không nhận thức được sự khác biệt giữa nó với họ, bây giờ đây lại dấy lên nhức nhối như mới vừa xảy đến hôm qua mà thôi.

Nó nghĩ về quyết tâm cao độ lúc còn ở trong tù là sẽ biến nỗi ô nhục này thành sức mạnh hơn là cố làm người ta lãng quên nó. ‘Đúng là rất tốt khi mọi chuyện vẫn còn xa rời tầm tay của mình,’ nó tự nhủ, ‘nhưng bây giờ đã khác rồi.’ hơn nữa, ngoài những kẻ hợm người, có ai tự đặt cho mình những mục tiêu cao vời, hoặc quyết tâm cao độ hay không? Một vài người bạn của Ernest, khi hay biết nó đã bỏ người tưởng chừng là vợ nó và bây giờ đã thoải mái tự do trở lại, thì muốn cùng nó trở lại như trước. Nó rất biết ơn họ và đôi khi cố để đón nhận thành ý của họ một cách nửa vời, nhưng rồi cũng không được, và chẳng bao lâu sau, nó lại thu mình, vờ như chẳng biết họ. Cái tính thành thật tai quái cứ mãi ám ảnh và khiến nó tự nhủ rằng: ‘Những người này biết nhiều thứ, nhưng chẳng biết cho hết tất cả mọi chuyện, mà nếu biết rồi hẳn họ sẽ bỏ ta, và bởi thế, ta chẳng có lý gì để làm thân với họ cả.’

Nó nghĩ rằng tất cả mọi người ngoại trừ nó đều không có nỗi sợ và nỗi hổ thẹn nào. Tất nhiên họ phải là những người vô sự như vậy, bởi nếu không, thì hẳn họ đã phải cảnh báo tất cả mọi người về khiếm khuyết của mình rồi. Đúng, nó không thể làm kiểu đó, và nó không thể chiếm được thân tình bằng sự giả dối sai trái đó được, nên nó từ bỏ khao khát được phục hồi danh giá để rồi lại chìm sâu trong những sở thích cũ là âm nhạc và văn học.

Tất nhiên, từ lâu, nó đã thấy được làm như thế là cực kỳ ngu ngốc, ý tôi là ngu ngốc về mặt lý thuyết, bởi trong thực tế lại cho thấy tác động tốt hơn nhiều, vì nhờ làm vậy mà nó tránh được những mối quan hệ sẽ khiến nó phải ấp úng trong lời nói và thấy mình là kẻ thất bại. Nó đã làm mọi chuyện theo bản năng chỉ vì một lý do duy nhất, chính là vì việc đó hợp với bản chất của nó nhất. Xét về những gì nó nghĩ, thì chúng hoàn toàn là sai lầm, nhưng những gì nó làm lại đúng đắn. Một lần cách đây không lâu, tôi có nói vài điều tương tự như thế với nó, và cũng bảo rằng nó luôn luôn nhắm đến những điều quá cao xa. ‘Con chưa bao giờ nhắm đến điều gì cả,’ nó trả lời với tia lửa giận trong mắt, ‘và có lẽ bố chắc rằng một khi con có được cơ hội nào đó thì con chỉ nên tìm cho mình một đích nhắm đủ thấp mà thôi.’

Tác giả: