Cái chết của Ivan I lyich – Lev Tolstoy

– Ồ, nếu đi thì đến giờ rồi đấy, – cô nói, đưa mắt nhìn đồng hồ, quà tặng của ông bố, và khẽ kín đáo mỉm cười với chàng thanh niên, chỉ hai người hiểu được ý nghĩa của nụ cười mỉm đó, rồi cô đứng dậy, tà áo dài sột soạt.

Mọi người đứng dậy, từ biệt ông và đi xem hát.

Khi họ đã ra khỏi phòng, Ivan I lyich tưởng như ông thấy dễ chịu hơn vì không còn sự dối trá nữa, nó đã ra đi cùng với họ, nhưng cơn đau thì vẫn ở lại. Vẫn cơn đau ấy, vẫn sự sợ hãi ấy, chúng làm cho mọi người vẫn như cũ, – chẳng có gì nặng nề hơn, cũng chẳng có gì nhẹ nhõm hơn. Tình hình ngày càng tồi tệ.

Phút nọ tiếp phút kia, giờ nọ tiếp giờ kia, thời gian lại trôi đi, tất cả vẫn cứ thế, triền miên vô tận và cái kết cục không tránh được càng trở nên khủng khiếp hơn. – Ừ, anh bảo Ghêrasim đến đây, – ông đáp lại câu hỏi của Piốt.

9

Bà vợ trở về vào lúc khuya. Bà nhón gót bước vào phòng, nhưng ông nghe rõ tiếng chân bà. Ông mở mắt ra và vội vã nhắm lại ngay. Bà muốn cho Ghêrasim đi nghỉ và tự mình ngồi với ông. Ông mở mắt và nói:

– Thôi, mình đi ngủ đi.

– Mình đau lắm à?

– Đằng nào cũng thế thôi.

– Mình uống tí thuốc phiện nhé.

Ông bằng lòng và uống thuốc. Bà đi ra.

Cho đến ba giờ sáng, ông đau đớn thiếp đi. Ông tưởng như người ta nhét cái cơ thể đau đớn của ông vào đâu đó trong một chiếc túi đen hẹp, sâu thăm thẳm, họ cứ ấn ông xuống càng ngày càng sâu thêm và không thể đẩy ông qua cái túi ấy được. Công việc khủng khiếp đó làm cho đau đớn. Ông vừa sợ vừa muốn rơi tõm xuống đó, vừa cựa quậy và chống đỡ. Thế rồi ông bỗng bị tuột ra, ngã xuống, và ông tỉnh lại. Ghêrasim vẫn khoanh chân ngồi trên giường thiu thiu ngủ một cách bình thản và kiên nhẫn. Còn ông thì nằm, đôi chân gầy guộc đi bít tất gác lên vai anh. Vẫn ngọn nến với chiếc chao đèn đó, và cũng vẫn cơn đau không ngớt đó.

– Anh đi ngủ đi, Ghêrasim, – ông thì thào.

– Không sao, tôi ngồi được ạ.

– Không, anh đi ngủ đi.

Ông bỏ chân xuống, nằm nghiêng, đè lên cánh tay và cảm thấy thương thân. Ông chỉ đợi cho Ghêrasim đi sang phòng bên cạnh để ông òa khóc lên như một đứa trẻ, không phải giữ gìn nữa. Ông khóc về sự bất lực của mình, về cảnh cô đơn khủng khiếp của mình, về sự tàn nhẫn của con người, về sự tàn nhẫn của Chúa Trời, và về sự vắng bóng Chúa.

“Người gây ra tất cả những chuyện này để làm gì? Người dẫn tôi tới đây để làm gì? Vì sao, vì sao Người đày đọa tôi khủng khiếp như vậy?…”.

Ông không chờ đợi câu trả lời và ông khóc vì không có và không thể có câu trả lời. Cơn đau lại dội lên, nhưng ông không nhúc nhích, không gọi ai. Ông tự nhủ: “Nào, nữa đi, đánh nữa đi! Nhưng vì lẽ gì chứ? Tôi đã làm gì Người, thế thì vì lẽ gì?”

Sau đó ông im lặng, không những ngừng khóc, ông còn ngừng thở và toàn thân căng ra chăm chú: Tựa hồ như ông lắng nghe không phải giọng nói bằng âm thanh, nhưng lắng nghe tiếng nói của tâm hồn, lắng nghe suy nghĩ đang trỗi dậy trong ông.

– Anh cần cái gì? – Đó là khái niệm đầu tiên rõ ràng, có thể diễn tả bằng lời mà ông nghe thấy. – Anh cần gì? Anh cần cái gì? – Ông nhắc lại. – Cần gì ư? – Không phải đau khổ. Sống, – ông đáp.

Và ông lại đắm mình vào sự chú ý căng thẳng đó đến nỗi ngay cơn đau cũng không làm xao lãng sự chú ý của ông.

– Sống ư? Sống như thế nào? – Giọng nói tâm tình hỏi.

– Sống như tôi sống trước đây, sung sướng, dễ chịu.

– Như trước đây anh đã sống, sung sướng và dễ chịu ấy ư? – Giọng nói đó hỏi. Và ông bắt đầu điểm trong trí tưởng tượng: Những giây phút tốt đẹp nhất trong cuộc sống dễ chịu của mình. Nhưng điều kỳ lạ là tất cả những giây phút tốt đẹp đó của cuộc sống dễ chịu giờ đây hoàn toàn không còn như hồi ấy nữa. Tất cả – trừ những hồi ức đầu tiên của tuổi thơ. Trong thời thơ ấu đó quả thực có điều gì dễ chịu, đáng sống, nếu như nó quay trở lại với mình. Nhưng không còn con người đã nếm trải sự vui thú đó nữa rồi, đây chừng như là hồi ức về một cái gì khác.

Ngay khi xảy ra cái tình trạng dồn đẩy Ivan I lyich đến nông nỗi như hiện nay, thì tất cả những cái lúc đó tưởng là vui thú giờ đây tan biến trước mắt ông và biến thành một cái gì đó vô nghĩa, thường là xấu xa.

Càng xa thời thơ ấu, càng gần với hiện tại, những niềm vui càng vô nghĩa hơn và đáng ngờ hơn. Điều đó bắt đầu từ trường Tư pháp. Ở đó còn có điều gì đấy thật sự tốt lành: Ở đó có niềm vui, có tình bạn, có những hy vọng. Nhưng tới các lớp trên những giây phút tốt đẹp đó đã hiếm hoi hơn. Sau đó, trong thời gian đầu làm việc với quan tổng trấn, những phút giây tốt đẹp lại xuất hiện, đó là hồi ức về tình yêu một người đàn bà. Thế rồi tất cả những cái đó xáo trộn với nhau và điều tốt lành càng ít hơn nữa. Tiếp đó điều tốt còn ít hơn và càng về sau càng ít hơn.

Việc cưới vợ… xảy ra một cách thật bất ngờ, nỗi chán chường, mùi hôi trong mồm vợ, sự ham thích nhục dục, và thói giả dối! Rồi cái công vụ chết tiệt này với những lo toan về tiền nong, một năm, hai năm, mười nám, rồi hai mươi năm… tất cả vẫn nguyên một điều như thế. Và càng về sau càng chết cứng hơn. Đúng là mình xuống dốc đều đều, nhưng lại cứ tưởng tượng là mình đang đi lên. Thế đấy. Dư luận xã hội cho là mình đã đi lên, ấy thế mà cuộc sống vẫn đều đều sụt lở dưới chân mình đến nỗi… Và thế là tất cả đã sẵn sàng, hãy chết đi thôi!

Thế là thế nào? Để làm gì? Không có lẽ nào. Không có lẽ nào cuộc sống lại vô nghĩa, xấu xa như thế. Còn nếu như đúng là cuộc sống xấu xa và vô nghĩa như vậy, thì ngắc ngoải, hấp hối một cách đau đớn như vậy để làm gì? Có cái gì không ổn đây. “Có lẽ mình đã sống không ra sống chăng?” – Ông bất chợt nghĩ thế. “Nhưng tại sao lại như vậy khi mình đã làm tất cả những gì cần làm?” – ông tự nhủ và lập tức gạt bỏ ngay cách giải đáp duy nhất toàn bộ bài toán về cuộc đời và cái chết, coi lời giải đáp đó như một cái gì hoàn toàn không thể chấp nhận được.

“Giờ đây anh muốn gì? Sống ư? Sống như thế nào? Sống như anh sống ở tòa án, khi viên lục sự xướng lên: “Tòa ra!…” Tòa ra, tòa ra, – ông nhắc lại. – Tòa án đấy! Nhưng mình đâu có lỗi! – Ông hằn học kêu lên. – Vì lẽ gì?” Rồi ông ngừng khóc, nằm xoay mặt vào tường và chỉ còn nghĩ tới mỗi một điều: Chịu đựng tất cả nỗi khủng khiếp này để làm gì, vì sao?

Nhưng nghĩ bao nhiêu thì nghĩ, ông không tìm được câu trả lời và như mọi lần, khi ông nghĩ rằng tất cả đều bắt nguồn từ chỗ ông đã sống không ra sống, ông bèn lập tức xua đuổi ý nghĩ kỳ quặc và nhớ lại toàn bộ cuộc đời mực thước của mình.

10

Thêm hai tuần lễ nữa trôi qua. Ivan I lyich không rời khỏi đi văng nữa. Ông không muốn nằm trên giường và nằm trên đi văng. Hầu như lúc nào ông cũng nằm quay mặt vào tường, đơn độc chịu đựng vẫn những nỗi đau khổ không giải quyết được đó và đơn độc nghiền ngẫm vẫn một mối suy tư không giải quyết được đó. Đó là cái gì? Lẽ nào cái chết lại là sự thật? Và giọng nói bên trong đáp: đúng, sự thật đấy. Những nỗi giày vò này để làm gì? Và giọng nói bên trong đáp: để mà giày vò thế thôi, chả để làm gì cả. Sau này chẳng có gì ngoài câu trả lời đó cả.

Ngay từ khi phát bệnh, từ dạo Ivan I lyich lần đầu tiên tìm đến bác sĩ, cuộc sống của ông bị chia sẻ giữa hai tâm trạng đối lập, thay thế nhau: Khi thì tuyệt vọng đợi chờ cái chết khủng khiếp khó hiểu, khi thì hy vọng và hào hứng theo dõi hoạt động của cơ thể mình. Khi thì trước mắt hiện ra độc có quả thận và khúc ruột tạm thời không làm tròn chức năng của mình, khi thì xuất hiện độc có cái chết khủng khiếp khó hiểu, không làm cách nào thoát được nó.

Lúc mới phát hiện, hai tâm trạng đó luân phiên nhau, nhưng bệnh càng tiến triển, những suy nghĩ về quả thận càng đáng ngờ hơn, hoang đường hơn và ý nghĩ về cái chết đang tới càng hiện thực hơn.

Chỉ cần ông nhớ tới mình ba tháng trước đây như thế nào và bây giờ mình ra sao, nhớ tới việc ông đang đều đều xuống dốc là bất kỳ hy vọng nào có thể lóe lên cũng đều tan vỡ.

Ông nằm quay mặt vào lưng đi văng, cô độc giữa một thành phố đông người, giữa vô vàn người quen biết và gia đình mình, ngay dưới đáy biển, trên mặt đất, không đâu có cảnh cô đơn trọn vẹn hơn thế. Trong thời gian cuối của cảnh cô đơn khủng khiếp đó, Ivan I lyich chỉ sống bằng tưởng tượng lại dĩ vãng. Những khung cảnh dĩ vãng lần lượt hiện ra trước mắt ông. Bao giờ cũng bắt đầu từ những khung cảnh gần nhất rồi chuyển tới những khung cảnh xa xưa nhất, tới thời thơ ấu và dừng lại đó. Ivan I lyich nhớ tới món mứt mận hôm nay người ta đưa cho ông ăn, ông nhớ tới quả mận khô của Pháp, vỏ nhăn nheo trong thời thơ ấu, tới vị ngon đặc biệt của nó và việc nước dãi ứa đầy mồm khi cắn ngập tới hạt. Cùng với hồi ức về vị ngon của quả mận lại kéo theo hàng loạt hồi ức về thời kỳ đó: Vú em, người anh, các đồ chơi. “Chả nên nghĩ tới thời đó… Đau đớn quá”, – Ivan I lyich tự nhủ và lại chuyển sang nghĩ về hiện tại. Chiếc khuy trên lưng đi văng và những nếp nhăn trên tấm da dê thuộc: “Da dê thuộc đắt tiền, không bền, đã xảy ra chuyện cãi cọ vì nó. Nhưng có một mảnh da dê thuộc khác và một cuộc cãi cọ khác, khi chúng mình dứt nó ra khỏi cặp của bố và bị trừng phạt, còn mẹ thì mang bánh ngọt đến cho”. Lại dừng lại ở thời thơ ấu, Ivan I lyich lại cảm thấy đau đớn, ông cố gắng xua đuổi nó và nghĩ tới chuyện khác.

Tác giả: