Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Nhưng không có tiếng nào đáp lại ở bên kia bức vách, vẫn thấy tiếng lẩm bẩm đều đều kéo dài và tiếng xê dịch lịch kịch. “Chắc ông ấy lại quỳ xuống sát đất để lễ, – bà nghĩ. – Nhưng ông ấy sẽ không lẩn tránh mình đâu, – bà ta thốt lên. – Ông ấy đang nghĩ tới mình. Cũng như mình đang nghĩ tới ông ấy. Ông ấy đang nghĩ tới những cái chân này với cũng cùng một tình cảm đó”, – bà nói, tháo đôi bít tất ẩm ướt ra và thu cặp chân trần lên giường, rồi ngồi gập chân lại. Bà ta ngồi như thế một lát, vòng tay ôm lấy đầu gối và trầm ngâm nhìn về phía trước mặt. “Phải, nơi hoang vắng này, cảnh yên tĩnh này. Và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có ai biết được…”

Bà đứng dậy, mang đôi bít tất lại chỗ lò sưởi, treo tất lên ống thông hơi. Cái ống thông hơi mới đặc biệt làm sao. Bà xoay nó lại, rồi sau đó nhẹ nhàng đi chân đất quay về giường và lại thu chân ngồi lên giường. Bên kia vách hoàn toàn im ắng. Bà nhìn chiếc đồng hồ nhỏ đeo ở cổ bà. Đã hai giờ sáng. “Cánh cùng đi với mình hẳn sẽ tới đây lúc gần ba giờ”. Còn không tới một giờ đồng hồ nữa.

“Ô hay, mình sẽ ngồi một mình ở đây như thế này à. Vớ vẩn thật! Mình không muốn thế. Mình sẽ gọi ông ta ngay lập tức”.

– Thưa cha Serghi! Thưa cha Serghi! Xergei Dmitrievich, công tước Kasatski!

Sau cánh cửa im phăng phắc.

– Cha hãy nghe đây, thật là tàn nhẫn. Lẽ ra con đã không gọi cha, nếu như con không thấy cần. Con ốm. Con không biết mình ra sao, – bà ta lên tiếng bằng giọng đau khổ. – Ôi, ôi! – Bà ta rên lên và lăn đùng xuống giường. Và điều kỳ lạ là bà ta cảm thấy y như mình kiệt sức, mệt lả, đau nhừ khắp người và run lên bần bật vì cơn sốt.

– Cha hãy nghe đây, xin cha giúp đỡ con. Con không biết mình làm sao ấy. Ôi! Ôi! – Bà ta cởi khuy áo dài, phơi bộ ngực ra và vén cánh tay áo để trần đến tận khuỷu: Ôi! Ôi!

Trong lúc đó, ông vẫn đứng trong buồng xép chật hẹp của mình và cầu kinh. Đọc hết kinh nguyện buổi tối, giờ đây ông đứng bất động, mắt chăm chăm nhìn vào chóp mũi và thầm lặp đi lặp lại lời nguyện cầu khôn ngoan: “Lạy Chúa Kito, đức thánh con, xin Người xá tội cho con”.

Nhưng ông đã nghe thấy hết cả. Ông đã nghe thấy tiếng lụa sột soạt khi bà cởi áo, tiếng bước chân trần của bà bước trên sàn, ông đã nghe thấy bà dùng tay xoa chân. Ông cảm thấy rằng ông yếu đuối và bất cứ giây phút nào cũng có thể bị sa ngã và bởi vậy ông không ngớt cầu kinh. Ông cảm thấy một cái gì giống như cảm giác của một nhân vật trong truyện cổ tích, nhân vật này phải bước đi, không được ngoái nhìn trở lại. Cũng giống như vậy, Serghi nghe thấy, cảm thấy nguy cơ và sự sa ngã ở đây đang vây bọc lấy ông, lơ lửng trên đầu ông và ông chỉ có thể thoát ra được bằng cách không ngoái nhìn bà ta một giây phút nào cả. Nhưng bỗng nhiên, ý muốn được nhìn xem thử xâm chiếm lấy ông. Đúng lúc ấy, bà ta nói:

– Cha hãy nghe đây, quả thật là vô nhân đạo. Con có thể chết.

“Phải, mình sẽ sang, nhưng mình sẽ làm như đức cha ấy, một tay đặt lên mình con chiên lầm lạc, còn tay kia đặt lên lò lửa. Nhưng làm gì có lò lửa”. Ông ngoái nhìn. Cây đèn. Ông thò ngón tay lên ngọn lửa và nhăn mặt, sẵn sàng chịu đựng và ông tưởng như tuy kéo dài đã khá lâu, ông vẫn không cảm thấy gì, nhưng bỗng nhiên – Ông còn chưa biết dứt khoát mình có đau đớn không và đau đớn đến mức nào, ông chau mày, rụt tay huơ huơ tay lên: “Không, mình không thể chịu được điều đó”.

– Vì Chúa! Ôi, cha sang với con đi! Con sắp chết, ôi!

“Thế ra mình sẽ sa ngã ư? Không thể thế được”.

– Tôi đến chỗ bà ngay đây, – ông thốt lên, rồi mở cửa buồng mình, không nhìn bà, đi ngang qua bà tới chỗ cửa mở ra buồng hiên, nơi ông bổ củi, ông mò mẫm tìm chiếc thớt gỗ mà ông dùng để bổ củi và chiếc rìu để dựa vào tường.

– Tôi sang ngay bây giờ, – ông nói, rồi đưa tay phải nắm lấy chiếc rìu, đặt ngón tay trỏ của bàn tay trái lên chiếc thớt gỗ, vung rìu lên và chém phập xuống dưới đốt ngón tay thứ hai. Ngón tay văng ra, nhẹ nhàng hơn là những mảnh gỗ cùng độ dày như thế, bật ngược, rồi rơi xuống mép thớt, sau đó lăn xuống sàn nhà.

Ông nghe thấy tiếng đầu ngón tay rơi xuống trước khi cảm thấy đau. Nhưng ông chưa kịp ngạc nhiên, vì thấy không đau, thì đã cảm thấy cơn đau buốt bỏng rát và máu nóng trào ra. Ông vội vã dùng tà áo bọc lấy ngón tay bị chặt đứt, ép sát nó vào hông, rồi quay lại, bước qua cửa vào phòng, dừng lại trước mặt người đàn bà, cụp mắt xuống, khẽ hỏi:

– Bà cần gì?

Bà ta ngước nhìn khuôn mặt nhợt nhạt với má trái giần giật của ông và bỗng nhiên bà ta cảm thấy xấu hổ. Bà ta đứng bật dậy, chộp lấy chiếc áo choàng lông, choàng vào mình.

– Vâng, con đau lắm… con bị cảm lạnh… Thưa cha Serghi… con…

Ông ngước mắt nhìn bà ta, cặp mắt lóe lên niềm vui lặng lẽ và nói:

– Cô em đáng yêu ơi, vì sao cô muốn hủy hoại linh hồn bất tử của mình? Những sự cám dỗ phải đi vào thế gian, nhưng khổ thay cho kẻ nào bị sự cám dỗ thâm nhập… Cô hãy cầu kinh đi, xin Chúa tha thứ cho chúng ta.

Bà ta lắng nghe ông nói và nhìn ông. Bỗng nhiên bà ta nghe thấy có tiếng chất lỏng nhỏ giọt xuống. Bà ta nhìn và trông thấy máu chảy từ tay lên chiếc áo thụng của ông.

– Cha đã làm gì tay cha thế? – Bà ta sực nhớ tới cái âm thanh mà bà ta đã nghe thấy, chộp lấy ngọn đèn, bà ta chạy ra buồng hiên và trông thấy ngón tay đẫm máu ở trên sàn. Mặt tái nhợt hơn cả ông, bà ta quay lại và định nói với ông, nhưng ông lặng lẽ bước sang buồng xép và đóng chặt cửa lại.

– Cha hãy tha lỗi cho con. Con lấy gì chuộc lỗi của mình bây giờ?

– Cô hãy đi đi.

– Cha để con băng bó vết thương cho.

– Cô hãy đi khỏi đây.

Bà ta vội vã và lặng lẽ mặc quần áo. Rồi khi đã mặc áo lông sẵn sàng, bà ta ngồi chờ đợi. Tiếng lục lạc vang lên ở trước sân.

– Thưa cha Serghi, cha hãy tha thứ cho con.

– Cô hãy đi đi. Chúa sẽ tha thứ.

– Thưa cha Serghi, con sẽ cải đổi đời mình. Cha đừng bỏ mặc con.

– Cô hãy đi đi.

– Cha hãy tha thứ và ban phước cho con.

– Nhân danh Cha, con và thánh thần, – nghe có tiếng nói sau bức vách. – Cô hãy đi đi.

Bà ta òa khóc và bước ra khỏi tu phòng. Viên luật sư tiến lại phía bà ta.

– Thế nào, mình thua rồi hả, chả làm gì được đâu. Bà đi đâu nào?

– Đi đâu cũng được.

Bà ta lên xe và cho tới lúc về tới nhà không nói một lời nào.

Một năm sau, bà ta cắt tóc ngắn và sống cuộc đời khổ hạnh trong tu viện dưới sự dìu dắt của ẩn sĩ Akxeni, người họa hoằn mới viết thư cho bà ta.

6

Cha Serghi còn trải qua cảnh tu hành ẩn dật thêm bảy năm nữa. Thoạt đầu, Serghi đã nhận nhiều thứ mà người ta đem tới cho ông, nào chè, đường, bánh mì trắng, nào sữa, áo quần và củi. Nhưng càng về sau ông càng quy định cuộc sống của mình một cách khắt khe hơn, từ chối mọi thứ không cần thiết và rốt cuộc ông đã đi tới chỗ không nhận cái gì ngoài bánh mì đen, mỗi tuần một lần. Mọi thứ người ta đem đến cho ông, ông đem phân phát cho những người nghèo đến với ông.

Cha Serghi đã dùng tất cả thì giờ của mình tại tu phòng để cầu kinh hoặc chuyện trò với các khách thăm viếng đến ngày càng đông. Mỗi năm, cha Serghi chỉ ra nhà thờ có ba lần, cha cũng đi lấy nước hoặc lấy củi khi cần thiết.

Ông sống như vậy được năm năm thì câu chuyện với Makovkina nhanh chóng lan rộng khắp nơi, chuyến viếng thăm ban đêm của bà ta, sự chuyển biến của bà ta sau chuyện đó và việc bà ta vào tu viện. Từ đó danh tiếng của cha Serghi bắt đầu lừng lẫy. Khách viếng thăm tới ngày càng nhiều, các tu sĩ đến trú ngụ cạnh tu phòng của ông, nhà thờ và nhà khách được xây dựng gần đó. Danh tiếng của cha Serghi, như thường lệ, ngày càng lừng lẫy, làm tăng thêm các công tích của ông. Từ phương xa, người ta bắt đầu lũ lượt kéo về chỗ ông và bắt đầu đưa người ốm tới chỗ ông, quả quyết rằng ông sẽ chữa khỏi cho họ.

Việc chữa lành bệnh lần đầu tiên xảy ra vào năm thứ tám trong cuộc đời ẩn dật của ông. Đó là việc chữa khỏi bệnh cho một chú bé mười bốn tuổi do bà mẹ đưa tới chỗ cha Serghi với lời cầu xin ông đặt tay lên đầu nó và ban phước. Cha Serghi cũng không hề nghĩ là mình có thể chữa khỏi bệnh cho người ốm. Có lẽ ông coi ý nghĩ như thế là tội lỗi lớn của thói kiêu hãnh; nhưng người mẹ dẫn đứa trẻ tới cứ nằng nặc cầu xin ông, nằm lăn xuống chân ông, nói: Vì sao ông chữa lành bệnh cho những người khác, mà lại không muốn giúp đỡ con trai bà ta, bà cầu xin ông hãy vì Chúa mà cứu giúp. Khi nghe cha Serghi quả quyết rằng chỉ có Chúa mới chữa khỏi bệnh, bà ta nói rằng bà ta chỉ xin ông đặt tay lên đầu đứa trẻ và cầu kinh. Cha Serghi từ chối và đi vào tu phòng của mình. Nhưng hôm sau (hồi đó là mùa thu và đêm đã lạnh) khi bước ra khỏi tu phòng lấy nước, ông lại trông thấy người mẹ với đứa con trai của mình chú bé mười bốn tuổi nhợt nhạt, hốc hác, và ông lại nghe thấy vẫn những lời cầu xin đó. Cha Serghi sực nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn nói về vị quan tòa không công minh, và trước đây vốn tin chắc rằng mình phải từ chối, bây giờ ông cảm thấy hoài nghi và một khi cảm thấy hoài nghi, ông bắt đầu cầu nguyện và ông đã cầu nguyện cho tới khi nảy ra quyết định trong lòng mình. Quyết định đó là: Ông phải thực hiện yêu cầu của người đàn bà, niềm tin của bà ta có thể cứu được đứa con trai, bản thân cha Serghi, trong trường hợp này chỉ là một công cụ nhỏ mọn do Chúa lựa chọn.

Tác giả: