Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Tôi nói: “Rất có thể”, vấn đề giản dị, mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi và Cốm nằm trong chăn ấm, vẫn nghe được mưa rơi trên mái, hạt nào nặng, hạt nào nhẹ. Tôi ngửi mùi hồ giặt, khăn trải giường. Điện tắt từ lúc nào, tôi không để í. Cốm chủ động ôm tôi. Cái thai trong Cốm được 4 tháng, là thai con so. Chưa bao giờ như đêm nay, khi em Cốm gần tôi. Em Cốm sặc mùi mới cưới. Rồi, Cốm ngủ. Đồng hồ tôi kêu tictăc. Cốm đã ngủ, tôi vẫn thao láo mắt. Tôi dậy bật đèn, tôi hâm nóng càphê, bởi vì tôi biết mưa sẽ rơi thấu sáng, tôi sẽ thức suốt đêm. Sọ tôi sẽ nói: “Rõ rồi. Nếu thằng nhọn cằm không phải công an, thì rõ rồi”. Tôi sẽ nói, không ngờ Cốm lại có sáng kiến, trinh thám đến thế. Tôi sẽ đòi sọ mở cửa, để tôi lục lộn tùng phèo, để tìm bọn kỉ niệm. Tôi sẽ dựng được một giả thiết trinh thám, không kém tình tiết thú vị. Đồng hồ tôi sẽ vẫn kêu tictăc, để tôi nghe cả đêm. Mưa sẽ vẫn dầm dề ngoài ngã tư. Cốm sẽ thức dậy, gần sáng sẽ không thấy tôi bên cạnh. Cốm sẽ gọi tôi, sẽ lại giấu mình mê mệt, dưới một trăm bông hoa ba màu, một trăm bông hoa kết lại như một hòn đảo hình chữ nhật, bồng bềnh trên nước. Lại sẽ mùi cô dâu mới, và mùi hồ giặt mới. Gà gáy le te, trong mưa dầm. Bình minh lờ nhờ, ngoài cửa sổ. Tôi cảm thấy tất cả những mùi, những màu, của một đám cưới mới, mới toanh, trong một đời người.

VIII

Tháng một 1966. Chị Hòa kể: trong ban bảo vệ khu phố, từ 12 năm nay, chỉ có mình tôi là phụ nữ. Đàn ông xung quanh tôi thường xuyên định kiến với phụ nữ, về khả năng kém chính xác, và đặc trưng thiếu nghiêm khắc của họ. 12 năm nay, tôi luôn phải chiến đấu, với những khiêm khuyết, của bản thân. Kết quả là kí ức của tôi chính xác, đàn ông hiếm người bì kịp. Tôi nhớ buổi sáng ấy, của 11 năm trước: cô Trinh sang tôi lúc 6 giờ. Tôi chạy ra cổng đón cô, như hai chị em, vì tôi đã tiếp cô từ 11 đến 12 giờ, đêm hôm trước, trên cương vị một nhân viên bảo vệ khu phố. Vừa vào nhà, cô đã nói ngay: “Có chuyện này lạ, nên em phải sang sớm”. Cô gặp may, vì lúc ấy 6 giờ, anh Thái cũng đến, để tôi cung cấp cho anh 36 tài liệu công tác ngụy quân ngụy quyền, do tôi viết. Thế là anh Thái ngồi nghe, cô kêu oan cho chồng. Cô nói lưu loát, mạch lạc khác hẳn ngày thường. Cô phát hiện, việc thằng nhọn căm lởn vởn, quanh chồng cô. Cô kết luận: “Em khẳng định trong chuyện này, có địch. Ba sự việc đều xoay quanh nhà em, không có lẽ tình cờ. Nhà em oan. Có kẻ âm mưu hại nhà em”. Anh Thái có vẻ nghe chăm chú. Anh hỏi: “Địch làm hại chồng chị vì mục đích gì?”. Cô Trinh đáp: “Em không biết. Nhưng nhà em bị oan” rồi ngơ ngác, rồi lo lắng. Anh Thái nói: “Thôi được. Chị về khuyên, anh phải tin chính phủ sáng suốt. Chị bảo anh đợi tôi ở nhà. Lát nữa, đúng 8 giờ, tôi đến nhà anh chị”. Đúng 6 giờ 35 cô Trinh về. Tôi lại tiễn cô ra tận cổng, như hai chị em.

Tôi định pha càphê. Nhật kí tiếp tục: nhưng anh Thái không uống càphê. uống trà thì anh đồng í. Anh vào đề luôn. Anh nói: “Ban sáng tôi có nghe, chị nhà khiếu nại. Tôi đến gặp anh, không nhằm mục đích khác. Tôi muốn hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. nhưng đầu tiên, tôi phải nói để anh iên trí. Bên tôi phụ trách trực tiếp anh, bên tôi không cử ai theo dõi anh, vì không cần thiết. Thằng cha nhọn cằm nào đó, không phải là người của bên tôi, anh có thể tin như vậy”. Tôi nói: “Vâng. Trước tôi thắc mắc. Bây giờ tôi hiểu, không phải bên anh”. Anh Thái nói: “Chúng ta nói chuyện bình thường, thật bình thường. Anh muốn nói gì, cứ nói hết. Tôi có thể ngồi chơi lâu được. Thái độ anh Thái thẳng thắn, làm tôi iên trí. Tuy nhiên, cái nhìn của anh vẫn nhọn, như dùi. Tôi đưa cho anh tờ thú. Tôi nói: “Đề nghị anh xem qua. Tôi kể hết trong này. Rồi anh muốn hỏi gì, anh cứ hỏi”. Tôi nói thêm: “Có lẽ tiện hơn”. Anh Thái gật đầu, rồi ngồi đọc. Tôi loay hoay pha trà. Hôm nay là ngày thứ ba, trong cái nạn 3 ngày của tôi. Hôm nay trời vẫn mưa. Anh Thái đọc tờ thú, không lộ gì trên nét mặt. Tôi ngược lại, muốn kêu oan với anh, kêu to. Tôi rót trà vào cốc. Anh Thái đã đọc xong, anh để tờ thú xuống bàn vẻ mặt vẫn bình thường. Tôi mời anh uống trà. Anh hỏi. Tay nhọn cằm ấy, hình dáng thế nào?” Tôi trả lời: “Người tầm thước, dáng lanh lẹn. Mặt dài và mỏng. Da tai tái. Cằm nhọn và vẹo về bên phải, nom như lắp vào mặt”. Anh Thái hỏi: “Cằm như lắp vào mặt, nghĩa là gì?” Tôi nói: “Ấy là cảm giác của tôi, của cả Lily”. Tôi im bặt, vì buột mồm, nên nói tên Lily. Anh Thái hỏi: “Lily làm sao? Anh cứ nói, đừng ngại”. Tôi nói: “Lily cũng có cảm giác giống tôi”. Anh Thái nói: “Căn cứ theo lời anh mô tả, ở Hà Nội thiếu gì người, cằm nhọn và dài”. Tôi nói: “Không. Không thể có người thứ hai. Không thể có một cái cằm thứ hai, cũng dài và nhọn, như thể lắp vào, như thế”. Tôi không biết tả cho đúng hơn, nên nhắc lại. Anh Thái chỉ vào tờ thú, hỏi: “Cho đến hôm qua, anh vẫn cho hắn là công an. Tại sao bây giờ anh lại cho hắn là địch?” Tôi trả lời: “Chỉ hôm qua, vợ tôi nói, hắn không thể là công an, tôi mới nghĩ ra. Tôi nghĩ cả đêm. Té ra từ một năm nay, chính hắn là kẻ gây cho tôi đủ thứ u uất. Tôi không có căn cứ gì. Bây giờ anh nói, hắn không phải là người của bên anh, tôi càng tin hắn là địch. Từ lâu nay, gặp ai tôi cũng nghi hoặc, kể cả các bạn tôi”. Anh Thái không nói gì, anh chờ tôi nói tiếp.

Thế là tôi kể. Tôi kể hết, toàn bộ buổi chiều, tôi và Tình Bốp uống 18 chén rượu cứ vơi lại đầy. Có đôi lúc tôi dừng lại. để đếm các con số, từ 1 đến 18, để đừng nhầm chén nọ vào chén kia. Có lúc tôi dừng lại, để nhìn vào gương, nhưng không tìm thấy bóng tôi. Chỉ thấy một anh Thái trong gương, đang nhìn tôi, chăm chú. Tôi không ngạc nhiên, cũng không có thời gian ngạc nhiên. Nhưng lúc này ghi nhật kí, tôi mới hiểu là, khi anh Thái không trực tiếp nhìn vào mắt tôi, để tôi đừng bối rối, lại là lúc anh đang quan sát cái bóng của tôi, trong gương. Cũng để tôi đừng bối rối. Kết quả, đúng là tôi đã không bối rối thật. Tôi kể mạch lạc, không nhầm lẫn. Tôi kể xong, anh Thái hỏi: “Bây giờ anh kết luận về Tình Bốp thế nào?” Tôi nói: “Tình Bốp trước kia, là bạn thân nhất của tôi. Bây giờ tôi nghĩ khác. Tình Bốp hoặc do công an cử đến, thăm dò tôi, hoặc là người ám muội. Tôi biết tôi bị nó kích động, biết nó thầy dùi, nhưng vẫn thích uống rượu với nó. Tôi không hiểu tại sao?” Anh Thái nói: “Đấy là tác động tinh thần”. Tôi nói: “Vâng. Tình Bốp tác động tinh thần tôi. Nó làm tôi điêu đứng. Bây giờ tôi mới tỉnh hẳn, như người giã bùa”. Anh Thái nói: “Hắn tính lầm. Hắn định tác động anh thêm, không ngờ anh đã thay đổi. Ấy là ưu điểm của anh. Tôi cũng muốn anh biết, Tình Bốp không phải là người của bên tôi. Tôi nói: Đêm qua, tôi nghĩ thấu sáng. Thủ phạm phát súng năm ngoái, thằng nhọn cằm và Tình Bốp, có thế chỉ là một nhân vật. Không ai có thể có nổi cái cằm dài như thế, trừ khí là cằm giả lắp vào. Vả lại, làm sao thằng nhọn cằm lại biết, lúc nào tôi đi đâu, lúc nào tôi ờ đâu, và tâm lí từng ngày của tôi, để đón đường mà làm tác động. Anh Thái nói: “Giả thuyết này hay đấy”. Tôi nói: “Theo sách trinh thám, bọn gián điệp muốn lôi kéo ai, chúng tìm cách đẩy người đó, tới nước bí, rồi ép đi theo chúng. Nhưng cũng có thể khác”. Anh Thái nói: “Anh cứ nói đi”.

Tôi nói: “Nhưng có thể không như thế. Không có gì như thế cả. Thủ phạm phát súng, tất nhiên là địch. Có khi nó đã giải nghệ, nằm im ở đâu đó. Có khi nó đã chết rồi. Có khi nó đã bị bắt. Thằng nhọn cằm, có thể là một thằng bất hảo có mục đích bất lương, vô tình mà gặp tôi luôn luôn. Cũng có thể tôi nghi oan cho Tình Bốp. Có thể nó vô tình, cá tính nó thế”. Anh Thái nói: “Anh, Tình Bốp và Đoành, ba người chơi thân nhau, từ bé. Cá tính Tình Bốp, anh phải rõ chứ”. Tôi nói: “Từ hồi đồng ấu, Đoành đã nói dối. Tôi ngổ ngáo, hay đánh nhau. Còn Tình Bốp, thì hay mưu mẹo, càng lớn càng lắm mưu mẹo. Rất có thể tôi đang nghi ngờ nó, nên tôi nghĩ về nó xấu như vậy”. Nói rồi, tôi im. Tôi chờ anh Thái biểu lộ cái gì, nhưng anh Thái không biểu lộ gì cả. Tôi im. Lát sau, anh Thái nói: Anh còn gì muốn nói nữa không? Như vậy, anh có ba giả thuyết. Giả thuyết số 1, Tình Bốp, thằng nhọn cằm và thủ phạm phát súng là ba thằng khác nhau, không cùng đồng bọn, với nhau. Số 2, ba thằng là một bọn, chúng thông đồng nhau, để làm hại anh, đưa anh vào thế cùng, vì một mục đích, không rõ. Số 3, ba thằng thực chất chỉ là một nhân vật. Anh thiên về giả thuyết nào?” Tôi không thích chữ giả thuyết lắm, cho nên tôi chữa lại, thành chữ giả thiết. Tôi nói: “Đêm qua, tôi thiên về giả thiết số 2. Sáng nay, tôi phân vân. Bây giờ tôi càng phân vân. Giả thiết số 3 là mới nhất. Tôi cũng nghĩ đến vai trò có thể của thằng Macxen trùm Phòng Nhì, vì nó thân với Tình Bốp. Tôi còn nghĩ, ngay cả Đoành cũng dính dáng vào đây, thế nào đấy. Vì Tình Bốp muốn tôi tấn công Đoành”. Anh Thái nói: “Giả thuyết nào cũng vậy, có thể có và có thể không. Anh có thể tin thế này, bao nhiêu hoạn nạn của anh, của cả tôi, của tất cả mọi người, đều do thằng địch. Không lẽ ta tự gây hoạn nạn cho ta? Cá biệt hoặc vô tình, có thể lắm, nhưng ta chỉ muốn tốt cho ta thôi”.

Tôi nói: “Vâng. Nhân đây tôi muốn kêu, với anh một việc, là ông Trung trố. Ông đối với tôi quá đáng, đến mức có lúc tôi nghi ngờ, ông hoạt động bí mật cho bên kia. Có thể vì tôi ức quá, mà nghĩ như vậy, vì ông ấy chẳng có lí do gì, để cố tình hại tôi. Có thể chỉ vì ông ấy quá căm thù địch và quá tích cực công tác, nên ông đối xử với tôi quá con vật. nhưng việc ông Trung trố sỉ vả và làm nhục tôi, cũng làm tôi hiểu được một vài điếu to tát, ở đời. Bởi vì họa phúc vốn lắt léo, mà không phải người ta bất cứ lúc nào cũng nhìn được, cái lí giản dị của nó. Tôi kêu với anh về ông Trung trố, là kêu trên nhưng í đó, không phải trên bất mãn và thù hạn. Ngược lại, tôi kêu trên những sỉ nhục đau đớn, trên hi vọng, để tôi tiến bộ”.

Anh Thái nói: “Anh nói vậy, tôi hiểu. Anh đừng sợ tôi hiểu lầm. về sau này cũng vậy, có chuyện gì, anh nên phản ánh tổ chức khu phố: gặp tôi, hoặc viết thư. Khiếu nại, là quyền lợi của anh. Tôi muốn quay về vấn đề bỏ dở, vấn đề CÓ và KHÔNG. Anh thử nghĩ xem, ta chỉ muốn KHÔNG thôi, để đòi vô sự. Tôi tâm sự với anh một tẹo. Trong công việc của tôi, tôi phụ trách nhiều trường hợp, tôi phải điều tra họ. Công việc vất vả, hồi hộp lắm, không khác gì thầy thuốc theo dõi con bệnh. Có những con bệnh là tình thân, là máu mủ ruột thịt. Trong thâm tâm tôi ao ước thế nào? Tôi không mong vấn đề CÓ nơi họ. Tôi không mong họ CÓ tội. Công việc của công an là thế, là đưa con người đi theo cách mạng. Trong Nam bây giờ tình hình là nghi bừa, bắt ẩu, là giết người vô tội. Trong Nam, mạng người như mạng ngóe, chắc anh đọc báo, anh biết. Miền Bắc tình hình khác hẳn. Khác từ bản chất cách mạng, tới phương pháp làm việc của chính quyền. Phương pháp làm việc của miền Bắc là phương pháp khoa học. Nghi ngờ đối tượng, chỉ có í nghĩa đặt giả thiết. Gạt bớt được một đối tượng nghi ngờ, là tôi rất mừng, là thêm cho miền Bắc một người lao động. Cá nhân, tôi muốn KHÔNG cả, đời vô sự, không có kẻ thù, để tất cả iên ổn làm ăn, tôi chuyển sang làm việc khác. Nay, tôi quay về vấn đề của anh. Anh phân vân, khi nghĩ CÓ, khi nghĩ KHÔNG. Tôi có thể cũng phân vân, như anh thôi. KHÔNG thì ta miễn bàn, vì còn gì mà bàn? Nhưng CÓ thì sao? Anh cố nhớ lại xem, ngược về trước, khi còn Macxen và Lily. Có khi chỉ một chi tiết, nhỏ xíu, mà mở được cả một sự thật lớn”.

Tác giả: