Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Bà bước ra ngoài, thu xếp gì ở đó, rồi quay trở lại, lau đôi tay gầy guộc, rám nắng.

– Đấy, tôi sống như vậy đó. Cứ luôn luôn phàn nàn và luôn luôn không hài lòng, ấy thế nhưng, lạy Chúa, lũ cháu tôi tất cả đều kháu khỉnh khỏe mạnh, nên còn có thể sống được. Với lại nói đến tôi làm gì.

– Vậy thì bà sống bằng cái gì?

– Tôi cũng kiếm ăn được chút ít. Tôi đã từng chán ngấy âm nhạc, vậy mà nay âm nhạc cũng có ích cho tôi đấy.

Bà đặt bàn tay nhỏ nhắn lên chiếc tủ nhỏ cạnh chỗ bà ngồi và lướt những ngón tay gầy guộc như thể dạo một bài tập về âm nhạc.

– Thế người ta trả bà bao nhiêu một giờ?

– Người ta trả khi thì một rúp, khi thì năm mươi kopek, cũng có khi ba chục kopek. Tất cả bọn họ đều tốt bụng với tôi lắm cơ.

– Thế học trò học hành tiến bộ chứ? – Mắt thoáng cười, Kasatski hỏi.

Praskovia Mikhailovna không tin ngay rằng đó là một câu hỏi nghiêm chỉnh và bà ngước mắt nhìn ông có ý dò hỏi.

– Học trò cũng có tiến bộ. Có một cô bé cừ khôi lắm, con gái ông hàng thịt. Cô bé hồn hậu, tốt bụng. Giá như tôi là một phụ nữ chín chắn thì cố nhiên, dựa vào những chỗ quen biết của cha tôi, chắc tôi đã có thể tìm được chỗ làm cho con rể. Ấy thế nhưng tôi chả biết cách gì cả, và thế là tôi đã dẫn tất cả chúng nó đến nông nỗi này.

– Ra thế, – Kasatski cúi đầu. – À, bà Praskovia này, bà có tham dự vào sinh hoạt của nhà thờ không? – Ông hỏi.

– Chao ôi, ông đừng nói làm gì. Tôi đã xao nhãng, tồi tệ lắm. Tôi cũng ăn chay cùng với lũ trẻ và đi nhà thờ, ấy thế nhưng có khi hàng tháng tôi không đi. Tôi cho lũ trẻ đi. Thật tình mà nói, – bà đỏ mặt lên, – đi nhà thờ mà ăn vận rách rưới thì ngượng với con cái và lũ cháu lắm, quần áo mới không có. Với lại chẳng qua là tôi lười thôi.

– Vậy bà cầu nguyện ở nhà à?

– Tôi cầu nguyện, mà kinh kệ gì đâu, tôi đọc một cách máy móc thế thôi. Tôi biết là không nên thế, nhưng không có tình cảm thật sự, chỉ có tất cả sự xấu xa của mình thôi, ông ạ…

– À, ra thế, ra thế đấy, – Kasatski đế vào như thể tán thành.

– Tôi vào ngay, vào ngay đây, – bà đáp lại tiếng gọi của con rể và sau khi sửa lại bím tóc trên đầu, bà bước ra khỏi phòng.

Lần này mãi bà mới trở lại. Khi bà quay lại, Kasatski vẫn ngồi nguyên trong tư thế đó, khuỷu tay tựa trên đầu gối và đầu cúi xuống. Nhưng chiếc túi đi đường của ông ta đã được đeo lên lưng.

Khi bà bước vào phòng cùng với chiếc đèn sắt tây không có chụp, ông ngước cặp mắt đẹp, mệt mỏi của mình nhìn bà, rồi thở dài rõ sâu.

– Tôi không nói cho chúng nó biết ông là ai, – bà bắt đầu nói một cách rụt rè, tôi chỉ nói rằng đây là một người hành hương trong số những con người cao quý và tôi có quen biết. Ta đi sang phòng ăn uống trà đi.

– Không…

– Thế để tôi đem đến đây vậy. – Không, không cần gì cả. Chúa sẽ cứu vớt bà, Praskovia ạ. Tôi đi đây. Nếu bà thương tôi, bà đừng nói với ai là đã gặp tôi. Nhân danh Chúa hằng sống, tôi van xin bà, bà đừng nói với ai. Cám ơn bà. Giá tôi quỳ sụp xuống chân bà thì phải, nhưng tôi biết rằng làm như thế khiến bà bối rối. Cám ơn, vì Chúa, xin bà lượng thứ cho.

– Xin ông hãy ban phước.

– Chúa sẽ ban phước. Vì Chúa, xin bà hãy lượng thứ cho. Ông định đi, nhưng bà không cho ông đi và đem bánh mì, bánh vòng và bơ tới cho ông. Ông nhận tất cả bà mới bước ra khỏi phòng.

Trời đã tối và ông ra đi mới cách độ hai nhà, bà đã không nhìn thấy ông nữa, và chỉ căn cứ vào tiếng con chó của vị tu sĩ trưởng sủa theo ông, bà mới biết là ông đang đi.

“Đấy, giấc mộng của ta có nghĩa là như vậy đấy. Praskovia chính là mẫu người mà ta phải đạt tới và ta đã không đạt được. Ta đã sống vì người đời, lấy cớ là sống vì Chúa, bà sống vì Chúa, nhưng lại tưởng tượng rằng mình sống vì người đời. Phải rồi, chỉ một việc làm tốt đẹp, một chén nước đem cho mà không nghĩ tới phần thưởng, còn quý hơn những gì ta đã ban ơn cho mọi người. Nhưng cũng có một phần ý muốn thành thực phụng sự Chúa chứ?” – Ông tự hỏi và trả lời: “Phải, nhưng tất cả những cái đó đã bị hư danh của người đời bám vào, làm cho nhơ nhớp. Phải, đối với những kẻ như ta, sống vì hư danh của người đời, thì không có Chúa. Ta sẽ đi tìm Chúa”.

Và ông ra đi, như ông đã đi tới nhà Praskovia, từ làng này tới làng kia, gặp gỡ và chia tay với những người đàn ông và đàn bà hành hương và cầu Chúa kiếm miếng bánh ăn và chỗ nghỉ đêm. Thỉnh thoảng một bà chủ độc ác xỉ vả ông, một bác nông dân say bét nhè chửi bới ông, nhưng phần lớn người ta cho ông ăn uống, thậm chí cho ông thức ăn đi đường. Bộ dạng quý tộc của ông khiến một số người có thiện cảm với ông. Ngược lại, một vài người chừng như thể hể hả vì thấy một nhà quý tộc cũng đã rơi vào cảnh cùng khốn. Nhưng vẻ hiền lành của ông đã chinh phục tất cả mọi người.

Thường thường khi thấy trong nhà có cuốn kinh Phúc âm, ông đọc to lên, và mọi người ở khắp nơi, bao giờ cũng xúc động và ngạc nhiên như thể họ nghe ông đọc một cái gì mới mẻ, đồng thời đã quen thuộc từ lâu.

Nếu như ông đã giúp đỡ được mọi người hoặc bằng lời khuyên bảo, hoặc bằng vốn học vấn, hay bằng lời can ngăn những kẻ cãi nhau, thường ông không nhận sự cảm ơn, vì trước đó ông đã bỏ đi. Và Chúa đã bắt đầu thoáng xuất hiện ở trong ông.

Có lần ông đi cùng với hai bà già và một người lính. Một ông và một bà quý tộc ngồi trên chiếc xe ngựa hai bánh thắng con ngựa chạy nước kiệu và một người đàn ông cùng một cô gái cưỡi ngựa chặn bọn ông lại. Chồng của bà quý tộc cùng với cô con gái cưỡi ngựa, còn trên xe có lẽ là bà quý tộc đi cùng với một nhà du lịch người Pháp.

Đám người quý tộc chặn bọn ông lại để chỉ cho nhà du lịch Pháp thấy les pélérins[14] theo thói mê tín cố hữu của dân Nga, những người hành hương này đáng nhẽ làm việc thì lại đi lang thang từ nơi này đến nơi kia.

Đám quý tộc nói tiếng Pháp, tưởng rằng bọn ông không hiểu họ nói gì.

Demandez leur, – người Pháp nói, – s’ils sont bien sûrs de ce que leur péléri- nage est agréable à díeu.[15]

Đám quý tộc hỏi bọn ông. Các bà lão đáp:

– Chúa tiếp nhận như thế nào là tùy ý Người. Chúng tôi đi bằng đôi chân mình, thành tâm là ở đấy chăng.

Đám quý tộc hỏi người lính. Người lính nói rằng có một mình biết đi đâu được.

Đám quý tộc hỏi Kasatski rằng ông là ai.

– Nô lệ của Chúa.

Qu’est ce qu’il dit? Il ne répond pas.[16]

Il dit qu’il est un serviteur de dieu.[17]

Cela doit être un fils de prêtre. Il a de la race. Auez vous de la petite mon- naie?[18]

Người Pháp có tiền lẻ. Và hắn phân phát cho tất cả mọi người, mỗi người hai mươi kopek.

Mais dites leur que ce n’est pas pour des cierges que je leur donne, mais pour qu’ils se régalent de thé Chè, chè,[19] – hắn ta mỉm cười, – pour vous, mon vieux[20] – hắn nói, đưa bàn tay đeo găng vỗ vai Kasatski.

– Chúa sẽ cứu rỗi, – Kasatski đáp, không đội mũ lông vào và nghiêng mái đầu hói của mình cúi chào.

Kasatski đặc biệt vui mừng vì cuộc gặp gỡ đó, bởi vì ông đã khinh thường dư luận của người đời và đã làm cái việc hời hợt, hão huyền nhất – ông đã nhẫn nhục cầm lấy hai mươi kopek và đã cho một người bạn của họ, một người hành khất mù. Càng ít coi trọng dư luận của người đời, thì càng được cảm nhận thấy Chúa một cách mạnh mẽ hơn.

Kasatski đã đi phiêu bạt như vậy được tám tháng, tới tháng thứ chín ông bị người ta bắt giữ tại một quán trọ ở tỉnh lỵ, nơi ông nghỉ đêm cùng với những người hành hương, và vì không có giấy thông hành nên người ta đã đưa ông về đồn cảnh sát… Trả lời câu hỏi giấy thông hành của ông đâu và ông là ai, ông đáp rằng ông không có giấy thông hành và ông là nô lệ của Chúa. Người ta xếp ông vào hạng người lang thang, kết án và đày ông đi Xibir.

Tại Xibir, ông ngụ trong trại của một nông phu giàu có và bây giờ vẫn sống tại đó. Ông làm lụng trong vườn rau của chủ nhà, dạy trẻ học và đi chăm sóc người ốm.

Chú thích

[1] Tức là chỉ huy một phân đội (gồm 2, 3 trung đội) của trung đoàn kỵ binh nặng được biệt phái bảo vệ triều đình Sa hoàng.

[2] Nữ quan là tước hiệu cung đình ở nước Nga cũ, được ban cho những phụ nữ thuộc các dòng họ quý tộc nổi tiếng. Các nữ quan hợp thành đoàn hầu cận của các nữ hoàng và các công chúa, quận chúa trong hoàng tộc.

[3] Tsarskoie Selo: Một địa điểm ở gần Peterburg, là nơi xây cung điện mùa hè của các Sa hoàng và các biệt thự của giới quý tộc cung đình, các nhân vật có nhiều đặc quyền khác.

[4] Valakhia: Một vùng đất lịch sử ở miền Nam Rumani, giữa dãy núi Carpat và sông Danup.

[5] Kasatski phải chịu nghi lễ Thiên Chúa giáo tuyên nhập cuộc đời tu hành. Để chứng tỏ sự khước từ cuộc sống trước đây, các tu sĩ được mang tên gọi mới.

[6] Lễ proskomidia: Một phần của buổi lễ trọng trong đó các lễ vật được dâng lên bệ thờ để làm phép thánh.

[7] Lida, nhìn về phía bên phải ấy, chính ông ta đấy (tiếng Pháp).

[8] Đâu, đâu? Ông ta cũng chả đẹp lắm! (tiếng Pháp).

[9] Đơn vị đo chiều dài Nga, 1 versta = 1,06 km.

[10] Tùy thích đấy nhé! (tiếng Pháp).

[11] Đơn vị đo chiều dài Nga cổ xưa, 1 versoc = 4,4 cm.

[12] Đơn vị đo độ dài Nga, 1 arsin = 0.7m

[13] Lễ Prepolovenie: Buổi lễ vào ngày thứ tư của tuần lễ thứ tư sau lễ Phục sinh.

[14] Những người hành hương (tiếng Pháp).

[15] Anh hãy hỏi họ xem, – họ có tin chắc rằng cuộc hành hương của họ làm cho Chúa hài lòng không (tiếng Pháp).

[16] Lão ta nói gì thế? Lão ta không trả lời (tiếng Pháp).

[17] Lão ấy nói rằng lão là kẻ tôi tớ của Chúa (tiếng Pháp).

[18] Chắc lão là con một cố đạo. Ra dáng con nhà nòi lắm. Anh có tiền lẻ đấy không? (tiếng Pháp).

[19] Nhưng anh hãy bảo với bọn họ rằng tôi cho họ tiền không phải để mua nến mà để họ làm một chầu nước chè (tiếng Pháp).

[20] Cho ông đấy, ông lão ạ (tiếng Pháp).

Tác giả: