Đức cha Serghi – Lev Tolstoy

Ông sực nhớ tới những lời cầu nguyện của mình trong thời gian đầu tu hành ẩn dật, khi ông cầu nguyện Chúa ban cho ông sự trong sạch, sự nhẫn nhục và tình thương. Và lúc đó ông đã trở nên trong sạch, đã chặt đứt một ngón tay của mình, và đã nhặt mẩu ngón tay nhăn nheo đó lên, hôn nó, ông tưởng như ông cũng đã trở nên nhẫn nhục vào lúc ông luôn luôn xấu xa vì tội lỗi của mình, và ông tưởng như ông đã có được tình thương, khi ông sực nhớ tới hồi ấy ông đã cảm động xiết bao khi đón tiếp người lính già say rượu tới gặp ông xin tiền và khi đón tiếp bà ta. Nhưng bây giờ? Và ông tự hỏi mình, ông có yêu ai không, có yêu Sophia Ivanovna không, có yêu cha Serapion không, có yêu thương tất cả mọi người tới với ông ngày hôm nay không, có yêu chàng trẻ tuổi uyên bác mà ông đã trò chuyện để răn bảo, chỉ cốt phô trương trí tuệ của mình với anh ta và tỏ ra không lạc hậu về học vấn so với anh ta không? Ông thấy thú vị và cần đến tình yêu của họ, nhưng ông đã không cảm thấy tình yêu thương đối với họ. Giờ đây trong ông chẳng có tình thương yêu, chẳng có sự nhẫn nhục, cũng như chẳng có sự trong sạch.

Ông thú vị khi được biết rằng con gái người lái buôn hai mươi hai tuổi, và ông muốn biết cô ta có đẹp hay không. Và khi hỏi về sự ngẩn ngơ của cô ta, chính là ông muốn biết cô ta có cái vẻ hấp dẫn của phụ nữ hay không.

“Chả lẽ mình đã sa đọa đến thế? – Ông nghĩ. – Lạy Chúa, xin Người hãy giúp đỡ con, xin Người hãy phục hồi con, vị chúa tể và đức chúa của con”. Rồi ông chắp tay lại và bắt đầu cầu nguyện. Bầy chim họa mi hót lảnh lót. Một con bọ dừa bay lên người ông và bò lên gáy. Ông gạt nó đi. “Có Chúa hay không nhỉ? Sự thể sẽ ra sao, khi ta gõ cửa một ngôi nhà khóa chặt ở ngoài… Khóa ở trên cửa ra vào và có lẽ ta đã nhìn thấy cái khóa ấy. Cái khóa đó là bầy chim họa mi, những con bọ dừa, thiên nhiên. Có lẽ anh chàng thanh niên ấy nói đúng”. Ông bắt đầu lớn tiếng cầu nguyện và cầu nguyện mãi cho tới khi những ý nghĩ đó biến mất và ông cảm thấy mình trỏ lại thật bình tĩnh, tin tưởng. Ông kéo chuông và bảo người giúp việc tu phòng là lúc này hãy để cho người lái buôn dẫn con gái vào.

Người lái buôn khoác tay con gái, dẫn nó vào tu phòng rồi lập tức đi ra ngay.

Đó là một cô gái tóc vàng, trắng nõn, tái nhợt, phốp pháp, cực kỳ hiền lành với vẻ mặt trẻ thơ sợ sệt và với thân hình phụ nữ rất phát triển. Cha Serghi ngồi lại trên ghế dài ở cửa ra vào. Khi cô gái đi ngang qua và dừng lại gần ông, ông đã ban phước cho cô, và ông thấy khiếp sợ bản thân mình, khi ông ngắm nghía cơ thể cô ta. Cô ta đã đi qua, còn ông cảm thấy mình như bị ong đốt. Qua nét mặt cô ta, ông thấy cô ta là người ham tình dục và ngẩn ngơ. Ông đứng dậy và đi vào tu phòng. Cô ta ngồi trên chiếc ghế đẩu và chờ ông.

Khi ông vào phòng, cô ta đứng dậy.

– Con muốn đến với ba con cơ, – cô nói.

– Con đừng sợ, – ông nói. – Con đau thế nào?

– Con đau khắp cả, – cô nói và bỗng nhiên khuôn mặt cô ta ánh lên nụ cười.

– Con sẽ khỏe mạnh, – ông nói. – Con hãy cầu nguyện đi.

– Cầu nguyện làm gì, con đã cầu nguyện rồi, chẳng ăn thua gì. – Và cô ta vẫn cứ mỉm cười. – Cha hãy cầu nguyện và đặt tay lên mình con đi. Con đã nằm mơ thấy cha.

– Con đã thấy như thế nào?

– Con thấy cha đã đặt tay lên ngực con như thế này này. – Cô cầm lấy tay ông và áp lên ngực của mình. – Đây, chỗ này.

Ông chìa tay phải cho cô.

– Tên con là gì? – Ông hỏi, toàn thân run bắn lên và cảm thấy mình đã chiến bại, tình dục đã vượt ra khỏi sự kiềm chế.

– Maria. Sao cơ ạ?

Cô ta cầm lấy tay ông và hôn, sau đó dùng một tay ôm lấy ngang lưng ông và ép sát vào mình.

– Con làm gì thế? – Ông nói. – Maria. Con là ma quỷ.

– Chà, có lẽ chả sao đâu.

Và cô ta ôm lấy ông, ngồi cùng với ông ở trên giường.

Lúc rạng sáng ông bước ra ngoài thềm.

“Chả lẽ mọi chuyện đó đã xảy ra? Ông bố sẽ tới. Cô ta sẽ kể chuyện lại. Cô ta là ma quỷ. Mình sẽ làm gì nhỉ? Đây kia, chiếc rìu mình đã dùng để chặt đứt ngón tay”. Ông vớ lấy chiếc rìu và đi vào tu phòng.

Người giúp việc tu phòng gặp ông.

– Cha sai bổ củi ạ? Cha cứ để rìu đấy cho con.

Ông trao chiếc rìu. Ông bước vào tu phòng. Cô ta nằm ngủ. Ông khiếp sợ nhìn cô ta. Ông đi vào cuối phòng, lấy chiếc áo nông dân mặc vào, lấy kéo cắt tóc, rồi bước ra lần theo con đường nhỏ ở sườn đồi dẫn xuống sông, nơi đã bốn năm nay ông không đặt chân đến.

Con đường lớn chạy dọc ven sông; ông đi theo con đường đó đến tận giờ ăn trưa. Tới giờ ăn trưa ông bước vào ruộng lúa mạch và nằm trong đó. Chiều tối ông đi tới một làng ở ven sông. Ông không đi vào trong làng, mà đi tới chỗ bờ dốc đứng ở ven sông.

Đó là buổi sáng sớm, trước lúc mặt trời mọc độ nửa tiếng đồng hồ. Mọi vật đều mờ xám và ảm đạm, ngọn gió lạnh lẽo lúc ban mai thổi từ phía Tây tới. “Phải rồi, cần phải kết thúc. Không có Chúa. Kết thúc thế nào nhỉ? Lao mình xuống sông à? Mình biết bơi, nên sẽ không chết đuối. Tự treo cổ chăng? Ừ, dây lưng đây, treo mình lên cành cây kia”. Điều đó tưởng như có thể và gần gũi quá, đến nỗi ông thấy khiếp sợ. Ông muốn cầu kinh như thường lệ, vào những giây phút tuyệt vọng, nhưng chẳng có ai để mà cầu nguyện. Có Chúa đâu. Ông nằm, chống khuỷu tay. Và bỗng nhiên ông cảm thấy buồn ngủ đến mức không thể dùng tay đỡ đầu lâu hơn nữa, ông duỗi tay ra, kê dưới đầu và lập tức thiếp đi ngay. Nhưng giấc ngủ đó chỉ kéo dài trong khoảnh khắc, ông lập tức bừng tỉnh dậy và bắt đầu nhìn thấy nửa như trong giấc mơ, nửa như trong hồi tưởng.

Và thế là ông nhìn thấy mình hầu như hãy còn là một chú bé ở trong nhà mẹ tại làng quê. Một chiếc xe ngựa đi tới gần nhà và từ trên xe bước xuống là bác Nikolai Sergeievich với chòm râu đen rậm, xòe ra như cái quạt, cùng với cô bé Pasenka gầy gò với cặp mắt to hiền lành và bộ mặt bẽn lẽn tội nghiệp. Thế là họ đưa cô bé Pasenka này tới nhập bọn với lũ trẻ con trai. Phải chơi đùa với cô bé, nhưng chán ngắt. Cô ta ngốc nghếch. Rốt cuộc lũ trẻ trêu chọc cô bé, bắt cô ta phải tỏ là cô biết bơi. Cô ta nằm trên sàn và làm động tác trên cạn. Lũ trẻ cười khanh khách và biến cô thành con bé lố bịch. Cô ta thấy rõ như vậy, nên đỏ bừng mặt và trở nên đáng thương, đáng thương đến mức xấu hổ, và không bao giờ có thể quên được nụ cười nhăn nhó hiền lành, nhẫn nhục ấy của cô ta. Và Serghi nhớ lại lúc gặp cô ta sau đó. Ông đã gặp cô ta rất lâu về sau, trước khi ông trở thành tu sĩ. Cô ta lấy một điền chủ nào đó, người này phá tán hết tài sản của cô và đánh đập cô. Cô có hai đứa con: một trai và một gái. Đứa con trai chết lúc còn nhỏ.

Serghi nhớ lại ông đã trông thấy người đàn bà bất hạnh đó như thế nào. Sau đó ông gặp bà ta ở tu viện, lúc này bà đã góa chồng. Bà vẫn như thế – không thể nói là ngốc nghếch, nhưng vô duyên, tầm thường và đáng thương. Bà đã cùng với con gái và chồng chưa cưới của nó tới thăm tu viện. Họ đã nghèo túng rồi. Sau đó ông nghe nói bà sống đâu như ở một huyện lỵ và bà rất nghèo túng. “Mà tại sao mình nghĩ tới bà ta nhỉ? – Ông tự hỏi. Nhưng ông không thể thôi nghĩ tới bà. – Bà ta ở đâu? Tình cảnh của bà ta ra sao? Bà ta vẫn bất hạnh như khi phải nhoai mình trên sàn nhà làm động tác bơi lội chăng? Vì sao mình lại nghĩ tới bà ta? Mình làm sao thế? Phải kết thúc thôi”.

Ông lại cảm thấy khiếp sợ và để thoát ra khỏi ý nghĩ đó, ông lại xoay ra nghĩ về Pasenka.

Ông nằm như thế hồi lâu, suy nghĩ khi thì về cái kết cục không thể tránh được của mình, khi thì về Pasenka. Ông hình dung Pasenka như là một sự cứu rỗi. Sau cùng ông ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ ông thấy một vị thiên thần bay tới với ông và nói: “Con hãy tới chỗ Pasenka và hỏi bà ta xem con cần phải làm gì, tội lỗi của con do đâu và đâu là sự cứu rỗi của con”.

Ông bừng tỉnh dậy và sau khi quyết định rằng đây là sự báo mộng của Chúa, ông cảm thấy vui mừng và quyết tâm làm theo những điều Chúa phán bảo ông trong giấc mơ. Ông biết cái huyện lỵ, nơi bà sinh sống, – huyện đó ở cách đây khoảng ba trăm versta, – và ông đi tới đó.

8

Đã lâu Pasenka không còn là Pasenka nữa mà là Praskovia Mikhailovna già nua, héo hắt, da nhăn nheo, mẹ vợ của Mavrikiev, một viên chức nghiện rượu, một kẻ không thành đạt. Bà sống ở huyện lỵ, nơi làm việc cuối cùng của con rể, và tại đây bà làm lụng nuôi sống gia đình: Nuôi cả con gái, con rể đau ốm vì bệnh loạn thần kinh, lẫn năm đứa cháu.

Bà nuôi sống họ bằng cách đi dạy âm nhạc cho các cô gái con lái buôn, mỗi giờ năm mươi kopek. Mỗi ngày bà dạy bốn, đôi khi năm tiếng đồng hồ, bởi thế mỗi tháng bà kiếm được khoảng sáu chục rúp. Cho tới nay trong khi chờ xin một chỗ làm mới, họ sống bằng số tiền đó. Để kiếm việc cho con rể, Praskovia Mikhailovna đã gửi thư cầu xin tới tất cả bà con thân thuộc và những người quen biết của mình, trong đó có Serghi. Nhưng bức thư đó đã không đến tay ông.

Đã thứ bảy rồi, Praskovia Mikhailovna tự mình nhào bột mì với sữa và nho khô để làm thứ bánh mà người đầu bếp nông nô của cha bà đã từng làm rất khéo. Praskovia Mikhailovna muốn chiêu đãi các cháu nhân dịp ngày lễ sáng hôm sau.

Tác giả: