Sau đêm vũ hội – Lev Tolstoy

Truyện ngắn: Sau đêm vũ hội

Tác giả: Lev Tolstoy

1

– Vừa đấy các vị nói rằng con người không thể tự mình hiểu được điều gì tốt, điều gì xấu, rằng mọi việc phụ thuộc vào môi trường xã hội, mà môi trường xã hội lại ăn mòn ta. Nhưng tôi nghĩ: Mọi việc đều do chuyện tình cờ. Đây tôi xin nói về bản thân tôi.

Ông Ivan Vasilievich được mọi người kính trọng đã ngỏ lời như vậy sau câu chuyện bàn tán giữa chúng tôi, rằng để tự hoàn thiện bản thân, trước hết phải thay đổi hoàn cảnh sống của con người. Thực ra, không có ai lại nói rằng tự bản thân mình không thể hiểu được cái gì tốt, cái gì xấu, nhưng ông Ivan Vasilievich có cái cung cách trả lời như vậy cho những ý nghĩ của riêng mình nảy sinh ra sau câu chuyện, và nhân những ý nghĩ ấy, kể lại những tình tiết lấy trong cuộc đời mình. Thường khi mải mê câu chuyện, ông hoàn toàn quên hẳn nguyên cớ đã thúc đẩy ông kể, hơn thế, ông kể rất chân thành và rất thực.

Và giờ đây ông cũng làm như vậy.

– Tôi sẽ nói về tôi. Cả cuộc đời tôi đã hình thành thế này, chứ không thế khác, chẳng phải vì hoàn cảnh chung quanh, mà hoàn toàn vì một lý do khác.

– Vì chuyện gì kia? – Chúng tôi hỏi.

– Vâng, đó là một chuyện dài. Để hiểu được, phải nói nhiều.

– Thì ông cứ kể đi.

Ông Ivan Vasilievich tư lự, lắc đầu.

– Vâng, – ông lên tiếng, – tất cả cuộc đời thay đổi chỉ sau một đêm, hay đúng hơn là một buổi sáng.

– Nhưng chuyện gì kia chứ?

– Nó là thế này: Bấy giờ tôi đang yêu, yêu say đắm. Trong đời tôi đã yêu đương nhiều bận, nhưng đấy là mối tình mạnh mẽ nhất của đời tôi. Chuyện thuộc về dĩ vãng: Con gái người ấy giờ đã lấy chồng. Đó là bà B… Vâng bà Varia B…, – Ông Ivan Vasilievich nói cái họ ấy ra. – Ngay ở cái tuổi năm mươi, bà ta vẫn là một giai nhân tuyệt đỉnh. Nhưng thuở thanh xuân, giữa tuổi mười tám, nàng thật là tuyệt sắc, người dong dỏng cao, cân đối, yêu kiều và uy nghi, – chính là uy nghi. Bao giờ nàng đi đứng cũng đoan trang khác thường, dường như không thể nào khác được, mái đầu hơi ngả ra sau, và điều đó, cùng với nhan sắc cũng như dáng vóc cao của nàng, mặc dù người nàng gầy, thậm chí xương xương, vẫn làm cho nàng có một vẻ vương giả, làm cho người khác hẳn phải sợ hãi lánh xa nàng, nếu như không có nét cười dịu dàng, bao giờ cũng tươi rói nơi khóe miệng, và cặp mắt xinh đẹp sáng ngời, cùng toàn bộ dáng hình yêu kiều, tươi trẻ của nàng.

– Ông Ivan Vasilievich tô vẽ mới ghê chưa?

– Dù có tô vẽ thế nào đi nữa, cũng không thể nào làm cho các vị hình dung ra được nàng thực sự ra sao. Tuy nhiên chuyện không phải ở chỗ đó, chuyện tôi muốn kể xảy ra vào những năm bốn mươi. Bấy giờ tôi đang là một sinh viên trường Đại học Tổng hợp địa phương. Tôi không biết như vậy là tốt, hay xấu, nhưng lúc đó ở trong trường chúng tôi chẳng có nhóm, có bè, cũng chẳng hề có lý thuyết nào, mà chỉ biết là chúng tôi trẻ trung và sống như tuổi trẻ vốn dĩ vẫn sống, chúng tôi chỉ học hành và vui chơi. Bấy giờ tôi là một gã trai vui nhộn và lanh lợi, và còn giàu nữa chứ. Tôi có một con ngựa phi nước kiệu ngổ ngáo, cùng các cô tiểu thư trượt xe từ trên núi xuống (bấy giờ còn chưa có cái mốt chơi trượt băng), cùng các bạn bè nhậu nhẹt (thời đó không uống gì khác, ngoài rượu sâm banh, không có tiền thì thôi không uống gì, chứ không uống vodka như bây giờ). Hứng thú chủ yếu của tôi lại là các tối truy hoan và các đêm vũ hội. Tôi nhảy khá và mặt mũi cũng không đến nỗi khó coi.

– Ấy xin ông, chẳng có gì mà phải nhún nhường, – một trong số các bà có mặt ngắt lời ông Ivan Vasilievich. – Chúng tôi còn biết cả bức ảnh chân dung của ông kia. Không những không đến nỗi khó coi, mà ông còn là người điển trai nữa.

– Điển trai thì điển trai, nhưng chuyện không ở chỗ đó. Mà sự thể là giữa lúc mối tình của tôi đối với nàng mạnh mẽ nhất, vào ngày cuối cùng của lễ tiễn mùa đông, tôi đến dự đêm vũ hội của Thống đốc tỉnh, một ông lão hồn hậu, một phú gia hiếu khách và là bậc đại quý tộc. Tiếp khách là bà vợ ông, cũng hồn hậu như ông, đầu gài cái đài kim cương, mặc áo dài bằng nhung màu nâu, nhưng để hở hai vai và ngực mũm mĩm, trắng ngần, như chân dung của nữ hoàng Elizaveta Petrovna[1]. Đêm vũ hội tuyệt vời: phòng nhảy lộng lẫy, có chỗ dành riêng cho ban hát, các nhạc công – những nông nô nổi tiếng thời ấy của nhà địa chủ – tay chơi, quầy giải khát điểm tâm thật tuyệt vời và rượu sâm banh tuôn chảy lênh láng. Dù tôi vốn là một kẻ hâm mộ sâm banh, nhưng tôi không uống, bởi vì không cần rượu tôi đã say vì tình, song le tôi lại nhảy đến quỵ gối, nhảy cả khúc đối vũ, cả điệu valse, cả điệu ponca, tất nhiên trong chừng mực có thể được, đều nhảy với Varia. Nàng mặc áo dài trắng, thắt lưng hồng và tay đi găng bằng da mềm trắng muốt dài đến gần khuỷu tay gầy, còn chân đi giày vải láng màu trắng. Tôi bị tranh trước điệu madurca, cái gã kỹ sư Anisimov cực kỳ đáng ghét – cho đến nay tôi vẫn không thể tha thứ cho gã – đã ngỏ lời mời nàng, khi nàng vừa bước vào phòng, còn tôi phải rẽ vào chỗ người thợ cắt tóc để lấy đôi găng, nên bị chậm. Như vậy là điệu madurca tôi đã không nhảy với nàng, mà nhảy với một cô gái Đức, trước đó tôi theo đuổi ít nhiều. Nhưng, tôi e rằng buổi tối hôm đó tôi đã tỏ ra khiếm nhã đối với cô ta, tôi đã không chuyện trò với cô ta, không nhìn cô ta, mà chỉ nhìn thấy hình dáng cao cao, cân đối trong chiếc áo dài màu trắng thắt dải dây lưng hồng, gương mặt rạng rỡ, ửng hồng với đôi má lúm đồng tiền và cặp mắt dịu dàng, đáng yêu của nàng. Không phải riêng một mình tôi, mà tất cả mọi người đều nhìn nàng và ngắm nàng, cả cánh đàn ông, cả đám đàn bà đều nhìn ngắm nàng, mặc dù nàng làm cả đám họ bị lu mờ đi. Không thể không ngắm nhìn nàng được.

Nói cho đúng ra thì tôi không được nhảy điệu madurca với nàng, nhưng thực tình hầu như lúc nào tôi cũng nhảy với nàng. Nàng, không hề ngượng ngùng, đi ngang qua cả gian phòng đến với tôi, thế là tôi bật dậy, không chờ phải mời, và nàng mỉm cười cảm ơn vì sự tinh ý của tôi. Mỗi lần nhạc đưa chúng tôi đến bên nàng và do không đoán được bạn nhảy tiếp sau của tôi, nàng đã không đưa tay cho tôi, mà chỉ nhún đôi vai gầy và mỉm cười với tôi ra chiều luyến tiếc và an ủi tôi. Khi điệu madurca được thay bằng điệu valse, tôi cùng nàng quay tròn mãi, và nàng, vừa thở gấp, vừa mỉm cười và bảo tôi: “Encore”[2]. Và tôi tiếp tục quay tròn, quay tròn nữa và không còn cảm thấy thân mình.

– Nói thế, làm sao lại không cảm thấy! Tôi cho rằng ông cảm thấy quá đi chứ, khi ông ôm ngang thân người ấy, không những cảm thấy thân mình, mà còn cả thân hình của người ấy, – một trong các vị khách hỏi.

Ông Ivan Vasilievich đột nhiên đỏ mặt và bực bội gần như quát lên:

– Phải, thanh niên các anh ngày nay là thế đấy. Ngoài thân thể ra các anh chẳng thấy gì nữa hết.

Vào thời chúng tôi đâu có thế. Tôi càng yêu say đắm bao nhiêu, nàng càng trở nên không còn là một thân thể cụ thể nữa đối với tôi. Các anh bây giờ nhìn thấy chân, mắt cá chân và còn gì gì nữa, các anh lột áo xống những người đàn bà mà các anh say đắm, còn đối với tôi, như lời Alphonse Carr[3], – một nhà văn xuất sắc, – trên mình người yêu của tôi bao giờ cũng là những bộ trang phục bằng đồng thau. Chúng tôi không lột áo xống, mà còn cố che kín những chỗ hở hang đi kia, giống như người con trai hiền hậu của Noi[4] vậy. Nói thế, chứ các anh chẳng hiểu…

– Xin ông đừng để ý đến anh ta. Rồi tiếp theo ra sao? – Một người trong chúng tôi lên tiếng.

– Vâng. Vậy là tôi nhảy với nàng nữa và không nhận thấy thời gian trôi đi. Các nhạc công đã bải hoải mệt mỏi thế nào đó, thì các vị biết đấy, thường vào cuối đêm vũ hội, họ cứ phải dạo đi dạo lại một điệu nhảy madurca, các ông, các bà đã đứng dậy rời các bàn đánh bài ở phòng khách, chờ đợi bữa ăn đêm, bọn đầy tớ chạy ra chạy vào nhiều hơn, để chuyển cái gì đó. Đã ba giờ sáng, cần phải tranh thủ những giây phút cuối cùng. Một lần nữa, tôi lại chọn nàng, và chúng tôi lượn tròn hàng trăm lượt quanh gian phòng.

Tác giả: