Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

XVI

Tháng sáu 1966. Tôi chờ ngày chủ nhật, để đóng cửa một nhật kí. Sáng nay, tôi ra phố lúc 6 giờ. Để ở lại hồi lâu trên hè, mà nhìn về cửa sổ. Bên này cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng lá xanh, lá bàng che cửa sổ. Có nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, mui chạm tán bàng. Bên kia cửa sổ tôi tím, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím. Có nhật kí, và bản sao nhật kí. Sáng nay trong lòng phố, tôi bất chợt nhận thấy, phố này tôi ở không đi về, bất cứ một ngã tư nào. Đơn giản vì là phố cụt, chỉ có một đầu, nối vào giữa một đại lộ. Không ngã tư, tôi không mất mấy thời gian, để chọn ngả nào. Nhưng nói đúng hơn, không ngã tư, có nghĩa là, không có lựa chọn. Bởi vì, ra khỏi phố tôi, rẽ trái hoặc phải, cũng rơi vào cùng một đại lộ. Tôi ở phố cụt, từ lâu lắm rồi, mà không nhận ra đặc điểm này. Phát hiện mới, của buổi sáng hôm nay, giống như một mất mát lớn, khiến tôi trống trải không ít. Tôi chợt so sánh, để biết, đời nhiều ngã tư và dời không ngã tư, nên chọn cái nào? Thế là từ phố cụt, tôi trở lại bàn viết, với một câu hỏi trên trán. Từ nhiều ngày nay, tôi bơi trong chương kết. Tôi để cửa sổ mở, để nghe tiếng phản lực lên xuống, liên tiếp từ sớm đến giờ. Đấy là những cuộc tuần tra trên không. Nội thành đã đi sơ tán từ lâu. Trước mặt tôi, là nhật kí của Dưỡng, là ba cuốn sổ tay bìa dằn di, tôi đã chép lại hết. Trước kia, Dưỡng không viết nhật kí. Sau ba cuốn sổ tay, Dưỡng cũng không viết nữa. Tôi không biết, có phải người ta chỉ viết, nhất là viết nhật kí, để đổ bớt bi kịch, lên giấy? Người ta cũng bắt đầu viết, khi linh cảm về một, hoặc nhiều tai họa, sẽ xảy đến? Nhưng cũng có những người, đời đầy bi kịch, chưa một lần viết, một cái gì. Rồi cũng có những người, không kinh nghiệm đau khổ, lại viết, như một lí do để sống. Chiều chủ nhật, tôi đến nhà Dưỡng, ăn cơm và lấy lại tập bản thảo.

Chị Trinh đang làm cơm dưới bếp. Trên nhà chỉ có tôi và Dưỡng. Dưỡng được về phép 5 ngày, hôm nay là ngày thứ tư. Dưỡng nói với tôi: “Tôi chỉ đọc 1/4 bản thảo: tôi từ chối đọc lại nhật kí. Sau này, khi xuất bản, thành tiểu thuyết, có lẽ tôi sẽ đọc, toàn bộ. Bây giờ tôi chỉ đọc lời kể, từ những người khác, mới biết tin của Lily. Thảo nào, có một đêm tôi mơ, thấy Lily. Lily không nói gì, tôi hỏi tôi gọi, Lily cũng không nói, chỉ nhìn tôi, chăm chú lắm. Rồi quay lưng đi mất. Tôi ít ngủ mơ, cho nên cứ mơ thấy ai, i rằng, là điềm xấu. Đọc bản thảo, tôi mới biết, Lily đã cứu sống tôi, một lần. Nhưng bao nhiêu tai họa, cũng bắt đầu, từ một lần Lily cứu sống tôi. Tôi chẳng làm sao quên được”. Dưỡng nói vậy, rồi im lặng. Tôi biết Dưỡng kín đáo, nên không thể nói nhiều. Tôi cũng không biết gì thêm, về Lily. Tôi chỉ hỏi Dưỡng, có muốn thay đổi gì không, cho cuốn sách. Dưỡng nói: “Tôi nhớ có lần Tình Bốp phàn nàn, Lily đi đã lâu, mà không gửi tin về. Tình Bốp không biết, Lily đã thật sự đi Nam, hay bị mắc lại ở miền Bắc. Chuyện thế là hết. Nhưng có một việc tôi áy náy lắm, tôi không gặp lại ông Phúc nữa, tôi không biết có phải ông bị ép cung, nên phải nhận tội giết người. Tôi cũng muốn anh xem lại, một chi tiết sơ suất. Là đoạn, anh Thái công an bắt thằng nhọn cằm. Anh Thái kể: mặt nó tái xanh. Nhưng tôi thạo trinh thám, tôi biết, mặt thằng nhọn cằm, toàn sáp màu và bột màu, làm sao mà tái xanh được. Dù sao, chuyện này cũng xong rồi. Chẳng thay đổi gì được nữa. Nhưng tôi còn muốn anh viết thêm, về chị Hòa. Chị Hòa bây giờ đã lấy chồng mới. Chị lấy anh Thông là người mang thư buồn, đến cho chị. Hôm cưới, anh Thập chồng cũ có về dự. Bây giờ anh Thập là công an biên phòng. Anh Thập hài lòng lắm. Còn cô dâu trong đám cưới, cứ nhìn anh Thập, mà nước mắt chảy hoài. Chuyện của họ là thế, vừa vui vừa buồn”.

Chị Trinh mang cơm lên. Chị Trinh nói với tôi: “Em xem mất một đêm. Bao giờ sách in, anh cho em một cuốn, anh kí tên để kỉ niệm”. Dưỡng nói: “Nhà tôi hay khóc lắm, cứ nghĩ đến chuyện xưa, lại bồi hồi”. Nhân chuyện, chị Trinh thở dài, làm má bên phải lúm đồng tiền. Chị nói: “Thằng con đầu lòng, giá nó còn, bây giờ đã 11”. Dưỡng không nói gì. Cả ba chúng tôi im lặng. Chị Trinh cắn môi, để nén khóc. Lát sau, để phá vỡ im lặng, tôi hỏi Dưỡng muốn đặt tên sách, là gì. Dưỡng trả lời ngay, không một giây suy nghĩ. Dưỡng nói: “Những ngã tư và những cột đèn”.

Hà Nội, 1965-1966
(Bản 1989 chép lại có sửa đổi)

TRẦN DẦN (1926-1997) sinh tại Nam Định. Năm 1946 cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… ông lập nhóm thơ tượng trưng Dạ Đài. Năm 1948 ông gia nhập Vệ Quốc Đoàn, tham gia lập nhóm Văn nghệ quân đội đầu tiên, làm thơ bậc thang, vẽ tranh theo tinh thần lập thể. Năm 1954 ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, viết tiểu thuyết Người người lớp lớp. Năm 1956-1958 ông tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm.

Trần Dần lao động và sáng tạo không ngừng. Những đóng góp của ông cho văn học cuối cùng đã được ghi nhận: tác phẩm Cổng tỉnh được xuất bản năm 1994 sau đó được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2007 ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2008 giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội và năm 2009 tác phẩm Trần Dần – THƠ do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Nhã Nam xuất bản năm 2008 được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô.

Tác giả: