Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Truyện ngắn: Đức cha Serghi

Tác giả: Lev Tolstoy

1

Vào những năm bốn mươi ở Peterburg đã xảy ra một sự kiện khiến mọi người sửng sốt: Một người đẹp trai, một vị công tước, chỉ huy kỵ đội ngự lâm của trung đoàn kỵ binh nặng[1] mà mọi người tiên đoán là sẽ được làm sĩ quan tùy tùng ngự tiền và bước đường công danh sẽ rực rỡ dưới triều hoàng đế Nikolai I, một tháng trước khi làm lễ cưới với một nữ quan[2] đẹp tuyệt trần, được hoàng hậu đặc biệt ân sủng, đã xin về hưu, cắt đứt quan hệ của mình với vợ chưa cưới, đem cái trang ấp nhỏ của mình cho em gái, rồi vào tu viện với ý định trở thành tu sĩ. Sự kiện ấy tưởng như khác thường và khó giải thích đối với những người không am hiểu những nguyên do bên trong, còn đối với chính bản thân công tước Stefan Kasatski thì tất cả những chuyện đó đều tự nhiên, đến mức anh không thể hình dung mình có thể xử sự khác được.

Ông thân sinh của Stefan Kasatski, một đại tá hồi hưu của quân ngự lâm, đã chết khi con trai ông mười hai tuổi. Mặc dù bà mẹ rất tiếc khi để cậu con trai xa nhà, bà đã không dám không thực hiện ý muốn của người chồng quá cố, lúc lâm chung ông đã dặn dò lại là không được để con trai ở nhà mà phải đưa nó vào trường quân sự đặc biệt, vì thế bà đã cho con vào trường đó. Bản thân người đàn bà góa đã cùng với cô con gái Varvara chuyển tới sống ở Peterburg, nơi cậu con trai theo học để đón cậu ta về nhà vào những ngày lễ.

Cậu bé đã bộc lộ những khả năng xuất sắc và lòng tự ái rất lớn, do đó cậu dẫn đầu về các môn khoa học, nhất là môn toán học mà cậu đặc biệt say mê và môn đội ngũ cũng như môn cưỡi ngựa. Cậu đẹp trai và nhanh nhẹn, dù vóc người có cao hơn mức bình thường. Hơn thế, căn cứ vào tư cách, lẽ ra cậu phải là một thiếu sinh quân mẫu mực, nếu như cậu không có thói hay phát khùng. Cậu không uống rượu, không chơi bời phóng đãng và ngay thẳng lạ lùng. Chỉ có một điều ngăn trở khiến cậu không trở thành một người mẫu mực, ấy là những cơn giận dữ bùng lên trong người cậu, lúc ấy cậu hoàn toàn mất tự chủ và trở thành con mãnh thú. Có lần cậu đã suýt ném một thiếu sinh quân ra ngoài cửa sổ, vì anh này chế giễu bộ sưu tập các mẫu quặng của cậu. Một lần khác cậu suýt chết: Cậu đã quăng cả một đĩa thịt băm viên vào viên quản lý, lao vào viên sĩ quan. Người ta nói rằng cậu đánh ông ta vì ông ta nuốt lời và nói dối một cách trắng trợn. Có lẽ chắc chắn là cậu sẽ bị giáng xuống làm lính, nếu như ông hiệu trưởng không che giấu tất cả chuyện này và không đuổi cổ viên quản lý.

Năm mười tám tuổi, Kasatski tốt nghiệp, ra làm sĩ quan trong trung đoàn ngự lâm quý tộc. Hoàng đế Nikolai Pavlovich biết anh từ lúc anh còn theo học trường quân sự và đã để ý đến anh, cả sau khi anh về trung đoàn, bởi vậy mọi người đã tiên đoán rằng anh sẽ là sĩ quan tùy tùng của hoàng đế. Và Kasatski khao khát được như thế không phải chỉ vì háo danh, mà chủ yếu bởi vì thời còn học ở nhà trường anh đã yêu mến say mê, đúng là say mê, hoàng đế Nikolai Pavlovich. Cứ mỗi lần Nikolai Pavlovich tới thăm, – mà ông tới thăm trường luôn, – khi ông hùng dũng bước vào, vóc người cao lớn, vận quân phục, ngực ưỡn, sống mũi chim ưng trên hàng ria mép với bộ râu quai nón tỉa tót, và cất giọng oai nghiêm chào hỏi các thiếu sinh quân, Kasatski có cái cảm giác hân hoan phấn khỏi của một người đang yêu. Sau này anh cũng trải qua cảm giác đó khi gặp người yêu của mình, chỉ có điều là cảm giác hân hoan say mê Nikolai Pavlovich mạnh hơn. Anh mong muốn được phơi bày trước Người lòng trung thành vô hạn của mình, được hy sinh thân mình vì Người. Nikolai Pavlovich biết rõ điều gì đã gây nên niềm hân hoan phấn khởi đó và ông đã cố ý làm như thế. Ông chơi đùa với các thiếu sinh quân, để họ quây quần quanh mình, khi thì dung dị như trẻ con, khi thì nhân ái, khi thì trang trọng uy nghi trong cách đối xử. Sau khi xảy ra chuyện va chạm gần nhất giữa Kasatski với viên sĩ quan, Nikolai Pavlovich đã không hề nói gì với Kasatski cả, nhưng khi Kasatski bước lại gần ông, ông đã gạt anh ra như đóng kịch và chau mày, giơ ngón tay lên đe dọa, rồi sau đó, lúc ra đi ông nói:

– Anh hãy nhớ rằng việc gì ta cũng biết, tuy có một vài chuyện ta không muốn biết. Nhưng những chuyện đó ở đây này.

Ông chỉ tay vào trái tim.

Khi các thiếu sinh quân đã tốt nghiệp, tới ra mắt ông, ông không nhắc nhở gì tới chuyện đó và nói, như thường lệ, rằng tất cả bọn họ có thể trực tiếp tâu bày thẳng với ông, rằng mong sao họ trung thành phụng sự ông và tổ quốc, còn ông sẽ mãi là người bạn gần gũi nhất của họ. Như thường lệ, tất cả mọi người đều cảm động, còn Kasatski, do nhớ tới câu chuyện đã xảy ra, anh khóc và hứa sẽ hết lòng hết sức phụng sự Sa hoàng yêu quý của mình.

Khi Kasatski về trung đoàn, mẹ anh đã cùng cô con gái chuyển về Moskva, rồi sau đó về sống ở nông thôn. Kasatski đã cho em gái một nửa tài sản của mình. Phần tài sản còn lại chỉ đủ để anh duy trì cuộc sống xa xỉ trong trung đoàn của mình.

Nhìn bề ngoài Kasatski dường như là một sĩ quan ngự lâm xuất sắc, trẻ trung, bình thường nhất, người đang lập công danh, nhưng trong lòng anh đang diễn ra cuộc đấu tranh phức tạp và căng thẳng. Cuộc đấu tranh đó bắt đầu ngay từ thời thơ ấu của anh, tưởng như đó vẫn chỉ là một, nội dung của cuộc đấu tranh đó là, trong mọi công việc mà anh gặp trên đường đời, phải đạt tới sự hoàn thiện và thành công khiến mọi người ngạc nhiên và ca ngợi. Dù đó là học tập hay khoa học anh đều lăn xả vào và làm việc kỳ cho tới khi mọi người khen ngợi anh và lấy anh làm gương cho kẻ khác. Đạt được việc này rồi, anh bắt tay vào việc khác. Do đó anh đã đứng đầu về môn khoa học, chẳng hạn lúc còn học ở trong trường, có lần anh nhận thấy mình trò chuyện bằng tiếng Pháp còn chưa thạo, thế là anh đã học cho kỳ được để có thể nắm tiếng Pháp như tiếng Nga vậy. Và sau đó, lúc hãy còn ở nhà trường cả khi học chơi cờ, anh cũng đã đạt tới mức chơi một cách xuất sắc.

Ngoài sứ mạng chung của cuộc đời là phụng sự Sa hoàng và Tổ quốc, bao giờ anh cũng đặt ra cho mình một mục đích nào đó, và dù cho mục đích ấy nhỏ bé thế nào đi nữa, anh cũng đem hết sức mình để đạt cho kỳ được, và chỉ sống vì mục đích đó cho đến khi đạt được nó. Nhưng hễ anh đạt được mục đích đã định thì lập tức một mục đích khác lại nảy sinh trong đầu óc anh thay thế cái trước. Cuộc sống của anh tràn đầy khát vọng được nổi bật và khát vọng đạt tới mục đích để được nổi bật. Vì thế khi đã ra làm sĩ quan anh đã đặt cho mình mục đích phải am hiểu thành thạo hết mức công vụ của mình và chẳng bao lâu anh đã trở thành một sĩ quan mẫu mực, tuy anh vẫn lại mắc cái tính hay phát khùng không kiềm chế được. Thiếu sót này trong công vụ đã đẩy anh vào những hành vi không hay và có hại cho sự thành đạt. Sau đó, có lần qua câu chuyện với giới thượng lưu, anh thấy mình còn thiếu trình độ phổ thông, anh quyết tâm bổ sung cho mình và anh đã lao vào đọc sách, đạt cho kỳ được điều mình muốn. Thế rồi anh quyết định đạt cho được một vị trí tuyệt vời trong xã hội thượng lưu, anh học khiêu vũ một cách xuất sắc, và chẳng bao lâu anh đã được mời tới dự tất cả các vũ hội của giới đại thượng lưu và một số buổi tiếp tân. Nhưng địa vị đó chưa làm anh thỏa mãn. Anh đã quen là người đứng đầu, mà trong công việc này thì còn xa mới chiếm được vị trí đó.

Xã hội thượng lưu lúc đó, theo như tôi nghĩ, bao giờ và ở đâu cũng gồm có bốn hạng người: 1) những người giàu có và những người gần gũi cung đình; 2) những người không giàu có, nhưng sinh ra và lớn lên trong cung đình; 3) những người giàu có xu phụ những người gần gũi cung đình; 4) những người không giàu có và cũng không gần gũi cung đình, nhưng xu phụ hạng người thứ nhất và hạng người thứ hai. Kasatski không thuộc hạng người thứ nhất và hạng người thứ hai. Kasatski được vui lòng chấp nhận vào hai hạng cuối. Thậm chí khi bước vào xã hội thượng lưu, anh đã đặt cho mình mục đích kết giao với một phụ nữ thượng lưu – và điều bất ngờ đặc biệt là anh đã nhanh chóng đạt được việc đó. Nhưng anh đã nhanh chóng thấy rằng những giới mà anh vẫn thường lui tới là những giới thấp, còn có các giới cao hơn và trong các giới thượng lưu cung đình đó, thì tuy anh vẫn được họ tiếp đón, nhưng anh vẫn cảm thấy mình là người xa lạ; họ lịch thiệp đối với anh, nhưng toàn bộ cách đối xử của họ cho thấy họ có những người của họ và anh không phải là người của họ. Và Kasatski muốn ở đó anh được coi là người của họ. Muốn thế thì hoặc cần phải là sĩ quan tùy tùng ngự tiền, – điều này anh đang chờ đợi, hoặc là cưới vợ trong giới đó. Và anh quyết định làm như vậy. Anh đã chọn được một cô gái, một người đẹp, gần gũi cung đình, cô không những là một người thuộc xã hội thượng lưu mà anh muốn gia nhập, cô còn là một con người mà những người có địa vị cao, và vững chắc nhất trong giới thượng lưu cũng ra sức tìm cách gần gũi. Đó là nữ bá tước Korotkova. Kasatski theo đuổi Korotkova không phải chỉ vì chuyện công danh, cô là người có sức hấp dẫn phi thường và chẳng bao lâu anh đã yêu cô thật sự. Thoạt đầu, cô đặc biệt lạnh lùng đối với anh, nhưng sau đó mọi sự bỗng nhiên thay đổi, cô trở nên trìu mến, và bà mẹ cô hết sức ân cần mời mọc anh đến nhà.

Tác giả: