Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Nhọn-cằm là nhân vật có thực. Nhọn-cằm xuất hiện lần đầu gần mùa xuân năm 1955. Ngõ Z, thuộc khu Hoàn Kiếm, có một quán càphê mới dọn, trên vỉa hè. Chủ quán tên là Kiểng, khoảng 37 tuổi, người hom hem, xấu xí. Vợ Kiểng trẻ, khoảng 25 tuổi, xinh và lẳng. Cô tên là Hoa, trước khi lấy Kiểng, là gái làm tiền. Kiểng trong quá khứ là bồi bàn, trong khách sạn. Trong thời gian kháng chiến, đi tàn cư ở Đồng Quan và mở cửa hàng giải khát tại đây. Vợ con Kiểng chết bom. Kiểng hồi cư về Hà Nội, làm nghề bán càphê vỉa hè. Kiểng kiếm được khá tiền. Kiểng biết Hoa là gái làm tiền, nhưng vẫn lấy làm vợ. Hai năm mà họ vẫn chưa có con. Kiểng có tính rất ghen. Kiểng thuê người theo, rình cô vợ, nhưng người theo rình lại bị cô vợ mua chuộc, bằng tiền và bằng sắc đẹp. Khi cơn ghen lên cao, Kiểng lột truồng vợ, quấn tóc vào chân giường suốt một ngày một đêm, đêm hết thì thả đàn kiến vàng vào thân thể vợ, cho chúng tha hồ đốt. Thế mà cô Hoa vẫn chứng nào, tật ấy. Cô đánh thuốc mê anh chồng, rồi đưa trai vào giường ngủ chung. Kiểng tỉnh thuốc mê, đi báo cáo khu phố. Đại diện khu phố là bác Nhuệ già, làm nghề chữa xe đạp. Bác Nhuệ khuyên Kiểng, dù có ghen, cũng phải ghen đúng chính sách dân chủ, và gửi ban phụ nữ khu phố đến, làm công tác giáo dục cô vợ. Cô Hoa tuyên bô với ban phụ nữ: là cô iêu chồng lắm, nhưng chồng cô ốm iếu, không đáp ứng hết nhu cầu sinh lí của phụ nữ, cho nên cô lừa dối chồng, cho nên cô bị chồng đánh. Cô vui vẻ chấp nhận hết. Khách uống càphê toàn bộ là đàn ông, họ đến để ngắm cô Hoa và đôi khi, để ghen tuông lẫn nhau. Trong số họ, có một khách hàng hình dạng đặc biệt, bởi anh ta có cái cằm dài như cằm gỗ. Anh ta hay lui tới uống càphê, khi cô Hoa bán hàng một mình. Hoặc chỉ để mua bao thuốc lá, khi cô Hoa không chỉ có một mình. Lần nào ra về, anh ta cũng để quên một vật gì đó khi thì cái vỏ diêm, khi thì vỏ bao Côtab. Cô Hoa thế nào cũng thu dọn mặt bàn, không quên thu nhặt, những đồ vật ông khách lạ bỏ quên. Chi tiết này dần dần bị đám đàn ông ghen tuông phát hiện. Cho đến một hôm Kiểng đi đâu vắng, rồi bất chợt về, bắt gặp người khách dị dạng, bước ra từ quán càphê. Cô Hoa, như thường lệ, nhạt cái vỏ Côtab bỏ quên của khách, thấy chồng về cho vội vào túi áo, rồi chạy vào nhà vệ sinh. Kiểng bỏ cả khách hàng, đứng bên ngoài đập cửa. Cô vợ không ra, Kiểng đạp tung cửa, cứ thế xộc vào khám túi vợ. Kiểng hỏi: “Bao Côtab đâu?” Cô Hoa nói: “Côtab nào?” Kiểng nói: “Côtab của thằng ma cô, thằng nhân ngãi của mày”. Cô Hoa nói: “Lạ đời. Đàn ông có thứ ghen. Rơi mẹ nó xuống thùng cứt kia kìa”. Kiểng kéo luôn thùng cứt ra, cứ thế vục tay vào, tìm bao thuốc. Trong bao còn bốn điếu thuốc, Kiểng xé nát cả, nhưng không tìm thấy gì nữa. Kiểng nói: “Mày nuốt mất rồi”, và hai tay nhem nhuốc cứ khám khắp người vợ. Đang cơn ghen, Kiểng vốc một vốc cứt định nhét vào mồm vợ, để bắt nôn ra bức thư tình. Cô Hoa thoát được, chạy sang nhà hàng xóm, người nhoe nhoét cứt thối. Chuyện cô Hoa nuốt thư tình, thế la để cả phố bàn tán trong 6 tháng. Người khách có cái cằm gỗ từ hôm ấy biến mất, không quay lại quán càphê nữa. Nhưng với ban bảo vệ khu phố, cô Hoa đã nuốt một bức thư, thư tình hay không thư tình, thì cũng là thư.

Nhọn-cằm xuất hiện lần thứ hai, gần mùa hè năm 1955. Cô P, nhân viên bán sách quốc doanh phát hiện, một chuyện hơi lạ. Khi mùa hè bắt đầu, thì một người khách trung niên cũng bắt đầu đến mua sách, ở cửa hàng cô P. Nhưng cử chỉ và hình dạng của khách làm cô để í. Cô đem chuyện kể với công an. Người khách trung niên, theo lời cô P, có đeo cái cằm giả, do Sở chân tay giả chế tạo, chứ không phải thật. Vì cô được nhìn ở khoảng cách rất gần. Cô P nghĩ có thể ông khách là thương binh, bị đạn lấy mất cằm. Nhưng cái làm cô chú í hơn cả, là cái nhìn của ông, làm cô không biết miêu tả thế nào, làm cô muốn quên mà cứ nhớ mài Lần nào ông này đến mua sách, cũng đánh tráo sách, với những khách hàng khác. Chủ iếu là những khách hàng nữ. Những cô gái này đều xinh đẹp, ông khách lại quá xấu xí. Nhưng họ tráo sách rất khéo. Khi đến quầy cô P để trả tiền, họ đem tôi những cuốn sách giống nhau, cùng để cả lên mặt tủ kính. Họ làm như không quen biết nhau. Họ bắt chuyện cô P, hỏi han đủ thứ, đổi tiền, trả tiền, rồi vào lúc lộn xộn, họ đãng trí lấy nhầm sách của nhau. Cùng là sách mới giống hệt nhau, nên không cần đổi lại nếu cô P có nhắc. Đến bảy tám lần như vậy, cô P mới sinh nghi. Các cô gái đến mua sách cùng Nhọn-cằm, đều chỉ đến một lần, rồi không quay lại nữa. Cô P không chắc chắn nhận mặt được họ. Nhưng với Nhọn-cằm thì cô quả quyết, sẽ nhận ra ngay, nếu cô gặp lại hắn. Cô chờ mãi, cuối cùng Nhọn-cằm cũng quay lại hiệu sách, vào một buổi tối. Cô P kín đáo gọi điện thoại cho công an, nhưng cô còn tiếc mãi, đã không chụp được ảnh, cảnh ông khách đánh tráo sách, với một cô gái xinh đẹp. Cô gái này tên là X, nhà ở phố L.T.K. Từ buổi tối hôm ấy, cô X trở thành một đối tượng, có vấn đề. Còn Nhọn-cằm sau khi rời hiệu sách, đi loanh quanh hồi lâu trong phố, rồi biến vào một hiệu sách cũ. Là hiệu sách Khang. Hiệu sách nằm sát với cổng gara Phi Mã. Lúc ấy hình như 11 giờ đêm. Lão Khang đã đóng cửa hiệu, nhưng còn để hé một cánh cửa ra vào, và vẫn để đèn sáng. Sau khi Nhọn-cằm biến vào sau cánh cửa, lão Khang ra đóng ập cửa lại, rồi tắt đèn. Hai trinh sát của tôi mặc thường phục, được cử đi theo Nhọn-cằm. Họ trẻ tuổi nhưng nhiều kinh nghiệm, đều là trinh sát nội thành, đều thuộc Hà Nội, như lòng bàn tay. Họ đã đến hãng xe Phi Mã nhiều lần, biết rõ hãng xe có ba cổng ra vào. Khi Nhọn-cằm vừa dừng chân, trước cửa hiệu sách, một người đã vòng ngay ra phố K để canh cổng sau. Người kia tìm một địa điểm, có thể quan sát được cả cổng gara, cả cửa ra vào hiệu sách, cả cổng ngách trong ngõ cụt. Vậy là mọi lối ra vào khu nhà, đều được trinh sát của tôi theo dõi suốt đêm. Không thấy Nhọn-cằm đi ra. Không thấy ai ra hoặc vào.

Khoảng 4 giờ sáng, tôi nhận được mật báo. Gà gáy lượt đầu. Tôi vừa mặc quần áo, vừa đặt kế hoạch. Tôi đạp xe tới nhà ông Phúc. Khi tôi tới, cả khu nhà vẫn tối om. Hồi này, ông Phúc đã bán hết xe car, chỉ giữ lại mỗi chiếc tacxi, tự ông lái lấy. Ông mới được bầu vào ban bảo vệ khu phố. Nhà ông rộng, chỉ có hai vợ chồng, nên khu phố mượn phòng, làm nơi họp ban bảo vệ. Tôi đến, vừa đúng lúc ông xuống gara, chuẩn bị tacxi. Tôi dắt xe vào. Tôi nói, muốn mượn nhà ông, làm chỗ họp đột xuất, nên tôi phải đến sớm, trước lúc ông đi. Ông Phúc vâng, vâng. Tiện thể tôi nhờ ông, báo hộ một số người trong ban bảo vệ, đến họp sang nay. Ông Phúc đi ngay. Bà Phúc dậy pha trà. Tôi nhờ bà, lúc tìm hộ bao diêm, lúc cái kéo, lúc tờ giấy, để tôi theo bà, vào thăm căn nhà. Căn nhà rộng mênh mông, nhưng tôi thuộc lòng. Tôi xuống nhà, đi vệ sinh. Ông Khang cũng đã dậy, thấy tôi ông chào, rồi mời tôi vào uống trà. Trong nhà chỉ có hai ông bà. Tôi muốn xem vài cuốn sách, ông dẫn tôi vào ngay hiệu sách. Không có ai cả. Mọi người lục tục đến họp. Tôi nhờ bà Phúc ra chợ, mua chút hoa cắm bàn họp, cho trang trọng. Thế là chúng tôi có đủ thời gian, xem xét khắp ngôi nhà, buồng tắm, các buồng, gầm cầu thang, mọi ngóc ngách, trần nhà, sàn nhà, tường nhà. Không một dấu vết của Nhọn-cằm. Tôi kết luận: một là nhà có hầm bí mật, hai là Nhọn-cằm đã tuồn được ra ngoài, trong đêm, ngay trước mũi chúng tôi. Buổi sáng sớm, lúc nói chuyện, với ông Phúc, tôi đã vờ, mở cửa xe tacxi của ông, xe trống rỗng thật. Thế là Nhọn-cằm đã biến mất. Từ đấy, hiệu sách Khang nằm trong danh sách đối tượng quan sát, của chúng tôi. Chuyện xảy ra từ mùa hè, tới mùa thu Nhọn-cằm lại xuất hiện, trong vụ cậu Dưỡng. Lần xuất hiện cuối, là buổi tối, khi Dưỡng đi đón vợ về, Nhọn-cằm trong bộ paravec bộ đội, vọt qua ngã tư. Từ đó mất tích hẳn. Vậy hắn là ai? Ở đâu? Hắn với bọn Macxen, Lily và Tình Bốp, có cùng một ổ không? Một điểm đáng chú í, là Nhọn-cằm chỉ tác động Dưỡng, trong những thời điểm nhất định, rồi đến lượt Tình Bốp, có vẻ như để tiếp tục chương trình bỏ dở. Tình Bốp không chỉ gây bất mãn, mà nhè vào sinh mạng chính trị của Dưỡng, để thủ tiêu bằng được. Vậy Nhọn-cằm và Dưõng có cùng một ổ không? Và tại sao chúng cần thủ tiêu Dưỡng, theo kiểu đó? Nhưng Dưỡng liên quan đến bọn chúng, nói cách khác, có giá trị với bọn chúng, như thế nào? Có thể còn những khúc mắc, Dưỡng chưa khai hết, có thể Dưỡng muốn che giấu, cho bọn chúng? Nhọn-cằm biến mất, nhưng cô X và cô Hoa, lão Khang, Tình Bốp và Dưỡng là những đầu mối trực tiếp, có thể khai thác được. Tình Bốp nham hiểm như rắn. Dưỡng ngổ ngáo cao bồi dở, nhưng chưa mất bản chất ngay thật. Bây giờ Dưỡng làm phụ lái cho ông Phúc, hằng ngày lui tới, ngôi nhà ba cổng. Tôi nhớ buổi sáng, nói chuyện với Dưỡng, Dưỡng có đặt giả thiết số 3, Nhọn-cằm và Tình Bốp chỉ là một nhân vật. Giả thiết này đến, từ một cuốn trinh thám nào đó, mà Dưỡng đã đọc. Nhưng làm tôi sực nhớ, đã không cho kiểm tra, xem đêm qua, Tình Bốp ở đâu. Tôi chợt nghĩ có thể sử dụng Dưỡng, kết quả có thể đưa tới cái gì.

Đông 1955

Một ngày bất thường. Nhật kí tiếp tục: mỗi mùa đông, đều bắt đầu bằng một sự cố. Mỗi mùa đông, đều bắt đầu bằng một buổi sáng màu xám và một đợt gió mạnh, đổ về thành phố, từ phía sông Hồng. Mùa đông năm nay, tôi bỗng dưng mất hẳn khoái cảm được giấu mình trong chăn ấm lúc 8 giờ sáng. Khi cả thành phố đã đi làm. Dưới một trăm bông hoa, trắng, đỏ, hồng, kết lại thành một hòn đảo mùa đông, hình chữ nhật. Đêm qua, tôi không ngủ. Tôi và sọ tôi mâu thuẫn to. Đến sáng, sọ tôi vẫn khăng khăng. Sọ nói: “Phải báo công an ngay”. Tôi không đồng í, vì nếu đi báo công an, tôi sẽ giống thằng Ngỡi, thằng lèm nhèm. Tôi đàng hoàng thế này, mà xuống chức, thành thằng lèm nhèm. Hôm nay thứ hai, Cốm đã đi làm. Hôm nay là ngày nghỉ hằng tuần của tôi. Tôi vẫn chưa quyết định được, lúc nào sẽ đến trước mặt ông Phúc, để nói với ông là, tôi xin thôi việc. Tôi có một quyết định khác. Tôi mâu thuẫn với sọ, cho nên tôi ra trước gương, tôi nhìn bóng tôi, trong gương. Bóng tôi sáng nay vận áo rét. Bóng tôi cao 1 mét 7, nặng 60 kí không kể số lẻ. Mặt bóng ngổ ngáo. Mặt tôi ngổ ngáo thế này, mà thành thằng mách lẻo, thì không được rồi. Bóng không nói. Suốt đời bóng ít nói. Bóng nhìn, bằng cặp mắt, buồn buồn. Tôi nói: “Vả lại, tôi mách lẻo, thiên hạ khinh cho”. Sọ tôi nói: “Thiên hạ không khinh”. Tôi phìì. Cạn tách càphê. Tôi châm điếu thuốc Trung Hoa Bài. Dạo này Côtab hiếm, nên tôi chuyển sang Trung Hoa Bài, không rẻ hơn, nhưng dễ kiếm. Tôi và bóng tôi nhìn nhau hút thuốc. Sọ tôi giục: “Cứ vô tình đi bộ, qua đồn. Rồi vô tình gặp anh Thái. Rồi vô tình kể chuyện. Vô tình lịch sự hơn mách lẻo”. Bóng im lìm trong gương, nhưng tôi nghĩ, nếu vô tình găp anh Thái, tôi vẫn giữ được, cái mặt ngổ của tôi. Tôi mỉm cười. Bóng cũng mỉm cười, nhưng vẫn im lặng. Tôi ngồi xuống bàn. Tôi không ưng, trò vô tình đến gặp công an của sọ, bởi vì anh Thái mà vô tình không gặp tôi, thì mất cả một buổi sáng. Tôi viết thư, rồi bỏ vào phong bì. Tôi dán phong bì bằng cơm nguội. Tôi gấp phong bì làm đôi, để đút vừa túi áo. Tôi viết ngắn ngủi, như thế này: tôi có việc cần gặp riêng anh Thái. Tôi nghĩ, nếu không vô tình gặp anh Thái, ngoài cổng đồn, nếu anh Thái vô tình đi vắng, tôi sẽ để thư lại. I như trong thánh kinh: tôi sắp là thằng mách lẻo. Cũng i như trong thánh kinh: tôi không được lẫn, vào đội ngũ, những thằng mách lẻo lèm nhèm.

Tác giả: