Sau đêm vũ hội – Lev Tolstoy

Khi tôi ra tới bãi rộng, nơi nhà nàng ở đó, tôi nhìn thấy ở đầu đằng kia, lối đi đến chỗ dạo chơi, có một đám khá đông, đen đen và nghe từ đó vẳng lại tiếng sáo tây và tiếng trống. Trong lòng tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng ca và thỉnh thoảng lại văng vẳng điệu madurca.

Nhưng đây là một điệu nhạc khác, khắc nghiệt, khó chịu thế nào ấy.

“Gì thế nhỉ?” – Tôi nghĩ và theo con đường trơn ở giữa bãi rộng đi tới phía có tiếng sáo, tiếng trống. Đi khoảng một trăm bước, từ trong đám sương mù tôi bắt đầu nhận ra rất nhiều hình người đen đen. Chắc hẳn đó là binh lính. “Có lẽ họ tập luyện”, – tôi nghĩ và, cùng với một người thợ rèn mặc áo lông cộc lấm lem, ngoài khoác tạp dề, mang cái gì đó đi phía trước tôi, bước lại gần hơn. Binh lính mặc quân phục đen đứng hai hàng đối diện nhau, cầm súng hạ dưới chân, và không động đậy. Phía sau họ là người đánh trống và thổi sáo, và hai người đó không ngừng lặp đi lặp lại cái âm điệu khó chịu, nhức nhối.

– Họ làm gì thế không biết? – Tôi hỏi bác thợ rèn đứng bên cạnh tôi.

– Họ phạt gã Tatar vì tội chạy trốn, – bác thợ rèn bực bội nói, đưa mắt nhìn về phía cuối hàng quân.

Tôi cũng nhìn về phía đó và thấy ở giữa hai hàng quân một vật gì kinh khủng đang tiến về phía tôi. Vật tiến về phía tôi là một người cởi trần bị trói vào hai khẩu súng của hai người lính áp tải. Đi bên cạnh bọn họ là một sĩ quan người cao lớn mặc áo khoác và mũ cát két, hình dáng tôi cảm thấy quen quen. Giật thót toàn thân, chân lội bì bọp trong tuyết tan, người bị xử lê bước dưới những đòn giáng xuống anh ta từ hai phía, tiến đến phía tôi, lúc ngật ra sau – khi ấy hai viên đội áp giải lại đẩy anh ta về phía trước, khi chúi về đằng trước – khi ấy hai viên đội lại giữ cho anh ta khỏi ngã, kéo ngật ra sau. Và viên sĩ quan cao lớn bước những bước chắc chắn khẽ rung rung, nhưng không chịu tụt lại, đó chính là cha nàng, với bộ mặt hồng hào, cặp ria và bộ râu quai nón bạc.

Mỗi lần gậy vút xuống, người chịu tội lại dường như ngạc nhiên, quay bộ mặt nhăn nhúm vì đau đớn về phía cây gậy giáng xuống và nhe hàm răng trắng, nhắc đi nhắc lại mãi những lời gì đó. Chỉ khi anh ta đến gần hẳn, tôi mới nghe rõ những lời ấy. Không phải anh ta nói, mà rên rỉ: “Anh em ơi, xin anh em rủ lòng thương. Anh em, xin anh em rủ lòng thương!”. Nhưng những người anh em không rủ lòng thương, và khi đám người đi qua chỗ tôi, tôi thấy người lính đứng trước tôi bước một bước dứt khoát lên phía trước, vung cây gậy lên đến vút một tiếng, giáng mạnh xuống lưng anh lính Tatar. Anh lính Tatar liền ngã xiêu về phía trước, nhưng hai viên đội giữ anh ta lại, tiếp theo là một đòn khác như vậy giáng xuống anh ta từ phía kia, và lại từ phía này, rồi lại từ phía kia. Viên đại tá đi sóng bên cạnh và, khi nhìn xuống dưới chân, khi nhìn kẻ bị tội, phùng má, hít không khí và chúm môi tròn, chậm chạp thở ra. Khi đám người diễu qua chỗ tôi đứng, qua hàng quân, tôi thoáng nhìn thấy cái lưng kẻ bị hành hình – đó là một cái gì loang lổ, ướt nhoẹt, đỏ lòm, không bình thường, đến nỗi tôi không tin rằng đó là một thân người.

– Ôi, lạy Chúa! – Bác thợ rèn bên cạnh tôi thốt lên.

Đám diễu hành kéo đi xa dần, vẫn như vậy, từ hai phía, đòn giáng xuống lưng con người bước loạng choạng, dúm dó, và vẫn như vậy, tiếng trống gõ, tiếng sáo thổi liên hồi, và vẫn như vậy, bằng bước đi chắc nịch, thân hình cao lớn, oai vệ của ông đại tá chuyển động theo bên cạnh kẻ bị trừng phạt. Chợt ông đại tá dừng lại và tiến nhanh đến trước một người lính:

– Rồi ta sẽ xuê xoa cho mày, – tôi nghe thấy giọng nói giận dữ của ông ta. – Mày còn định xuê xoa nữa không? Nữa không?

Và tôi thấy ông ta vung bàn tay khỏe mạnh đi găng da mềm của mình tát vào mặt người lính vóc dáng bé nhỏ, yếu đuối đang sợ hết hồn vì tội anh ta quất roi không đủ mạnh xuống cái lưng đỏ lòm của người lính Tatar.

– Đưa chiếc gậy mới đến đây! – Ông ta quát to, ngoái lại, và thấy tôi. Làm ra bộ không biết tôi, ông ta nghiêm khắc và giận dữ cau mặt, vội quay nhìn đi chỗ khác. Lúc đó tôi cảm thấy xấu hổ đến mức không còn biết nhìn đi đâu, dường như tôi vừa bị bắt quả tang chính trong lúc đang làm một việc xấu xa nhất. Tôi cụp mắt nhìn xuống và vội vã bỏ về nhà. Suốt dọc đường, bên tai tôi ong ong khi thì tiếng trống và tiếng sáo, khi lại là những tiếng van nài: “Anh em ơi, xin anh em rủ lòng thương”, khi tôi lại nghe rõ giọng nói giận dữ, tự tin của ông đại tá quát: “Mày còn định xuê xoa nữa không? Nữa không?” Trong lúc đó, lòng tôi thấy trào lên một nỗi phiền muộn về thể xác, phiền muộn đến mức phát buồn nôn, đến mức tôi phải dừng lại mấy lần, và tôi có cảm giác, chỉ giây lát nữa thôi là bản thân tôi sẽ bung ra bởi tất cả nỗi kinh hoàng ấy, nỗi kinh hoàng đã len vào tôi do cảnh tượng nọ. Tôi không nhớ tôi đã về tới nhà và đi nằm ra sao. Nhưng chỉ thiu thiu ngủ là tôi lại nghe thấy, nhìn thấy mọi chuyện vừa xảy ra, và tôi bật dậy.

“Chắc hẳn ông ta biết điều gì đó mà mình không biết, – tôi suy nghĩ về ông đại tá. – Nếu như mình biết được điều mà ông ta biết, thì hẳn mình đã hiểu cả cái chuyện mà mình vừa nhìn thấy, và chuyện đó hẳn không giày vò mình”. Nhưng dù tôi có suy nghĩ bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không thể hiểu điều mà viên đại tá biết. Và mãi đến khi tôi tìm đến nhà một người bạn và cùng anh ta uống đến say khướt, tôi mới ngủ thiếp đi được vào lúc chiều tối.

Thế đấy, các vị tưởng bấy giờ tôi đã cho rằng chuyện mà tôi nhìn thấy là chuyện xấu xa ư? Không hề như vậy. “Nếu như việc đó được làm với một sự tin tưởng như vậy và mọi người đều thừa nhận là cần thiết, thì có nghĩa là họ biết được, điều gì đó mà tôi không biết”, – tôi nghĩ vậy và cố biết cho được điều ấy. Nhưng dù tôi có cố gắng đến mức nào đi nữa – cả sau này, tôi cũng không biết được. Mà không biết được, thì tôi không thể nào phục vụ việc nhà binh, như trước đó tôi đã muốn, và không những không vào phục vụ việc nhà binh, mà cũng chẳng phục vụ ở đâu hết, như các vị thấy đấy, tôi là kẻ chẳng được tích sự gì hết.

– Đâu có, chúng tôi biết rõ ông vô tích sự như thế nào rồi, – một người trong chúng tôi nói. – Xin ông cứ nói thế này mới phải: Có biết bao nhiêu người đáng ra chẳng được tích sự gì, nếu như không có ông.

– Chà, điều đó thì thật vớ vẩn, – ông Ivan Vasilievich đáp lại, giọng buồn bực chân thành.

– Thế còn mối tình thì sao? – Chúng tôi hỏi.

– Mối tình ư? Mối tình từ bữa ấy phai nhạt dần. Như thường lệ, khi nàng mỉm cười, trở nên đăm chiêu suy nghĩ, tôi lại nhớ ngay đến ông đại tá trên quảng trường, và tôi trở nên ngượng ngùng, khó chịu thế nào ấy, vì vậy, tôi dần dần thưa đến gặp nàng. Và mối tình thế là trở thành mây khói. Có những sự đời như vậy đó, và cả cuộc đời con người vì thế mà thay đổi và xuôi theo. Vậy mà các vị cứ nói… – Ông kết luận.

Chú thích

[1] Elizaveta Petrovna – nữ hoàng Nga, trị vì từ năm 1741 đến năm 1762.

[2] Nữa đi (tiếng Pháp).

[3] Alphonse Carr (1808-1890) – nhà văn và nhà báo Pháp.

[4] Đây muốn nói tới huyền thoại trong Kinh Thánh về Noi, một tộc trưởng thời xa xưa và các con trai của ông. Một lần sau khi say túy lúy, Noi đã thiếp đi trong tư thế trần truồng. Kham, con trai ông, vừa cười vừa kể cho các anh mình là Xim và Iaphet biết chuyện đó, nhưng hai người anh vốn kính trọng cha, đã che kín phần trần truồng của cha đi.

[5] Cô em thân mến (tiếng Pháp)

[6] Theo kiểu hoàng đế Nikolai I (tiếng Pháp).

Tác giả: