Xác thịt về đâu – Samuel Butler

Tôi cho rằng xét cho cùng thì chẳng một ai với tâm trí bình thường lại nhắm quá cao so với thâm tính đơn thuần. Tôi đã từng thấy một con ruồi đậu xuống cốc cà phê nóng có lớp sữa mỏng phủ bên trên, lúc chạm đến, nó mới nhận thức được mối nguy hiểm vô cùng này, và tôi chú ý thấy nó dùng những cẳng chân thật mạnh mẽ cộng với một nỗ lực phi thường để đạp trên cái bề mặt mỏng manh dễ đánh lừa đó và bám vào bờ rìa cốc, bởi nếu đậu trên mặt sữa thì sẽ không đủ chắc để nó lấy đà bay lên. Khi ngồi ngắm nó, tôi lấy làm thích mà nghĩ rằng hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm tột độ này đã khiến nó tăng cường được sức mạnh cả tinh thần và thân xác, rồi bằng cách nào đó nó sẽ truyền chúng lại cho con cháu sau này. Nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không thể tăng cường được sức mạnh tinh thần nếu nó có thể tránh được việc này, mà nếu biết trước, thì nó sẽ chẳng chủ tâm đậu trên mặt cốc cà phê nóng như vậy đâu. Càng nhìn đời tôi càng thấy một điều chắc chắn rằng, chẳng cần phải bận tâm đến động cơ của người ta, bao lâu họ còn làm việc tốt, và cũng như thế lúc họ đã hoàn tất việc xấu của mình rồi. Tôi đã từng nghe một câu chuyện, dù không thể nhớ nổi là ở đâu, kể rằng ở vùng quê nọ từng xảy ra một nạn đói khủng khiếp khiến những người nghèo phải lao đao khốn khổ trăm bề, và thực sự là đã có nhiều người chết vì không có cái ăn, tình trạng khốn đốn bao trùm lên tất cả. Tuy nhiên, trong một làng kia, có một bà góa nghèo đang phải nuôi những đứa con dại, và dù rõ ràng là thiếu kế sinh nhai, nhưng bà vẫn chăm chút cho chúng được ăn đủ no và thoải mái, về phần mình, chúng cũng lo lắng cho bà như vậy.

Tất cả mọi người đều hỏi nhau: ‘làm sao mà họ sống được nhỉ?’ rõ ràng gia đình này có một bí mật, và chắc chắn đó chẳng phải là chuyện tốt đẹp gì, bởi trên gương mặt bà mẹ luôn có vẻ hốt hoảng như đang bị săn đuổi bất cứ lúc nào có ai nói lời gì bóng gió đến việc bà và các con vẫn sống tốt trong khi mọi người đều thiếu đói, hơn nữa, gia đình này đôi khi bị người ta bắt gặp đang lang thang ngoài đường vào những giờ bất thường ban đêm, và rõ ràng là họ đang ôm thứ gì trên tay đem về nhà, thật khó khiến người ta tin được đó là một việc lương thiện. Gia đình này biết mình đang bị tình nghi, trong khi từ trước đến nay họ luôn được tiếng là tốt trong vùng, và họ rất buồn vì điều đó, bởi họ tin rằng những gì mình đang làm nếu không phải là cực kỳ xấu xa, thì cũng là việc lén lút, dù thế họ vẫn sống tốt, và trụ vững trong khi tất cả mọi người chung quanh đều rơi vào cảnh kiệt quệ.

Sau một thời gian, sự việc đến mức đỉnh điểm và vị mục sư của làng đã chất vấn người đàn bà tội nghiệp quá gắt gao đến nỗi bà ta phải thú nhận, trong giàn giụa nước mắt và đau đớn vì mất phẩm giá, rằng: bà và con bà đã đến các bờ rào và lượm ốc sên về để luộc mà ăn, chẳng lẽ bà còn cách nào khác nữa để sống đây? Liệu có còn chút hy vọng cứu rỗi nào dành cho bà trong đời này và cả đời sau nữa, khi đã làm một việc ghê tởm như thế hay không?

Tôi lại được nghe một câu chuyện khác kể về một nữ bá tước góa chồng, và toàn bộ tài sản của bà đều đang gởi vào Công trái chính phủ. Với một đàn con đông đúc, và lòng đầy lo lắng làm cách nào để cho những đứa con thứ có được những khởi đầu thuận lợi, bà cần một khoản thu nhập lớn hơn những gì đang đầu tư vào Công trái. Nên bà đến gặp luật sư của mình và được khuyên là nên bán Công trái đi rồi đầu tư vào chứng khoán của London and North-Western với giá tám mươi lăm trên một trăm. Đối với bà bá tước, việc này cũng giống như việc ăn sên đất với bà góa nghèo tôi vừa kể trên vậy. Bà đã làm theo lời ông luật sư với cảm giác hổ thẹn và đau đớn, hệt như vừa làm một việc bẩn thỉu xong vậy, nhưng dù gì bà vẫn phải cho các con mình có được những khởi đầu tốt đẹp. Rồi suốt một thời gian dài, bà không thể chợp mắt vào ban đên, và cứ bị ám ảnh bởi những linh cảm chẳng lành. Nhưng rồi chuyện gì xảy ra? Bà đã cho các con mình có cái để khởi nghiệp, và trong vòng vài năm mua bán, số tài sản của bà đã tăng gấp đôi, rồi bà bán hết mà gởi lại vào Công trái chính phủ, sau đó chết sung sướng với khối tiền trong tay.

Thực sự, bà đã nghĩ rằng việc mình đang làm là sai trái và nguy hiểm, nhưng hoàn toàn chẳng có chút gì như vậy cả. Giả sử bà đầu tư với sự tin tưởng tuyệt đối vào lời khuyên tệ hại của một vài nhà băng nổi tiếng ở London, rồi mất hết toàn bộ số tiền, và lại giả sử rằng bà đã làm việc này một cách nhẹ nhàng và chẳng thấy chút tội lỗi nào, thì liệu một động cơ hoàn hảo và một mục đích vô tội như thế có đem lại được cho bà điều gì tốt đẹp hay không? Câu trả lời là không.

Còn bây giờ hãy trở lại với câu chuyện của chúng ta đã. Towneley là người khiến Ernest phải bận lòng nhất. Như tôi đã nói, anh biết rằng Ernest sẽ có được cả một gia tài, nhưng tất nhiên, Ernest chẳng hay là anh biết chuyện đó. Về phần Towneley, anh rất giàu và cũng đã có gia đình rồi, còn Ernest sẽ sớm giàu ngay thôi, và cũng thực sự có ý muốn, và chắc chắn không chóng thì chầy cũng sớm lập gia đình thôi. Towneley đúng là một người đáng để gắn bó, và có một hôm khi anh ấy gặp Ernest trên đường, nó cố để tránh mặt, còn anh thì không, và với bản tính nhạy bén anh ấy hiểu được ngay Ernest đang nghĩ gì, nên chặn nó lại, nói chuyện tử tế, bắt được thóp của nó, vui vẻ khiến nó phải bộc lộ ra hết suy nghĩ của mình, và nói rằng anh chẳng có kiểu ngốc như nó đâu.

Từ lâu đến giờ, Towneley vốn là thần tượng của Ernest, và nó, vốn rất dễ cảm động, lại càng biết ơn và nồng ấm với anh ta hơn bao giờ hết, nhưng vẫn có một điều gì đó mà nó không xác định được, mạnh hơn cả Towneley, đã khiến nó quyết tâm dứt khoát cắt đứt với anh hơn với bất kỳ người nào khác. Nó cám ơn anh với một giọng trầm vội vã, tay thì nắm chặt lại, hai dòng nước mắt cứ lăn trên má dù nó đã cố kìm nén. ‘Nếu chúng ta gặp lại nhau lần nữa,’ nó nói, ‘đừng nhìn tôi, nhưng lỡ may về sau, anh có nghe biết tôi viết điều gì đó mà anh không thích, thì xin hãy nghĩ về tôi độ lượng nhất có thể,’ rồi cả hai ai đi đường nấy.

‘Towneley là một người bạn tốt,’ tôi đau lòng nói, ‘và con không nên tuyệt giao với anh ta.’

‘Towneley,’ nó trả lời, ‘không những là một người tốt, mà còn là người tốt nhất con từng thấy trong đời, ngoại trừ,’ nó dành cho tôi một lời ca tụng, ‘…bố. Nơi Towneley là hình mẫu cho tất cả những gì mà con mong sẽ đạt được, nhưng giữa chúng con không tồn tại một mối thân tình nào cả. Con luôn sợ anh ấy sẽ không còn đánh giá tốt về con khi nghe con nói ra những gì không vừa lòng, và con biết là con sẽ nói ra rất nhiều điều,’ nó nói ra với giọng vui vẻ,

‘Mà Towneley sẽ chẳng thích đâu.’ một con người, như tôi đã nói, có thể bỏ cả cha mẹ vì Chúa Kitô nói chung là khá dễ dàng, nhưng lại thấy không quá dễ để từ bỏ những người như Towneley.

Chương 81

Bởi cách hành xử như thế, nên Ernest trở nên xa cách với tất cả những đồng bạn cũ, ngoại trừ với tôi và ba bốn người bạn thân thiết của tôi, những người đối xử với nó cùng cách nó xử lại với họ, và họ cũng giống tôi ở điểm là thích thú được làm bạn với một tâm hồn tươi trẻ như nó. Ernest lo việc kiểm kê sổ sách cho tôi bất kỳ nào nó chẳng có việc gì để làm, nhưng hiếm khi như vậy, phần lớn thời gian nó dùng để viết những tập ghi chú và lấp đầy tập bản thảo của mình bằng những bài luận nháp. Bất kỳ ai đã từng theo nghiệp viết lách, chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể thấy được rằng nó có thiên hướng văn học, và tôi rất vui khi thấy nó tập trung vào việc đó một cách quá đỗi tự nhiên như vậy. Tuy nhiên, tôi không mấy hài lòng khi nó vẫn hạn chế mình trong chỉ một chủ đề, mà lại là loại nghiêm túc nhất, hoặc tôi có thể gọi là nghiêm trọng nhất cũng được, giống hệt như trong âm nhạc nó cũng chỉ nghe mỗi một thể loại nghiêm túc nhất vậy. Một ngày nọ, tôi đã bảo nó rằng cái phần thưởng ít ỏi mà Thiên Chúa đã gắn cho việc mưu cầu những vấn đề nghiêm trọng chính là bằng chứng đủ rõ ràng chứng tỏ rằng Ngài không tán thành nó, hay dù gì đi nữa, Ngài không quan tâm nhiều và cũng không muốn khuyến khích việc đó.

Nó nói lại thế này: ‘Ôi thôi, đừng có nói về phần thưởng. Cứ nhìn vào milton đó, ông ấy chỉ nhận được có năm bảng cho quyển ‘Thiên Đường đã mất’.’

‘Và vậy là quá nhiều rồi,’ tôi đáp lại ngay. ‘Bố sẽ trả gấp đôi để ông ấy đừng viết gì hết.’

Ernest hơi chấn động một chút. ‘Dù gì thì,’ nó cười mà nói, ‘con cũng chẳng viết thơ đâu.’

Điều này khiến tôi hơi hụt hẫng, bởi những kịch giễu của tôi, tất nhiên được viết dưới dạng văn vần điệu. Nên tôi cho qua chuyện này.

Một lúc sau, nó lại bắt đầu đem ra nghĩ chuyện nó nhận mỗi năm ba trăm bảng chỉ để, theo như lời nó là, hoàn toàn chẳng làm gì cả, rồi nó bảo là nó sẽ tìm một việc gì đó đủ để sống.

Tôi bật cười vì chuyện này nhưng vẫn để nó tự giải quyết. Nó đã vô cùng nỗ lực đi tìm việc suốt một thời gian dài, nhưng kết quả, chẳng cần tôi phải nói, chỉ là công cốc. Càng nhiều tuổi, tôi càng tin chắc rằng người ta thật nhẹ dạ và ngốc nghếch, nhưng đồng thời tôi cũng thấy càng khó hơn nữa khi muốn bắt người ta phải chấp nhận sự ngốc nghếch và nhẹ dạ của mình.

Tác giả: