Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Tiểu thuyết: Những ngã tư và những cột đèn

Tác giả: Trần Dần

Lời nói đầu

Tác giả và tác phẩm có bao giờ chia nhau cùng số phận? Có bao giờ đi bên nhau suốt hành trình cuộc đời? Trần Dần và Những ngã tư và những cột đèn của ông có lẽ là những ngoại lệ, có xa cách, có hội ngộ, và mỗi bên theo đuổi một số phận khác thường.

Trần Dần viết Những ngã tư và những cột đèn sau một thời gian tiếp xúc với nhiều ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Sở Công an Hà Nội đã cấp giấy phép ra vào trại giam, để sau đó bản thảo được gửi lên Sở Công an, khi đã hoàn thành. Đây là bản viết tay duy nhất, đề năm 1966.

Cuộc chia tay của tác giả và tác phẩm kéo dài 22 năm. Một ngày năm 1988 Sở Công an Hà Nội mang bản thảo trả lại Trần Dần, tại nhà riêng, cùng tập thơ chép tay Cổng tỉnh. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng toàn bộ các nhà xuất bản đều từ chối ông, cùng Những ngã tư và những cột đèn, mặc dù trên danh nghĩa, Trần Dần và các bạn của ông thời Nhân văn-Giai phẩm đã được Hội Nhà văn chính thức ra quyết định phục hồi năm 1987.

Những ngã tư và những cột đèn, cùng mọi tác phẩm khác, lại bị trả vào ngăn kéo. Phải chờ thêm bốn năm sau ngày nhận lại hội tịch, tác phẩm đẩu tiên của Trần Dần mới được xuất bản, năm 1990, là cuốn Bài thơ Việt Bắc.

Trước khi Trần Dần mất hẳn khả năng làm việc, vì bệnh tật, ông đã quay trở lại với Những ngã tư và những cột đèn một lần nữa, lần cuối cùng. Ông chép lại, và sửa chữa chủ yếu về văn phong. Trong nhật ký 1989, ông nhắc nhiều lần về tiểu thuyết này, ông còn muốn viết một tiểu thuyết nữa. Thế rồi một Những ngã tư và những cột đèn khác ra đời, nhưng cũng là lúc ông khép lại nhật ký đời ông, khép lại những Sổ bụi, cùng toàn bộ sáng tác. Đấy là những ngày giao thừa giữa năm 1989 và 1990.

Lần xuất bản thứ nhất này, của Những ngã tư và những cột đèn, sẽ đánh dấu 21 năm nữa, từ ngày bản thảo được sửa chữa. Và 44 năm, sau ngày tiểu thuyết được hoàn thành.

Những ngã tư và những cột đèn có thể là một tiểu thuyết về chiến tranh, như lời thông báo của anh nhà văn không tên, ở trang đầu cuốn sách? Những tình bạn, những tình yêu, đã đi qua chiến tranh, đi qua hòa bình, rồi lại rơi vào chiến tranh, có còn nguyên vẹn? Và những tính cách, thói quen con người, có thể nào không thay đổi cùng hoàn cảnh? Không một cảnh chiến tranh, nhưng hai chữ chiến tranh đi vào tiểu thuyết ngay từ trang một và trôi theo nhật ký, như một ám ảnh, cho đến trang cuối cùng. Chiến tranh do vậy, tồn tại như một bè đệm. Để “con người TOÀN PHẦN và CỤ THỂ vẫn tiếp tục trong chiến tranh. Và mạnh hơn chtến tranh”, Trần Dần kể như vậy, về Những ngã tư và những cột đèn, trong nhật ký 1989.

Nhưng bản thảo lần thứ hai còn mang thêm một bè đệm khác, cả anh ngụy binh cũ tên Dưỡng, cả anh nhà văn không tên, đều chia nhau cùng một suy tư, về hiện tại, về quá khứ. Họ xử sự với thời gian cùng một cách. Dưỡng tính thời gian theo lối của riêng anh: để gọi tên mùa thu là mùa đông, để ngày tiếp quản tháng Mười trở thành mồng một Tết. Anh nhà văn đi tìm những định nghĩa về thời gian, luôn luôn nhầm lẫn giữa tuần lễ bảy ngày và Chủ nhật. Thời gian của toàn bộ tiểu thuyết di chuyển liên tục, từ 11 năm trước, đến 11 năm sau, rồi lại về 11 năm trước, vậy thì đâu sẽ là hiện tại thực? Dường như những nghi vấn của họ với thời gian, thực chất để đòi những câu hỏi khác về trách nhiệm của người đang sống, đối với hiện tại, và quá khứ.

Trong một trang nhật ký 1989 Trần Dần viết: “Người ta nói nhiều, đến bố cục, chủ đề, í đồ không rõ… Xong người ta bàng hoàng và bảo: in cái này hơn Người người lớp lớp. Vâng, đúng là xa lạ. Tôi tuyên ngôn: tào lao – xông xênh – bàng hoàng. Vô hình, nhưng rõ rệt. Hiện hữu vô hình ấy, là một thực thể. Bàng hoàng ở đó. Bàng hoàng ở những ngã tư. Ai chẳng luôn gặp, những ngã tư. Để rẽ đường nào?” Rồi ở một trang khác, ông lại quay về Những ngã tư và những cột đèn: “Đời lắm ngã tư? Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận, kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chi li, chi hoe, mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”. 45 năm, kể từ ngày nhà văn bắt đầu chép lại cũng bằng mực tím “250 trang nhật kí, lem nhem mực tím” của anh ngụy binh Dưỡng, cho đến hôm nay, những ngã tư của tiểu thuyết vẫn đóng kín. Đây là “những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn” của thế kỷ đã qua. Hôm nay, một ngày năm 2010, chúng mở cửa nằm chờ những bước chân độc giả, để gặp gỡ một thế hệ mới.

Vũ Văn Kha

Kính gửi đồng chí đánh máy. Đề nghị đồng chí, nếu có thể, chú í cho mấy điểm:

  1. Về trình bày, cứ đánh liền không xuống dòng. Chữ đầu đánh luôn từ đầu dòng, không thụt vào. Coi như cuốn sách gồm từng ô, như ô ruộng đầy chữ. Giữa các ô có những vệt trắng, 1 dòng, 3 dòng, 5 dòng, tùy theo, như những bờ vùng, bờ thửa. Những vệt trắng này, xin để trắng, đừng đánh sao.
  2. Chỗ nào đề bằng con số, xin cứ đánh con số. Ví dụ: 8 giờ 30, mùa đông 1959, v.v…
  3. Chữ y, trong cuốn sách này, đa trường hợp viết lại là i, xin cứ đánh i.
  4. Có những chữ dính liền, ví dụ Cônhăc, Côtab, Lily, xin cứ để dính liền.
  5. Những chữ điệp nhiều nguyên âm, ví dụ xìì, khèè, v.v…, xin cứ để như thế.

Tôi đề nghị như vậy, không phải vì tôi muốn lập dị. Tôi rất cám ơn.

Hà Nội 1965, TRẦN DẦN

“Tội phạm, và các thứ tội phạm, phải tự gánh lấy tội lỗi của mình”.

I

Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm sao giúp tôi luôn luôn 37° không lên cơn sốt? Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng. Tôi không tìm được, ở đâu trong nhật kí, trang cuối một cuộc chiến tranh, và ở đâu, trang đầu một cuộc chiến tranh nữa. Nhưng tôi biết, một buổi chiều bình thường, bỗng dưng ngoảnh lại, đã thấy những đám khói sau lưng. Một buổi chiều khác, đã thấy chiến tranh bao vây mọi phía, lấp kín mọi lối đi về. Tôi chuẩn bị một cuốn sách, chép lại từ 250 trang nhật kí, lem nhem mực tím, xen lời kể các nhân chứng, của chiến tranh, của tình bạn, tình iêu. Tôi đi ngược lại thời gian, ngược về những ngày, chiến tranh còn lấp lửng, trong hòa bình. Tôi chuẩn bị cất vào thời gian, những lưu niệm phức tạp, và cả những không vui nào nữa. Nhật kí bắt đầu một buổi tối, không chính xác, năm 1954. Anh Dưỡng là chủ nhân, của nhật kí. Anh thuộc con số những người tham gia trực tiếp hai cuộc chiến tranh, mỗi lần trên một chiến tuyến. Hai cuộc chiến tranh, là hai cuộc đời, không thể chia sẻ, cho nhau. Hai cuộc chiến tranh, là quá khứ của anh, là tương lai của anh, cũng chẳng thể liên quan được đến nhau. Giữa hai cuộc chiến tranh, là ba cuốn sổ tay, khổ 20×18, loại bìa dằn di. Sau này các cửa hàng mậu dịch quốc doanh không bán loại sổ tay này nữa. Sau này tôi hiểu tại sao, anh Dưỡng đã không chọn, những sổ tay bìa hoa hồng, hoặc hoa sen, hoặc hoa đào. Giữa hai cuộc chiến tranh, là nhật kí.

Không biết, tôi đã đọc ở đâu, một í kiến về thời gian, như thế này: hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng, vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả. Í kiến này giúp đỡ tôi, trong nhiều năm dài, và giải thích vì sao, có động từ hi vọng, vì sao, có động tác ghi nhật kí. Cả hai đều xảy ra, vào một thời điểm, mang tên hiện tại, nhưng trong một khoảnh khắc nhất định. Khoảnh khắc này có thể đo được, bằng những giọt đồng hồ, bằng những quyển lịch, tức là bằng những đồ vật hiện hữu. Những đồ vật hiện hữu, do đó, đã giúp cho hiện tại, từ KHÔNG trở thành CÓ. Chính vì vậy mà người đời ghi nhật kí, và cũng chính vì vậy, nhật kí bắt buộc phải bắt đầu, bằng những con số hiện hữu, là ngày, là giờ, là thứ tự của tuần, của tháng, của năm, của mùa. Dường như làm như vậy, hiện tại sẽ được khẳng định rõ ràng, vào một chỗ í nghĩa, trên đường tuyến tính, của thời gian, từ trái sang phải, theo chiều mũi tên bay.

Đông 1954

I như trong thánh kinh: tôi bắt đầu viết nhật kí bằng mực tím. I như trong thánh kinh: tôi chạy trốn. Và cũng i như trong thánh kinh: 24 giờ trước khi bắt đầu nhật kí, tôi tháo hết đạn, vứt xuống cống. Tôi mang súng sang nhà chị Hòa, vào một lúc do dự, giữa chiều và tối. Chị lên nhà trên tiếp tôi. Chưa bao giờ tôi đứng gần chị, cho nên nhân dịp này, tôi ngắm chị lâu hơn. Má chị vừa hơ lửa bếp đỏ ửng, vì vậy vẫn còn mồ hôi, mấy hạt trên trán, vì vậy mặt chị đẹp rạng rỡ. Và vì vậy người chị thon, chắc nịch có mùi gái quê. Tôi nộp khẩu súng côn cho chị. Tay tôi chạm phải tay chị, được một lúc: cả hai bàn tay đều ấm nóng. 7 phút đứng gần chị Hòa, tôi hỏi được bốn câu tóm tắt, chị Hòa trả lời tôi, bốn lần ngắn gọn. Thế rồi tôi về, vào một lúc do dự giữa chiều và tối, giữa một cơn rét bất chợt mùa đông. Ngoài phố vắng bởi vì các cửa sổ, 5 giờ đã khép chặt. Gặp ngày mưa gió sậm sịt như thế này, các cửa hàng khóa cửa từ 4 giờ. Đêm chỉ còn tí đèn nhà Bur, và nhà đèn đỏ đầu phố. Từ 30 ngày tôi lên kế hoạch đi trốn, ở thành phố tôi trộm cướp cả ngày cả đêm. Từ một tháng gió lạnh thổi về, dăm thằng nhảy dù, dăm thằng tàu bò như tôi hợp nhau sẵn súng, ập nhà dân tống tiền. Thế là thành phố loạn. Thế là buổi tối bây giờ, Hà Nội đi ngủ sớm. Quan lính các đảng phái, thằng nào cũng tìm đủ cách vơ vét, lấy tí vốn rồi cút. Tôi không chú í vơ vét. I như trong thánh kinh tôi chú í đi trốn, sĩ quan cũng vô khối thằng trốn. Tối nay bộ đội đã đóng đến Mai Linh, để trong thành tối nay, quân hồi vô phèng. 23 giờ trước nhật kí, tôi cải trang làm thợ. Tôi vận mũ xanh, quần vải xanh, áo vải xanh, thêm áo len và giày batkêt xanh. Tôi đeo chiếc bị cói bên trong nhét vừa chiếc khăn mặt, và một bộ đồ để thay, cả hai đều nhuộm cùng một màu xanh.

Tác giả: